Hoàng Ngọc Tuấn là nhà văn trước 1975 rất được độc giả yêu mến. Ông sinh năm 1947 tại TP Huế, năm 20 tuổi phiêu bạt vào Nam sinh sống, theo học Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, và bắt đầu nghề cầm bút. Ông được giới trẻ miền Nam đặc biệt yêu thích, đón nhận như một “hiện tượng văn học”.
Hoàng Ngọc Tuấn từng được bình chọn là 1 trong 5 nhà văn được yêu thích nhất của tuổi trẻ miền Nam, do tuần báo Khởi Hành (nhà thơ Viên Linh làm chủ biên) trưng cầu ý kiến bạn đọc. Có lẽ, ông là nhà văn hiếm hoi đã bắt trúng ngôn ngữ và tâm trạng của lớp trẻ vào thời điểm ấy. Thế nhưng, Hoàng Ngọc Tuấn vẫn ít được công chúng biết, bởi ông sống khép kín và cô độc. Hầu như ông không viết được gì trong những năm tháng dưới chế độ Cộng Sản. Ông sống buồn bã cho tới khi qua đời vào tháng 7-2005.
Trong tập Văn Học Miền Nam tổng quan, phần nhận định về Hoàng Ngọc Tuấn, Võ Phiến viết:
Thư về đường Sơn Cúc là một thiên truyện chăng? Không. Là thơ đó. Mặc dù Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần, hầu hết các tác phẩm của ông đều có hoặc ít hoặc rất nhiều tính chất thơ. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn, tiêu biểu về một xu hướng sáng tác chính yếu nơi ông.
Từ tác phẩm này đến tác phẩm khác – những tác phẩm ‘hình như là tiểu thuyết’ – Hoàng Ngọc Tuấn mải mê làm thơ về 2 đề tài: “Tình yêu và Thiên nhiên”.
Như thế có thể nói, Hoàng Ngọc Tuấn dùng những hình thức ‘hình như là tiểu thuyết’ theo cách nói của Võ Phiến để viết những truyện ‘hình như là tình yêu’ theo cách nói của chính Hoàng Ngọc Tuấn.

Hoàng Ngọc Tuấn
Tại sao lại chỉ hình như?
Bởi vì, đọc những truyện như “Thư về đường Sơn Cúc” quả thật người ta không biết Hoàng Ngọc Tuấn đang làm thơ hay đang viết truyện.
Truyện được viết dưới hình thức những lá thư trao đổi giữa một người Bạn Lớn và một người Bạn Nhỏ. Những chữ in nghiêng là lời [hay thư] của người Bạn Lớn, những chữ in thẳng là thư của người Bạn Nhỏ. Nói rõ như vậy để các độc giả dù không có cuốn sách trong tay, cũng có thể mường tượng các trang sách được ấn loát thế nào.
Xin đọc lại một vài đoạn sau đây trích từ THƯ VỀ ĐƯỜNG SƠN CÚC
Bạn Nhỏ,
Tôi sẽ suốt đời gọi em bằng tên đó, vì em đã tự đặt cho em khi gọi tôi là một người Bạn Lớn. Có những danh xưng bóng bẩy nào cũng không làm cho tôi rung động bằng tiếng gọi thô sơ nhưng chân tình ấy.
Chúng ta sẽ là người Bạn Lớn và người Bạn Nhỏ quen biết với nhau bằng một đường dây mỏng manh như tơ trời, nhưng tôi tin rằng chẳng bao giờ đứt đoạn.
Ngày tôi tình cờ nhận được lá thư của em, cây lá mùa xuân đâm chồi bừng sống trong tâm hồn tôi, mầm hoa mai vàng như nở trong da thịt tôi mặc dầu lúc đó trời mới bước vào mùa thu tháng Tám. Nhưng cần gì những tháng ngày vô vị ghi trên tờ lịch, cần gì pháo Tết nổ vang trời, khi những chữ viết của em đã vẽ ra trong mắt tôi muôn ngàn hoài vọng về một chốn trần gian bát ngát của biển cả mà tôi đã đánh mất quá sớm khi mới chập chững vào đời.
Mùa xuân của tình thương, mái ấm gia đình và một quê nhà nhỏ nhoi, từ lâu tưởng đã chết hẳn trong tôi rồi, vì thời gian dài xa vắng quá.
