Cũng bởi facebook nhắc lại kỷ niệm “ngày này 4 năm trước” (2021), một chiều tôi ngẫu hứng đi 2 chặng xe buýt từ nhà ở quận 7 qua Thủ Đức mà tôi ghi có chút têu tếu là đi từ thành phố này sang thành phố kia, điểm cuối cùng là Bến xe miền Đông mới. Khi ấy bến xe chưa hoạt động, có 3 tuyến xe buýt chạy đến nơi là 55, 76 và 93. Metro còn dang dở, ga cuối chỉ mới “khung sườn”… Nhưng, đứng bên dưới nhìn lên đường tàu điện tôi hình dung một sự sắp xếp khá hợp lý của hai nơi: nhà ga cuối cùng của Metro và Bến xe miền Đông mới.

Chiều ấy, tôi đi bộ một vòng khắp bến xe rộng và đẹp, xuống cả các tầng hầm… nhìn bao quát chẳng kém các bến xe ở Singapore hay ở Kuala Lumpur tôi đã từng đi, có khi còn đẹp hơn vì mới.

Album hình tôi chụp hôm đó khá chi tiết khi xe qua những con đường mà tôi thấy có điểm gì đặc biệt ghi nhớ như cái Tháp điều áp ở gần cầu Điện Biên Phủ (Cầu Phan Thanh Giản)… Nhìn trên cao, đường Metro chưa gì lắm cộng thêm sự hoang mang vì đã chờ đợi quá lâu rồi (hơn 10 năm) mà người ta dự đoán còn chờ nữa. Tôi mơ ngày cho tôi “điền vào chỗ trống” có đoàn tàu vào những bức hình này.

Trong Bến xe miền Đông mới     

Rồi 4 năm sau cũng ngẫu hứng, tôi ra khỏi nhà đi lại tuyến buýt đó và lượt về tôi đi Metro để tận hưởng cảm giác được “điền vào chỗ trống” cho những tấm hình cũ.

Đang mùa thành phố cây xanh lá và mùa rộn ràng của nhiều loại hoa như sứ, điệp vàng, lim xẹt, giáng hương, kèn hồng… bên đường làm dịu mắt phần nào cái màu nắng chói chang cũng là một “đặc sản” quanh năm của Sài Gòn.

Cái khác đầu tiên thấy được là Tháp điều áp ở Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản) không còn màu xi măng như xưa mà được sơn 2 màu trắng xanh với dòng chữ Sawaco nổi rõ. Tháp này và tháp ở Nhà máy nước Thủ Đức được xây dựng xong cùng lúc vào năm 1966. Lúc đó, tháp có tên là Surge Tower (tháp trào), còn người dân Sài Gòn xưa thì quen gọi là “tháp phi thuyền Apollo” vì nhìn nó giống như hỏa tiễn của phi thuyền Apollo. Nó khiến tôi nhớ một thời trường tôi học gần Nhà máy nước Thủ Đức. Hàng ngày đúng 12 giờ trưa có tiếng còi hụ vô cùng to, rõ ràng và sắc nét. Sau này tôi có hỏi một người quen làm ở nhà máy nước được biết chỉ là còi báo hiệu 12 giờ, nó “hụ” từ thời thành lập nhà máy nước. Sinh viên học buổi sáng thì tan lớp rồi vào căng tin lấy cơm trưa, học buổi chiều lục tục chuẩn bị lên lớp. Bạn học cùng thế hệ tôi thời ấy hay dân vùng quanh nhà máy nước chắc không thể nào quên. Tôi nghe nói bây giờ không còn tiếng còi hụ nữa. Thời tôi học đã qua gần nửa thế kỷ rồi!

Cầu vượt dẫn qua một nhà ga

Chợ Thủ Đức vẫn như ngày nào tôi tuổi 20, từ chợ tôi đạp xe qua mấy con dốc mới đến trường. Có lần Ba tôi từ Nha Trang vào Thủ Đức thăm tôi ở ký túc xá. Ba đi cách sao mà xe dừng ở chợ Thủ Đức là bến cuối. Ba không biết đón chuyến xe lam đi ngang qua trường tôi, ông đi bộ từ chợ Thủ Đức đến ký túc xá (chắc phải hơn 3 cây số), bàn chân Ba sưng lên vì ông mang đôi dép sa-pô mới. Ba càm ràm: “Xứ gì mà không có một chiếc xích lô”. Ba ơi, xích lô nào mà đạp lên nổi hai con dốc từ chợ Thủ Đức đến ngã tư Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/03/2025)

Tôi nhớ T, bạn học cùng lớp với những năm ăn cơm độn bo bo, mì sợi mà hai đứa có tiền để dành đi học dương cầm với một soeur ở Dòng Notre Dame Des Missions; những năm bao cấp thiếu thốn ấy mà chúng tôi đã có những buổi chiều thật…. “quý tộc” trong không gian thơm thoảng mùi hoa hồng cùng tiếng đàn, tiếng nhạc Thánh ca… T đã nằm lại sâu trong lòng đại dương xanh thẫm nơi nào đó trong thân phận thuyền nhân bất hạnh của một giai đoạn lịch sử bi thương. Đời người là chuỗi những dữ liệu chỉ một chạm nhẹ là bật tung ra, đôi lúc không thắng lại được.

