‘Mardi Gras’ hay ‘Thứ Ba mỡ màng’ là một dịp hội hè có nguồn gốc Âu Châu từ thế kỷ XVII -XVIII. Tục lệ này khởi đầu tại New Orleans từ năm 1699 khi nhà thám hiểm Pierre Le Moyne d’Iberville đến Louisiana và đặt tên cho mảnh đất ông ấy đặt chân [xí chỗ] là “Pointe du Mardi Gras” vì đến nơi đúng vào buổi chiều của ngày lễ. Thành lập năm 1718, New Orleans nằm gần Pointe du Mardi Gras và từ đó, trong thập niên 30 của thế kỷ XVIII, người thành phố đã tổ chức các chuyến xe hoa, diễn hành và cả hội hóa trang trong suốt thời gian cử hành Mardi Gras.

Ngày xa xưa, dịp ăn chơi thả giàn này rơi vào ngày Thứ Ba (do đó có tên “Mardi Gras” hay “Fat Tuesday”), một ngày trước lễ Tro (thường vào ngày Thứ Tư trong tuần lễ nên có tên “Ash Wednesday”) của Thiên Chúa giáo và lễ Tro là ngày khởi đầu của mùa Chay, Lent. Theo cổ tục, bá tánh hè nhau ăn chơi thả giàn trước khi vào mùa chay tịnh, phải ăn chay & kiêng thịt theo giáo luật. Mùa chay hay “Lent” là thời gian khoảng sáu tuần trước lễ Phục Sinh (Easter). Nhưng tại New Orleans, cư dân “hành lễ” suốt cả tháng trường trước đó.

Năm nay, 2020, Mardi Gras bắt đầu vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài cho đến thứ Ba, ngày 25 tháng Hai, tròm trèm hai tháng trời mới [chịu] chấm dứt! Trong suốt thời gian này, bá tánh tha hồ ăn uống, kéo bạn kéo bè ca hát, tấu nhạc, diễn hành trên đường phố với các bộ quần áo hóa trang rực rỡ đủ màu đủ kiểu. Những chương trình được thành phố tài trợ thường có “bài bản”, lớp lang, xe hoa, ban nhạc và các nhạc công hóa trang nhảy múa trong khi các chương trình “tự biên, tự diễn” của bá tánh hiếu động thì tha hồ. Khi say khướt, người ta có thể diễn nhiều trò chơi, trình bày các màn nhảy múa sôi động mà không mấy ai dám thử lúc tỉnh táo! Khán thính giả là những người kéo đến thăm thành phố, lâu lâu một chuyến để nhìn ngắm cho mãn nhãn hoặc ăn chơi thả giàn mà không sợ bị dè bỉu là “quá độ”!
Ðây là dịp quán trọ, nhà hàng ăn uống kiếm bạc nên nơi nào cũng chật cứng những người là người nhất là nơi các chuyến xe hoa, diễn hành, ban nhạc đi qua như đường St Charles, Magazine, Bourbon…

Xem thêm:   Đảo Quốc Xanh Greenland

Sự đông đảo của Mardi Gras trông có vẻ như “hỗn loạn” vì ồn ào nhưng thực ra đằng sau là cả một sự xếp đặt thứ tự. Thành phố có các ban tổ chức đàng hoàng, các “krewe”, họ sắp đặt ban nhạc, xe hoa, người hóa trang … theo từng nhóm đường phố theo quy trình (theme) bài bản. Các quy trình ấy được giữ bí mật cho đến ngày “trình diễn” mới bật mí từa tựa như một cuộc tranh đua xem nhóm nào được ưa chuộng nhất, và danh tính những người tham gia thì hoàn toàn bí mật, họ đeo mặt nạ để khán giả chẳng thể nào nhận diện.
Rex Organization là một trong các ban tổ chức Mardi Gras lâu đời nhất, từ năm 1892, đã sử dụng ba màu tím, vàng và xanh là những màu sắc “chính thức” của Mardi Gras. Ba màu này tượng trưng cho công lý, niềm tin và sức mạnh.

