Người Việt, hẳn ai cũng biết bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra chồi biếc/ Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay ….” (còn 6 câu nữa). Hay chân quê, mộc mạc như Nguyễn Bính thì nhẹ nhàng, rụt rè hơn: “Cái ngày cô chưa có chồng/ Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa/ Lối này lắm bưởi nhiều hoa/ (Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)…”
Quả thật, trong đời sống người Việt bình dị, luôn sực nức hay nồng nàn mùi hương đồng cỏ nội của bưởi, của khế, của chanh… Phụ nữ gội đầu, tắm bằng nước vỏ bưởi, nước bông bưởi, lá bưởi đã có từ thuở xưa xửa xừa xưa.
Cách đây ba năm, trong một bài đăng trên tờ Người Việt Daily, tôi đã viết: “Có câu chuyện tiếu lâm kể rằng: Nhà văn trẻ nọ sau khi viết xong một cuốn sách, tự cho là hay nhất thiên hạ. Anh ta muốn “giải quyết khâu oai” bèn đem đến nhờ bậc đàn anh trong văn đàn đọc và nhận xét giùm. Một thời gian sau, vẫn chưa thấy ông “đàn anh” nọ có ý kiến ý cò gì. Anh ta hỏi “đàn anh” đã đọc sách anh ta viết chưa?. “Ðàn anh” trả lời: “Chưa đọc?”. Anh ta hỏi “Tại sao”?. “Ðàn anh” nói: “Cần gì đọc, ngửi cũng biết”. Anh ta ngạc nhiên: “Văn mà ông cũng ngửi được à? Thế tôi hỏi ông Tam Quốc Chí có mùi gì?”. Ðáp: “Tam Quốc Chí có mùi binh đao”. Lại hỏi tiếp: “Tây Sương Ký có mùi gì?”. Ðáp: “Tây Sương Ký có mùi phấn sáp”. Anh ta quá tò mò, bèn nôn nóng hỏi tiếp: “Thế văn của tôi thì có mùi gì?”. Ông “đàn anh” thản nhiên đáp: “Văn của anh có mùi thum thủm”.
Chuyện tới đây là hết, tác giả không nói tiếp theo sau đó ông kia có bị đàn em đem lên Facebook “ném đá”, hay là xông vào đánh cho vỡ mồm tội “dám có ý kiến trái ngược” hay không. Chớ thời buổi bi giờ thiên hạ hay làm như dzị lắm đó.
Tôi đọc nhiều thơ, nhiều tác giả, tôi vẫn thích nhất đọc thơ Nguyễn Bính. Ở tác giả Nguyễn Bính, mỗi lần đọc lên, tôi ngửi thấy cái không khí lành lạnh, ẩm ướt, trong trẻo của sương sớm, cái mùi thơm nồng nồng ngai ngái vừa đăng đắng cay cay ngòn ngọt của cỏ non, cái thơm của hột lúa mới vừa ngậm sữa, của hoa dại… trên cánh đồng bao la bát ngát vào lúc mặt trời len lén bò lên đường chân trời ở phía xa xa. Túm lại nó là một thứ vô hình được người đời đặt cho cái tên là “hương đồng cỏ nội”…”
Con nít thích bưởi theo kiểu khác. Khi tôi còn là đứa nhỏ bảy, tám tuổi, ngày nào đám con nít tụi tôi cũng tha thẩn ra chợ chồm hổm gần nhà để lượm vỏ bưởi. Người bán bưởi khi gọt trái bưởi thì họ cắt một đường ngang dưới cuống bưởi chừng hai phân, bỏ phần đó. Rồi rọc theo chiều dọc trái bưởi nhiều đường song song đều nhau nhưng vẫn còn dính phần đáy. Sau đó, dùng ngón tay tách theo đường rọc để tách phần vỏ dày ra khỏi phần ruột bưởi bên trong, lấy ra nguyên phần thịt mọng nước để lên mâm bán. Phần vỏ, con nít giành nhau lượm để đội lên đầu như cái nón có nhiều tay xung quanh, nhìn rất hài hước, ngộ nghĩnh. Tôi gom vỏ bưởi về nhà ngồi kỳ cạch gọt hết phần vỏ cứng có chứa tinh dầu bên ngoài miếng vỏ bưởi, còn lại phần vỏ trắng mềm và xốp thì xắt nhỏ ra từng miếng mỏng như người ta xắt mỡ heo để thắng lấy mỡ nước vậy. Rồi tôi rình bà ngoại đi ra nhà sau là tôi chạy tới mở ô trầu, vít lấy một cục vôi bằng ngón tay cái vô miếng lá cây xong chạy ù biến mất ngay. Ngoại mà thấy sẽ chửi um lên vì “quậy bình vôi tao ăn bị phỏng miệng.” Ðổ tất cả vỏ bưởi đã xắt vô thau, dùng cái que quẹt lên mỗi miếng vỏ bưởi đã xắt một ít vôi, đổ vô thêm khoảng một ly xây chừng nước, xong ra sức nhồi liên tục khoảng ba chục phút. Nhồi đến khi vỏ bưởi tiết ra chất sền sệt màu vàng hồng hồng (do màu vôi ăn trầu) thì vắt nước ấy vô mấy cái chén chung đồ chơi bằng nhựa. Ðể yên chừng ba chục phút chất sệt ấy đông đặc lại như rau câu. Vậy là tôi có chừng một chục chén “rau câu” để bán đồ hàng cho bọn con nít hàng xóm rồi. Bọn nó cũng “chế biến” ra nhiều thứ khác “bán lại” cho tôi bằng cách đổi “hàng” hay tiền là những tờ giấy báo cũ.
