Ở trong nước, người ta hay đặt câu hỏi: “Tu như Thích Minh Tuệ thì được lợi ích gì? Ổng tu vậy thì khi nào thành chính quả?” Đã có rất nhiều bài viết phân tích và trả lời cặn kẽ cho câu hỏi trên.

Trả nồi cơm lại cho “chúng ta” – Nguồn: Facebook   

Có người thì lạc quan, như tác giả Thái Hạo: “Cũng như căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên. Không thuyết pháp, nhưng chỉ bằng cách lặng lẽ sống đời đức hạnh, sư Minh Tuệ đã làm hiện nguyên hình tất cả tà sư và tà pháp trong một xã hội rộng lớn đang nhiễu loạn. Đạo đức có một sức mạnh lớn lao như thế đó, nó mau chóng giúp người ta nhận ra thật giả, tốt xấu, khiến lòng người xúc động, biết hướng thiện và hướng thượng trong âm thầm mà mãnh liệt. Đó là sức mạnh kỳ diệu của đạo đức mà không tiền bạc nào làm tốt hơn và làm một cách đơn giản đến thế được…”

Cũng có người bi quan, như tác giả Mạnh Kim: “Con đường của thầy Minh Tuệ, đáng tiếc, không dẫn dắt được ai. Sau những cảnh quỳ lạy ông, người ta gần như chắc chắn tiếp tục chứng kiến sự bát nháo Phật giáo, như vốn dĩ. Sự biểu hiện “tôn kính” thầy Minh Tuệ được thấy những ngày qua dường như không khác mấy so với những gương mặt lộ vẻ “thỏa mãn” khi được “giác ngộ” bởi những ma tăng như Thích Chân Quang. Sự ồn ào mà họ gây ra đã phá hỏng ý nghĩa sự tu tập của thầy Minh Tuệ cũng như làm hoen ố hình ảnh kính trọng thầy Minh Tuệ của một số ít người. Phật giáo Việt Nam đã bị phá nát, một cách có tổ chức và có hệ thống. Phật giáo chỉ có thể được cứu nếu tự thân các Phật tử học Phật và hiểu Phật. Điều đó không thể có được bằng việc rủ nhau đi xem một hiện tượng với lòng hiếu kỳ tò mò. Việc có quá nhiều người, ngày càng nhiều, vẫn tiếp tục ngồi lắng nghe những lời “giảng” bậy bạ của những ma tăng, mới chính là thứ cần được xem là một hiện tượng đáng lưu tâm. Nó không còn là một tín hiệu dự báo một điềm không lành. Nó đã là một xác chứng cho thấy Phật giáo Việt Nam đang thật sự bị tiêu diệt, bởi một phần từ chính những người gọi họ là “Phật tử”.”

Thống kê (từ chính chủ) cho thấy chùa quốc doanh bị “thất thu” trầm trọng – Nguồn: Facebook Dũng Thế Vũ

Đức Phật đã dạy: “Không ai làm cho ta trong sạch hay ô nhiễm. Chỉ có ta làm cho ta trong sạch hay ô nhiễm…” Bản thân Du Uyên, tôi tin là Phật giáo Việt Nam không thể trở nên trong sạch, trắng sáng chỉ nhờ vào sư Minh Tuệ – một người không người nhà, không nhà, không chùa, không tài sản, không thiết bị liên lạc, không mạng xã hội, không nhận tiền, không nhận hiện vật, không nhận là sư, không chào đón ai, không xua đuổi ai, đi không có điểm đến, đi đến khi nào không còn đi được nữa. Một người đơn độc và nhàm chán: không có bói toán kiếp trước kiếp này, không có luận nhân quả trước sau, không lập đàn cúng oan gia trái chủ, giải ấn trục vong, không tụng kinh siêu độ… nói chung, so với quan niệm “thầy chùa” trong mắt những người trẻ như tôi, sư Minh Tuệ không giống chút xíu nào. Cho nên, không chỉ vì sư Minh Tuệ mà tôi thay đổi được cách nhìn nhận đối với các vị “ngôi sao” trong giới “sư quốc doanh” như Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh… tôi vẫn thấy họ khó ưa. Nhưng cũng không bao giờ vì sư Minh Tuệ, mà tôi thấy thầy Thích Pháp Hòa, Thích Minh Đạo, Cha Phạm Quang Hồng… bớt đáng kính, chỉ vì họ không theo con đường tu khổ hạnh của sư Minh Tuệ. Đơn giản, vì tôi có mắt để thấy, có tai để nghe, có đầu óc tư duy, tôi không dễ dàng tin cũng không dễ dàng ghét bất kỳ ai theo chiều hướng của đám đông. Sư Minh Tuệ không thể khiến tôi bỏ món khoái khẩu thịt bò bít tết, cá sốt cà để đi theo đời tu khổ hạnh, nhưng tôi quý mến sư vì sư vượt qua hàng ngàn lăng kính của cư dân mạng, các camera chạy bằng cơm khắp Việt Nam hơn 6 năm trời, làm đúng theo lời mình phát nguyện, chưa bao giờ sai lệch, tôi học được chữ tín, chữ kính ở sư Minh Tuệ. Ông Thích Chân Quang nói riêng, nhiều “sư quốc doanh khác nói chung cứ ra rả giảng đạo cả chục năm cũng không lay động được tôi, bởi đa số điều ông nói đều khiến tôi khó ở, việc ông và đệ tử mần cũng khác xa những điều ông giảng. Một phật tử trẻ trong nước đã bàng hoàng sợ hãi với “lời phát nguyện trung thành tuyệt đối” của một ngôi chùa do một trong các ông sư quốc doanh ở trên làm trụ trì, người này viết câu hỏi gửi báo Giác Ngộ online – tờ báo Phật Giáo chính thống trong nước, nhưng đọc qua thấy như một bài tố cáo:

