Cúm gia cầm, tên dân gian là “Bird flu” và tên khoa học là “H5N1 avian influenza”. Cúm gia cầm trở thành mối bận tâm của cư dân Hoa Kỳ khi đi chợ, giá trứng gà tăng vù vù.
Theo dữ liệu của Federal Reserve, từ tháng Giêng năm 2022, giá một tá trứng gà từ $1.46 đã lên đến $4.95 vào tháng Giêng năm nay trong khi giá một cân Anh (khoảng nửa ký lô) thịt gà từ $3.06 đã lên đến $3.97.
Gà và chim chóc bị cúm, chết dịch hàng loạt, cả 166 triệu con, nên trứng và thịt đều lên giá khi trận dịch khởi đầu năm 2022. Từ đó, dịch cúm gia cầm xảy ra hằng năm.
Dù cúm gia cầm không ảnh hưởng cho lắm đến sức khỏe con người nhưng chuyên viên thú y / canh nông như ông Andrew Bowman, tại Ohio State University’s College of Veterinary Medicine, vẫn thắc mắc rồi lo ngại vì chưa thể trừ khử hoặc kiểm soát được những trận dịch này. Nhiều vấn nạn vẫn còn là câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng.
- Mua và ăn thịt gà có an toàn cho sức khỏe không? Trứng gà và sữa có an toàn không?
– Theo bộ Canh Nông Hoa Kỳ, thịt gà và trứng là thức ăn an toàn vì kỹ nghệ chăn nuôi gà lấy thịt và trứng được kiểm soát rất chặt chẽ và thường xuyên thử nghiệm, nhất là khi siêu vi khuẩn gây cúm bị hủy hoại trong việc nấu nướng thức ăn. Cơ quan FDA khuyến cáo rằng nên nấu trứng chín hẳn, tròng đỏ và tròng trắng đều đông đặc. Đừng ăn sống hoặc trứng tái “hồng đào”.
Chuyên viên thú y, Amber Itle, của tiểu bang Washington, khẳng định rằng gà nuôi trong sân vườn tiếp xúc với chim trời có thể bị lây bệnh nhưng khi nhiễm siêu vi khuẩn cúm, các gia súc này không còn đẻ trứng và thường chết vì bệnh tật.
Theo giáo sư y khoa chuyên về bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Peter Chin-Hong, University of California San Francisco, sữa [bò, dê, cừu…] đều được khử trùng qua phương pháp “pasteurization”, siêu vi khuẩn cúm không còn hoạt động được nữa, nên các món sữa ấy đều an toàn cho sức khỏe ngoại trừ sữa “tươi” hay “raw milk” không được khử trùng nên không an toàn vì siêu vi khuẩn cúm có thể sinh sôi, tăng trưởng trong các tuyến sữa của gia súc.
- Tại nông trại, cúm gia cầm lây lan ra sao?
-Cúm gia cầm hay H5N1 rất dễ lây lan khiến chim gà nhiễm bệnh chết hàng loạt. Sau khi bị nhiễm siêu vi khuẩn, thú vật lây bệnh nhanh chóng và truyền bệnh qua các vi thể bay trong không khí, phân, nước miếng và nước mũi, mắt.
Siêu vi khuẩn H5N1 có thể lan truyền từ nông trại này sang nông trại khác qua các vi thể trong không khí.
Tại nông trại nuôi bò sữa, gia súc nhiễm bệnh truyền siêu vi khuẩn qua các tuyến sữa nên sữa có thể bị nhiễm trùng và không an toàn khi chưa được khử trùng đầy đủ. Ngay cả chó mèo trong nông trại cũng có thể nhiễm cúm gia cầm khi uống sữa tươi. Nghĩa là không nên uống sữa “tươi”, raw milk, dù sữa tươi ngon ngọt hơn sữa đã khử trùng.
- Ta có cần giết hết chim gà nhiễm bệnh để trừ khử cúm gia cầm không?
Khi nhận biết dịch cúm gia cầm đã xuất hiện, luật pháp liên bang Hoa Kỳ đòi nông trại phải trừ khử chứng bệnh vì siêu vi khuẩn cúm lây lan rất nhanh giữa gia súc trong vùng và có thể lan xa qua không khí. Hầu như mọi gia súc đều nhiễm bệnh và chết dịch. Không có sự lựa chọn nào khác.
Ngoài ra, luật pháp còn đòi nhân công của nông trại phải áp dụng các phương pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm như dùng quần áo khử trùng, tắm rửa mỗi khi ra khỏi nông trại, xịt thuốc tẩy rửa thường xuyên, ngăn ngừa thú rừng vào nông trại… và các phương pháp phòng ngừa khác. Kỹ lưỡng như thế nhưng vẫn có thể xảy ra vấn nạn truyền nhiễm vì một vài nông trại không giữ đúng các quy luật kể trên và trận dịch bắt đầu.
Theo ông Bowman, trâu bò nhiễm cúm gia cầm vẫn hồi phục, do đó không cần trừ khử để phòng ngừa.
- Đã có bao nhiêu gà mái [nuôi lấy trứng] bị trừ khử?
Từ tháng Giêng năm nay, đã có khoảng 23 triệu gà mái bị giết trong các nông trại tại Hoa Kỳ theo số liệu của bộ Canh Nông. Trong số này, 18.8 triệu là gà mái nuôi lấy trứng (“layers”) và 2.2 triệu con gà nuôi để lấy thịt (“broilers”)
Gà [nuôi lấy] trứng và gà [nuôi lấy] thịt là các giống gà khác nhau về di tính. “Tuổi thọ” do đó khác biệt và gà trứng dễ nhiễm bệnh vì [phải] sống lâu hơn. Giáo sư John Cranfield, chuyên gia kinh tế nông nghiệp tại University of Guelph, Ontario, Canada giải thích rằng chỉ cần nuôi gà thịt khoảng 6-7 tuần là có thể bán trong khi gà trứng phải nuôi đến 5 tháng mới đẻ trứng, và tiếp tục đẻ trứng suốt cả năm.
