Vài tuần trước, trong lúc đang “tám” chuyện giá cả thực phẩm tăng vọt khiến cho các bà nội trợ choáng váng mặt mày mỗi khi đi chợ, chị bạn chợt hỏi:

– Năm nay Trẻ có ăn tất niên không?

Lý do là vì chị thường mời tôi đến chung vui với gia đình trong buổi họp mặt cuối năm nhưng hễ đụng với tiệc của Trẻ thì tôi phải từ chối.

– Hổng biết … nhưng có thể là không. Dạo này kinh tế khó khăn quá mà Trẻ còn đứng vững đến bây giờ là giỏi lắm rồi.

Chị bạn đồng tình:

– Đúng đấy…

Vâng! Đúng đấy … vì Sớ Táo Quân trong báo Xuân năm 2023, Táo Chùm đã “kể lể” với Thượng đế rằng:

Nay chuyện bếp nhà

Của Tuần Báo trẻ

Tuy không thất thế

Vì Cô-vi-na

Nhưng cũng te tua

Gồng mình chịu trận

Một phen lận đận

Nhưng vẫn kiên trì

Thật ra, mọi người rất vui khi tham dự tiệc tất niên, chẳng phải để được đến nhà hàng thưởng thức những món ăn ngon mà chỉ mong muốn gặp gỡ các anh các chị trong “Gia đình Trẻ” mỗi năm một lần như thông lệ trước kia để có cơ hội tay bắt mặt mừng, chuyện trò dăm ba câu chuyện hầu thắt chặt tình giao hảo giữa những người đã từng quen biết nhau qua “nhịp cầu văn chương” trên báo Trẻ nhưng hiếm khi được gặp gỡ trong sinh hoạt thường nhật.

Trước mùa Covid, mỗi cuối năm Trẻ thường tổ chức họp mặt tất niên. Hiện diện trong bữa tiệc là nhân viên và gia đình cùng một số cộng tác viên, thân hữu. Bữa tiệc nho nhỏ nên không tưng bừng, náo nhiệt nhưng mọi người vui hết mình vì tận hưởng được cái hương vị ngọt ngào, ấm áp của mùa xuân sắp đến trong sự gần gũi, thân mật.

Trở về “quá khứ”, tôi như nhìn thấy khung cảnh quen thuộc của một tất niên cũ …

Trong lúc mọi người rộn ràng chào nhau trong bầu không khí vui vẻ, nhộn nhịp thì nhà văn Nguyễn Xuân Thiệp, anh Hoàng Định Nam, Nhật Hoàng … với vai trò “chủ nhà” thường đi vòng vòng rồi ghé qua bàn khách thăm hỏi dăm câu, cùng nhau nâng ly rượu đỏ trong lúc hai MC “nghiệp dư” Đinh Yên Thảo và luật sư Anh Thư khuấy động “sân khấu” khiến phòng tiệc như “bừng bừng khí thế”…

Xem thêm:   Ai thắng, ai thua?

Tôi ngồi nhâm nhi chút nước cay cay, ngọt ngọt, đảo mắt điểm từng khuôn mặt. Quen có. Lạ có. Những nhân viên làm việc trong tòa báo chưa có dịp gặp nên lạ là phải, ngoại trừ Kim Liên, Băng Dương, Hoàng Oanh … Bên kia là thân hữu có anh Đẩu, chị Trâm, chị Hoàng Chu và phu quân … Đằng sau là những nhân vật “chóp bu” mà tôi quen biết đã lâu, trước khi cộng tác với Trẻ và có một vài kỷ niệm nho nhỏ dễ thương với họ.

Trước nhất là Chủ báo Nhật Hoàng. Biết Hoàng rất lâu, từ những năm tôi làm việc cho tuần báo Người Việt Dallas và Hoàng thỉnh thoảng ghé qua chơi. Biết Hoàng làm “layout” rất đẹp nên có lần Hội Gia Long Dallas-Fort Worth có nhờ Hoàng làm bìa cho tờ đặc san Gia Long. Khỏi cần khen, cứ nghe các chị tắc lưỡi tấm tắc khi chuyền tay nhau ngắm nghía là biết tác phẩm đã làm “vui lòng khách đến” và “vừa lòng khách đi”. Tình thân bắt đầu từ đó. Nhất là khi Trẻ – tuần báo xuất hiện tại Dallas trước đó khoảng một năm – vừa sang tay Nhật Hoàng và trở thành tờ báo đặc sắc. Là người cười nhiều hơn nói, Hoàng tỏ ra chững chạc ngay khi tuổi còn trẻ. Nhớ Hoàng và ổ bánh sinh nhật, nhớ Trẻ cùng trang báo chúc mừng tạp chí Ca Dao tròn một tuổi mà mỗi khi nhắc lại tôi và anh xã vẫn còn cảm động. Một ân tình khó quên.

Kế đến là văn thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp, người mà tôi thường gọi là chú. Cũng vì chữ chú này mà cố văn sĩ Huy Phương đã có cơ hội chọc ghẹo trong lần ra mắt sách tại Dallas cách đây nhiều năm.

– Tôi với ông bằng tuổi mà Ngân Bình gọi tôi bằng anh, gọi ông bằng chú, chứng tỏ ông già hơn tôi.

