Ngày 26-7-2024
Michael Dinh
Trong bài “Cầu trường 2024” có đoạn “…Cũng may ca sĩ Shakira hát không đến nỗi dở và múa may khá điệu nghệ nên không thấy ai chê. Có điều nhiều cử chỉ của cô hơi quá sexy, không biết có phạm luật bảo vệ trẻ em của Đức hay chăng!?”
Tình cờ đọc cái này tôi mới nhớ đến “thần tượng” Michael Jackson, khi trình diễn, hình như là bài “Yesterday Today and Forever” cứ lấy tay bóp “củ” của mình rồi giật nẩy lên, trông rất phản cảm và tục tĩu (theo cách nhìn của tôi). Nghệ sĩ biểu diễn thường có cái “khùng” của họ, nhưng khi lên sân khấu, cả hàng bao nhiêu thế hệ chõ mắt vào, trong đó có vô số trẻ con, thì sự ảnh hưởng của một “ngôi sao” với lũ bé con không phải là ít… (Bài “Cầu trường 2024” của Ian Bùi, đã đăng tại https://baotreonline.com/van-hoc/something-anything/cau-truong-2024.baotre)
Ngày 29-7-2024
Bích Liên
Đọc “Ngày xưa đổ bánh xèo” của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền làm tôi nhớ một kỷ niệm khi mới vào Sài Gòn, cơn thèm bánh xèo nổi lên cồn cào khi có lần đi ngang một tiệm ghi chữ “Bánh Xèo” to tổ bố. Tôi dừng xe (xe đạp), hớn hở gọi 2 cái, người chạy bàn, chắc con bà chủ, tròn mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Ánh mắt đó tôi không bao giờ quên:) Lát sau cổ mang ra cái bánh to bằng cái mâm. Lúc này tôi mới hiểu ánh mắt của cô gái nói gì. Không thể nào ăn hết, tôi cột trong bịch ny lông mang về, hồi đó đã có mục to-go rồi đó, chắc dân Mỹ… bắt chước tôi hi hi… Ngoài quê tôi, cái bánh nhỏ xíu, có lần tôi ăn đến 4 cái. Nhưng tác giả giải thích bánh khoái là “khoái khẩu” khi ăn thì tôi thấy hơi miễn cưỡng. Có thể nó xuất phát từ một từ Hán nào đó rồi mất gốc luôn, cách giải thích khác là, bánh này khi đổ xong, còn nóng, bốc khói nghi ngút, đọc trệch viết thành “khoái”, nghe có vẻ hợp lý hơn.
Còn tại sao người Quảng gọi là “đúc” bánh xèo, trong khi người miền Nam gọi là “đổ”. Chữ “đổ” nghe nhẹ nhàng, dễ dàng, vì với người miền Nam, chuẩn bị cho một bữa bánh xèo là “chuyện nhỏ như con thỏ”, nhưng ngoài quê tôi, thuở xưa, mỗi lần nhà tôi – hay nhà khác chắc cũng vậy – mỗi lần được “đúc” bánh xèo là một sự kiện, cả nhà tất bật, nhốn nháo và phấn khích. Khi hợp đồng “sáng tác” ra cái bánh xèo, thì đã xem là thịnh soạn lắm, nên dùng từ “đúc” để chỉ sự công phu và tầm “quan trọng” của nó. Nghĩ sao viết vậy cho vui, trúng trật cũng không sao, hi hi… (bài “Ngày mưa đổ bánh xèo” đã đăng tại https://baotreonline.com/van-hoc/tap-ghi/ngay-mua-do-banh-xeo.baotre)