Và kìa, đoàn tàu xinh xắn hiện ra ở đường trên cao vào nhà ga cuối cùng là Bến xe miền Đông mới. Tôi phải thú thật, một cảm giác khó tả trong tôi khi nhớ lại 4 năm trước mình đã qua đây nhìn lên cao với ước mơ được chụp những tấm hình “điền vào chỗ trống”.

Đường tàu metro

Còn làm tôi nhớ hôm khánh thành tàu điện, miễn phí cho khách đi 1 tháng, bạn ở nước ngoài gửi qua tôi tấm hình người chen chúc trên các toa với lời nhắn: “Khiếp, người ta có cả trăm năm rồi, làm gì mà háo hức tàu điện dữ”.

Tôi nhắn lại: “Vậy là bồ không hiểu người Sài Gòn rồi. Nhìn lại quá khứ đi, đám tang các nghệ sĩ: Thanh Nga, Lê Công Tuấn Anh, Trịnh Công Sơn… gần nhất là Chí Tài hay xưa nhất là cụ Phan Chu Trinh, dân Sài Gòn đã đưa tiễn đông thế nào. Dân Sài Gòn đã yêu thương ai, hay thích cái gì thì họ phải tìm đến cho bằng được. Đó là tính cách rất dễ thương của người Sài Gòn. Tôi đã thấy những người già lụm cụm len cho bằng được lên tàu điện, hãy hiểu tâm trạng và cảm xúc của họ, đi đến cuối đời người mới được đặt chân lên cái phương tiện mà người ta đã có hàng trăm năm…”

Ga Bến xe Suối Tiên là ga cuối

Từ chỗ xe buýt ngừng, đường đi toàn bộ có mái che, đúng nghĩa “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”. Bến xe đẹp, rộng rãi nhưng vắng khách dù xe đi về các tỉnh miền Đông và cả miền Tây. Có bảng điện tử lịch xe chạy, tiện nghi hơn nhiều các bến xe cũ, cảm giác này khá dễ chịu. Ngồi xuống một băng ghế, ký ức tôi lại miên man cái thời mới vào Sài Gòn học, cơm ăn cơm dở xếp hàng mua vé ở bến xe hồi ấy gọi là “Xa cảng miền Đông” trên đường Lê Hồng Phong (Pétrus Ký cũ) quận 5. Chiều mới mở bán mà phải xếp hàng “đặt cục gạch” từ sáng sớm, còn đề phòng móc túi, cướp giật, lường gạt… Tôi chép lại một đoạn trên Internet miêu tả về cái bến xe ở Sài Gòn ngày ấy: “Bến xe trên đường Pétrus Ký hoạt động suốt 24 giờ, mang đến một không khí nhộn nhịp suốt cả ngày lẫn đêm. Những người từ các tỉnh lẻ, khi lần đầu đặt chân đến Sài Gòn, thường bước chân vào bến xe Pétrus Ký này, ngơ ngác ngắm nhìn cảnh sắc hoa lệ của thành phố. Bến xe Pétrus Ký đã được đổi tên thành Xa cảng Miền Đông Nam Bộ vào ngày 11 tháng 12 năm 1976. Đến năm 1981, chính quyền thành phố quyết định di chuyển bến xe này đến Bình Triệu. Họ đổi nó thành Bến xe Miền Đông” (là Bến xe miền Đông cũ).

Trụ Tháp điều áp ở Nhà máy nước Thủ Đức nhìn từ trên metro

Tôi hỏi chuyện hai người khách, ngẫu nhiên sao họ đều về miền Tây, một người đi Cần Thơ, một người về Cao Lãnh. Chị đi Cao Lãnh nói với tôi rằng, nếu chị ra Bến xe miền Tây, xe về Cao Lãnh sẽ dừng trước nhà chị, nhưng vì chị mang đồ cồng kềnh đi từ Suối Tiên nên ra đây cho gần. Có chút bất tiện là đi từ bến xe này, đến Cao Lãnh phải đi xe trung chuyển về nhà. 2 tuyến xe cùng về Cao Lãnh nhưng chạy khác đường.

Xem thêm:   Quý bà & sàn nhảy

Tôi lòng vòng một lát ở bến xe rồi sang nhà ga Metro trở về.

Tôi xuống ga Bến Thành lên cửa số 3 là vào ngay chợ. Đông đúc khách du lịch ăn trưa, mua sắm, tiếng người mua bán trả giá. Ở chợ Bến Thành hầu như người bán hàng nào cũng nói được ít nhất là tiếng Anh, còn các tiếng khác như Trung, Nga, Pháp… không nhiều nhưng người bán, người mua đều giao tiếp được thông cảm, vui vẻ.

Nhà máy nước Thủ Đức

Bài và hình ĐTTT