Chú Thiệp liếc tôi một cái rồi cười. Nụ cười đôn hậu trên khuôn mặt còn phảng phất nét “điển trai” của thời thanh xuân. Tôi vội vàng kể lể dông dài … vì sao phải gọi bằng chú. Ngày trước, cô Dung – hiền thê của chú Thiệp – làm việc ở trường Gia Long, còn tôi là nữ sinh Gia Long. Tôi gọi cô Dung thì dĩ nhiên phải gọi phu quân của cô bằng chú. Từ phía sau, anh xã tôi chồm tới, dặn dò “Từ bây giờ gọi anh, không chú cháu gì nữa, nhớ không?”. Chú Thiệp lại nhìn tôi với nụ cười cố hữu. Tôi cũng cười. Nụ cười chẳng phải để thay cho câu trả lời “Yes” hay “No”, nên đến bây giờ mỗi khi gặp nhau tôi vẫn “chào chú”.

Xem thêm:   Ai thắng, ai thua?

Người phụ trách mục Kiến thức đã và đang được nhiều độc giả theo dõi là anh chàng MC Đinh Yên Thảo trên kia. Trước khi gặp mặt, tôi đã biết Đinh Yên Thảo qua vài bài viết. “Thiên Đường Xanh Của Mẹ” là bài văn hay và thật cảm động mà tôi rất yêu thích.

Anh xã tôi quen Thảo từ trước nhưng chỉ trong phạm vi xã giao. Cho đến khi Niên Trưởng của anh nhờ làm đại diện đàng gái trong lễ đính hôn của con gái mà chàng rể tương lai là Đinh Yên Thảo, thì lúc đó mới biết mình sẽ trở thành “họ hàng” trong đại gia đình Chiến Tranh Chính Trị. Thế là có một màn lấn cấn trong cách xưng hô. Từ chữ Anh đổi sang chữ Chú theo cách gọi của vợ, Đinh Yên Thảo lúng túng thấy thương luôn. Trong tình huống này, anh xã tôi đã nhanh nhẹn đề nghị:

– Mình không phải là bà con nên không cần giữ đúng nghi lễ. Vậy chúng ta cứ giữ cách xưng hô cũ. Hằng thì gọi bằng Chú như từ trước đến giờ, còn chú rể vẫn gọi bằng Anh, không cần thay đổi.

Bây giờ, mỗi lần gặp nhau vợ lễ phép thưa Chú Thím, chồng thân mật chào Anh Chị. Khi họp mặt ăn nhậu thì hết sức thoải mái trong những câu chuyện trên trời, dưới đất rồi cùng nhau cười đùa không phân biệt vai vế.

Anh Hoàng Định Nam, người tôi thường gọi bằng “Sếp” trong các cuộc “trò chuyện” bằng email trong công việc, nhất là những lúc muốn gác bút xả hơi hoặc rong chơi đâu đó không kịp nộp bài. Có một chuyện mà đến bây giờ tôi vẫn chưa có dịp để nói lời cám ơn với Sếp Nam.

Số là… vào tháng 3 năm 2015, tôi gửi cho Trẻ một truyện ngắn có tựa đề “Món Nợ Ân Tình”. Nhận được, Sếp yêu cầu tôi sửa một chi tiết nhỏ, có liên quan đến luật về an ninh trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi thoái thác:

Xem thêm:   Ai thắng, ai thua?

“Bỏ truyện này đi Sếp. Tôi sẽ gửi truyện khác”.

“Truyện hay, bỏ uổng chị. Chi tiết này chị hỏi anh S, chắc chắn ảnh sẽ biết và giải thích rõ cho chị”.

Nghe lời Sếp, tôi nhờ anh xã góp ý và thêm thắt vài dòng vào chi tiết ấy cho hợp lý. Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi được người bạn thân báo tin:

– Tôi vừa nghe đọc truyện “Món Nợ Ân Tình” của bồ trên “You Tube”, được 149K views đấy nhé.

Tôi nghi ngờ:

– Có “trông gà hóa cuốc” không?

– Không tin thì mở thử đi.

Theo lời chỉ dẫn của chị bạn tôi vào Google, gõ Hồi Ký Miền Nam -Món Nợ Ân Tình, thì biết điều đó đúng thật trăm phần trăm. Chị bạn lại tiếp tục tìm tòi và cho biết truyện lại được đọc trên kênh Người Việt USA với 24K views và kênh Yến Linh với 5.2K views.

Nhờ đăng trên website của Trẻ mà truyện được chuyển đi khắp nơi và tôi có được niềm vui bất ngờ. Định khi nào gặp mặt sẽ cám ơn, vì nếu Sếp không can ngăn tôi đã thay thế truyện khác, thay vì phải tìm hiểu rồi mất công sửa đi, sửa lại. Xin gửi theo đây lời cám ơn, tuy muộn màng nhưng rất chân thành đến Sếp Nam.

Chẳng biết tác giả Phượng Nghi diễn tả tâm trạng của Hoàng Định Nam trong bài “Chân Dung” có chính xác không,

Suốt đời thích mần thơ

Bó thân về làm báo

Người lắm lúc thẫn thờ

Lòng hay buồn ảo não

….

Nhưng tôi mong Sếp Nam vẫn giữ được hồn thơ lai láng để thỉnh thoảng tôi lại có dịp đọc những vần thơ lãng mạn như đã từng được đọc trước đây:

Anh chẳng còn gì, sau lưng và trước mặt

Anh chẳng còn gì quá khứ với tương lai

Còn  lại mình em chưa xa đã nhớ

Như ngày chưa lên, đêm đã rụng đầy

o O o

Mỗi nhắc nhớ lại nghe lòng háo hức với mong ước ngày “Ta gặp lại Ta” sẽ rất gần trong năm Rồng đầy sinh khí và mọi người lại hân hoan nhận được thư mời dự tiệc tất niên của Trẻ như lời của Táo Hoàng Nghị về một tương lai sáng sủa của ngày sắp tới.

Xin trình tâu về Trẻ

Từ sau lúc ê mình

Te tua vì Cô-vít

Nay tiếp tục hồi sinh

NB