Tình trạng hàng loạt các ki-ốt (kiosk), cửa hàng và ‘hộ’ kinh doanh đóng cửa “chạy thuế” nhưng kỳ thực là nhằm tránh bị kiểm kê hàng giả, theo sau động thái này là hàng loạt các sản phẩm giả vốn dĩ làm mưa làm gió trên thị trường lâu nay bị mang đổ khắp các ngả đường… Tất cả đều cho thấy một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa quá bất ổn và đến giờ phút này, khi mọi thứ chuẩn bị được soi dưới ánh sáng thì tự động xì, bục vỡ… Đó là thứ hệ lụy của rất nhiều năm “phát triển” mà các ông, các bà luôn mồm khen tụng, tự hào.

Nhiều ki-ốt đóng cửa im lìm     

Những chuyến xe hãi hùng cửa khẩu

Thời gian trước, vì yêu cầu công việc, chúng tôi thường đi khắp 3 miền đất nước và tôi đặc biệt ấn tượng với vùng đất Tây Bắc, Đông Bắc, các bản làng xa xôi, nơi giáp ranh giữa Việt Nam với Trung Quốc, đặc biệt, hình ảnh những đoàn xe container rùng rùng chuyển bánh qua cầu biên giới, tiến vào Việt Nam mà sau khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi được biết nó chở các chất hóa học, từ phân bón cho đến thuốc trừ sâu và các mặt hàng gia dụng… chạy thẳng vào miền Nam thì thực sự sốc.

Miền Bắc có 19 cặp cửa khẩu lớn nhỏ nối liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có 7 cửa khẩu quốc tế và 12 cặp cửa khẩu song phương, nằm rải rác ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Trong đó các cửa khẩu có lưu lượng xe qua lại lớn nhất nằm ở Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Chỉ riêng cửa khẩu Mường Khương – Lào Cai, mỗi ngày có từ vài chục đến vài trăm xe đầu kéo từ Trung Quốc tiến vào Việt Nam. Đứng 2 giờ đồng hồ ở cửa khẩu này, (cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai chừng 10km về hướng núi, nơi đây chủ yếu xe tải qua lại, lượng người qua lại dồn xuống cửa khẩu Lào Cai, tức cửa khẩu nằm bên cạnh cầu Cốc Lếu).

Với các cửa khẩu Chima, Tân Thanh – Lạng Sơn thì mức độ lưu thông hàng hóa Việt – Trung cũng nhiều vô số kể. Nhưng, vấn đề tôi muốn nói ở đây là hầu hết hàng hóa qua cửa khẩu đều tính theo bloc, tức chỉ cần đóng khóa seal ở ngoài thùng hàng là được phép qua cầu, nhập cảng, bên trong nó có bao nhiêu hàng bảo đảm phẩm chất, hàng chính hãng thì không ai được biết và cơ quan hải quan cũng không cần biết, họ chỉ cần có tiền là cho thông quan.

Xem thêm:   Cây bông gòn đầu làng

Chuyện này đầy rẫy, từ các cửa khẩu tại miền Nam cho đến các cửa khẩu miền Bắc đều vậy, cứ nghe cán bộ hải quan thì người ta tin chắc một điều là giàu ngang ngửa hoặc giàu hơn cảnh sát giao thông. Cảnh sát giao thông còn phải ra đứng đường mới kiếm ăn được, chứ hải quan chỉ cần ngồi vào bàn, cầm cuốn hộ chiếu lật qua lật lại, thì thấp nhất như ở cửa khẩu Mộc Bài người ta cũng phải kẹp tờ 50 ngàn đồng bên trong, các cửa khẩu phía Bắc thì kẹp tờ trăm ngàn. Tiền này không có bất kỳ máy móc hay biên lai nào thống kê, ghi chép, nó thuộc về phần ăn chia, nhậu nhẹt của cán bộ hải quan.

Hàng bán ven đường quê, thật ‘hàng quê’ không, khó ai biết

Những tờ 50 ngàn đồng và 100 ngàn đồng là tiền dành cho việc thông quan con người, với hàng hóa, mức giá thông quan của nó phải hàng triệu cho đến chục triệu, thậm chí vài chục triệu đồng trên mỗi chuyến hàng, tùy vào mức độ sinh lãi của chuyến hàng mà cống nạp, hải quan biết tất, hải quan thu lúc nào cũng hợp lý hợp tình, không ai trách ai được, còn không đóng thì lui về, vậy thôi. Chuyện này trở thành thông lệ trong ngành hải quan cửa khẩu bấy lâu nay. Bù cho hải quan sân bay đói hơn, phải tìm cách này cách khác để móc nối kiếm chút tiền, nhưng cái chút tiền của họ cũng không nhỏ đâu.

Cũng trong chuyến đi của mấy năm trước, chúng tôi ghé chợ Kỳ Lừa, một khu phố chợ nổi tiếng từng đi vào ca dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh” ở xứ Lạng này, tìm hiểu một số thứ, chúng tôi bàng hoàng hiểu ra rằng mọi thứ vật dụng mình đã mua đóng nhãn mác Nhật Bản, Hàn Quốc chưa chắc đã là hàng thật. Vì tại chợ này, các mặt hàng điện tử giả hàng Nhật, Hàn và các nước khác cùng với nhãn mác in sẵn, chỉ cần đóng vào là có thể để ngang với hàng chính hãng mà không phải ai cũng phân biệt được thật giả… đầy rẫy. Đây vốn là nơi cung cấp hàng sỉ cho các khu chợ điện tử miền Nam. Khách hàng chỉ cần vào chợ, chọn mẫu, gật đầu một cái cùng một ít tiền cọc vừa đủ vận chuyển vào Nam và trở về (đề phòng bom hàng) thì sẽ được chủ hàng chuyển vào tận nơi rồi mới thanh toán. Khái niệm “bao thật” ở các chợ này rất cao, tức người bán cam kết là đồ giả họ cung cấp sẽ giống y như thật và nhãn mác cũng đủ để không phát hiện là đồ giả.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 10 tháng 7 năm 2025