Dưỡng chất từ trứng gà khó thay thế bằng các thực phẩm khác nên dù giá bán gia tăng khá cao nhưng người tiêu thụ vẫn tiếp tục mua trứng.
- Cách trừ khử gà nhiễm bệnh: Tùy theo nông trại và tùy theo giống và số gia cầm cần trừ khử. Với số lượng lớn (cả trại gà), chủ trại xịt thuốc khiến gà chết ngạt nhanh chóng.
Xác gà được đem đốt hoặc tiêu hủy bằng nhiệt lượng, khí nitrogen, nước và vi khuẩn. Tàn tro được giữ ở nhiệt độ 131 độ F suốt 3 ngày để hoàn toàn hủy hoại siêu vi khuẩn cúm, sau đó dùng làm phân bón. - Vịt, chim chóc có bị ảnh hưởng cúm gia cầm như gà không?
Số liệu của bộ Canh Nông cho thấy khoảng 12,000 chim rừng (170 giống chim khác nhau) sinh sống tại Hoa Kỳ. Chính các loài chim di ấy tạo ra chứng cúm gia cầm qua phân rơi hoặc tiếp giáp với thú nuôi.
- Cúm gia cầm có ảnh hưởng đến mùa màng không?
Cây cỏ không bị nhiễm bệnh cúm gia cầm nhưng ta vẫn cần rửa sạch rau cỏ trước khi ăn.
- Cúm gia cầm có ảnh hưởng đến con người không?
Hiện nay sự truyền bệnh cúm gia cầm giữa con người (human-to-human) chưa xảy ra cho đến khi siêu vi khuẩn này [có thể] biến thể (mutation). Khoảng 70 nhân công trong nông trại đã bị cúm gia cầm, triệu chứng nhẹ, do lây bệnh từ gà nhiễm trùng.
Khi siêu vi khuẩn có thể truyền sang con người, thì sự rủi ro gia tăng rất cao vì siêu vi khuẩn biến thể mỗi lần truyền bệnh.
- Có thể nào cúm gia cầm trở thành trận dịch toàn cầu như Covid 19 không?
Các chuyên viên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm đang lo âu; với số lượng gia cầm nhiễm cúm gia cầm, việc truyền bệnh cho con người có thể xảy ra với xác suất khá cao. Con người đã trải qua 4 trận dịch cúm toàn cầu (pandemic) từ đầu thế kỷ XX, cả 4 đều bắt nguồn từ cúm gia cầm.
- Ta có thuốc chủng ngừa cúm gia cầm chưa?
Chính phủ liên bang dự trữ 2 loại thuốc chủng ngừa cúm gia cầm nhưng cần sự chuẩn thuận của cơ quan FDA, các loại thuốc này mới được sử dụng. Ngoài ra, một số phòng thí nghiệm đang thử nghiệm các thuốc chủng ngừa mới, dùng kỹ thuật mRNA (dùng cho Covid).
- Có thuốc chủng ngừa cúm gia cầm cho gà không?
Đã có thuốc chủng ngừa cúm gia cầm cho gà, nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp đang sử dụng; tại Hoa Kỳ, bộ Canh Nông chưa chuẩn thuận vì việc sử dụng thuốc chủng ngừa có thể gây nhầm lẫn, gà nhiễm bệnh và gà đã chủng ngừa đều có cùng kháng thể. Ngoài ra việc chủng ngừa chỉ có thể tiết giảm nhiễm bệnh nhưng chưa hoàn toàn trừ khử chứng bệnh này chưa kể việc chim trời “rải” siêu vi khuẩn mà ta không thể trừ khử.
- Các nông trại nhiễm chứng cúm gia cầm có được tài trợ không?
Để khuyến khích việc trình báo bệnh truyền nhiễm, chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp các nông trại gặp nạn. Qua tháng Mười Một năm 2024, bộ Canh Nông đã chi trả 1.25 tỷ Mỹ kim bù đắp cho số gà thịt và gà đẻ trứng bị trừ khử để ngừa bệnh. Các món tiền khác đã dùng trong việc khử trùng và hỏa thiêu xác gà chết. Tháng Hai năm 2025, bộ Canh Nông công bố rằng 1 tỷ Mỹ kim sẽ được dùng trong các chương trình liên quan đến cúm gia cầm như gây giống các loạt gà mới và tiếp tục các phương pháp phòng bệnh.
- Đến khi nào thì giá trứng gà mới “bình thường” trở lại?
Câu hỏi này chưa có lời giải đáp chính xác, tùy thuộc vào việc gây giống gà mới nhanh chậm ra sao, trung bình là 6 tháng mới có loạt gà mới, và có nông trại [mới] nào bị nhiễm bệnh hay không. Hoa Kỳ đang hỏi mua trứng từ Âu Châu và các quốc gia khác; Thổ Nhĩ Kỳ vừa bán cho Hoa Kỳ mấy chục triệu trứng gà để “giải tỏa” bớt giá cả “cắt cổ” trên thị trường.
TLL
Theo tài liệu của bộ Canh Nông Hoa Kỳ và cuộc phỏng vấn của đài truyền thông NBC