Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật – Paralympic Games – đang diễn ra tại Nhật từ 24/8 tới 5/9/2021. “Para Sport” là các môn thể thao dành riêng cho những lực sĩ bị khiếm khuyết về thể lý hay tâm lý mà có thể khiến họ bị thua thiệt nếu phải tranh tài trực tiếp với người lành lặn.
Tay vợt Yui Kamiji của Team Japan. Ảnh Toru Hanai/Getty Images
Người khuyết tật thể lý “Physical Impairments” bị thiếu hoặc mất hẳn khả năng vận động nặng hoặc nhẹ — nâng, đẩy, ném, kéo, đạp, đấm… Có những lực sĩ bị tổn thương tủy xương sống gây tê liệt tay chân. Thí dụ tại Paralympic Tokyo lần này, trong môn võ Karate có một phân loại lực sĩ đặc biệt gọi là “Kyorugi” trong tiếng Nhật. “Kyorugi 44” hay K44 dành chỉ các võ sĩ bị hạn chế cử động một bên tay hoặc chân, và “Kyorugi 43” hay K43 cho các võ sĩ bị hạn chế chuyển động cả hai bên tay từ cùi chỏ trở xuống. Cũng có những người bị thoái hóa bắp thịt, co dãn cơ khó khăn, thậm chí các khớp xương bị dính cứng không co duỗi được. Những trường hợp khuyết tật dễ nhận dạng nhất là tứ chi biến dạng, co rút, hoặc thiếu hẳn. Các lực sĩ khiếm thị cũng thường góp mặt tại Paralympic, cách riêng trong môn võ nhu đạo “Judo”.
Ảnh Buda Mendes/Getty Images
Cũng có những lực sĩ khuyết tật nhưng mắt thường có thể không dễ nhận ra, nhất là về những rối loạn hệ thần kinh hoặc “Intellectual Impairments”, tạm dịch là thiểu năng. Những cá nhân này có thể bị thiếu sót về nhận thức, giao tiếp, thích nghi… đều là các kỹ năng căn bản trong đời sống thường nhật. IOC quy định những lực sĩ khuyết tật “Intellectual Impairments” phải được y khoa xác nhận bệnh lý trước năm 18 tuổi. Ðã từng có rắc rối tại TVH Paralympic Sydney 2000. Ðội banh rổ Tây Ban Nha bị tước huy chương vàng sau khi báo giới phanh phui có tới 10 tay ném chỉ mới được xếp loại “Intellectual Impairments” trước kỳ tranh tài không lâu. Ngoài khuyết tật thể lý và tâm lý, còn có một phân loại thứ ba trong tiếng Pháp gọi là Les Autres (nghĩa là “Others” trong Anh ngữ). Les Autres để chỉ các lực sĩ khuyết tật không hoàn toàn “Physical Impairments” hay “Intellectual Impairments”, mà có sự pha trộn, hoặc các trường hợp đặc biệt như “người lùn” bẩm sanh, mà Anh ngữ gọi là “Dwarfism”.
Tay đua khiếm thị (trái) cần có người dẫn đường (phải). Ảnh Kirby Lee-USA TODAY Sports
Ủy Ban Olympic Quốc Tế (International Olympic Committee hay “IOC”) quy định “khuyết tật” phải mang tính cách lâu dài và phải có chẩn đoán y khoa. Những trường hợp không hội đủ điều kiện gồm có: đau nhức tức thời, khiếm thính, trật khớp… Các ca bệnh mang tính cách tâm lý, sốc, hồi hộp mãn tính cũng không được IOC để vào dạng “khuyết tật”. Tất cả các lực sĩ khuyết tật muốn tranh tài “Para Sport” đều phải được ghi danh và xếp loại, trong Anh ngữ gọi là “Classification”. Sự phân loại này xác định những ai hội đủ điều kiện cũng như đặt để chỉ số khuyết tật, là các con số y khoa nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng đến hoạt động và thành tích thể thao, bị ảnh hưởng xấu do các khiếm khuyết thể lý hoặc tâm lý. Hệ thống “Classification” này rất quan trọng trong thể thao khuyết tật nhằm giữ cho các cuộc tranh tài được công bằng.
Ảnh Buda Mendes/Getty Images
Lực sĩ khuyết tật nói chung được xếp loại dựa vào mã số gồm có hai phần. Phần đầu là phân loại khuyết tật. Phần sau để chỉ mức độ nặng nhẹ, luôn là một con số – số càng nhỏ thì độ khuyết tật càng lớn. Thí dụ “B1” để chỉ các lực sĩ khiếm thị bị mù ít nhất một bên mắt, hoặc chỉ bị lòa, nhưng không thể định dạng một bàn tay từ bất kỳ hướng nào, xa hay gần. “S2” dùng cho các kình ngư chỉ bơi bằng cánh tay vì bàn tay và hai chân bị teo, cụt, hoặc mất khả năng phối hợp. “T20” dành cho các lực sĩ “thiểu năng”. “F31” dành cho lực sĩ chỉ có thể chơi thể thao trong tư thế ngồi. “T45” dành cho lực sĩ bị thiếu một hoặc cả hai tay…
Ảnh www.theaustralian.com.au
Một trong những môn thể thao “Para Sport” rất dễ nhận diện là “Wheelchair Basketball”, với các đấu thủ ngồi xe lăn chơi banh rổ. “Classification” của các tay ném này bắt đầu với “W”, với “W1” chỉ những đấu thủ mất cảm giác thân dưới, không thể di chuyển tới lui hoặc xoay tròn để chụp hoặc ném banh, và cả thân người phải được cột chặt vào xe lăn cho khỏi bị té. Lực sĩ “W2” có thể xoay tròn và vươn người tới trước chút ít, giúp vận động và chơi banh thoải mái hơn. “W3” có thể xoay tròn, nhoài tới trước nhưng không nghiêng qua hai bên được. “W4” có thể xoay tròn, rướn người tới trước, và có thể nghiêng sang hai bên chút chút. “W4.5” là các lực sĩ có thể rướn người tới trước, xoay tròn, và nghiêng hai bên thoải mái. Theo quy định của IOC, trên sân banh rổ, vào bất kỳ thời điểm nào, một đội với 5 đấu thủ không được có tổng cộng trên 14 điểm.
Ảnh www.theaustralian.com.au
Nhà tổ chức TVH Paralympic Tokyo lần này có dành hẳn một trung tâm yểm trợ kỹ thuật nhằm để sửa chữa, bảo trì xe lăn, tay chân giả, và các dụng cụ cần thiết khác cho lực sĩ Para. Trung tâm này quy tụ trên 100 chuyên viên thượng thặng khắp thế giới. Tính tới nay, nữ kình ngư Hoa Kỳ Trischa Zorn, người tranh tài tới TVH Paralympic Athens 2004, là Paralympian giàu thành tích nhất với 55 huy chương trong đó có 32 vàng.
Ảnh Bruna Prado/Getty Images
TTD