“Medical Tourism” hay ra ngoại quốc để dùng các dịch vụ y tế: Hàng năm cả chục triệu cư dân thế giới ra khỏi nước để dùng các dịch vụ y tế; người nhiều tiền cũng như người ít tiền muốn dùng dịch vụ y tế ở ngoại quốc vì các lý do khác nhau. Dịch vụ này có trị giá bạc tỷ nên đã trở thành một kỹ nghệ và được quảng cáo rầm rộ như mọi thứ dịch vụ khác để thu hút khách hàng.

Người giàu đi ngoại quốc vì các chứng nan y, cách chữa trị chưa / không được công nhận tại nơi sinh sống như Huê Kỳ (có nghĩa là phải tự trả chi phí). Người không giàu khó cáng đáng các chi phí chữa trị nhất là các dịch vụ thẩm mỹ như sửa mũi, độn mông, độn ngực, trồng răng sứ, bọc răng, tẩy răng … tiện thể thăm viếng thân nhân (?) chốn xa.

Theo thống kê của CDC, cư dân Huê Kỳ thường đến Mễ Tây Cơ và Canada, cũng như các quốc gia trong vùng Trung Mỹ, Nam Mỹ và Caribbean để dùng những dịch vụ y tế. Lý do có thể bao gồm chi phí rẻ hơn; được chăm sóc bởi các chuyên gia cùng ngôn ngữ, văn hóa (dễ cảm thông và an tâm hơn); không có các dịch vụ ấy hoặc các dịch vụ không được chuẩn thuận tại Huê Kỳ.

Bá tánh du lịch để sử dụng những dịch vụ y tế như chữa răng, giải phẫu thẩm mỹ, chữa trị hiếm muộn, ghép bộ phận và chữa trị ung thư.

Những điều cần chú ý để tránh rủi ro khi du lịch: Ngoài những điều căn bản cần quan tâm khi du lịch ngoại quốc như sổ thông hành, chiếu khán, nơi ăn ở, sự an toàn … khi mục đích là sử dụng các dịch vụ y tế thì ta cần chú trọng thêm đến các sự việc cần thiết khác nữa. Quan trọng nhất là mức rủi ro.

Mức an toàn tùy thuộc vào địa phương nơi thăm viếng: quốc gia nào, tiêu chuẩn y tế của bệnh viện / dưỡng đường, tình trạng sức khỏe của du khách (có thể chịu đựng được biến chứng / hệ quả từ việc chữa trị). Sự rủi ro có thể bao gồm:

Xem thêm:   Cúm gia cầm dưới mắt khoa học gia

Nhiễm trùng: Cách chữa trị bệnh tật không hoàn hảo, đều có rủi ro ít hoặc nhiều kể cả dùng thuốc men nhất là các cuộc giải phẫu lớn nhỏ. Khi giải phẫu, người bệnh / khách hàng có thể bị nhiễm trùng tại vết thương, nhiễm trùng lậm vào huyết mạch, nhiễm trùng từ bộ phận ghép kể cả viêm gan B, viêm gan C và liệt kháng (HIV).

– Nhiễm trùng từ các loại vi sinh (bacteria / fungi) chống được thuốc kháng sinh (drug-resistant) nên khó lòng chữa trị hiệu quả. Đặc tính “chống [thuốc] kháng sinh” xuất hiện khi vi sinh biến thái và “lờn” thuốc khi sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi và quá tay. Hiện tượng này là vấn nạn toàn cầu; thường thấy tại các địa phương mua bán thuốc men dễ dàng, người dùng và người bán không am hiểu nhiều về vi sinh học, không biết rõ cách dùng thuốc kháng sinh riêng cho từng nhóm vi sinh. Các quốc gia không áp dụng phương pháp diệt trùng, chống lây nhiễm … là những nơi du khách dễ nhiễm bệnh từ các loại vi sinh có tính đề kháng cao.

Phẩm chất của ngành y tế: các quốc gia nơi phẩm chất y tế ít được kiểm soát qua việc cung cấp giấy phép, xem xét chứng từ, bằng cấp chuyên môn của người / tổ chức cung cấp những dịch vụ ấy; các tiêu chuẩn cấp giấy phép có thể dễ dàng hơn so với luật pháp Huê Kỳ, chưa kể việc kiểm soát lỏng lẻo phẩm chất của thuốc men nhập cảng cũng như sản xuất tại nội địa nên sản phẩm giả như thuốc men, vật dụng y tế … có thể buôn bán tự do, lưu hành dễ dàng.

Trở ngại ngôn ngữ: khi khách hàng không thông thạo tiếng địa phương, khó lòng trò chuyện chi tiết với người cung cấp dịch vụ.

