Thời kỳ đầu theo quy hoạch của người Pháp, Sài Gòn rộng khoảng 3 km2. Nhưng với diện tích đó, nó đáp ứng được sinh hoạt cho hơn 4 ngàn người, trong đó 3/4 là người Pháp, còn lại là người Hoa và số ít người Việt giàu có.

Sài Gòn năm 1866 ngay góc Cột cờ Thủ Ngữ đã có nhà cửa bên kênh Bến Nghé (Nguồn: Manhhaiflick)    

Sài Gòn thời Pháp

Phần 3 km2  này, là trung tâm của bản quy hoạch tổng thể do kiến trúc sư, Trung tá Công binh Coffyn phác họa, có tên rất cụ thể “Projet de Ville de 500,000 âmes à Saigon” (dự án thành phố 500,000 người tại Sài Gòn) rộng 25 km2. vào năm 1862. Có lẽ, ông đã quá tham vọng vẽ nên một dự án lớn quy hoạch hạ tầng và dân cư cho một thành phố sẽ phát triển trong tương lai kết nối với thành phố Chợ Lớn. Tuy nhiên, Thống đốc Nam Kỳ đã bác bỏ do việc bảo vệ trị an trên một diện tích lớn là điều không khả thi. Cuối cùng, dự án phải thu hẹp diện tích, chỉ chấp thuận quy hoạch khu trung tâm Sài Gòn.

Phần trung tâm đó, gọi là nội ô. Còn phần ngoại ô thì rộng lớn lắm, thưa thớt dân cư, toàn là bưng biền, ao trũng, cỏ cây hoang dại, mồ mả khắp nơi. Chính quyền Pháp khuyến khích khẩn hoang vùng Hoà Hưng, Phú Thọ, Chí Hoà, lập những kiểu đồn điền nhỏ, chia lô vài ba chục hécta, bán rẻ hoặc có thể trả góp để trồng cây công nghiệp và chăn nuôi. Người mua đất tốt toàn là người Pháp, người Âu. Người Ấn mua đất rẻ tiền làm đồng cỏ nuôi bò, ngựa, dê. Người Việt hồi cư sau cuộc chiến sống dọc theo rạch Thị Nghè và vùng Cầu Ông Lãnh buôn bán nhỏ hoặc làm phu xe, bốc vác bến sông bến cảng.

Tuy có diện tích nhỏ, nhưng tầm vóc của nó là lõi trung tâm của một đô thị mang chức năng hành chánh, quân sự, kinh tế, hải cảng và chuẩn bị mở rộng giao thông đường sắt, đường bộ kết nối nhiều vùng đô thị trong tương lai. Ngày 8/01/1877 Tổng thống Pháp ký sắc lệnh công nhận thành phố Sài Gòn là đô thị (municipalité) loại I, chức vụ Thị trưởng thành phố Sài Gòn do Hội đồng thành phố bầu chọn, Thống đốc Nam Kỳ đề nghị và Toàn quyền Ðông Dương quyết định chuẩn y. Ðến năm 1887, phần trung tâm lõi này gần như đã hoàn chỉnh với những cơ quan chính phủ quan trọng và những khu phố thương mại, dân cư dọc theo các con phố chính đã hoàn tất. Sài Gòn khi đó đã trở thành trung tâm đô thị của cả Ðông Dương.

Đại lộ Norodom (Thống Nhất) khoảng năm 1940 (Nguồn: Manhhaiflick)

Sài Gòn mở rộng

Xem thêm:   Đông dược

Trong vòng 2 năm khai triển quy hoạch, ngành Giao thông Công chánh xây dựng được hơn 15,000 mét đường sá ở nội ô. Các con đường chính khi đó có tiêu chuẩn rộng 40 mét, vỉa hè 4 mét gọi là đại lộ, còn lại gồm 40 con đườngcấp hai xen kẽ thành ô bàn cờ cắt ngang dọc các đại lộ. Ðường cấp hai có tiêu chuẩn rộng 20 mét, vỉa hè từ 3 đến 4 mét. Ta có thể liệt kê những đại lộ thuở đó gồm: Charner (Nguyễn Huệ), Bonard (Lê Lợi), De La Somme (Hàm Nghi), Norodom (Thống Nhất), De la Citadelle sau là Luro (Cường Ðể) kết nối từ Bến Bạch Ðằng – đầu cầu Khánh Hội, qua nhà máy Ba Son xuống giáp đường Thống Nhất. Ðường  Catinat (Tự Do), tuy là con đường xưa và sầm uất nhất Sài Gòn và là trục chính khi quy hoạch nhưng lại nằm trong số các đường cấp hai. Vào thời gian này đường đại lộ đã được tráng nhựa, vỉa hè lát đá xanh, hai bên trồng cây bóng mát. Còn các đường cấp hai trải đá hoặc lát đá, vỉa hè có đoạn được dặm đất, có đoạn được lát đá.

