Có lẽ đây là lần đầu tiên nhạc sĩ Lê Văn Khoa đến vùng Bắc Texas và có dịp tiếp xúc với cộng đồng người Việt vùng Dallas-Fort Worth nhiều như vậy. Ngoài phỏng vấn trên các đài TV/radio như VietTV, SBTN … ông còn xuất hiện trong buổi họp báo ngày 5 tháng 4 tại Watters Creek Village ở Allen. Chưa kể gặp gỡ và chụp hình chung với khán giả trước và sau chương trình Dòng Chuyển Của Âm Thanh.

Ảnh: Lê Văn Khoa (giữa) cùng các nghệ sĩ chào khán giả trước khi kết thúc chương trình. (Bảo Huân/TRẺ)    

Tại buổi hoà nhạc, bà chủ tịch của Allen Philharmonic Symphony Orchestra, Kathy Litinas, đã ân cần giới thiệu nhạc sĩ Lê Văn Khoa với mọi người. Trong số khán giả đêm đó có khá đông người Mỹ, đa số trước giờ không biết ông là ai. Và dĩ nhiên hầu hết các khán giả trẻ người Mỹ gốc Việt nhờ đi xem chương trình này mới được nghe đến và nhìn thấy ông lần đầu. Trên sân khấu nhạc sĩ phát biểu bằng tiếng Anh, “Đây là lần đầu tiên trên thế giới có một buổi hoà nhạc Việt như thế này!” Ông nói ông rất vui khi thấy dòng nhạc Việt được đón nhận một cách trân trọng bởi cộng đồng người Mỹ, và thấy chương trình có đông người Việt đi xem.

Ảnh: NS Lê Văn Khoa cầm tờ chương trình trên tay nói chuyện với khán giả. (Bảo Huân/TRẺ)

Đến Dallas sớm hơn các nhạc sĩ khác một ngày, việc đầu tiên khi ra khỏi phi trường là ông nhờ in ra tất cả những bảng tổng phổ mà dàn nhạc dùng. Yêu cầu tưởng nhỏ này xem ra lại vô cùng rắc rối, vì phải liên lạc với người librarian của orchestra. Họ phải gởi các bản PDF cho nhà in, với yêu cầu khổ giấy lớn và đóng lỗ các trang để làm thành quyển nhạc cho từng bài để dễ lật. Tuy tiền in khá mắc, nhưng nhờ làm vậy ông có thể theo dõi buổi dợt và chỉ ra những chỗ nào cần sửa đổi.

Ảnh: Rà bài ‘Ngày Mai Chia Tay’ cùng nhạc trưởng Ryan Ross và celloist Sumo Bùi. (ianbui/TRẺ)

Ryan Ross không chỉ là nhạc trưởng của Allen Philharmonic mà còn đứng đầu ban Orchestra tại trường Plano West High School. Những năm qua các dàn nhạc học sinh của anh đã thắng quán quân Texas rất nhiều lần. Nhà nghệ sĩ guitar khiếm thị Nguyễn Đức Đạt, khi nghe Ryan Ross điều khiển đã phải sửng sốt kêu lên, “Ông này không biết nhạc Việt Nam mà sao điều khiển có hồn quá. Còn dàn nhạc Allen này tập với nhau có hai bữa mà đánh hay thiệt!”

Ảnh: Ryan Ross gặp gỡ nhạc sĩ Lê Văn Khoa sau đêm diễn. (Bảo Huân/TRẺ)

Đây cũng là chương trình nhạc giao hưởng Việt đầu tiên có tổ chức một buổi họp báo trước ngày trình diễn, để truyền thông báo chí trong vùng có cơ hội tiếp xúc với các nhạc sĩ và nghệ sĩ. Đài VietTV, báo Người Việt Dallas và Báo Trẻ đại diện cho truyền thông đã đặt nhiều câu hỏi rất hay. Tuy không đông người tham dự, nhưng cuộc họp báo đã diễn ra trong không khí thoải mái, với nhiều câu trả lời sắc bén, đi sâu vào vấn đề, và đặc biệt là có nhiều tiếng cười vui vẻ của mọi người.

