Bạn có biết tại sao “hồng nhan” thường “bạc phận” hay không? Vì chẳng có ai quan tâm số phận của bạn ra sao khi bạn “hắc nhan”, “hoàng nhan” “thanh nhan” cả!

“Hotgirl bánh tráng trộn” trước và sau khi nổi tiếng – Nguồn: Zingnews    

Ông bà xưa thường nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng ở xã hội loài người vốn luôn có sự thiên vị, nhất là ở xã hội mà “cái đẹp đè bẹp cái nết” hiện nay, thì việc nhan sắc của con người cũng được tính như là một dạng tài năng là việc không khó hiểu. Vì khi thế giới càng phát triển, ai cũng phải cố gắng chạy đua thì ít ai có thời gian mà ngừng lại để “soi” coi sau lớp sơn ẩu tả, mục nát kia là phần gỗ thế nào. Từ đó, chúng ta có những câu chuyện khó hiểu…

Năm 2013, hình ảnh một cô gái xinh đẹp đứng bán bánh tráng trộn tại Ðà Lạt thu hút được sự chú ý của dân mạng. Nhiều người ưu ái đặt cho cô gái cái tên “hot girl bánh tráng trộn”. Cô gái tên Lưu Hoài Bảo Chi, sanh năm 1994 tại Lâm Ðồng.

Kể từ sau khi nổi tiếng, quán bánh tráng trộn của Chi luôn nườm nượp khách vì người đời tò mò, muốn ngắm nghía dung nhan thật của bà chủ “hot girl”. Cuộc sống riêng của cô cũng thay đổi từ đó. Bây chừ, Chi bỏ chồng, Chi không còn bán bánh tráng trộn và cũng không ở Ðà Lạt nữa. Chi lên Sài Gòn…

Không riêng Chi, bất cứ khi nào có cơ hội, các tờ báo Việt Nam đều không quên “lăng xê” những “hot girl bánh bèo”, “hot boy trà sữa”, “hot girl thịt heo”, “nữ thần ngủ gục”, “thầy giáo nam thần”, “nữ hoàng thẩm mỹ”, “mỹ nhân chuyển giới” kiểu như trên để phục vụ sự quan tâm của độc giả dành cho “cái đẹp” trong xã hội hiện tại. Và thế giới “nghệ sĩ” của VN cũng đã “kết nạp” không ít người nổi tiếng bằng “tài năng” này. Nhờ vậy, chỉ cần dạo một vòng báo VN, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những bài báo như: “Diễn viên A/ca sĩ B vẫn rạng ngời xinh đẹp giữa nghi án cướp chồng/lừa dối/bị cắm sừng/thiếu nợ/quánh ghen…”.

Cũng không phải mình dân Việt hay báo VN “háo sắc”, mà trên thế giới có rất nhiều câu chuyện ngộ nghĩnh về những người “chỉ có cái mã ngoài”, những “bình hoa di động” nổi tiếng năm Châu…

“Tội phạm đẹp nhất thế giới” Jeremy Meeks và tấm hình đổi đời – Nguồn: nld.com.vn

Ví dụ, năm 2014, Jeremy Meeks được truyền thông phương Tây gọi là “tội phạm đẹp trai nhất thế giới”, sau khi anh bị cảnh sát tiểu bang California bắt giữ, và “được” trang Facebook của Sở cảnh sát Stockton đăng hình để “bố cáo thiên hạ” vì phạm tội tàng trữ vũ khí trái phép, thành viên của băng nhóm tội phạm. “Nhờ” vậy, dù đang ở tù nhưng Jeremy Meeks vẫn được công ty quản lý người mẫu White Cross ký hợp đồng mời về làm người mẫu. Sau khi mãn hạn tù, anh chàng nhanh chóng sải bước trên các sàn catwalk danh giá, lên hình, được phỏng vấn trên các tờ báo nổi tiếng.

Xem thêm:   Một ngày thường...

Không chỉ vậy, Jeremy còn lọt vào “mắt xanh” của Chloe Green – con gái cưng của tỷ phú Sir Philip Green, doanh nhân người Anh sở hữu chuỗi cửa hàng Topshop đình đám thế giới. Từ lúc này, Meeks bỏ rơi người vợ từng chung sống 8 năm, đến với con gái tỷ phú. Tương tự “hot girl bánh tráng trộn”, cuộc đời chàng “tội phạm đẹp trai nhất thế giới” đã thực sự “sang trang” chỉ nhờ vào vẻ ngoài.

