Chuyến đi thăm chồng “cải tạo” đầu tiên, bà chị Cả cho tôi đi theo, dù tôi lúc ấy mới 9-10 tuổi.
Lý do chính, là vì trại ở Thành Ông Năm, chỉ cần một chuyến xe đò từ nhà tôi ở Hạnh Thông Tây, đến chợ Hóc Môn rồi lấy một chuyến xe lam đến thẳng nơi trại “cải tạo”. Hơn nữa, lúc ấy má tôi mới mất, ba vẫn còn bị giam giữ “cải tạo”, chị mới sanh đứa con thứ hai được vài tháng, nên chỉ mang theo thằng con lớn 5 tuổi đi thăm bố, thêm ông anh Tư đi theo để phụ chị xách đồ đạc, còn tôi thì có nhiệm vụ đi… chơi chung thằng cháu 5 tuổi cho nó đỡ quấy má nó trên đường đi thăm nuôi.
Chiếc xe lam thả chúng tôi xuống ngay gần cổng Thành Ông Năm, nơi đây đã có nhiều người đến trước, và lai rai đến sau đó, cũng là thân nhân của “tù cải tạo”. Dù không quen biết, nhưng cùng hoàn cảnh, nên mọi người mau chóng trở nên thân thiện, hỏi han nhau đủ điều. Chị tôi nhận ra người đồng hương Gò Vấp, chỉ cách nhau con đường song song, nhà tôi trên đường Phan Văn Trị, còn nhà cô ấy bên đường Quang Trung, ngay cư xá sĩ quan Phan Chu Trinh (cũ). Cô ấy tên Thảo, dắt theo hai đứa con trai, đứa lớn tên Tuấn, bằng tuổi tôi, đứa nhỏ là Tú, cỡ 3-4 tuổi, được bà ngoại ẵm. Hai gia đình bỗng gần nhau hơn, cho nhau địa chỉ để sau này dễ dàng liên lạc, thăm nhau khi cần thiết.
Đến giữa trưa, một quản giáo bước ra, cầm tờ danh sách, điểm danh đầy đủ thân nhân có mặt, chúng tôi được đi vào cổng trại, rẽ phải ngay khu nhà chờ. Người lớn nôn nao hồi hộp, còn lũ trẻ chúng tôi bắt đầu quanh quẩn nơi khu vực chờ đợi, có cây trứng cá thiệt lớn, sum suê lá và những chùm trái nhỏ xíu đỏ mọng. Một số người lớn tuổi tìm chỗ ngồi nơi vài chiếc ghế dài được kê rải rác xung quanh.
Giây phút trùng phùng cũng đến, một đoàn tù nhân “cải tạo” rảo bước từ xa, các bà các cô nhốn nháo ngóng tìm người thân, nhưng chẳng ai nhận ra ai vì tất cả họ đều mặc áo quần xập xệ, màu xám tối đen, những mái tóc húi cua, những khuôn mặt hốc hác đen đúa. Có một số phụ nữ bật khóc, nhưng nhìn thấy hai quản giáo đứng kế bên liền lau vội những giọt nước mắt vừa trào ra khoé mi. Tôi cũng trong đám người ngơ ngác, xúc động, dù chẳng nhìn ra anh rể mình là người nào trong đám đông đang bước về khu nhà chờ. Ngày anh lấy chị, tôi mới lên 3 tuổi, anh rể chiều em vợ, thường bồng bế tôi, chở tôi đi chơi trên chiếc xe Honda 67 của anh, anh để tôi ngồi phía trước nơi bình xăng và chở tôi đi đó đây trong xóm tới bao giờ tôi chán thì thôi.

Bảo Huân
Mọi người được lùa vào nhà chờ, các tù nhân “cải tạo” ngồi một bên chiếc bàn dài, thân nhân ngồi bên đối diện, trong phòng các quản giáo đứng cầm súng canh gác, nghe tất cả những câu chuyện của gia đình tù nhân.
