Hỏi

Bệnh bất lực là do tuổi tác hay còn nguyên nhân nào khác, thưa bác sĩ?

Đáp

Sự bất lực mà ta thường nói tới, chủ yếu là tình trạng không cương của dương cụ. Nói văn vẻ là Rối loạn cương dương (LCD). Ðấy là mức độ cương của dương cụ không đáp ứng được nhu cầu vào sâu và kéo dài thỏa đáng khi giao hợp.

Sự cương là do kết quả phối hợp giữa dục vọng, một hóa chất (Cyclic GMP), hệ thần kinh và huyết quản. Bình thường, khi có khêu gợi, tín hiệu thần kinh tiết ra chất GMP, có tác dụng làm dãn nở cơ thịt ở dương cụ, máu động mạch tràn ngập cơ quan này giúp nó cương lên, ép vào tĩnh mạch, ngăn sự thất thoát máu. Kết quả là dương cụ tiếp tục cương cho tới sau khi giao hợp, xuất tinh.

Ở người loạn cương dương, cơ thịt của dương cụ không dãn nở tới mức chặn được sự thoát máu vì thiếu chất kể trên, nên cơ quan mềm nhũn. Một số người lâu lâu mới bị, một số khác thì thường xuyên gặp trở ngại. Trên nước Mỹ, có cả hơn ba chục triệu người mắc chứng quỷ quái này.

Bất cứ nguyên nhân nào làm suy yếu mạch máu đều có thể gây ra rối loạn này.

Nguy cơ thông thường nhất là do tác dụng phụ của một vài loại dược phẩm trị bệnh cao huyết áp, kinh phong, thần kinh tâm trí, thuốc ngủ, thuốc đau bao tử. Rượu, cần sa, ma túy cũng là nguyên nhân gây nên rối loạn cương. Ngoài ra, một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp hoặc do tâm thần bất an, không tập trung, buồn phiền, mặc cảm hoặc bị “đối tượng” xem nhẹ cũng gây trở ngại cương dương. Việc giải phẫu nhiếp tuyến gây tổn thương cho dây thần kinh điều khiển sự cương cứng.

Sự lão hoá không phải là thủ phạm của loạn cương dương vì tình dục không có “ngày hết hạn dùng” (Expiration date). Và chẳng bao giờ có cương khi không có sự kích thích với thủ thuật, hương thơm, dáng yêu, lời ngọt của người nằm kế bên.

Trước đây, giới cao niên ít quan tâm tới việc tìm thầy chữa chạy, một phần vì tin rằng mình già thì nó cũng lão; phần khác nghĩ rằng, chẳng có thuốc tiên.

Ngày nay, đã có nhiều tiến bộ trong việc điều trị loạn cương dương, đồng thời y giới cũng chú tâm hơn đến nhu cầu của người già. Giải phẫu, cơ phận, thuốc chích, thuốc nhét, thuốc uống… chẳng thiếu thứ gì. Sự xuất hiện của Viagra cách đây ít lâu đã mang lại nhiều nguồn cảm hứng cho các lão ông uống.

Nếu quý vị chê Tây y nóng, thì trở về với mấy toa thuốc gia truyền của tiền nhân, biết đâu chẳng… nhất dạ, lục giao…

Bảo Huân 

Quảng cáo “dỏm”

Hỏi

Xin bác sĩ giải thích về quảng cáo “dỏm”. Cám ơn bác sĩ.

Đáp

Chúng ta đôi khi gặp những quảng cáo không lương thiện, dụ mua một món hàng hoặc dịch vụ nào đó. Một loại kem thoa bụng quảng cáo là có thể làm da căng mịn trong vòng nửa tháng. Một loại thuốc viên chỉ cần uống 3 tuần lễ là sụt dăm ký. Một viên đá, một miếng kim loại đeo trên mình, một “thực phẩm chức năng” quảng cáo là chữa được cả chục loại bệnh, bổ thận cường dương, tăng cường trí nhớ… tất cả đều kèm theo lời bảo đảm là, nếu không công hiệu sẽ hoàn tiền 100%. Tin lời, bỏ tiền  mua, dùng đúng như hướng dẫn nhưng rồi da vẫn nhăn, cân vẫn nặng và bệnh vẫn hoành hành. Chỉ có túi tiền là nhẹ đi và bực mình xuất hiện. Người ta gọi đó là quảng cáo “dỏm”, nghĩa là không trung thực.

Theo định nghĩa, quảng cáo lừa dối là miêu tả không trung thực về đặc điểm, phẩm chất hoặc xuất xứ của một món hàng.

Tại Hoa Kỳ, cơ quan Federal Trade Commission chịu trách nhiệm theo dõi và chế tài các quảng cáo thương mại. Theo đó, các quảng cáo phải trung thực; phải có bằng chứng cụ thể hỗ trợ cho lời quảng cáo và phải hợp lý.

Có nhiều cách để lừa gạt:

– Không tiết lộ đầy đủ về sản phẩm, dịch vụ;

– Sản phẩm không được chứng minh giá trị bằng các nghiên cứu đứng đắn;

–  Nói hay, nói tốt cho món hàng;

– Ngụy tạo sự hữu dụng của món hàng nhất là về sức khỏe.

Việc kiện tụng khó mang lại kết quả như ý mà còn mất thời gian, gây căng thẳng mệt mỏi. Vì thế, người tiêu dùng hãy dè dặt với những “khuyến mãi” phô trương quá đáng; tìm hiểu kỹ trước khi mua; nên mua một ít dùng thử…

Bảo Huân

NYD