Ta có thể hình dung, đường sá Sài Gòn – đô thị loại I, khi đó đã được thắp sáng bằng dầu dừa, mỗi sáng sớm và chiều tối có người làm công việc đi dọc theo các con đường tắt và thắp đèn. Từ đường Bonard nhìn xuống, Sài Gòn chỉ nhộn nhịp đến ranh giới bàu trũng sình lầy, gọi là ao Bồ Rệt (Matias Boresse) vị trí của chợ Bến Thành ngày nay. Phía bên kia của vùng trũng, nhìn thấy đường Kitchener (Nguyễn Thái Học), Ký Con còn là đường đất, nhà tranh vách đất, quanh ao sình một vài túp lều tranh xệu xạo. Còn bên kia đường Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự) bát ngát những vườn rau cải của người Hoa.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Qua thời gian, các vùng đất nông nghiệp lân cận được sáp nhập dần vào thành phố. Năm 1884 diện tích thành phố là 4.06 km², khi mở rộng diện tích thành phố di dời xây mới ga xe lửa Sài Gòn (góc xéo chợ Bến Thành mới). năm 1894 là 7.91 km², năm 1906 là 13.17 km², năm 1912 là 16.38 km². Năm 1881 dân số thành phố Sài Gòn có 13,481 người, năm 1884 có 14,459 người, năm 1902 có 50,870 người, năm 1910 có 64,121 người, năm 1930 tăng lên 143,306 người. Ðến thời gian này, cơ sở hạ tầng đường sá không còn đáp ứng được sự phát triển kinh tế, đặc biệt là giao thông đường bộ bằng xe bắt đầu phát triển từ năm 1920.

Chợ Bình Tây và kênh Hàng Bàng năm 1930 (Nguồn: Manhhaiflick)

Hoàn thiện hệ thống giao thông

Việc xây dựng bản quy hoạch tổng thể của một thành phố đều mang tính kế thừa của bản quy hoạch trước đó bằng cách chỉnh trang những công trình xây dựng và mở rộng phạm vi quy hoạch mới kết nối cho việc định hướng phát triển trong tương lai của quy hoạch dài hạn. Năm 1923, kiến trúc sư Hébrard, nhà quy hoạch Pháp nổi tiếng thời bấy giờ lập đề án bản quy hoạch cho thành phố Sài Gòn với quy mô dân số 350,000 người. Bản quy hoạch đặt vấn đề hoàn chỉnh hệ thống kỹ thuật hạ tầng, chủ yếu là ga xe lửa và cảng sông, mở rộng quy mô xuống phía Nam, sang Khánh Hội và Nhà Bè để phát triển công nghiệp và xuất cảng. Song việc thiếu ngân sách, đụng chạm quyền lợi của giới độc quyền bất động sản, là những nguyên nhân làm cho dự án quy hoạch của Hébrard chỉ tồn tại trên bản vẽ.

Tuy vậy, tình trạng phát triển dân cư tự phát buộc phải mở rộng đường sá từ sau năm 1920 đã bắt đầu lan rộng dần dần từ Sài Gòn vào Chợ Lớn và từ Chợ Lớn mở ra các vùng phụ cận. Ðến năm 1930, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đã giáp nhau ở đường Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Cừ) và Nguyễn Thiện Thuật. Việc cần làm là phải có đề án quy hoạch chung để hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn hợp nhất theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp ký vào năm 1931. Từ đây, thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn hợp thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Đại lộ Trần Hưng Đạo năm 1955, một số nhà mặt tiền còn đang xây mới (Nguồn: Manhhaiflick)

Theo tài liệu của Sở Quy Hoạch và Xây Dựng thành phố cho biết, bản quy hoạch mang tên Cerutti-Pugnaire năm 1930, đặt ra phương án xây dựng khu trung tâm hành chính mới để nối kết Sài Gòn và Chợ Lớn: cất tòa thị chính mới ngay tại vị trí chợ Bến Thành, dời khu nhà ga, ra khỏi trung tâm TP, thay thế bằng những tòa nhà thương mại, nối vào Chợ Lớn bằng các trục lộ lớn. Nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 1930, và kế đó là Chiến tranh Thế giới II, không cho phép người Pháp thực hiện được phương án chỉnh trang đó. Năm 1951, Khu Sài Gòn – Chợ Lớn đổi thành Ðô Thành Sài Gòn – Chợ Lớn và đến năm 1956 đổi thành Ðô Thành Sài Gòn.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Từ giữa thập niên 60, chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế USAID đã hỗ trợ kỹ thuật cho Miền Nam Việt Nam về quy hoạch đô thị. Công ty Doxiadis Associates-Consultants on Development and Ekistics lập quy hoạch, phát triển Sài Gòn. Cầu Sài Gòn và xa lộ Biên Hòa được Công ty Johnson Drake and Piper xây dựng trong giai đoạn này phát triển khu công nghiệp Biên Hoà. Và tiếp theo đó là xa lộ vòng đai do quân đội Ðại Hàn xây dựng nhằm kết nối mạng lưới giao thông từ quốc lộ 1, cửa ngõ đi miền Ðông đến ngã ba An Lạc về miền Tây.

Riêng bán đảo Thủ Thiêm, được gọi tên là Sài Gòn II với phương án xây dựng mẫu thành khu gia cư trong một mạng lưới kênh rạch, nhà ở thấp tầng, xen kẽ nhà liên kế, biệt thự, nhà chung cư 4 tầng, và loại bỏ ý tưởng xây nhà cao tầng, khu kinh doanh, hành chính đồ sộ.

Đại lộ Lê Lợi đầu thập niên 1970 (Ảnh: Nhacxua.com)

TN