“Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng

Một vũng tang thương nước lộn trời” – Hồ Xuân Hương

Trận cuồng lũ quét ngang vùng Hill Country hôm Lễ Độc Lập vừa qua không chỉ là một cơn thiên tai trăm năm có một, mà còn là một điềm báo – không chỉ cho người dân quanh vùng hay riêng cho tiểu bang Texas, mà là cho tất cả mọi công dân Hoa Kỳ.

Bờ sông Guadalupe vài ngày sau cơn lũ. (Eric Gay/AP)         

Cho đến giờ phút này số người thiệt mạng vẫn chưa được tổng kết, nhưng theo thông báo mới nhất của nhà chức trách thì hơn một trăm người đã chết, và số người mất tích còn cao hơn nữa. Một điều lạ là tuy con sông Guadalupe chảy ngang nhiều làng mạc phố phường, nhưng Kerr County là nơi nó cướp đi nhiều mạng sống nhất. Trong khi đó, những huyện xung quanh lại ít người chết hơn. Câu hỏi đặt ra là tại sao Kerr County lại bị nặng hơn những nơi khác, và có thể nào con người là một trong những yếu tố đưa đến tai ương khủng khiếp này?

Một bé gái và chú gấu nhồi bông trước khu tưởng niệm vừa mới dựng bên sông. (Dustin Safranek/EPA)

Kerr County nằm lọt thỏm trong một vùng địa hình mệnh danh “flash flood alley” – dịch thô là “hẻm lũ quét”. Kerrville là thành phố chính, nằm cạnh con sông Guadalupe thơ mộng, dân số khoảng 50,000 người. Dọc theo sông là vô số các nhà nghỉ mát, các khu cắm trại, những nơi người ta kéo xe RV đến đậu dài ngày để tận hưởng không khí mát lành và chơi những trò chơi trên nước. Lễ Độc Lập thường là thời điểm “làm ăn” lớn nhất trong năm cho các doanh nghiệp lớn nhỏ quanh đây.

Nhân viên công lực phụ giúp tìm người sống sót. (Julio Cortez/AP)

Dân vùng này đã quen “sống với lũ” từ hàng trăm năm qua. Sau trận lũ lớn năm 1987 khiến hàng chục người phải thiệt mạng, chính quyền tại những huyện quanh đây cho thiết lập các hệ thống báo động. Cách đây khoảng 10 năm, một số cư dân tại Kerr County đã yêu cầu chính quyền nâng cấp hệ thống báo động đã lỗi thời, nhưng sau nhiều cuộc bàn cãi giằng co, cuối cùng đã không ai làm gì cả. Nhiều người còn ngại rằng hệ thống còi báo động sẽ gây ồn ào.

Một cảnh sát viên tạm dừng công việc kiếm người để lấy lại tinh thần. (Julio Cortez/AP)

Bản thân thành phố Kerrville đã quyết định không đứng tên cùng chính quyền huyện khi Kerr County nộp đơn xin trợ cấp từ liên bang, chủ yếu là cơ quan FEMA chuyên lo về thiên tai bão lũ. Kết quả là đơn xin bị bác vì lý do không hội đủ điều kiện. Chi phí để xây dựng một hệ thống báo động hiện đại được ước tính khoảng 1 triệu đô-la – một con số tương đối lớn đối với ngân sách cho cả huyện chỉ chừng $40 triệu một năm. Trong khi đó, huyện Comal kế bên đã cho lắp đặt hai còi hụ mới và nhờ vậy vô số người đã chạy thoát kịp thời.