Nhưng giờ đây, em đã làm sống lại hình ảnh yêu thương của tôi ngày cũ. Là trùng dương và cồn cát trắng chạy dài đón những đợt sóng rì rào.
Tôi chỉ đoán ra được hình bóng em rất lờ mờ. Một cô bé 17 tuổi tóc bám đầy gió cát của một biển chiều, thơ thẩn đếm những dấu chân mình in lốm đốm trên nền cát, dấu chân son chóng bị xóa phai đi vì làn sóng nước. Chỉ có thế. Bãi biển của em xa tôi hàng mấy trăm cây số, chỉ cần qua một vài giọt mực tím loăng quăng, mà tưởng chừng như đang vuốt ve tôi ngọn sóng đêm vời vợi. Tôi muốn hỏi em là ai. Nhưng lời tôi chưa nói, em đã trả lời, mà cũng chẳng trả lời:
Ông có cần biết tên tuổi em không?
Em muốn sống không tuổi không tên(?) đang lững lờ giữa cười và khóc
Ở đây
Bạn thiết của em là rong mơ và còng gió
Dãy đụn cát ngút ngàn chạy theo bờ biển
Đời sống
Với những đêm sóng gió dạo khúc nhạc buồn
Chao ơi là chùng lòng
Và thấy mình như cỏ úa…

Hình Như Là Tình Yêu
Những chữ đã hết nhưng hơi thở của em tưởng chừng còn vương vương trên trang giấy mỏng. Tiếng thở dài đượm một chút âu sầu, như em vừa ngồi tâm sự với một chú dã tràng nằm nín thinh lắng nghe trong hang sâu lòng cát.
Tôi cúi đầu ngưỡng mộ ngôn ngữ của nước chúng ta. Có biết bao chữ than ôi, eo ơi, hỡi ơi … thế mà em chỉ nói chao ơi, hồn tôi cũng chùng xuống như những sợi dây đàn lắng đau theo ngón tay bấm của một bài sầu khúc.
Tôi cám ơn em. Những hình ảnh thơ dại và nỗi hạnh phúc thú vị tưởng đã bỏ tôi mà đi mất từ lâu rồi. Từ khi tôi bôn ba chen lấn giữa dòng đời kiếm sống, tan rã mất mát con người trong những thành thị hỗn loạn xô bồ, mồ hôi nhọc nhằn và khói bụi đen bẩn của phố phường như nhận chìm tôi chết đuối.
Tưởng chẳng có liều thuốc tiên nào chữa được cái đầu óc khô cằn kiệt quệ, tưởng chẳng có một bàn tay nào ngăn được tôi ngã nhào trôi nổi theo dòng thác dơ bẩn.
Thế mà em, người Bạn Nhỏ xa xôi và xa lạ ấy đã lên tiếng. Tôi nghe một mùi hương cao quý thoang thoảng sau lưng, những bước nhảy điên cuồng của tôi đã kịp dừng lại trên bờ vực. Em mở nguồn cho suối yêu thương của tôi thoát chảy tuôn trào …
Tôi đã phục sinh, như một cánh đồng lúa chờ cơn mưa, hân hoan đón nhận những hạt nước từ bàn tay em gieo rắc.
… Những ngày tiếp theo, em vẫn còn, và bao giờ cũng thế, nôn nao kể cho tôi nghe câu chuyện về miền biển của em. Cảnh trời đất bao la vời vợi đó làm sao nói cho hết được, làm sao tỏ cho hết được tấm lòng chúng ta yêu mến. Rồi em giới thiệu cho tôi làm quen với cọng cỏ chong chong.
Cỏ chong chong? Cái tên gì ngộ nghĩnh quá mà tôi chưa được nghe bao giờ. Có thứ cỏ đó thật sao, nó như thế nào, nó làm sao sống giữa cả một bãi cát nóng ánh mặt trời … Em hãy gởi cho tôi một ngọn cỏ, tôi nôn nóng thèm được xem lắm. Em trả lời:
Trời ơi sao ai xui khiến chi ông thích cỏ chong chong
Ngọn cỏ ấy khi gởi cho nhau
Là mang ý nghĩa giận hờn …
Gởi cỏ cho ông
Lỡ nó đi dọc đường nó buồn héo úa và chết
Ông vui chi khi nắm trong tay cỏ mục khô …
Không, có hề gì đâu. Nếu nó đến tay tôi thì đã mềm yếu không còn châm đau được, chẳng còn mang ý nghĩa giận hơn, mà chỉ là nụ cười xanh của em đó thôi.