Cũng như số tiền trong tài khoản, nhan sắc của mỗi người đều  khác nhau. Người thì ăn không hết, sanh ra đã đẹp “chim sa cá lặn”, kẻ lại lần chẳng ra, mang trong người những khuyết tật bẩm sanh, ngũ quan méo mó. Cho dầu có thẩm mỹ để thay đổi nhan sắc cũng “hên xui”, người thì thành công, kẻ thì thất bại, làm hoài không đẹp lên mà còn hư hao, tệ hơn lúc ban đầu. Ngay cả khi bạn đẹp, không phải cứ đi bán bánh tráng trộn hay đi… tù là bạn sẽ được nổi tiếng. Ngay cả khi bạn nổi tiếng, cũng không hẳn cuộc đời bạn “sang trang” mà có khi lại sang… ngang (vì sự nổi tiếng đó). Nên dầu có rất nhiều người “nghĩ quẩn”, gom hết tiền đi thẩm mỹ để xinh đẹp, hoặc gom hết tất cả các thủ đoạn để gây sự chú ý hòng nổi tiếng, “đổi đời” nhưng lại không được như ý. Bởi có một sự thật: thế giới này chưa bao giờ công bằng cả…

Không riêng chuyện đẹp xấu, “bạc phận” hay bạc… triệu, tạo hóa không công bằng ở mọi lúc mọi nơi. Có người sanh ra đã có hoa tay, vẽ vài nét thôi cũng được kỳ vọng sẽ thành danh họa. Có người thì học vẽ suốt nhiều năm vẫn không thể tạo ra một bức vẽ có hồn.

“Người đẹp chuyển giới” Hương giang, nổi tiếng sau khi thẩm mỹ thành công – Nguồn: Bestie.vn

Có người sanh ra đã được “cài cắm” cho khả năng viết lách, có người thì đọc mỗi bữa một cuốn sách, tâm tư tinh tế nhưng không thể viết một câu chuyện trọn nghĩa như ý muốn.

Có người sanh ra đã mang một trí nhớ dai, học đâu nhớ đó, có người lại đụng đâu quên đó. Ðể chìa khóa xe trong nhà, để chìa khóa nhà trong giỏ, mà giỏ thì để trong… xe.

Có người từ lúc sanh ra đã sáng dạ, thông minh, cái gì cũng biết, có người dẫu sống lâu bao nhiêu vẫn ngu ngu ngơ ngơ giữa “khu rừng già”, chỉ biết ăn thui chả biết gì (tôi là một ví dụ).

Có người sanh ra đã có một ý chí sắt đá, giông lốc cuộc đời bị họ coi là ruồi là muỗi, đạp dưới chân. Nhưng có người sanh ra với một tâm thế yếu ớt, một chiếc lá rơi trúng cũng làm họ… xỉu.

Có người sanh ra đã mang bản tính cộc cằn, quạu quọ nhưng cũng có người sanh ra đã trầm lặng, nhẹ nhàng hoặc tươi vui, trong sáng.

Xem thêm:   Có gan làm giàu

Có người sanh ra đã “sắm” cho mình một gia đình tốt đẹp, có những khởi đầu vững chãi, lớn lên cha mẹ cho vài triệu Mỹ kim lập nghiệp. Cũng có người sanh ra ở một khu ổ chuột, cha theo gái, mẹ theo trai, còn nhỏ nhưng ngày ngày đã bị hành hạ bởi cơm-áo-gạo-tiền.

Có người học một thứ tiếng không xong, có người học một hơi 29 thứ tiếng… Ðó là một số ví dụ cho sự không công bằng của tạo hóa.

Và tạo hóa còn không công bằng như vậy, thì loài người, với bản tánh, xuất thân, tài năng, quá trình trưởng thành và cảm tính khác nhau thì làm sao mà có thể công bằng và nhìn nhận mọi việc bằng lý trí máy móc cho được? Bởi vậy đừng buồn khi bị người ta ghét bỏ, xa lánh vì bạn xấu, bạn nghèo, bạn ngu ngốc, bạn yếu đuối… Mà hãy dùng những ưu điểm khác “gỡ” lại (như cách người ta lấy cái nết đánh chết cái đẹp, lấy cái đẹp đè bẹp cái nết vậy?!).

Hoặc hãy mạnh dạn sửa đổi nếu thấy những khuyết điểm của mình đang đi ngược với văn minh nhân loài. Ðừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho tạo hóa, cho những thứ mang tên “quá khứ”, những thứ mà sau khi trách móc, buồn tủi, cũng không thể thay đổi được. Cũng đừng dùng những cái sai khác để biện hộ, che lấp cho những khuyết điểm của mình.

Có lần tôi làm người bạn giận run, khi tôi hỏi bản: “Anh có cộng sản không?”

Vì, trong khi tôi – với bộ não thiếu thốn – cứ nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho… vui. Sự thật, nó không vui chút nào, cho tôi và cho bạn. Bạn tôi buồn thật sự, vì nghĩ tôi nghi ngờ “nhân phẩm” của bạn và cho rằng tôi rất… bệnh hoạn khi nghĩ câu hỏi đó là vui. Tôi phải giải thích rất nhiều, để bạn hết giận và một hai dặn dò tôi:

“Ðừng bao giờ hỏi câu đó cho những ai mà em cảm thấy là bạn, đó là một sự xúc phạm nặng nề!”.