Xem thêm:   Châu Âu thụt lùi

“Tôi là một Phật tử trẻ, có tham gia vào đạo tràng của một ngôi chùa thu hút khá nhiều giới trẻ. Lúc đầu tôi thấy các hoạt động ở đây có ý nghĩa, sau một thời gian thì được cho vào nhóm các thành viên nòng cốt. Khi vào nhóm nòng cốt rồi tôi được các vị đi trước hướng dẫn đọc “Lời phát nguyện trung thành tuyệt đối”. Trong đó có những đoạn như sau: “Nếu con phản bội Như Lai/ Thân con lửa đốt qua vài triệu năm. Ân tình sư phụ cao thâm/ Con mà phản bội đọa cầm thú luôn… Nếu còn một chút cá nhân/ Thì con xin chịu tan thân nát người”… Cờ hồng nhịp bước hát vang/tình yêu đất nước ngập tràn trái tim.
Các vị ấy bảo phải thường xuyên đọc bài này để giữ duyên với Phật, với sư phụ, với chùa. Sau khi đọc xong tôi thấy có gì đó không ổn. Tôi học giáo lý và nhận thấy Đức Phật không dạy những lời nguyện tiêu cực như vậy nên tôi không phát nguyện. Mặt khác, những người trong nhóm không cho chúng tôi nghe pháp của các vị giảng sư khác, lý do là thời mạt pháp chánh tà lẫn lộn nên chỉ nghe pháp của sư phụ thôi, phải trung thành tuyệt đối với sư phụ, với chùa và đạo tràng, nếu không sẽ mất duyên, sẽ bị kỷ luật khai trừ khỏi đạo tràng. Hiện tại tôi rất hoang mang và có phần lo sợ, rất mong sự sẻ chia và hướng dẫn của quý Báo. (Bạn đọc xin ẩn danh và địa chỉ email)”
– Trích từ giacngo.vn.

“Lời phát nguyện trung thành tuyệt đối” của một ngôi chùa lớn tại VN – Nguồn: giacngo.vn

Nhiều bước chân đi theo dấu chân của sư Minh Tuệ, mỗi người có một mục đích riêng. Dĩ nhiên là có người muốn đi theo con đường của sư Minh Tuệ thiệt, nhưng đa số là có mục đích khác. Có người theo để chống phá, chứng minh Minh Tuệ cũng là người thường, không thần thánh quá như lời đồn, cũng có những điều xấu xa mà ta chưa thấy được. Có người muốn ké tí sắc màu trên áo sư Minh Tuệ, lộ diện trước truyền thông, ba hoa về phận đời mình từng lộng lẫy ra sao. Có người muốn kiếm cớ theo sư Minh Tuệ để thoát ly khỏi gia đình, vợ con, khổ cực trần tục, đi theo sư Minh Tuệ tuy tu khổ hạnh nhưng mỗi đêm mệt mỏi đều được an giấc nồng vì “tứ đại giai không”, chứ ở nhà thì nhiều đêm không thể ngủ vì tiền nhiều quá phải giữ, hoặc tiền ít quá mà cơm-áo-gạo-tiền-góp sách… quấn thân, đôi khi không ngủ được chỉ vì không thể giải thích được với vợ rằng cô gái mình vừa thả tim trên mạng xã hội là ai… Sức người có giới hạn, “tăng đoàn” tự phát ngày một đông, nhưng mỗi ngày đều có người bỏ cuộc ra về vì thấy tu khổ hạnh sao mà khổ thiệt. Một Phật tử tu tại gia ở Mỹ đã 5 năm, về Việt Nam 4 ngày thì đã tự nguyện ra miền Trung, tìm và đi theo sư Minh Tuệ. Do không chịu được khí hậu khắc nghiệt của miền Trung nóng nảy mà bị sốc nhiệt, bỏ mình. Vô tình tạo thêm cớ để người ta công kích sư Minh Tuệ, nhưng cũng là dịp để những bậc tu… ké nhìn nhận rõ bản thân mà nhanh nhanh bỏ cuộc, về xây lại đời mình. Đám đông đó có lẽ sẽ giải tán, sư Minh Tuệ có thể an nhiên đi vệ sinh mà không lo bị canh me 24/24, cuộc tu khổ hạnh của ông có thể càng nhẹ nhõm hơn…

Xem thêm:   "Thế hệ cợt nhả"

Tôi, một người dân bé nhỏ, không cần sư Minh Tuệ làm gì thêm, bởi việc làm của ông đã tạo ra lợi ích, chính quả rất bự: thay vì vô công rỗi nghề thì người ta chọn hòa vào đám đông đi… tu, đi quay video về sư Minh Tuệ và đám đông kia… dầu tu giả hay thật đều là chuyện tốt, Việt Nam bớt vài người làm việc xấu, nhất là trong bối cảnh mỗi tuần mở báo ra đều có vài vụ giết người giấu xác. Sư Minh Tuệ không nói gì, không chê ai, vậy mà khiến dân Việt Nam bớt tin vào đám xàm tăng, sư hổ mang, thầy chùa lửa… đó chính là lợi ích, đó là chính quả!

Lên báo nước ngoài – điều mà số ít thầy tu VN cho là “chính quả” không làm được – Nguồn: buddhistdoor.net

DU