Biệt danh “RBG Khét Tiếng” (Notorious RBG) của bà Ruth Bader Ginsburg là do một fan của bà đặt cho, dựa theo tên nhạc sĩ rapper “Notorious BIG”. Nhưng bạn có biết tên bà còn được dùng để đặt tựa cho một vở nhạc kịch opera?

Ruth Bader Ginsburg chào hạ màn sau vở “Con Gái của Trung Đoàn”, 11/2016. Nguồn: Washington National Opera    

Ruth Bader Ginsburg, nữ thẩm phán người gốc Do Thái đầu tiên tại Tối Cao Pháp Viện, vừa qua đời hôm tuần rồi vì bệnh ung thư, thọ 87 tuổi. Khi được báo tin sau một cuộc vận động tranh cử ở Michigan, Tổng thống Trump tỏ vẻ sững sờ: “Bà đã sống một cuộc đời phi thường [amazing]. Nói gì được hơn bây giờ? Cho dù bạn có đồng ý hay không, bà vẫn là một người phụ nữ phi thường, với một cuộc đời hết sức phi thường… Tôi rất buồn khi nghe tin này.”

Joan Ruth Bader chào đời năm 1933 trong một gia đình Do Thái di dân. Cha bà, Nathan Bader, đến từ Ukraine. Ông bà ngoại là dân Ba Lan nhập cư. Mẹ bà, Celia Amster, là người chăm lo việc học cho bà. Chính bà Celia hồi còn nhỏ cũng học rất giỏi — mới 15 tuổi đã tốt nghiệp trung học, nhưng vì là con gái nên gia đình chỉ cho anh của bà học đại học. Ðiều đó càng khiến bà Celia nhất quyết phải cho cô con gái của mình học lên cao. Nhưng một ngày trước khi Joan Ruth Bader tốt nghiệp trung học thì bà Celia qua đời vì ung thư.

Ruth Bader ghi danh tại đại học Cornell ở New York và ra trường năm 1954 với bằng cử nhân ngành Chính Quyền (Government). Cũng tại Cornell bà gặp người chồng tương lai là Martin Ginsburg. Lúc ấy Martin là Sĩ quan Trừ bị trong chương trình ROTC, đồng thời là một cầu thủ golf sáng giá của trường. Sau khi bà tốt nghiệp, hai người làm đám cưới và dọn về Fort Sills, Oklahoma, nơi Martin phục vụ hai năm trong trường huấn luyện sĩ quan. Bà tìm được việc làm cho chính phủ Liên Bang tại Sở An Sinh Xã Hội. Bài học về nữ quyền đầu tiên trong đời xảy đến khi bà bị giáng cấp vì … có bầu!

Antonin Scalia và RBG cưỡi voi ở Ấn Độ năm 1994. Nguồn: Supreme Court Collection.

Bà sinh cô con gái đầu lòng năm 1955. Năm sau Martin Ginsburg được giải ngũ và trở lại Harvard để hoàn tất mảnh bằng Luật. Bà Ginsburg theo chân chồng đến Boston và thi đậu vào Ðại học Luật khoa của Harvard. Niên khoá 1956 bà là một trong 9 nữ sinh duy nhất trong một lớp 500 sinh viên. Bài học nữ quyền thứ nhì đến trong một buổi ăn tối tại nhà vị trưởng khoa, dành riêng cho 9 nữ sinh viên. Ông hỏi thẳng họ: “Tại sao các chị lại chọn Ðại học Luật Harvard và giành chỗ của các nam sinh?”

Những năm tại Harvard của bà khá vất vả – phần phải nuôi con nhỏ, phần phải lo cho Martin khi ấy vừa phát hiện bị ung thư. Không những vậy, bà còn kiêm thêm chân biên tập viên cho Tạp chí Luật Khoa của sinh viên.

Xem thêm:   Phong tỏa Đài Loan

Sau vài ca mổ và hoá trị Martin cũng chữa được bệnh; ông ra trường và kiếm được việc làm ở New York City. Theo chồng, bà Ginsburg chuyển sang Columbia University để tiếp tục việc học. Bà ra trường năm 1959 đồng hạng thủ khoa. Ruth Bader Ginsburg là phụ nữ đầu tiên, và duy nhất, từng làm biên tập viên cho hai tờ báo luật khoa danh giá là ‘Harvard Law Review’ và ‘Columbia Law Review’.

Với tấm học bạ đầy thành tích như thế, bà vẫn gặp khó khăn khi tìm việc. Năm 1960, bà được một giáo sư Harvard giới thiệu làm thư ký cho thẩm phán Tối cao Pháp viện Felix Frankfurter, nhưng bà không được nhận vì là phụ nữ — bài học quý giá thứ ba. Cuối cùng bà được mướn vào làm phụ tá cho thẩm phán Palmieri của Toà Liên bang Ðịa phận Nam New York, nhưng đó cũng là nhờ có sự vận động ngầm của một vị giáo sư tại Columbia. Trong thời gian hai năm làm việc cho ông Palmieri bà còn là nghiên cứu sinh cho đại học Columbia. Bà tự học tiếng Thuỵ Ðiển và sang đó một thời gian để làm nghiên cứu. Tinh thần cấp tiến trong luật pháp Thuỵ Ðiển dành cho phụ nữ đã thay đổi cách nhìn của bà về phong trào bình quyền ở Mỹ. Kể từ đó cho đến phút lìa đời, bà dồn hết nỗ lực vào cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng, không chỉ cho phụ nữ mà cho tất cả mọi thành phần xã hội, trong đó có cả chính mình.