Nguyên nhân kỳ thị… – Nguồn: Facebook

Và từ đó tôi hiểu. Không dừng ở chỗ ghét, bạn rất “kỳ thị” cộng sản. Mặc dầu xuất thân của bạn là từ một đất nước bị cộng sản cai trị. Và vì hiểu nó, nên bạn ghét nó và muốn không ai hiểu lầm bạn là một người cộng sản. Vì tuy bạn sống ở nước cộng sản, nhưng không cộng sản. Còn cộng sản, tuy gia nhập thế giới văn minh từ “đời cô Lựu”, nhưng vẫn… cộng sản!

Giống như mấy người bạn Bắc kỳ của tôi, tối ngày cứ đòi “giao hợp mẫu thân” vài người Bắc kỳ, khi bạn đọc báo hoặc phải làm ăn với ai đó bên kia vĩ tuyến mà xấu tánh. Bạn giải thích: người ta kỳ thị Bắc kỳ, nguyên nhân không phải do họ nói tiếng Bắc (bạn tôi cũng nói tiếng Bắc mà), mà họ kỳ thị Bắc kỳ vì sự cứng đầu, không chịu thay đổi. Trong khi họ có mấy ngàn năm lịch sử, có nhiều chục năm được “hội nhập” văn minh miền Nam, được hưởng lợi từ việc “mở cửa kinh tế” với thế giới. Ðừng trách ai kỳ thị ai. Chỉ khi nào va chạm thực tế, tiếp xúc qua lại với họ, bạn sẽ tự nhận ra rằng: “À thì ra là vậy. Hèn chi nghe nhiều người nói. Giờ mới tin!”

Xem thêm:   Bích Đầm đảo dân cư xa nhất trong vịnh Nha Trang

Hồi còn nhỏ, tuổi trẻ chưa trải sự đời, tôi khá quảng giao. Tôi chơi với Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ, Tây kỳ, ngay cả người ở các “tiểu vương quốc” Thanh (Hóa), Nghệ An, Hà Tĩnh hay Tàu tôi cũng nói chuyện. Và “nhờ” đó, sự quảng giao của tôi đã… “vơi đi ít nhiều”. Giờ, khi ra đường, gặp một người lạ nói giọng Nam Kỳ, Trung Kỳ, sự “tín nhiệm” của tôi dành cho họ sẽ là 70%, nhưng nếu đó là một người nói giọng Bắc Kỳ hay “tiểu vương quốc” thì sự “tín nhiệm” của tôi dành cho họ sẽ bị “tuột dốc” xuống 30%. (Dĩ nhiên, tôi vẫn sẽ cố gắng lịch sự). Còn gặp người Tàu, tôi sẽ im lặng và đi thẳng. Dĩ nhiên không phải ai nói giọng Nam kỳ cũng tốt, nhưng vì là “đồng hương nên tôi thấy… thân hơn. Và vì họ là người lạ và có thể sẽ chẳng “lan quyên” (liên quan) gì cuộc đời tôi sau này, tôi không thể có đủ thời gian để coi họ có phải “Tuy là Bắc kỳ nhưng là người tốt” hay “Tuy là người Thanh Hóa nhưng không lưu manh” (như những người bạn của tôi) hay không. Ai biết sau lớp sơn kia là phần gỗ thế nào?

Bạn này chửi giọng Nam kỳ (Du Ma) nhưng tôi vẫn kỳ thị nha! – Nguồn: Facebook

Tôi chỉ biết dùng bản năng và kinh nghiệm trong quá khứ của mình để bảo vệ mình mà thôi! Ai đó muốn tôi phải làm “thiên thần”, “thánh mẫu”, không xa lánh, kỳ thị ai, xin hãy “ban” cho tôi đôi cánh, để tôi bay khỏi trái đất này!

Xin kết thúc bằng một câu chuyện mà tôi lượm được từ rất lâu:

“Có hai đứa trẻ sống cùng một người cha bị nghiện rượu suốt ngày say xỉn. Tuổi thơ của chúng là một chuỗi ngày lo sợ mỗi khi cha say rượu về nhà.

Lớn lên rồi mỗi người cũng có cuộc sống riêng. Người con lớn giờ đây là phiên bản của cha cậu ngày xưa, suốt ngày đắm chìm trong men rượu. Trong khi người kia lại là tấm gương đi đầu trong việc phòng chống rượu bia.

Có một nhà tâm lý học đi tìm hiểu thực tế cho nghiên cứu của mình. Ông gặp người con lớn và hỏi “Tại sao anh lại nghiện rượu?”. Sau đó tìm gặp người kia và hỏi “Tại sao anh lại tham gia phong trào bài trừ rượu bia?”.

Thật trùng hợp khi cả hai người con đều có cùng câu trả lời: “Do ngày xưa có cha tôi là người nghiện rượu nên đương nhiên bây giờ tôi phải trở thành người như thế này”.

Có ai đó đã từng nói: “Cảnh khổ chỉ là nấc thang cho những bậc anh tài, một kho tàng cho kẻ khôn khéo, nhưng sẽ là vực thẳm cho kẻ yếu đuối”.

Hoàn cảnh không bao giờ là nguyên nhân cho những việc làm sai trái, tiêu cực hoặc không đúng mực. Nó chỉ là lý do để tự bào chữa cho mình.”

DU