LỜI GIỚI THIỆU:

Cô Nguyễn Đài Thi là cựu Thanh Tra của Sở Thuế Hoa Kỳ (IRS) và cũng là cựu Thanh Tra của Bộ Ngân Khố (Treasury Inspector General). Cô có bằng IRS Enrolled Agent do Sở Thuế cấp. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho Sở Thuế và Bộ Ngân Khố, cô Đài Thi đã từng kiểm toán (audit) hồ sơ thuế của các cá nhân và công ty thương mại. Trong thời gian làm việc cho Bộ Tổng Thanh Tra Ngân Khố, cô cũng đã từng kiểm tra các hoạt động và cách làm việc của Sở Thuế. Với kinh nghiệm đặc biệt này, chẳng những cô Đài Thi rất rành rẽ về luật thuế, mà còn hiểu tường tận về cơ cấu và nội bộ của cơ quan IRS. Cô thường xuyên chia sẻ các đề tài thuế qua các đài radio và TV tại Dallas. Trẻ hân hạnh được cùng cô Đài Thi cộng tác để hướng dẫn đồng hương về luật thuế liên bang và giải đáp các vấn đề rắc rối với Sở Thuế.  Độc giả ở khắp nơi có thể gửi thư bưu điện hoặc email cho tòa soạn Trẻ, ghi chú “Mục Thuế Vụ”.

Email: bientap@trenews.net

Nhắn tin (text only) câu hỏi đến

469-328-3453

hoặc gởi thư về tòa soạn:

3202 N. Shiloh Rd.,

Garland, TX 75044

HỎI: Chào cô Đài Thi, tôi 70 tuổi, ly dị chỉ có một đứa con đã lập gia đình ở riêng. Tôi có vài thắc mắc xin cô vui lòng giúp. Tôi có một căn nhà đã trả nợ hết. Khi tôi mua chỉ có mình tôi đứng tên, còn vợ người thừa hưởng

– Tôi không có di chúc, vậy khi tôi mất, người vợ đã ly dị có được lãnh căn nhà không

– Nếu tôi chỉ muốn để lại căn nhà cho vợ chồng đứa con thì tôi cần làm di chúc phải không

– Nếu tôi tự làm di chúc (viết tay và tên) và đưa cho con tôi giữ thì giá trị như ra luật sư không

– Sau này nếu con tôi được hưởng căn nhà thì cháu phải khai báo đóng thuế như thế nào?

Chân thành cám ơn cô, và chúc cùng gia quyến năm mới sức khỏe và bình an.

ĐÁP: Xin thưa, trong các câu hỏi của ông, chỉ có câu 4 là liên quan đến thuế, còn các câu kia thì liên quan đến luật thừa kế.

Xem thêm:   Phúc Lợi Xã Hội ngày 28 tháng 3 năm 2024

Luật thừa kế không phải là lãnh vực chuyên môn của tôi. Tôi sẽ cố gắng chia sẻ những gì cá nhân tôi hiểu biết, nhưng ông nên gặp luật sư hoặc dịch vụ chuyên về “estate planning”, tạm dịch là “kế hoạch phân phối tài sản”. Kế hoạch này có thể không cần di chúc, nhưng cần làm một số giấy tờ khác, và phải làm càng sớm càng tốt, không nên đợi đến khi lớn tuổi vì bất cứ chuyện gì có thể xảy ra. Hơn nữa, mục đích chính của sự lên kế hoạch trước là để chuyển tài sản nhanh và ít tốn kém, không phải thông qua thủ tục “probate” chứng minh rườm rà tốn kém của chính phủ.

  1. Ông nói rằng căn nhà do ông đứng tên và người vợ cũ có quyền thừa hưởng. Tôi không hiểu quyền thừa hưởng ở đây là gì. Theo luật ở Texas, khi còn trong hôn nhân, đa số tài sản của vợ hoặc của chồng là tài sản chung, trừ khi có ký giấy thỏa thuận đặc biệt. Khi ly dị, tài sản chia chác như thế nào đều có ghi rõ trong giấy tờ ly dị (divorce decree) mà tòa đã chứng nhận. Ông hãy xem kỹ lại nhé, và phải tuân theo lệnh tòa chứ không thể tự ý sửa đổi.
  2. Sau khi xem kỹ lại giấy tờ ly dị tòa đã chứng, nếu ông được hoàn toàn sở hữu căn nhà thì ông có thể cho bất cứ ai thừa hưởng căn nhà khi ông mất. Nếu chỉ làm duy nhất tờ di chúc, thì người thừa hưởng sẽ nhận được căn nhà, nhưng phải trải qua thủ tục rườm rà khoảng 2 năm, và tốn kém ít nhất là 10 phần trăm tiền lệ phí luật sư do tòa chỉ định. Cho nên, nếu lên kế hoạch trước như tôi đã nói trên, thì căn nhà sẽ chuyển tên qua cho người thừa hưởng nhanh chóng và hầu như chẳng tốn kém gì ngoài vài trăm đồng tiền giấy tờ chuyển tên.
  3. Di chúc viết tay hay do luật sư làm có thể có giá trị như nhau, miễn sao hội đủ những chi tiết cần thiết do luật tiểu bang quy định.
  4. Nếu con của ông thừa hưởng căn nhà sau khi ông mất, thì cháu không phải khai báo hay khai thuế gì cả. Chỉ khi nào cháu bán căn nhà đó có lời thì mới phải khai thuế và trả thuế trên số tiền lợi nhuận. Ví dụ như ngày cháu thừa hưởng căn nhà thì giá trị theo thị trường là 300,000 Mỹ kim (bất kể giá ông mua trước đây là bao nhiêu). Nếu cháu không dọn vào nhà ở, và bán đi được $400,000 sau khi đã trừ chi phí và giấy tờ, xem như cháu lời được $100,000, thì cháu phải khai thuế và trả thuế trên số lời $100,000. Giả sử như vợ chồng cháu dọn vào nhà ở ít nhất 2 năm, thì khi bán cháu được miễn thuế lên đến $500,000. Có nghĩa là nếu cháu bán được $800,000 thì sẽ được miễn thuế hoàn toàn (giá bán $800,000 – giá vốn $300,000 = lợi nhuận $500,000 miễn thuế).
Xem thêm:   Phúc Lợi Xã Hội ngày 11 tháng 4 năm 2024

