Ý Nhi và Trần Mộng Tú, hai nhà thơ nữ nổi tiếng của thời hiện đại được nhiều người yêu mến. Ý Nhi hiện ở trong nước còn Trần Mộng Tú thì đang ở Mỹ. Hai cuộc đời bị lịch sử ngăn cách. Trường hợp này có lẽ chỉ có trong văn học Việt Nam. Nhà phê bình văn học Liễu Trương đã nhìn vào hai cuộc đời đó, tìm ra nét đẹp của hai tâm hồn qua những cảm xúc và suy nghĩ trước thiên nhiên, kỷ niệm, tình yêu, chiến tranh, văn học nghệ thuật… Bài viết của Liễu Trương rất tinh tế và sâu sắc, qua đó ta cảm nhận được vẻ đẹp và khí hậu đặc thù của một thời đang qua và sắp qua. Sau đây chúng tôi xin đăng lại bài viết của Liễu Trương để lưu giữ những chứng tích văn học đặc thù của thời đại chúng ta. NGUYỄN & BẠN HỮU

LIỄU TRƯƠNG

(tiếp theo kỳ trước)

Nhưng gần gũi hơn, đau buồn hơn, đối với Trần Mộng Tú, là cái chết của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền :

Anh

Người thi sĩ đó vừa chết hôm qua

Em muốn gọi anh

mà anh đã bỏ đi xa

em hụt hẫng đứng nhìn buổi sáng

trên mặt hồ lặng thinh

dãy núi thì trắng toát đến rùng mình

Chao ôi lòng em buồn bã!

những câu thơ tự do

rồi lấp vào trong đất

nó mọc cùng cỏ xanh

gió thổi đi xa tắp.

Thời gian rồi đi qua

xóa mờ khuôn mặt

những sợi tóc bỏ trần gian

nằm trong đáy huyệt

và những ngón tay chàng

sẽ mục thành phân bón.

Mặt trời đen

mặt trời không mọc nữa

và cả tên chàng

chẳng còn ai bật lên thảng thốt

mặt trời không còn nữa.

Chao ôi lòng em buồn bã!

buổi sáng kéo một vệt dài

trên mặt hồ phẳng lặng

câu thơ kéo dài

một đường thẳng nằm ngang nghĩa trang mùa xuân.

Thi sĩ…

Cúi xuống

tình yêu và những cuộc biệt ly ở một nơi hư không.

Chao ôi lòng em buồn bã!

Khi anh trở về

một thi sĩ đã đi qua biền biệt.

(Không Đề, nghĩ tới Thanh Tâm Tuyền

Trần Mộng Tú, tháng 3-2006

Trần Mộng Tú – nguồn diễn đàn thế kỷ

Ðối với Ý Nhi, cái chết ở bên ngoài, và luôn luôn có khoảng cách giữa người sống và người chết. Còn đối với Trần Mộng Tú, cái chết được cảm nhận từ bên trong, ngay cả khi thương tiếc một nhà thơ có tài năng như Thanh Tâm Tuyền, cách xưng hô thân mật của tác giả, tiếng than thở Chao ôi lòng em buồn bã! lặp lại ba lần, và hình ảnh thân xác con người tan ra tro bụi, những yếu tố đó khiến người sống và người chết gần lại với nhau. Và khi người chết lại là một người thân yêu của tác giả thì sự mật thiết giữa đôi bên càng làm tăng nỗi đau. Trần Mộng Tú ngỡ ngàng, đau đớn, khi bị cái chết tước đoạt những người thân yêu, trước tiên là người yêu, người chồng. Khi chung sống với chồng chưa tròn một tháng thì tin dữ đã đến : người chồng tử trận. Trần Mộng Tú khóc chồng trong bài thơ sau đây:

Quà tặng trong chiến tranh

 

Em tặng anh hoa hồng

Chôn trong lòng huyệt mới

Em tặng anh áo cưới

Phủ trên nấm mồ xanh

 

Anh tặng em bội tinh

Kèm với ngôi sao bạc

Chiếc hoa mai màu vàng

Chưa đeo còn sáng bóng

 

Em tặng anh tuổi ngọc

Của những ngày yêu nhau

Ðã chết ngay từ lúc

Em nhận được tin sầu

 

Anh tặng em mùi máu

Trên áo trận sa trường

Máu anh và máu địch

Xin em cùng xót thương

 

Em tặng anh mây vương

Mắt em ngày tháng hạ

Em tặng anh đông giá

Giữa tuổi xuân cuộc đời

 

Anh tặng môi không cười

Anh tặng tay không nắm

Anh tặng mắt không nhìn

Một hình hài bất động

 

Anh muôn vàn tạ lỗi

Xin hẹn em kiếp sau

Mảnh đạn này em giữ

Làm di vật tìm nhau.           

(Trần Mộng Tú tháng 7/1969)

Người thân yêu thứ hai ra đi là cô em của tác giả, mất năm 2020. Nửa thế kỷ sau cái chết của người chồng, Trần Mộng Tú vẫn còn chơi vơi, hụt hẫng trước cái chết của người em : 

Chiếc áo của ai

Em mất một trăm ngày

Hương còn đầm khăn áo

Chị tung áo khắp nhà

Nỗi buồn không tiếng động

 

Nhớ em mặc áo này

Nhớ em quàng khăn ấy

Tiếng cười còn vướng lại

Giữa hai đầu chéo khăn

 

Cầm lên lại bỏ xuống

Chiếc áo màu tím than

Màu tím như nốt nhạc

Rơi xuống buổi chiều vàng

 

Em đã nằm im lặng

Trong chiếc bình lặng im

Chị khua mặt hồ động

Nước không còn bóng chim

 

Chị không – Ðập cổ kính

Cất tàn y – xưa sau

Hương em trong ngực chị

Ðọng tím một nỗi sầu

 

Lưỡng lự rồi cũng chọn

Một chiếc áo cất đi

Xếp cùng khăn áo chị

Như thuở bé nằm kề

 

Một trăm ngày rồi đấy

Rồi một năm, hai năm

Chị già thêm, chị lẫn

Ngu ngơ giữa áo khăn

 

Áo em và áo chị

Ký ức thời gian phai

Một ngày tay sẽ hỏi

Ồ, chiếc áo của ai.          

(Trần Mộng Tú, 23/6/2020)

Giữa hai bài thơ dòng thời gian đã trôi qua, người vợ trẻ đang tuổi xuân xanh khóc chồng năm nào nay đã thấy tuổi già lấp ló, nhưng vẫn đau cái đau của mất mát khi người em ra đi. Trong khi khóc lóc, đối thoại với người chết, Trần Mộng Tú có cái đặc điểm là phải cầm trong tay kỷ vật của người khuất bóng, kỷ vật của người mẹ, của người chồng, của người em, làm như khi nắm kỷ vật trong tay, tác giả níu kéo được người chết để kể lể, khóc than.

Chúng ta vừa đến với Ý Nhi và Trần Mộng Tú, hai nhà thơ nữ đã dâng cho đời những vần thơ đẹp, đầy cảm xúc, hai nguồn thơ chị em vẫn còn xa cách nhau trên quả địa cầu, nhưng rồi mai kia sẽ chảy ra biển, sẽ gặp nhau trong đại dương của Mẹ Việt Nam.

LT