Từ Facebook Tran Tham
Nhân tiện sau lùm xùm cái chết của quân nhân Trần Đức Đô mà dư luận xã hội vừa qua sôi sùng sục. Tôi không dám phán xét gì vì thực hư thông tin mạng XH và báo chí tuyên giáo hoàn toàn trái ngược nhau. Còn chuyện tân binh trong các trại huấn luyện bị đánh đập xúc phạm thậm chí bị tra tấn là có thật. Bởi vì tôi từng là quân nhân đã trải nghiệm về những tháng ngày đầy kinh khủng ấy.
Tôi nhập ngũ tháng 3 – 1988, đơn vị tôi đóng quân tại trường H13 cục vận tải tổng cục hậu cần bộ quốc phòng. Địa danh là thành phố Tam Điệp – Ninh Bình bây giờ. Tuổi trẻ bao ước mơ hoài bão và thèm khát cống hiến cho đất nước cho tổ quốc. Những ngày tháng trong trại huấn luyện tân binh đã đánh sập những ước mơ cao đẹp của cánh lính trẻ chúng tôi.
Chuyện ma cũ bắt nạt ma mới trong đơn vị là thường tình không có gì phải nói. Vấn đề lại ở chỗ các sĩ quan chỉ huy họ đánh đập tân binh như là cái quyền họ được phép làm. Họ đánh lính bất cứ lúc nào nếu lính vi phạm kỷ luật. Vi phạm kỷ luật của tân binh cũng là chuyện thường vì mới vào quân đội bao bỡ ngỡ và nhớ nhà đã làm họ suy chuyển tâm lý.
Thay vì chính trị viên làm công tác tư tưởng thì chỉ huy cứ ra đòn đấm đá để dằn mặt. Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của những tên mang danh cán bộ trung đội kia. Cũng từng bị đấm lên bờ xuống ruộng vì vô tình vi phạm kỷ luật đơn vị. Nói thật chẳng ai tránh khỏi vi phạm khi chân ướt chân ráo mới vào quân ngũ.
Những tân binh bị đánh dữ dằn nhất là tội đảo ngũ, tội này họ cho là nặng nhất đánh để làm gương cho kẻ khác. Đại đội tôi có mấy thằng đảo ngũ xong trở lại đơn vị, chúng chuẩn bị tư tưởng hứng đòn nhưng không thể lường được cái dã man của chỉ huy. Đại trưởng và chính trị viên đã tự tay khoá cửa nhốt lính vi phạm để cho hai tên cán bộ trung đội thân hình lực lượng bước vô hành động tra tấn tân binh. Chúng đánh lính khoảng 2 tiếng đồng hồ bằng những cú đấm móc vô mạng sườn và chấn thủy. Những cú lên gối vào bụng vào ngực mà tân binh không có quyền phản kháng.
Chỉ nghe những tiếng hự lên đau đớn của những thằng lính trong phòng bị đánh mà chúng tôi ở ngoài khiếp đảm mặt ai cũng xanh như tàu lá chuối. Khổ một nỗi tân binh là lính mới tò te nên không thằng nào dám đứng ra tố cáo lên quân pháp hoặc toà án binh. Cho nên nạn đánh đập và tra tấn binh lính của giới chỉ huy xảy ra như cơm bữa mà không được ai ngăn chặn. Nếu lúc ấy có thằng nào bị đánh chết chắc chắn sẽ bị xếp vào lỗi chết do tự tử…
Chúng tôi – cánh lính tân binh đã có bài học đầu đời đó là lòng căm thù chỉ huy trước hơn là lòng căm thù giặc. Hồi ấy trại huấn luyện tân binh của chúng tôi có 6 đại đội, hầu hết tân binh đại đội nào vi phạm kỷ luật đều bị đối xử và tra tấn kiểu như vậy. Cuối kỳ huấn luyện ngày mai biên chế đơn vị mới thì đêm đó tất cả chỉ huy và bộ lính khung bí mật vắng trại vì sợ bị trả thù. Lính trẻ thằng nào bị đánh mang mối thù không đội trời chung với cánh chỉ huy.
Tôi có thằng bạn cùng cơ quan nhập ngũ cùng lúc nhưng thuộc đại đội khác, nó bị đánh tơi bời vì đi lấy củi không đủ sản lượng. Nó hận đến xương tủy mà không thể làm được gì, hai năm sau khi biên chế đứa ở Bắc thằng ở Nam có dịp gặp lại. Nó kể đã gặp lại kẻ đánh mình tại tân cảng Sài Gòn do nhiệm vụ được điều động. Trái đất xoay tròn đã cho hắn phục thù và hắn đã trả được món nợ hai năm trước. Hắn gặp kẻ đánh mình trong quán bia tại tân cảng… hắn đánh đã tay… hắn đánh không thương tiếc bằng những cú ra đòn mà hắn từng hứng chịu từ kẻ đã đánh hắn. Đánh cho bầm dập như thân chuối và bắt quỳ xuống chân hắn mà lạy mới thôi. Bạn bè lính tráng của hắn trong quán bia thấy hắn trả thù bảo hắn càng đánh tụi nó uống bia lại càng ngon!!!
Đấy chỉ là những chuyện tôi đã từng trải và từng thấy trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Sau cái chết của quân nhân Trần Đức Đô tôi xin hé lộ một góc khuất trong trại huấn luyện tân binh của tôi thời ấy. Hiện tại tôi có thằng con trai đang học lớp 11 nhưng đã bị lôi lên đăng ký nghĩa vụ quân sự. Có thể cháu phải đi sau khi học hết THPT – thi tốt nghiệp sau lớp 12, nhưng cái ác cảm của tôi về sự tốt đẹp như người ta vẫn ca tụng kia chỉ là sự mị dân mà thôi. Ai có con em bị đánh hoặc bị tử vong như kiểu Trần Đức Đô thì đơn vị người ta sẽ báo nhà bếp “cắt cơm”… có vậy thôi!

Từ Facebook