Mardi Gras đặc biệt dính liền với New Orleans nên thành phố ấy cũng có nhiều thứ “đặc biệt” đi kèm như chữ “Go cup”. Nôm na là bá tánh có thể vừa đi quanh vừa uống rượu trên đường phố và rượu được chứa trong các ly nhựa dành cho những thức uống “to go” như cà phê, nước giải khát từ hàng quán. Chỉ New Orleans mới cho phép người ta lang thang với ly rượu trên tay. Những nơi khác, rượu chỉ được uống ngay trong hàng quán.
Một danh từ đặc biệt khác, “Neutral ground”, ngày xưa trong thế kỷ XIX dùng để chỉ những tấm chắn, chia đường phố thành từng vùng hành chánh, municipality. Ngày nay, trong dịp Mardi Gras, bá tánh sử dụng danh từ này để gọi nơi họ xem xe hoa, diễn hành mà không đứng trên lề đường!
Và các chuỗi hạt nhựa lấp lánh được gọi là “Throw”, mỗi mùa Mardi Gras là các ban tổ chức lại chế ra kiểu chuỗi hạt mới để người trình diễn múa hát quăng tới khán giả. Mỗi nhóm tổ chức tạo chuỗi hạt riêng, mang huy hiệu của nhóm ấy. Bá tánh đón lấy, đeo trên cổ trong dịp lễ rồi đem về làm kỷ niệm! Những chuỗi hạt quăng trên đường phố này được gọi là “throw” từ 130 năm nay!
Tất nhiên các chuỗi hạt nhựa không chỉ dành riêng cho người trình diễn, người xem, dù [chỉ] thưởng ngoạn, cũng mua từng chùm chuỗi hạt, đứng trên sân thượng của hàng quán hay nhà trọ mà quăng tá lả xuống đường phố mỗi khi được người tản bộ cổ võ. Nhiều cô gái xanh non tuổi dậy thì cũng bắt chước cởi luôn áo trong, áo ngoài để ngực trần cho bá tánh xem, chụp hình đến khi mãn nhãn. Có cô cao hứng cởi luôn cả quần kể cả đồ lót theo lời thách thức của người chung quanh, hình ảnh được rinh lên mạng ảo để bá tánh khắp nơi chiêm ngưỡng. Chẳng biết mấy cô đã uống bao nhiêu ly bia ly rượu và có say sưa không nhưng mèn ơi, tiểu thư con gái nhà ai!? Tất nhiên là phái nam cũng chẳng chịu thua, họ cũng cởi quần áo bày hàng tứ tung kể cả những cái bụng phệ, những thùng nước lèo mỡ màng… (Hay vì thế nên có tên gọi “Thứ Ba đầy mỡ … màng”?) Phe ta đi ngang thấy mà hết hồn.

Xem thêm:   Những con người vĩ đại Elisabeth Kübler-Ross

Khi cuộc vui đã tàn thì Mardi Gras trở thành “Thứ Ba Ðầy Rác”, nơi nào trong thành phố cũng đầy rác, mùi rượu chua, mùi thức ăn hư rữa, cộng thêm cống rãnh ngập ngụa tạo thành một mùi hôi hám kinh hoàng, nỗi ám ảnh rất …New Orleans! Không biết năm nay thành phố dọn dẹp chùi rửa đường phố ra sao và đổ các núi rác nọ đi đâu?

Trong dịp lễ, trên một triệu khách thăm viếng đổ về vui chơi nơi này và mang lại mối lợi nhuận cỡ 165 triệu Mỹ kim. Ðông người tất nhiên là nhiều rác nhất là khi họ dùng bao nhiêu món trang trí, xài qua rồi vứt. Riêng ngân khoản dùng trong việc dọn dẹp đã lên đến 3 triệu Mỹ kim.
Hàng năm, khoảng 4.5 triệu cân Anh các món plastic được mang đến New Orleans để dùng trong dịp Mardi Gras. Dế Mèn đọc bài tường trình về Mardi Gras năm ngoái mà kinh hoảng. Năm 2018, chỉ vỏn vẹn trong năm khu phố (block), thành phố đã thu góp tới 93,000 cân Anh những chuỗi hạt nhựa khi vét các đường cống!
Những thứ thu góp được đã đành nhưng còn những món rác lẫn trong đất cát thì sao? Plastic rẻ tiền thường chứa tạp chất kể cả chì (lead) là một chất độc. Các chuỗi hạt nhựa sặc sỡ thường chứa tạp chất, và các tạp chất này qua việc sử dụng, thời gian sẽ toát ra ngoài. Khi đất, nước nhiễm độc chì sẽ gây bệnh tật cho con người và thú vật.

Xem thêm:   Không nói nhưng vẫn “nói” ngôn ngữ của cơ thể

Ngoài việc tìm chỗ đổ rác, thành phố nhắm đến việc tái dụng: New Orleans đặt các trạm thu góp nhựa, nhất là các chuỗi hạt lóng lánh nọ để chùi rửa và dùng tiếp trong năm sau.
Trước đây, giáo sư Naohiro Kato tại Louisiana State University đã tìm ra cách chế tạo các hạt nhựa màu có thể tự tan rã, biodegradable, hay “biobeads” nhưng giá thành quá cao để có thể dùng xong rồi vứt nên các chuỗi hạt nhựa [rẻ tiền] vẫn tiếp tục làm nghẹt cống rãnh thành phố và góp phần cho núi rác plastic!

Cho đến khi biobead xuất hiện và được sử dụng rộng rãi, Mardi Gras vẫn tiếp diễn, và sau dịp lễ, thành phố vẫn tiếp tục thuê mướn một đội ngũ nhân viên hùng hậu, cỡ 600 người, để hốt rác, quét dọn cho sạch khu phố Tây, the French Quarter, và những con đường khác sửa soạn đón các du khách nhàn du, thăm viếng một New Orleans đầy lịch sử và đặc thù.

TLL

Orlando, FL