Khi khai quật cổ mộ Montelirio, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm ngàn hạt “nữ trang” chế tạo từ vỏ sò ốc tuổi tác cỡ 5,000 năm, được chôn cất theo chủ nhân, những phụ nữ giàu có thủa ấy. Căn phòng lớn nhất trong cổ mộ Montelirio có hài cốt của 20 người, 15 là phụ nữ, 5 bộ hài cốt còn lại chưa được xác nhận giới tính. Trong căn phòng nhỏ hơn có hài cốt của 2 phụ nữ.

Hầu hết 270,769 hạt vỏ sò nọ cùng những hạt hổ phách được xâu chuỗi, sắp xếp tỉ mỉ theo từng kiểu mẫu phức tạp khiến người đương thời ước đoán rằng đó là một loại nữ trang được kết nối và đính trên y phục của các phụ nữ khi chôn cất. Biểu tượng của sự giàu có.

Theo sách vở khảo cổ, ngày xa xưa, đá, ngọc, kim loại … được chế biến thành từng hạt là những món “trang sức” đeo trên thân mình hoặc dùng để trao đổi như tiền bạc. Bộ sưu tập hạt trang sức từ cổ mộ Montelirio được xem là lớn nhất.

Theo giáo sư khảo cổ Leonardo García Sanjuán tại University of Seville, một số trong các hạt vỏ sò có sắc óng ánh của xà cừ, chúng khá nặng nên khó lòng đeo / mang trên thân mình như nữ trang hằng ngày mà chỉ dùng trong những dịp lễ lạt đặc biệt của các phụ nữ giàu có, quyền quý. Lúc đứng ngoài trời, áo khoác lấp lánh rực rỡ, phản chiếu ánh nắng, trông giống thần Mặt Trời, The Sun God.

Xem thêm:   Cúm gia cầm chuyện cũ nhưng vẫn mới

Sau khi khai quật, các chuyên viên khảo sát, cân, đong đo đếm từng hạt vỏ sò trong bộ sưu tập kể trên; và họ ước đoán rằng các vỏ sò đã được mài giũa rất tỉ mỉ, công phu, hầu như đồng dạng theo kích thước và cân nặng. Khi tìm hiểu, người đương thời đã bắt chước mài giũa vỏ sò để thẩm định công sức của nghệ nhân và đoán được rằng hạt vỏ sò nặng cần nhiều thời giờ hơn để chế tạo. Mỗi hạt vỏ sò, trung bình, nghệ nhân dùng khoảng 11 phút; công trình ấy cần ít nhất 10 nghệ nhân, làm việc miệt mài 8 tiếng mỗi ngày và qua 7 tháng ròng rã mới xong! Ấy là chưa kể công sức thu góp vỏ sò từ bờ biển.

Cổ mộ Montelirio được xây cất khoảng 4,875 năm trước và đã được sử dụng trong thời gian 100 – 200 năm. Ngôi mộ này nằm cách cổ mộ “The Ivory Lady” khoảng 100 thước. Cổ mộ “The Ivory Lady” được tìm thấy năm 2023, chứa hài cốt chôn cất chung với một chiếc lược bằng ngà voi, một lưỡi lê bằng đá trong suốt, vỏ trứng đà điểu và các quý vật khác. Cổ mộ này được định tuổi là 5,000 năm, và đã trở thành nguồn gốc cho việc khảo sát về giới tính của cổ nhân trong thời tiền sử. Thoạt tiên, chuyên viên cho rằng cổ mộ của một nam nhân nhưng sau khi dùng kỹ thuật amelogenin, xác định giới tính qua chuỗi protein thì nhận ra rằng đó là hài cốt của một phụ nữ, từ tên gọi “Ivory Man” trở thành “Ivory Lady”.

Xem thêm:   Cúm gia cầm dưới mắt khoa học gia

Trở lại với cổ mộ Montelirio, nhóm khảo cổ do ông García Sanjuán dẫn đầu cũng đã sử dụng kỹ thuật amelogenin để xác định giới tính của các hài cốt tìm thấy. Họ tin rằng cổ mộ này do con cháu của Ivory Lady xây cất, một gia tộc được cư dân sùng bái. Việc khảo sát sự liên hệ gia tộc đang được tiến hành.

Nhà khảo cổ García Sanjuán so sánh việc mài giũa vỏ sò với công trình xây dựng Stonehenge trong thời tiền sử; cả hai đòi hỏi công sức tương đương dù ta vẫn chưa tìm ra kỹ thuật khuân vác sắp xếp các tảng đá khổng lồ ấy (mỗi tảng đá nặng 25-30 tấn) bằng sức người.

Khi đã sử dụng lượng tài lực lớn lao như thế, dùng sức người vào việc trang sức (thay vì tìm kiếm thực phẩm) thì ta có thể đoán được rằng xã hội thời cổ rất giàu có, dư dả. Những phụ nữ kể trên hẳn là các nhân vật quan trọng, quan trọng đủ để sử dụng một lượng tài nguyên khổng lồ để trang sức khi sống và chôn cất theo lúc chết! Ngoài ra, thủa ấy hẳn đã có một “cơ xưởng” dành riêng cho việc chế tạo phẩm vật trang sức cho người quyền thế, từa tựa như xưởng sản xuất đồ dùng của hoàng gia thời cận kim. Không những khá giả, dư ăn dư mặc, ngày xa xưa đã có sự phân chia cách biệt giữa các tầng lớp xã hội Âu châu cổ xưa.

Xem thêm:   Đảo Quốc Xanh Greenland

Trong lịch sử xã hội và khảo cổ, chế độ mẫu quyền là khái niệm gây tranh luận, kết quả khai quật từ cổ mộ Montelirio xác định được vị thế cầm quyền của phụ nữ thời tiền sử. Nhìn ngắm cổ vật, giáo sư khảo cổ Andrew Jones, University of Stockholm, đồng thuận rằng dù có sự phân biệt giới tính nam / nữ nhưng khi phụ nữ tiền sử được đối xử trọng vọng như thế qua cách chôn cất thì có thể phụ nữ cũng cầm quyền tựa như nam nhân?!

Với lập thuyết này, xã hội Valencina thủa ấy hẳn đã theo chế độ mẫu quyền khi cơ cấu xã hội đã bắt đầu tổ chức theo hệ thống thứ bậc tại Âu Châu. Như thế, các hạt vỏ sò kể trên không chỉ là những cổ vật quý hiếm theo trị giá khảo cổ mà còn là biểu tượng của nữ quyền thời tiền sử, một “trị giá” tinh thần về lịch sử xã hội. Không biết khi nào thì nam quyền bắt đầu? Và đến khi nào thì nữ quyền trở lại trong xã hội con người để vòng tròn đời sống kia quay đủ một vòng?

TLL