Các chuyến bay dài: du khách phải ngồi tại chỗ, ít vận động dễ dẫn đến những hệ quả bao gồm đông máu như máu đóng cục trong tĩnh mạch (deep vein thrombosis), chưa kể sự thay đổi áp suất không khí trong khoang máy bay gây tức ngực, khó thở. Với các cuộc giải phẫu mổ lồng ngực, nên chờ khoảng 10-14 ngày sau khi mổ sẽ an toàn hơn khi trở về.

Xem thêm:   Đảo Quốc Xanh Greenland

Trở ngại lớn nhất trong việc du lịch vì nhu cầu chăm sóc sức khỏe là chương trình chăm sóc sau dịch vụ. Du khách có thể chịu biến chứng hậu giải phẫu, bị phản ứng phụ vì thuốc men sử dụng … và cần được chăm sóc tại Huê Kỳ khi trở về. Chi phí cho những dịch vụ y tế này có thể rất cao và bảo hiểm sức khỏe sẽ không chi trả.

Làm thế nào để tiết giảm rủi ro khi du lịch vì nhu cầu y tế?

– Hãy tìm hiểu về trung tâm y khoa nơi mua dịch vụ: có giấy phép hành nghề không? Nhân viên (bác sĩ, dược sĩ, y tá…) là những ai? Có đủ chuyên môn để làm công việc rao bán? Chính phủ sở tại kiểm soát các trung tâm y khoa này ra sao?

Joint Commission International, DNV GL International Accreditation for Hospitals, và the International Society for Quality in Healthcare là các tổ chức quốc tế chuyên việc thẩm định phẩm chất của các trung tâm / bác sĩ cung cấp dịch vụ y tế và họ công bố danh sách những trung tâm y khoa đã được thẩm định.

Điều cần nhớ là mọi cuộc giải phẫu đều có ít nhiều rủi ro, dù thực hiện tại nơi được đánh giá cao, không ai có thể bảo đảm kết quả của việc chữa trị.

– Khi đến chốn lạ, không thông thạo ngôn ngữ địa phương, trước khi du lịch, hãy chuẩn bị sẵn cách thảo luận với chuyên viên và sắp xếp việc chăm sóc sau khi chữa trị.

Trước khi du lịch

– Khoảng 4-6 tuần lễ trước khi khởi hành, hãy xếp đặt cuộc thảo luận với chuyên viên y tế về tình trạng sức khỏe, có thể chịu đựng được một chuyến bay dài hay không và tìm hiểu về biến chứng cũng như phản ứng phụ có thể xảy ra khi chữa trị.

Xem thêm:   Đêm trăng đầy

– Mua bảo hiểm du lịch, loại bảo hiểm chi trả phí tổn di chuyển trong trường hợp khẩn cấp (Emergency transport) cũng như các phí tổn trị liệu liên quan đến việc di chuyển. Thí dụ chuyến bay khẩn cấp từ Việt Nam qua Tân Gia Ba hoặc Thái Lan có chi phí cả trăm ngàn đô la chưa kể việc chữa trị tạm thời nhưng cần thiết tại các quốc gia kể trên trước khi có thể di chuyển về Huê Kỳ. Medicare và các hãng bảo hiểm sức khỏe thông thường sẽ không chi trả cho các chi phí này.

– Tìm hiểu về các hoạt động thể thao trong thời gian chữa trị và sau khi đó: Có thể làm những gì, cách vận động ra sao…

Giữ gìn hồ sơ bệnh lý

– Mang theo hồ sơ bệnh lý, các giấy tờ liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe như y sử về chủng ngừa, danh sách các loại thuốc men đang sử dụng kể cả các món thức ăn “bổ sung”, dược thảo không có toa bác sĩ … Báo cho chuyên viên y tế về các dị ứng, nếu có.

– Mang theo một bộ y dụng (health kit) khi du lịch, các loại thuốc men đang sử dụng và cả toa thuốc từ bác sĩ.

– Thu góp hồ sơ bệnh lý từ nơi chữa trị trước khi trở về; các hồ sơ này có thể cần được chuyển dịch sang tiếng Anh.

Xếp đặt các chăm sóc tại địa phương sau khi chữa tr

– Sẽ nghỉ ngơi ở đâu?

– Ai là người giúp đỡ / chăm sóc trong giai đoạn tịnh dưỡng?

– Khi nào thì sẽ đến thăm bệnh với bác sĩ của mình tại Huê Kỳ? Họ có sửa soạn cho việc thăm bệnh sau khi bệnh nhân được chữa trị tại ngoại quốc không?

– Thảo luận với hãng bảo hiểm y tế tại Huê Kỳ xem họ sẽ chi trả các phí tổn liên quan đến việc chữa trị tại ngoại quốc và trở về.

TLL

theo Tài liệu của CDC