Và em đã gởi. Dầu đường không xa lắm, bác đưa thư cũng làm cỏ gãy lìa rồi, nhưng tôi vẫn còn nhìn ra được một cọng cao gầy là tôi, cọng bé hơn là em, như em đã đặt tên cho chúng.
Rồi lần lần tôi cũng biết được tên em. Tình cờ đã khiến tên em nằm giữa lòng tên tôi. Ví dụ như tôi tên là Nguyễn Văn Ất thì em tên là Văn. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta nên cám ơn mẹ cha đã không đặt cho những cái tên buồn tẻ ấy.
Tôi cũng đã nhìn thấy khuôn mặt của em. Như bóng nhỏ nhoi của một con kiến vàng nấp dưới chân đồi, tóc hình như còn ướt nước biển và lấm tấm cát khiến tôi cũng thèm được trầm mình trong lòng nước mát xanh ấy, để gội rửa hết những bụi đường. Em cũng là người đồng hương với tôi nữa:
Hai nguồn thương lớn nhất đời của em
Cơ hồ chỉ có núi và biển
Tuổi thơ em lập lòe trên đầu non
Và lớn khôn trong sóng cả …

Cô Bé Treo Mùng
Tuy có lẽ chưa đến lúc cùng nhau nhìn về một hướng như lời của Exupéry, nhưng chúng ta đã cùng yêu thương một điều. Cũng như em, tôi có một tấm lòng mãi mãi hướng về thiên nhiên rộng lượng và cao cả, với màu sắc tinh tuyền lộng lẫy sơ khai. Cũng như em, tôi cũng thấy mình lẻ loi trong thế giới lạnh nhạt của loài người, vẫn còn thấy mang trong mình một chút rừng xưa của núi còn sót lại.
Đêm nay ngồi đây, chung quanh tôi là âm thanh của còi xe, của máy phát thanh, máy truyền hình nhà hàng xóm thi nhau inh ỏi. Làm sao tôi còn lắng nghe tiếng gió biển như em được. Đêm nay, ở căn nhà ven biển ấy, em thì thầm:
Gió lách qua cửa như những lưỡi dao cứa vào em
Chao ơi gió biển
Xin nhẹ tay
Em biết không, tôi đang muốn những ngọn roi thấm thía của gió quất vào thân người mà còn không được đó. Tôi sung sướng biết bao khi nghe em nói muốn san sẻ cho tôi đôi chút thế giới yêu dấu của em:
Em chả biết làm sao để gởi cho ông
Vỏ sò, đồi cát, hoa dại, biển cả …
Những lưỡi dao gió và những ngón tay của sóng
Và làm sao gởi vào cho ông một cái lồng đèn
Để trong lúc ngắm trăng
Ông có thể nhớ đến người bạn nhỏ…
Hãy gởi cho tôi thêm nhiều nữa. Gởi cho tôi cả mùi gió mặn đêm đêm trùng dương đưa vào qua cửa sổ, cho tôi mảnh vải tả tơi xé từ những cánh buồm phiêu bạt trở về, gởi cho tôi một miếng gỗ mục từ lớp vỏ thuyền sau bao ngày ngất ngư lạc lối trên sóng biển. Cho tôi nếm chút hương vị của bến bờ nuôi mộng viễn du, để tìm lại ngày xưa tôi cũng đã lang thang suốt ngày nơi ven biển, bồi hồi trông ngóng ra chân trời một cái gì thật xa xăm huyền ảo.
… Căn nhà của em ở trên một con đường xác xơ ven biển, nhà không có số và gió đã thổi mất tấm bảng ghi tên đường. Nhưng có hề gì đâu, tôi sẽ gởi cho em về địa chỉ mới: Con đường Sơn Cúc, vì em nói mỗi ngày em đều đi qua đó:
Ông có biết loài hoa ấy không
Cả nhà gọi nó là cúc rừng
Chỉ mình em thầm gọi là hoa Sơn Cúc
Hoa vàng óng ả
Hoa vàng mật ngọt
Vàng rực rỡ cả một lối mòn
Được gọi là Đường Sơn Cúc của em……
NGUYỄN & BẠN HỮU