Với tình hình hàng hóa bất minh tuồn vào khắp đất nước như vậy, cộng thêm thuốc tây giả, thực phẩm giả, thứ gì cũng giả, kể cả bằng cấp của công chức cũng giả nốt… Thì chuyện kiểm tra hàng giả để bảo đảm hàng thật cho tương lai là một chuyện động trời. Vì chắc chắn hàng giả có mặt khắp mọi nơi, đụng bất kỳ thức gì cũng gặp hàng giả, và kinh khủng hơn là người ta quen sống với cái giả, đã đến lúc cái thật bị xem là giả – lộng giả thành chân – rồi.

Nhiều nông sản được chăm sóc bởi hóa chất Trung Quốc và xuất cảng sang Trung Quốc lại bị trả lại vì quá nhiều hóa chất

Những ki-ốt im lìm đóng cửa

Tình trạng các ki-ốt ở các thành phố lớn im lìm đóng cửa vì lý do “tránh thuế” nhưng kỳ thực bên trong là tránh kiểm kê hàng giả không phải là chuyện đặc biệt, như chia sẻ của một người kinh doanh giày dép, không muốn nêu tên:

– Tất cả các cửa hàng đều có hàng giả, nhiều hàng giả, hiện tại hàng giả chạy đầy đường. Nhưng có cửa hàng đóng cửa, có cửa hàng mở cửa, chị có biết vì sao như vậy không?

– Dạ, xin anh chia sẻ thêm?

– Chuyện này quá đơn giản chị à, những cửa hàng chưa đóng cửa, chị thử tìm hiểu xem, chắc chắn họ phải có gốc gác nhà cán bộ, thậm chí gia đình họ có quyền lực lắm, nên họ vẫn ung dung mở cửa. Có một số cửa hàng có chống lưng nhưng vẫn đóng cửa, cái này mới đặc biệt, tôi đố chị biết đó?

Chén bát dỏm được rao là hàng gốm Bát Tràng, bán ở Quảng Nam

– Có phải do đang thời kỳ thanh lọc cán bộ không anh?

Xem thêm:   50 năm cộng đồng người Việt tại Houston

– Đúng vậy, những gia đình có cán bộ nằm trong diện thanh lọc, hưu non hoặc đang cố nấn ná xin xỏ để ở lại thì họ tỏ ra nghiêm túc lắm, và họ sẽ che đậy mọi cái sai trong lúc này, miễn sao họ được nhìn nhận là “trong sạch”, “thanh liêm” cho đến khi họ nắm chắc cái ghế thì họ mới bắt đầu hoạt động lại.

– Theo anh thấy thì số lượng các kiot dựa quyền có nhiều không?

– Tại Việt Nam, bất kỳ nơi nào, tất cả dân làm ăn thường là sân sau hoặc là dựa dẫm quyền lực nhóm cả, mở một cái quán nhậu nho nhỏ thôi cũng phải có chỗ dựa và phải chịu các khoản chung chi cho họ. Chính vì vậy nói sợ thuế mà đóng cửa là rất sai.

–  Nghĩa là sao anh?

Nhiều mặt bằng trước đây được thuê để bán ‘đồ hiệu’ giờ cũng bỏ trống

– Nếu chính sách thuế mới nghiêm túc, thì người ta có đóng thuế sòng phẳng, nặng nề vẫn không bao giờ bằng số tiền chung chi cho bảo kê đỏ và đen, tức thỉnh thoảng người ta chung chi cho cán bộ bảo kê chính sách cho dịch vụ của họ, rồi thêm hằng tháng chung chi cho xã hội đen bảo kê an ninh. Bây giờ bãi bỏ những cái bảo kê ấy, đóng thuế đàng hoàng, làm ăn đàng hoàng vẫn có thu nhập hơn. Nhưng kẻ than thở, kêu la thời gian gần đây đều sắm vai nạn nhân nhưng kỳ thực là họ có dựa thế, từng hô hào, hầm hố cả đấy, giờ họ chuyển màu thành ra vậy, khó nói lắm.

– Như vậy, theo anh, chính sách mới như thế nào?

– Là một chính sách tốt, làm ăn sòng phẳng, nếu nó thực thụ là vậy, tức nó thực hiện đúng với bản chất của nó thì chắc chắn mọi thứ sẽ ổn định và phát triển. Lâu nay toàn sống theo tư bản rừng rú nhưng hô hào nhân vị cả! Khó nói lắm!

Không biết đến bao giờ các cửa hàng im lìm đóng cửa sẽ mở trở lại, và sau khi mở cửa, liệu hàng hóa của họ có phải là hàng chính hãng, hàng an toàn… hay là một thứ hàng có nhãn mác của cơ quan giám định nhưng kỳ thực lại là hàng cũ đã đóng nhãn mác mới?! Câu hỏi ấy cứ ám ảnh lấy tôi, vì thực ra, câu hỏi tôi muốn đặt ra sâu xa hơn, đó là “bao giờ cán bộ Việt Nam biết sống trung thực?”. Bởi đó mới là câu hỏi mấu chốt.

Bánh kẹo bị vứt bỏ thành từng đống ở Lào Cai, hình báo mạng. Hinh Internet

Bài và hình UC