Ngẫu nhiên, gia đình tôi và gia đình cô Thảo ngồi kế bên nhau, hoá ra anh rể tôi và chồng cô Thảo chung nhóm lao động trong trại. Tôi chỉ cười cười nhìn anh rể, anh nhoài người với qua bàn, nắm tay từng người, hôn thằng con, rồi chúng tôi kéo ra ngoài sân, chỉ còn lại bà chị Cả tiếp tục ngồi với chồng. Bên nhà cô Thảo cũng vậy, sau khi thằng Tú 3 tuổi đứng giữa bàn, ngây thơ hát tặng bố bài hát “Cháu lên ba, cháu vô mẫu giáo”, bà ngoại và thằng Tuấn- Tú cũng đi ra ngoài sân, để hai vợ chồng cô Thảo tiếp tục câu chuyện thăm nhau.
Tôi đang đứng dưới tàn cây trứng cá, thằng cháu và mấy đứa nhóc chạy nhảy tung tăng rộn ràng cả khu đất, Tuấn đến bên tôi, chìa ra cái bánh bao:
– Bạn ăn bánh bao nè, ngon lắm, bà ngoại tui làm đó.
Trong khi ông anh tôi và bà ngoại Tuấn đứng nói chuyện và coi chừng lũ trẻ chơi đùa, tôi và Tuấn ngồi xuống ăn bánh bao, kể nghe câu chuyện về trường lớp:
– Tui học trong trường Phan Chu Trinh, ngay trong khu quân đội.
– Còn tui, trường Đồng Tháp, cũng trong khu quân đội trại Đoàn Dư Khương.
– Ở khu tui, cũng có cây trứng cá, thích lắm, trưa nào tan trường, tụi tui cũng hái một mớ, ăn vào ngọt lịm.
– Mà bây giờ chính quyền mới đổi tên khu Phan Chu Trinh và Đoàn Dư Khương qua tên mới, nghe lạ hoắc!
Ăn xong bánh bao, hai đứa theo đám nhóc hái trứng cá, vừa hái vừa reo cười thích thú, mỗi đứa được cả bọc nhỏ, thì đến lúc hết giờ thăm nuôi. Đoàn người thân nhân lại lục tục kéo ra cổng. Trước khi lên xe lam, tôi ngoái lại, nhìn cây trứng cá, tự dưng thấy buồn, rơm rớm nước mắt. Tuấn cũng có vẻ buồn, nhưng cố tỏ ra “bản lĩnh”, nhìn tôi, chọc quê:
– Loan nhớ cây trứng cá hả? Lần sau tụi mình sẽ hái nhiều hơn.
Tuấn đưa tôi bọc trứng cá của Tuấn, bảo đem về chia cho mấy đứa bạn trong xóm ăn cho vui.Tôi biết Tuấn làm vậy để tôi (và cả Tuấn) bớt buồn vì phải xa nơi chốn này (mới đến mà sao thân thương quá chừng!).Tôi vốn là cô bé nhạy cảm, nghĩ rằng, chúng tôi được trở về nhà, với cuộc sống thường nhật, còn cây trứng cá sẽ cô đơn hiu hắt vắng lặng với những người tù lặng câm, đất trời cằn cỗi nắng bụi mịt mù.
Sau lần đó, chị tôi và cô Thảo thỉnh thoảng đến nhà nhau khi có thông tin nào đó về trại, về các tin đồn mong manh cho ngày trở về đoàn tụ, cho những chuyến thăm nuôi sắp đến. Có lần chị dẫn tôi đến căn nhà trong cư xá sĩ quan của nhà cô Thảo thật đẹp. Dù đang trong thời kỳ “Cả Nước Xuống Hố”, đồ đạc trong nhà thưa thớt, nhưng vẫn còn nét sang trọng của căn nhà nhỏ, có lầu đúc hai tầng, sân thượng trồng cây cảnh, lan can trước nhà có trồng giàn dây hoa lan leo, và trong sân nhà là cây táo Thái sum suê trái. Tuấn đưa tôi ra sân hái táo, những trái táo màu xanh, cỡ như trái chanh, cắn vào giòn rụm ngọt ngào. Ăn táo no nê, chúng tôi vào phòng học của Tuấn, căn phòng gọn gàng, sách vở bàn học ngay ngắn, nét phong lưu của gia đình còn in rõ trên từng ngóc ngách của căn nhà.
