Từ những ngày buồn chán trong đại dịch, bá tánh chú ý đến thể thao, thể dục nhiều hơn và chịu khó bỏ thời giờ để vận động, xê dịch nhiều hơn. Tạm hiểu là ta “nhúc nhích” thân mình nhiều hơn là chỉ nhúc nhích mấy ngón tay trên bàn phím điện toán hay điện thoại. Cử động, “nhúc nhích” nhiều hơn nên Dế Mèn mày mò tìm hiểu về các hoạt động này. Món nào hay, món nào dở, món nào thực sự hữu ích cho từng nhóm tuổi và tình trạng sức khỏe…

nguo62n:shutterstock 

Môn luyện tập nào dường như cũng đi kèm với một số chi tiết thiết thực cũng như các câu chuyện “kể cho vui”, nói vậy chứ không phải vậy, nôm na là “Myths”.

Chuyện vui bên lề của thể dục là những gì? Theo ông Daniel E Lieberman, giáo sư Evolutionary Biology tại đại học Harvard, thì ta có một số ‘chuyện bên lề’. Phổ thông nhất là những câu than thở đại loại như … tui mập quá cỡ rồi, tui phải tập thể thao thường xuyên để xuống ký… vì các bài bản quảng cáo xem ra nhập tâm người tiêu thụ, hình ảnh những người co giò chạy tháo mồ hôi là những người trông khỏe mạnh, bắp thịt chân tay cuồn cuộn đi kèm với những sản phẩm như giày thể thao, máy chạy bộ… Những người đã từng “thử” đều biết rằng ngó vậy chứ không phải vậy, vì sau hai, ba tuần luyện tập theo một chương trình thể dục, hầu hết đều bỏ cuộc. Thì ra ta chẳng có thời giờ để theo đuổi một chương trình tập luyện tiêu xài ít nhất 150 phút mỗi tuần và kéo dài từ năm này sang năm khác thì may ra ta có thể trông gần gần giống người mẫu trong các khúc phim quảng cáo!? Tạm hiểu là biết thì biết thế nhưng làm thì chưa xong!

Tại sao thế nhỉ? Câu trả lời nằm trong thói quen và nếp sống của con người trong thế kỷ XXI. Khi hiểu rõ các thói quen, biết những khái niệm “không thật” về thể dục thì ta dễ chấp nhận sự… thất bại và tìm cách thay đổi thói quen trước khi xông pha chạy bộ hay bơi lội theo một chương trình luyện tập thường xuyên?

Xem thêm:   Cái máy ảnh của con dế mèn (kỳ 2)

Chuyện không thật thứ nhất: tập thể dục là ‘chuyện thường tình’. Khi ta “nhúc nhích” để làm việc là đã vận động cơ thể. Ngược lại, ta tập thể dục với mục đích giúp cơ thể khỏe mạnh, “nhẹ nhõm” và đây là một hiện tượng tương đối mới mẻ, chỉ vừa xuất hiện vài mươi năm nay. Ông bà tổ tiên ta tự ngàn năm dùng sức lực chỉ để tìm kiếm thức ăn và sinh tồn. Các hoạt động [cơ thể] khác như chơi đùa, đánh đàn, ca hát, nhảy múa… là để tự “tưởng thưởng” sau những lúc làm việc cật lực. Chẳng ai chạy 5 dặm trường chỉ để giữ sức khỏe.

Thứ nhì, không hoạt động là “lười biếng”. Không hẳn là như thế, bạn ạ! Khái niệm này cũng khá mới vì thủa trước khi thức ăn còn giới hạn, ông bà tổ tiên ta chỉ dùng năng lượng cho những công việc thiết yếu như duy trì sự sống, tiết kiệm sức khỏe để truyền giống. Khi không phải hoạt động, không cần hoạt động là được nhàn nhã, “sung sướng”, là ước mơ của con người. Người đời nay cố gắng thay đổi khái niệm «nhàn nhã» lâu đời ấy nhưng chưa mấy thành công vì vẫn cảm thấy ngường ngượng mỗi khi dùng thang máy thay vì leo thang chân, vẫn lái xe dù điểm đến chỉ vỏn vẹn một hai dặm đường và “tiết kiệm thời giờ” là câu giải thích thường xuyên.

nguồn: favpng.com/

Kế tiếp, “ngồi” là điều tệ hại như hút thuốc lá. Bá tánh hô hào việc đi lại thường xuyên thay cho việc ngồi yên một chỗ. Thật ra, tổ tiên cũng ngồi yên một chỗ cỡ 8-10 tiếng mỗi ngày như người đương thời. Tuy nhiên, việc ngồi yên bất động cũng có cái hay / dở: Di động mỗi 15-20 phút “đánh thức” sự chuyển hóa trong cơ thể thay vì ngồi yên hàng giờ; cơ thể hoạt động hữu hiệu hơn sau khi bị “đánh thức”.