Ginsburg và Scalia (giữa) trong đêm ra mắt vở “Ariadne auf Naxos” năm 1994. Ảnh: Caroll Pratt/Kennedy Center

Năm 1963 bà được mướn làm giảng viên Luật tại đại học Rutgers—và nhận ra mình được trả lương rất thấp so với giảng viên nam giới. Ðể thúc đẩy bình quyền, năm 1970 bà đồng sáng lập tờ “Women’s Rights Law Reporter” chuyên mổ xẻ những đề tài pháp lý liên quan đến quyền lợi của phụ nữ. Hai năm sau bà lập ra “Dự Án Nữ Quyền”, trực thuộc tổ chức dân quyền ACLU, để bảo vệ phụ nữ trong các vụ kiện cáo kỳ thị giới tính.

Xem thêm:   "Trí lực siêu phàm" và...

Năm 1980 bà được Tổng thống Jimmy Carter đề cử vào Toà Phúc Thẩm Liên Bang khu vực Washington D.C. Tại đây bà được làm việc chung với thẩm phán Antonin Scalia, và hai người đã trở thành đôi bạn thân. Ông Scalia thuộc thành phần hữu khuynh bảo thủ, còn bà thuộc thành phần tả khuynh cấp tiến. Trên phương diện ý thức hệ họ tranh biện rất hăng, nhưng ngược lại họ rất nể trọng nhau về mặt tài năng cũng như trí tuệ. Hai gia đình chơi với nhau rất thân, thường qua lại ăn uống; có khi họ còn đi nghỉ hè chung.

Năm 1986 Tổng thống Reagan tiến cử ông Scalia vào Tối Cao Pháp Viện và được Thượng Viện biểu quyết chấp thuận 98-0. Ðến năm 1993 Tổng thống Clinton tiến cử bà Ginsburg và được chấp thuận với số phiếu 96-3. Bà trở thành nữ thẩm phán Tối Cao Pháp Viện thứ nhì sau bà Sandra Day O’Connor (TT Reagan đề cử năm 1981 với số phiếu thuận 99-0!) Bà Ginsburg và ông Scalia một lần nữa lại thành đồng nghiệp.

John Overholt (phải) và Ellen Wieser trong vở ‘Scalia/Ginsburg’, 7/2015 Nguồn: European Pressphoto Agency

Bên ngoài công việc, ông Scalia và bà Ginsburg rất mê opera và hay cùng nhau đi xem hát. Hai người còn được mời đóng vai phụ (không có đối thoại) trong một vài vở opera. Năm 2015, nhạc sĩ kiêm luật gia Derrick Wang nảy ra ý định soạn một nhạc kịch ngắn dựa trên tình bạn giữa hai ông bà, và kết quả là vở operetta mang tên ‘Scalia/Ginsburg’. Toàn bộ lời hát đến từ các bài viết hoặc các cuộc tranh biện của hai vị thẩm phán này. Phần nhạc biến tấu tuỳ theo nội dung câu chuyện — từ thể loại Baroque sang Classical sang Romantic cho đến Jazz hiện đại. Cốt truyện xoay quanh những cuộc tranh luận nảy lửa đầy kịch tính cũng như hài tính giữa hai người bạn một tả một hữu.

Xem thêm:   Đáy giếng...

Scalia/Ginsburg’ được trình diễn lần đầu tại Tối Cao Pháp Viện, với lời giới thiệu do hai nhân vật chính biên soạn. Sau khi ông Scalia mất vào tháng 3 năm 2016, kịch bản được sửa đổi chút đỉnh và được đoàn hát OperaDelaware dựng lại vào năm 2017. Trong lịch sử 74 năm của đoàn này, chưa có đêm khai mạc nào bán được nhiều vé như đêm ‘Scalia/Ginsburg’ tái xuất giang hồ. Ngày 7 tháng 11 sắp tới đây OperaDelaware sẽ hát lại vở này và phát thanh qua internet để tưởng niệm RBG.

Ðầu tháng 11 năm 2016, chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử tổng thống, bà Ginsburg đã làm nên lịch sử khi trở thành thẩm phán Tối Cao Pháp Viện kiêm diễn viên opera đầu tiên của nước Mỹ. Trong đêm mở màn vở “La Fille du Regiment” (Con Gái của Trung Ðoàn) tại nhà hát Washington National Opera, bà đã bất ngờ xuất hiện trong vai nữ công tước Krakenthorp với phần thoại cực kỳ hài hước và sắc bén do bà tự soạn. Khỏi phải nói, khán giả đã trao tặng “bà già gân” 83 tuổi này nhiều tràng pháo tay vang dội.

Trong buổi lễ truy niệm Ruth Bader Ginsburg tại Tối Cao Pháp Viện hôm tuần rồi, Chánh án John Roberts kể: “Thời còn trẻ bà mơ làm ca sĩ opera, nhưng không ngờ bà lại trở thành rock star.” Chưa biết rồi đây ai sẽ ngồi vào chiếc ghế của bà, nhưng có lẽ sẽ không ai thay thế được “người phụ nữ phi thường” khét tiếng này.

Một màn rap của “Saturday Night Live” để uỷ lạo tinh thần RBG sau khi bà té gãy xương sườn hồi tháng 11, 2018.

IB