Một chiếc cầu nhỏ bắc ngang sông Guadalupe bị cây cối ngã chặn. (Julio Cortez/AP)

Sau đại dịch COVID, chính quyền Biden và Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật mang tên America Rescue Plan Act (ARPA) để giúp nước Mỹ và người Mỹ vực dậy. Hàng ngàn tỉ Mỹ kim đã được phân phối đến vô số doanh nghiệp, cá nhân cũng như các chính quyền địa phương khắp 50 tiểu bang. Theo dữ liệu được công bố, Kerr County đã nhận 10.2 triệu đô-la từ ARPA. Không một đồng nào được dùng cho việc nâng cấp hệ thống báo động lũ. Thay vào đó $7 triệu được trao cho Sở cảnh sát và Sở cứu hoả, $1 triệu để tăng lương và phụ cấp cho cảnh sát.

Trại hè Mystic sau cơn lũ quét. (Julio Cortez/AP)

Tại các buổi họp của huyện, nhiều quan chức đã lên tiếng phản đối việc nhận tiền từ ARPA. Họ cho rằng chính quyền liên bang không nên can thiệp vào chuyện nội bộ tại địa phương. Thậm chí, vài uỷ viên trong hội đồng huyện còn gọi chính quyền Biden là “cộng sản”, “ác quỷ”, và “ghét nước Mỹ”. Cuộc tranh luận căng thẳng đến nỗi thẩm phán của Kerr County, ông Rob Kelly, phải mượn lời Thượng nghị sĩ John Cornyn để khuyên họ rằng: “Nếu chúng ta không nhận số tiền này, nó sẽ chui vào túi các tiểu bang Dân Chủ như California hay New York!”

Cảnh tượng kinh hoàng bên trong trại hè Mystic. (Ronaldo Schemidt/AFP)

Chưa hết. Một số thay đổi quan trọng tại FEMA trong vài tháng qua đã khiến cho việc chuẩn bị trước khi lũ đến và cứu trợ sau khi nó xảy ra bị chậm trễ một cách khó hiểu. Kristi Noem, Tổng trưởng Bộ Nội An mà FEMA nằm dưới quyền, ra lệnh mọi chi phí trên $100,000 phải được bà phê duyệt trước. Chính sách mới này khiến FEMA không thể đưa người và các phương tiện hỗ trợ đến Hill Country kịp lúc. Đồng thời, việc cắt giảm ngân sách và nhân sự tại cơ quan này đã dẫn đến tình trạng nhiều người gọi vào kêu cứu nhưng không ai trả lời điện thoại.

Chiếc rương của một nạn nhân gần Hunt, Texas. (Jim Vondruska)

Đặc biệt thương tâm là những trẻ em vô tội đã bị lũ quét cuốn trôi lúc nửa đêm. Nhiều em đã bị tước khỏi tay mẹ mình vì sức nước quá mạnh. Các bà mẹ ấy chắc chắn sẽ mang trong mình những chấn thương tâm lý thời gian không thể chữa lành. Câu hỏi cho những người ngoài cuộc như chúng ta là nên phản ứng ra sao và cần phải làm gì để tránh bớt những mất mát quá lớn như vậy trong tương lai. Nhiệt độ nước biển Vịnh Mexico, như ta biết, đang trên đà tăng; thiên tai bão lũ ắt hẳn sẽ thường xuyên và khốc liệt hơn.

Chiếc giày của một em bé giữa cảnh hoang tàn. (Jim Vondruska)

Thiên nhiên thường được ví như một người mẹ. Vừa bao dung vừa nghiêm khắc. Thiên nhiên không chỉ dưỡng nuôi muôn loài, nó còn là trường học nơi ta rèn luyện những kỹ năng sống. Thiên nhiên không phân biệt giàu nghèo, không kỳ thị chủng sắc, không thiên vị đảng phái. Thiên nhiên, như thi hào Robert Frost gọi trong bài thơ “The Flood”, là một “tình yêu vô bờ bến.” Nhưng để có thể tận hưởng tình yêu ấy, con người phải biết sống thuận hoà với những đòi hỏi dù khắt khe nhưng hợp lý của nó.

Hoàng hôn trên sông Guadalupe ngày 6/7/2025. (Brandon Bell)