Ảnh: Ian Bui (trái) phỏng vấn Teresa Mai, Hila Plitman (phải). (Bảo Huân/TRẺ)

Tuy lớn tuổi nhưng nhạc sĩ Lê Văn Khoa vẫn rất trẻ trung trong tâm hồn. Khi mới bắt đầu vào việc, ông bắt tôi phải xưng hô với ông là “anh em” chứ không “bác cháu” gì ráo. Là dân Cần Thơ, ông nói chuyện y như một người Nam kỳ trí thức thời xưa — thẳng thắn nhưng ý tứ, sâu sắc nhưng có duyên. Ông luôn lắng nghe những góp ý để sửa đổi các bài nhạc, miễn sao nghe hay và thích hợp với chương trình. Chẳng hạn như soạn thêm phần đàn T’rưng cho bản ‘Trăng Rằm’ để Hải Yến có thể biểu diễn.

Ảnh: Ca sĩ Hila Plitmann (2 Grammys) tặng ông già Nam Bộ một cái hôn. (Bảo Huân/TRẺ)    

Một trong những mục tiêu nhạc sĩ Lê Văn Khoa đề ra cho chương trình là kết nối với các thế hệ nhạc sĩ lớn lên ở hải ngoại, khuyến khích họ đẩy mạnh âm nhạc của người gốc Việt vào dòng nhạc chính mạch của nước Mỹ. Do đó ông đã mượn cơ hội này để gặp gỡ các nghệ sĩ trẻ, trao đổi tri thức, ý kiến v.v. Nhưng quan trọng hơn hết là để làm quen và tạo sự cảm thông giữa hai thế hệ cách nhau hơn nửa thế kỷ.

Từ trái: NS Lê Văn Khoa, CS Teresa Mai, CS Ngọc Hà, nhà bảo trợ Trịnh Hoàng Hải, và nhạc trưởng Jon Lê Culpepper (quay lưng) sau buổi họp báo. (Bảo Huân/TRẺ)

Ngày hôm sau, trước khi “đường ai nấy đi”, một số anh chị em nhạc sĩ đã có dịp ghé thăm lò rượu đế Ông Già danh bất hư truyền. SuTi là một trong những nhà bảo trợ sớm nhất cho chương trình và đã giúp rất nhiều trong phần xin quảng cáo, tài trợ, cũng như giúp cho buổi tiệc tiếp tân sau đêm diễn. Tuy là người không rượu bia thuốc lá, nhưng bác Khoa rất vui vẻ tham gia các sinh hoạt của anh chị em. Hai ông bà còn nhảy phóc lên chiếc Vespa của SuTi, một tay cầm ghi-đông, tay kia ôm chai đế. “Sài Gòn của tôi” ngày xưa còn không được vui đến vậy!

Ảnh Tiến Ngô/SuTi

Một bất ngờ vào giờ chót là không hiểu sao lại gặp được nhạc sĩ Tuấn Khanh từ Việt Nam (phải) và nhà báo Mạnh Kim (trái) từ Virginia để cùng nhau đi xuống Houston. Và người chở cả bọn không ai khác hơn gia đình cô Quỳnh Thi, quản trị đài VietTV. Thế là “quậy” Dallas chưa đã, mọi người lại làm thêm một trận nữa ở Houston, với một buổi phỏng vấn trên đài TV và Radio. Câu hỏi hóc búa nhất mà ai cũng đặt ra là, “Khi nào sẽ có chương trình kế tiếp?” Xin thưa, “Thời gian sẽ trả lời!”

Từ trái: Mạnh Kim, Lê Văn Khoa, Ian Bui, Tuấn Khanh. (ianbui/TRẺ)

Cách đây 3 tháng, nhạc sĩ Lê Văn Khoa bị té phải vào nhà thương, rồi sau đó mất thêm vài tuần để hồi phục. Sự kiện không may này đã khiến việc chuẩn bị chương trình bị đình trệ một thời gian. Không ai dám chắc nhạc sĩ sẽ đủ sức bay qua Dallas tham dự đêm nhạc. Chỉ đến khi thấy ông được ngồi xe lăn đẩy ra khỏi phi cảng chúng tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Nhưng như bác kể, “Dự án này đã giúp tôi mau hồi phục, nó cho tôi sinh lực và làm tôi như muốn trẻ lại.” Chúc bác luôn mạnh khoẻ, và có dịp đại náo Dallas lần nữa nhé!

Ảnh: Một vài bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa, sẽ được triển lãm tại Allen trong tương lai gần. (ianbui/TRẺ)