Thôi thế từ đây cách biệt rồi
Đường đời đôi đứa rẽ đôi nơi
Từ đây vĩnh viễn xa nhau mãi
Vĩnh viễn xa nhau đến trọn đời
Em có khi nào nhớ đến anh
Chỉ xin một phút lặng sau mành
Anh từ đây sẽ không yêu nữa
Để giữ trong anh một bóng hình
(Thanh Bình)

Nhạc sĩ Thanh Bình thời trai trẻ
Nguyễn Ngọc Minh với bút danh Thanh Bình là tác giả của các truyện ngắn kiêm ký giả phụ trách trang văn nghệ của nhiều tờ báo xuất bản trên đất Bắc. Tên tuổi ông được nhắc nhở qua hai cuốn tiểu thuyết thu hút độc giả thời đó là “Mưa dập gió vùi” và “Mình còn trẻ lắm”. Ở mảng âm nhạc, sáng tác đầu tay “Những nẻo đường Việt-Nam”, tác giả vẽ lên hình ảnh đẹp đẽ của quê hương đất nước trên bước đường phong sương lang bạt kỳ hồ …
“Những nẻo đường Việt-Nam
Suốt từ Cà-Mau thẳng tới Nam-Quan
Ôi, những nẻo đường Việt-Nam
Ơi, ta đắp đường làng ta
Nhắn ai đi xin chớ quên quê nhà
Con đường về thôn vui quá”
Và bức tranh quê nhà với những hình ảnh mộc mạc, gần gũi, gợi nhớ gợi thương vẫn thấp thoáng đâu đó trong khúc hát “Lá thư về làng” …
“Từ miền xa viết thư về thăm xóm làng
Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu mưa nắng
Em thơ ơi, có còn học hành sớm tối
Áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi”
Tánh tình ông vốn dĩ hào hoa và cư xử lịch thiệp nên được nhiều người quý mến rồi đem lòng thầm thương, trộm nhớ nhưng nhạc sĩ Thanh Bình luôn gặp phải những cuộc sống tình cảm lận đận và tréo ngoe vì số phần không may mắn.
Hiệp định Genève cắt chia đất nước ở vĩ tuyến 17 đã đánh dấu cuộc phân ly của đôi trai gái ở lứa tuổi thanh xuân với mối tình vừa chớm nở. Hình ảnh người con gái tên Hằng ở Hải-Phòng và dư âm của cuộc tình dang dở đó theo chân ông rời đất Bắc rồi dong ruổi trên bước đường di cư xuống phương Nam. Từ trên boong tàu, ông nhìn thấy người yêu đang chạy dọc theo bờ cảng và hối hả chen lấn giữa đám đông hỗn độn. Không được tạn mặt nhau, không nói được với nhau câu nào là hình ảnh sau cùng của một cuộc tình không đoạn kết. Không lâu sau đó, ông được tin người yêu nơi xa bị gia đình ép gả đi lấy chồng và nhạc phẩm “Tình lỡ” với lời lẽ xót xa, nức nở ra đời như để nhắc nhở và tiếc nuối cho một cuộc tình đã xa mờ theo dĩ vãng ..

Minh tinh Thẩm Thúy Hằng trên hình bìa tờ nhạc “Tình lỡ”, tái bản 1970
“Thôi rồi còn chi đâu em ơi
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người bỏ ta trong mưa bay”
Năm 1970, hãng Vietnam Films của minh tinh Thẩm Thúy Hằng và đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện cuốn phim “Nàng” dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư. Phim với sự góp mặt của các tài tử sáng giá như Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân, ca sĩ Phương Hoài Tâm, v.v. và đoạt giải Tượng Vàng tại Đại hội Điện ảnh Á Châu ở Đài-Loan lần thứ 7. Nhạc phẩm “Tình lỡ” của Thanh Bình với tiếng hát Khánh Ly được chọn làm ca khúc chính (the soundtrack). Những lời ca nỉ non, ai oán đó giống như một lời tiên đoán, một định mệnh đã an bài. Bài hát càng được yêu thích thì cuộc đời của ông triền miên lâm vào hoàn cảnh trái ngang. Mãi đến năm 1973, khi tuổi ngoài 40, ông mới tạo dựng được cho mình một mái nhà êm ấm với vợ đẹp, con ngoan. Nhưng hạnh phúc đã sớm chia tay với ông khi người vợ khoác áo ra đi và để lại cho ông đứa con gái tuổi vừa lên 3 ..
“Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau
Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau
Hết rồi nay đã không còn gì thật rồi
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi”
Cuộc đổi đời năm 1975 đã đưa đời sống của ông lâm vào ngõ cụt. Hạnh phúc bất hạnh khiến cho ông luôn sống trong cảnh nghèo túng, cô đơn và bệnh tật. Người con gái không may vướng vào vòng lao lý và ông phải sống nương náu nơi người cháu ruột cho đến khi qua đời năm 2014. Tang lễ của ông diễn ra lặng lẽ, vắng mặt đứa con duy nhất và với chưa đến 20 người thân quen đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Có lẽ định mệnh cay nghiệt như đã âm thầm báo trước qua những lời ca mà ông đã viết, nên mối tình trăm năm cứ là tình lỡ, và cuộc đời 82 năm của ông vẫn là đời buồn …
“Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi thu thiết tha
Ôi người vì ta qua phong ba
Có còn gì sâu trong tâm tư
Mắt lệ mờ hoen dư âm xưa”
TV