“Tổ tiên ta là những người khỏe mạnh, năng động, làm việc nhanh và hữu hiệu” là một chuyện không thật khác. Sự thật là tiền nhân khỏe mạnh và nhanh nhẹn nhưng không hơn con cháu ngày nay là bao! Ðời sống thủa xưa nhọc nhằn, ông bà ta dùng trung bình khoảng 3-4 tiếng mỗi ngày cho các công việc nặng nề, phần còn lại là những hoạt động “nhẹ” hơn, do đó việc khỏe và nhanh như “lực sĩ” thực sự không cần thiết cho lắm.

Xem thêm:   Bắp ngô, ngũ cốc hay rau?

Ta không thể xuống ký nếu [chỉ] đi bộ? Các chương trình giảm cân thường bao gồm các món thể dục nặng ký như chạy, leo trèo, tập tạ… và bá tánh thường cho rằng tập luyện thể dục không đốt nhiều năng lượng và lại khiến ta chóng đói nên sẽ ăn nhiều hơn? Thực ra ta sẽ xuống ký nhanh hơn nếu chú tâm đến thức ăn / uống đem vào cơ thể, nhất là so với các hoạt động ‘trung bình’ như đi bộ nhanh trong thời gian 150 phút mỗi tuần. Tuy nhiên, tập thể dục thường xuyên với thời gian lâu hơn và với các hoạt động “nặng” hơn sẽ giúp ta xuống ký từ từ.

Chạy bộ sẽ làm mòn đầu gối? Không, bạn ạ! Ðầu gối và cổ chân không hoàn toàn là các bộ phận “chịu” sức chỏi khi ta chạy nhảy như “shock absorber” của chiếc xe dù đau đầu gối là thương tích thường thấy trong các lực sĩ chạy điền kinh. Do đó, nếu chịu tập luyện và thích nghi theo sức lực thì ta vẫn có thể chạy nhảy, leo trèo như ý muốn mà không bị thương tích gì.

Chọn cách chạy bộ là môn thể dục thường xuyên thì chạy bộ ngoài trời hay dùng móc tại nhà như treadmill, món nào “hay” hơn? Theo bài biên khảo của ông Joel Fuller (Macquarie University, Australia) trên tạp chí Sports Medicine, chạy bộ là… chạy bộ bất kể ngoài đường hay trong nhà vì nhịp tim, lượng oxygen sử dụng, mức năng lượng… đều tương đương như nhau. Tuy nhiên các yếu tố tâm lý có thể khiến người chạy bộ chọn cách chạy ngoài đường phố. Chạy bộ ngoài đường xem ra thì “vui mắt” và có thể “vui tai” hơn vì trời xanh mây trắng, cây cối, tiếng chim hót… trong khi dùng treadmill thì chỉ ngó hoài một chỗ dù có thể xem tivi, nghe nhạc.

Xem thêm:   Cái máy ảnh của con dế mèn

Câu hỏi khác: Khi “có tuổi” thì con người bình thường sẽ bớt hoạt động? Nghỉ ngơi là điều cần thiết nhưng chính sự vận động cơ thể đúng mức sẽ giúp ta mạnh khỏe hơn, các chu trình “sửa chữa” và “bảo tồn” tế bào tiếp tục hoạt động hữu hiệu hơn khi ta vận động thường xuyên.

Như thế nào là một chương trình vận động cơ thể hữu hiệu nhất? Tổ Chức Y Tế Thế Giới, the World Health Organization khuyến cáo rằng ta cần ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các loại hoạt động trung bình hoặc 75 phút mỗi tuần cho các hoạt động nặng ký. Thực ra, ta cần áp dụng các chương trình vận động thích hợp với tuổi tác, tình trạng sức khỏe và thể lực. Ðiều thiết yếu là ta cần vận động và vận động thường xuyên cũng như nên thay đổi, pha trộn các hoạt động ấy như đi bộ, chạy chậm, bơi lội, múa Thái Cực, luyện Yoga… chung với nhau nhất là phần vận động giúp gia tăng sức mạnh của bắp thịt như tập tạ, đạp xe.

Hầu như không mấy người thích vận động cơ thể thường xuyên và thường phải cố gắng để vượt qua sự “chán ngán” mà bỏ lờ chương trình thể dục. Ðể tiếp tục theo chương trình vận động, ta có thể dùng thời giờ này để gặp gỡ bạn bè và cùng nhau tập luyện các bộ môn thể dục lựa chọn sẵn. Nghĩa là một công hai việc, vừa có người trò chuyện, “đồng hành” vừa giữ gìn sức khỏe theo ý muốn.

Tất nhiên, vận động cơ thể không phải là liều thuốc tiên, tiêu trừ mọi bệnh tật mà là một cách sống mới trong thời đại điện tử, cơ khí máy móc làm việc nặng thay thế sức người. Ta cần thở không khí lành mạnh, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và tiết giảm áp lực trong đời sống cũng như vận động thường xuyên để được sống khỏe mạnh. Tóm lại là ta nên “nhúc nhích”, xê dịch để cơ thể hoạt động đều đặn.

TLL