Rồi là cái Tết đầu tiên sau ngày Sài Gòn bị “giải phóng”, dù muốn dù không thì Xuân vẫn về, dẫu lòng người đang buồn hay vui. Hôm chiều cúng ông Táo, chị tôi mừng rỡ nhận được giấy báo thăm nuôi vào đầu tháng sau. Chị đem một cái bánh Tét, chở tôi trên chiếc xe đạp đến nhà cô Thảo, trước là tặng quà Tết, sau là hỏi thăm bên nhà cô có giấy thăm nuôi cùng ngày hay không. Cô Thảo mừng rỡ đón chúng tôi, và cho biết sẽ cùng gặp nhau tại trại thăm nuôi kỳ tới.
Suốt buổi ngồi nghe chị tôi và cô Thảo nói chuyện, tôi không thấy Tuấn như lần trước, chỉ có bà ngoại đang chơi với thằng Tú ngoài bếp, tôi hỏi:
– Cô ơi, Tuấn có nhà không cô?
Cô Thảo nhìn tôi, cười:
– Tuấn đi chơi với Dì Ba rồi con.
Nghe vậy thì tôi biết vậy, chắc đang mùa Tết nên đi chơi với Dì, là em của cô Thảo, dù tôi chưa bao giờ gặp mặt Dì Ba.
Tháng sau, tôi háo hức dậy từ sớm, chuyến đi thăm nuôi lần này sẽ vui hơn lần đầu tiên, vì tôi đã biết nó sẽ diễn ra như thế nào, và tôi lại được gặp Tuấn, lại ngồi ăn bánh bao, hái trứng cá, kể nhau nghe chuyện học hành. Nhưng tôi đã thất vọng, vì nhà cô Thảo chỉ có cô, bà ngoại và thằng Tú, chẳng thấy bóng dáng Tuấn. Khi đứng ngoài sân dưới cây trứng cá, tôi hỏi bà ngoại:
– Bà ơi, sao Tuấn bữa nay không đi thăm bố?
Bà cười, hiền hậu:
– Chút nữa cô Thảo nói cho con nghe, nhe!
Tôi nôn nao, linh tính có chuyện gì đó, chẳng biết là buồn hay vui. Tôi chẳng còn bạn để cùng hái trứng cá, để nói chuyện trường lớp, tôi ngồi dưới gốc cây trứng cá suy nghĩ vẩn vơ, cây trứng cá không biết nói nhưng đang là “người bạn” cho tôi nương tựa lúc này, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Rồi tôi chợt lo lắng, hay là Tuấn bị bệnh? Mà phải là bệnh nặng lắm nên mới không đi thăm ba được.
Cuối giờ thăm nuôi, gia đình cô Thảo kéo đến nhóm gia đình tôi, vui vẻ:
– Bây giờ tụi mình đón xe lam ra chợ Hốc Môn, tôi mời cả nhà bữa hủ tíu.
Đến chợ, trong lúc chờ thức ăn, cô Thảo nói thì thầm cho đủ hai gia đình nghe, trong khi cô nhìn tôi:
– Con ơi, Tuấn nhà cô đi vượt biên với Dì Ba, đã đến trại tỵ nạn Songkla, Thailand, đã có thư về rồi.
Lúc ấy, trong xóm đã có vài gia đình đi vượt biên nên tôi cũng hiểu vấn đề, một cảm giác buồn bã xâm chiếm hồn tôi. Không hẳn vì tôi nhớ Tuấn, mà chính là chạnh lòng, là có chút ghen tỵ, vì Tuấn may mắn, đến một phương trời mới, tương lai mới, trong khi tôi vẫn ở lại mảnh đất đang bị chính quyền mới tàn phá tang thương, chuyện học hành và cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, bất mãn.
