Ngày 18 – 10 -2019
Nghia Huy
Tình cờ đọc thấy truyện “Những giọt mực” của Lê Tất Điều trên mục Tài Liệu Văn Học của quý báo, lòng dâng lên nhiều cảm xúc… Thuở mới qua Mỹ định cư, tôi bắt được mấy câu thơ, đắc ý lắm, ngâm nga hoài:
(….) Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mầy qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mầy hay ông thượng đẳng cu li.
(….)
và một bài nữa “Ta làm gì cho hết nửa đời sau?” chua chát và bi đát nhưng khí khái, ngang tàng. Không biết tác giả, sau này mới biết của Cao Tần, chính là ông Lê Tất Điều…
Ngày 18 – 10 -2019
Alex Thai
“Học ngôn ngữ của đàn bà” tả giống y cuộc sống của tui (chú thích của Trẻ bài của Tiêu Huyền, trong mục “Trang Phụ Nữ”), như “tôi ngán ông tới tận cổ rồi!”, nghe rất quen nha, hi hi… Sống với nhau gần 7 năm, tôi vẫn không tài nào hiểu được vợ tôi… Có bữa hai đứa hẹn đi coi phim. Nàng chọn đồ, rồi biểu tui coi review, tui nói phim dở, nàng bảo vậy không đi nữa. Tui nói thôi đi ăn. Vậy là nàng giận đúng một tuần. Hỏi lại, nàng bảo, thấy em mặc đồ là biết rồi, đi ăn ai mặc như vậy…Từ khi lấy vợ, thấy mình ngu ra thiệt chớ!
Bạn rất vui tính! Với tính cách cởi mở như vậy, chúng tôi tin rằng, bạn sẽ luôn hạnh phúc.
Ngày 18 – 10 -2019
Hieu H. Bui
Lâu nay tôi rất mến mộ phong cách chụp ảnh của tác giả Đặng Mỹ Hạnh. Trong bài “Vãng chùa” trên số báo vừa qua (số 626 ngày 20 tháng 9). Có tựa là “Vãng chùa”. Tôi hiểu, vãng lai là khách qua lại, như vãn cảnh là ngắm cảnh, ở đây, khi viếng chùa thì phải là vãn chùa, phải không ạ? .
Cám ơn bạn đã thích hình ảnh của ĐMH. Các từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931), của Đào Duy Anh (Paris, 1931), của Lê Văn Thanh và Lê Ngọc Trụ (Sài Gòn, 1970) định nghĩa vãng cảnh = viếng xem phong cảnh; vãn cảnh = cảnh buổi chiều.