HỎI: Cách đây 2 năm, tôi có bán một building bất động sản và lời được 250,000 đô la.  Tuy nhiên người mua không có khả năng trả đứt cho nên tôi đồng ý cho họ trả góp 5 năm, và tiền lãi suất mỗi năm là 10 phần trăm.  Hai năm qua họ đã trả góp hàng tháng đầy đủ. Còn 3 năm nữa sẽ trả xong hết. Khi tôi đi khai thuế ở chỗ CPA người Việt có hơn 20 năm kinh nghiệm, cô ta giải thích rằng tôi không phải khai số tiền đã nhận được trong 2 năm qua, mà hãy chờ đến khi nào nhận được đầy đủ hết số tiền còn thiếu rồi mới khai thuế và trả thuế một lần luôn. Tôi cảm thấy có cái gì đó không ổn và sợ bị Sở Thuế phạt.  Cô CPA nói rằng nếu tôi bị phạt thì tôi trả tiền phạt, có gì đâu mà lo. Xin cô Đài Thi cho tôi biết rằng tôi lo lắng có quá đáng không? Tôi không dám thay đổi người làm thuế vì người CPA này đã làm thuế cho tôi nhiều năm qua và tôi sợ cô ta không chịu đưa cho tôi tất cả các giấy thuế của tôi để tôi đưa cho người làm thuế khác.  Cám ơn cô Đài Thi.

ĐÁP: Thưa ông, tôi buồn khi nhận được câu hỏi của ông. Buồn vì thấy ông thật sự quan tâm đến việc thuế vụ và muốn khai thuế đúng hạn và đúng luật, nhưng lại gặp phải dịch vụ khai thuế không màng đến hậu quả của sự sai trái hoặc thiếu chuyên môn của họ. Mà việc ông bị Sở Thuế phạt thì chắc chắn là điều sẽ xảy ra.

Theo luật thuế thì năm nào đứng riêng năm đó, không có chuyện năm này khai bù cho những năm kia. Khi ông bán bất kỳ cái gì có lời và ông nhận trả góp, thì ông phải chia tiền lợi nhuận theo tỷ lệ và khai thuế số tỷ lệ lợi nhuận đó hàng năm.  Rất tiếc người CPA của ông không biết luật thuế này. Chẳng những cô ta không khai thuế đúng, mà còn dửng dưng trước việc ông sẽ bị phạt.

Xem thêm:   Mục Thuế Vụ ngày 4 tháng 4 năm 2024

Riêng về bất động sản, thông thường khi mua bán đều làm giấy tờ chuyển nhượng sở hữu tại các văn phòng chuyên về Title. Các văn phòng này bắt buộc phải báo cho Sở Thuế về giá tiền ông đã bán building.  Họ không cần biết giá ông mua trước đây là bao nhiêu và ông lời lỗ như thế nào. Sở Thuế đã biết ông có số tiền bán building này, cho nên nếu ông không khai thuế thì chắc chắn họ sẽ tìm đến ông, vấn đề chỉ là thời gian.

Nếu thật sự người làm thuế cho ông có bằng CPA, thì ông hãy yên tâm là cô ta sẽ phải đưa giấy tờ thuế của ông để ông muốn làm gì thì làm, ngay cả để chuyển qua cho dịch vụ khai thuế khác. Những người có bằng CPA, EA, và luật sư đều phải giao lại giấy tờ cho khách hàng khi khách hàng đòi hỏi, vì đó là luật bắt buộc nếu họ muốn tiếp tục giữ bằng.

Hai năm trước ông bán building tuy lời được 250,000 đô la, nhưng ông nhận trả góp 5 năm, thì xem như mỗi năm ông lời được $50,000 (250,000/5 = 50,000). Cộng thêm vào đó, mỗi năm ông thu được lãi suất ít nhất là 5,000 (50,000 x 10% = 5,000).

Trong hai năm qua, đáng lý ra mỗi năm ông phải khai thuế số tiền thu nhập $55,000 (50,000 lợi nhuận + 5,000 lãi suất).  Đằng này ông không khai thuế đồng nào, thì số tiền phạt tội trả thuế trễ là 5% mỗi tháng, cộng thêm tiền lãi suất khoảng 9% mỗi năm, và còn phải trả tiền phạt tội cẩu thả là 20%.

Để càng lâu tiền phạt càng tăng. Ông thử tính sơ qua thì sẽ thấy rằng số tiền phạt sẽ rất nặng nếu ông chờ đến hết 5 năm khi ông đã nhận được tiền trả góp đầy đủ. Tôi thành thật khuyên ông nên khai thuế lại cho hai năm qua, càng sớm càng tốt, để tiền phạt không tăng nữa. Và từ đây trở đi nên khai thuế hàng năm cho đến khi thu được hết số tiền trả góp.

NĐT