Khi đã trưởng thành, tôi biết thêm vỏ bưởi không phải chỉ để làm đồ chơi, mà còn là một vị thuốc dân gian. Theo Ðông y, vỏ bưởi có vị cay nồng, đắng, thơm, chứa nhiều tinh dầu, có công dụng ngừa viêm họng, trị ho có đờm, giảm mỡ máu, đau dạ dày, khó tiêu, chán ăn, đầy hơi. Ngoài công dụng chữa bệnh, vỏ bưởi dùng làm mứt để các cụ ngồi nhâm nhi với tách trà nóng trong những ngày thời tiết se lạnh, ngày Tết cổ truyền thì thật là món ăn ngon miệng mà tốt cho sức khỏe.
Làm mứt vỏ bưởi tốn công chớ không tốn bao nhiêu tiền. Năm 2005, tôi bị viêm xoang, ngày nào cũng nóng lạnh nhức đầu, đau họng nói không ra tiếng, uống trụ sinh mạnh liên tục mười ngày không hết bệnh thì tôi ngưng uống thuốc. Mỗi ngày tôi gọt hai trái bưởi năm roi, một mình ăn hết hai trái, liên tục một tuần thì đỡ hẳn rồi hết bịnh. Lúc đó tôi đang ở nội trú trong trường nên vỏ bưởi đem liệng bỏ, nếu như bây giờ là tha hồ có vỏ bưởi làm mứt rồi. Tôi thấy bưởi có bán rất nhiều ở các chợ Việt, chợ Mỹ. Mua hai trái bưởi về ăn là có đủ vỏ bưởi làm mứt. Thêm 150 gram đường cát trắng, chút muối, cục phèn chua bằng ngón chưn cái, hai gói vanilla sugar, nếu thích màu mè cho đẹp thì thêm một ít màu thực phẩm xanh đọt chuối.
Vỏ bưởi lột sạch sẽ phần tua rua dây nhợ thòng thòng bên trong, rửa sạch khi còn nguyên miếng rồi dùng dao bào bào thành miếng dẹp vừa ăn giống như sợi mứt dừa khô, nhưng dày hơn sợi mứt dừa. Quậy nước muối loãng, cho vỏ bưởi vô ngâm khoảng năm giờ đồng hồ. Sau đó bỏ qua nhồi bóp trong nước lạnh nhiều lần để vỏ bưởi bớt the và mặn, vắt khô.
Bắc nồi nước lên bếp, nấu sôi, cho cục phèn chua vô quấy tan rồi cho vỏ bưởi đã nhồi bóp vô luộc khoảng năm phút. Vớt ra rồi cũng nhồi bóp vỏ bưởi dưới vòi nước lạnh để sạch phèn chua, xong vắt khô. Cần phải vắt vỏ bưởi cho khô thì đường mới dễ thấm vô. Trộn đều đường vô vỏ bưởi, để khoảng từ năm đến bảy giờ đồng hồ cho đường tự tan và thấm hết vô vỏ bưởi. Sau đó bắc nồi vỏ bưởi lên bếp, dùng cái dá bằng gỗ có cán dài để xên đều vỏ bưởi với lửa vừa phải. Ðến khi thấy đường sệt lại thì hạ lửa liu riu, rắc vanilla sugar vô (hoặc pha sẵn với một muỗng cà phê nước rưới vô), trộn đều rồi tắt lửa. Nhắc nồi xuống khỏi bếp để không bị khét đáy nồi. Chờ mứt khô thì cho vô hũ thủy tinh, đậy kín để ăn dần.
Như vậy là chúng ta đã có hũ mứt vỏ bưởi ngon lành rồi. Nếu thích có màu thì pha vài giọt màu thực phẩm xanh đọt chuối vô khi pha vanilla. Hoặc muốn mứt trong thì vắt thêm nước một trái chanh xanh vô. Ở quê, muốn cho mứt giòn, giữ được lâu, người ta trải mứt ra mâm kim loại đem phơi dưới nắng to khoảng ba tiếng đồng hồ. Bây giờ chúng ta có lò sấy trái cây thì cho vô lò sấy một lúc, muốn giòn cỡ nào tùy ý tay đầu bếp.
Mứt vỏ bưởi có vị the the, hơi nhân nhẩn, vị ngọt dịu của đường, mùi thơm của vanilla, nhâm nhi với trà nóng, đó cũng là thụ hưởng thú vui ẩm thực một cách tao nhã vậy.
TPT
(Little Sài Gòn, Ca)