Vài tháng sau, tôi lại được theo chị đến nhà cô Thảo. Cô hớn hở kéo hai chị em vào nhà:
– Thằng Tuấn đã đến Mỹ, vào đây xem hình Tuấn nè.
Vào phòng khách, cô lấy ra một phong bì trắng dầy cộp, thơm phức (sau này tôi gọi đó là mùi… Mỹ, khi gia đình tôi có hai ông anh vượt biên thành công, qua Mỹ, gửi thư về). Cô rút ra hai tờ thư và một số tấm hình:
– Thư này Dì Ba gửi bà ngoại, còn tờ thư này Tuấn gửi cho cô, con đọc cho vui.
Tôi đón lấy tờ thư Tuấn viết:
“Má ơi, con vừa đến Mỹ là được đi học liền à! Buổi sáng có xe đến rước, buổi trưa ăn ở trường luôn, thức ăn ngon lắm. Trường có cả hồ bơi, tha hồ tắm, các bạn và thầy cô người Mỹ ai cũng dễ thương. Má cho con gửi lời thăm Loan, em của cô Thanh nha. Nói với Loan ở đây không có cây trứng cá!…”
Tôi xúc động, thấy được an ủi vì Tuấn còn nhớ tôi. Đêm hôm ấy, tôi thao thức với giấc mơ vượt biên. Những tấm hình Tuấn đứng bên xe yellow bus của trường học, đứng chung với bạn trong lớp nơi sân trường, chụp với Dì Ba trước cửa nhà rợp đầy bóng mát bình yên… là những hình ảnh cho tôi niềm khát khao được tìm đến, thoát cảnh tương lai mù mịt nơi quê nhà, khi mà phong trào vượt biên bắt đầu trở nên rầm rộ, mà ai đó đã từng nói “cây cột điện nếu có chân cũng muốn đi”.
Sau chuyến thăm nuôi ấy, tôi không được đi thăm anh rể nữa vì anh chuyển trại về Hàm Tân Thuận Hải, còn ba của Tuấn bị chuyển ra ngoài trại phía Bắc. Hai gia đình liên lạc thưa thớt dần, rồi cô Thảo chuyển nhà về đâu, hoặc cũng có thể đã âm thầm đi tìm tự do, không ai biết.
-oOo-
Anh rể tôi “học tập cải tạo” hơn 6 năm mới được về. Thoát khỏi nhà tù nhỏ anh rể về nhà tù lớn với vợ con, tiếp tục cuộc sống khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất, vì anh vẫn bị phường quản lý, đi đâu làm gì cũng phải viết đơn trình báo. Cho đến năm 1991 thì gia đình anh chị tôi sang Mỹ định cư diện HO.
Còn tôi, dù muộn màng hơn Tuấn, tôi cũng ra khơi cuối năm 1989, may mắn đến bến bờ tự do và định cư ở Canada năm 1994.
Tuấn đang ở đâu đó trên đất Mỹ, nếu đọc được bài này, hy vọng Tuấn sẽ nhớ ra kỷ niệm thăm nuôi ba “cải tạo” ở Thành Ông Năm, có cây trứng cá với cô bạn “bé nhỏ” dễ cười dễ khóc thuở nào.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Tôi cũng thế, cũng có những kỷ niệm êm đềm thời bé thơ bên cha mẹ anh chị em, kỷ niệm hai chuyến đi thăm anh rể ở Thành Ông Năm, tôi đứng chơi dưới gốc cây trứng cá chỉ trong chốc lát mà không thể nào quên, để khi ra về tôi bỗng thương cây trứng cá ở lại, có lẽ vì tôi thương anh rể tôi cùng bao người tù “cải tạo” khác còn ở lại chốn tù tội đoạ đày lao khổ ấy.
Bao nhiêu năm trôi qua, mà mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn thương.
KL
Edmonton, Tháng4 Đen 2025