Những ngày tháng Chạp. Góc ngã ba của thành phố nhỏ đã thôi vắng vẻ là nhờ có mấy nhà vườn đến xí chỗ đặt cây cảnh bán Tết. Lại xuất hiện chị ta.

Hành tung khá bí ẩn. Dáng cao, mặc quần jeans bó, đội nón lá, trùm cái mũ chống nắng bụi chỉ chừa có đôi mắt, tuổi đâu ngoài bốn mươi một chút.

Chị ta tuy không có chỗ bán cố định, không bày biện, chăm sóc chậu cây nào nhưng sáng sớm đã có mặt, cũng bán mua tất bật, tiền trao cháo múc liền tay.

Thấy lạ, một lần giữa trưa tôi ghé hỏi một anh thanh niên đứng bán cây cảnh thì mới biết chị ta “bán chỉ”. Gần như là mua đi bán lại lấy lời tại chỗ.

Thấy tôi có vẻ chưa hiểu lắm anh ta bèn giải thích rành rẽ: “Chậu mai này cháu bán sáu triệu. Chị mua sáu triệu mốt. Cây vẫn để đó. Chị bán lại cho khách sáu triệu rưỡi. Như cây quất của anh Hùng bên tê bán ba triệu. Chị đồng ý mua ba triệu mốt. Sau đó chị bán được ba triệu tư! Nay là năm thứ ba rồi đó chú. Bọn con chẳng quan tâm chị xinh đẹp ấy là ai. Miễn sao chỉ kết hợp với mình bán hết hàng là được. Mà lạ, mấy ông sồn sồn chạy xe hơi hay rà rà theo chị ta lắm!”. Nói như dân mánh mung làm ăn là chị ta “bán nước bọt”, là cò đây. Cò cây cảnh! Cứ biết vậy đi!

Tôi, cái lão uống cà phê “chết cứng” một chỗ ở cái quán Nhà Cổ này tò mò muốn biết sao chị cò hay và lạ vậy nhưng chưa có dịp gần. Và rồi dịp ấy đã đến khi chị ta cầm xấp vé số đến mời tôi mua ủng hộ. Vừa cò cây cảnh vừa bán vé số nữa! “Tôi sẽ mua nhưng chị làm ơn cho thấy dung nhan được không?”. Tôi vừa dứt lời chị đã kéo ghế ngồi đối diện và giở nón, mở khẩu trang. Trời ơi! tôi như không tin vào mắt mình. Sao mà lung linh thế này.

Có lẽ bắt được mạch đập của tim tôi đang loạn xạ, chị ta cười mỉm. “Cặp mười hỉ?”. Tôi hơi bối rối. “Em uống chi gọi đi! Từ từ anh sẽ mua ủng hộ”.

Chị ta gọi ly nước chanh. Tôi lấy một xấp vé số mà không chọn lựa gì số xấu đẹp cứ như người bị trúng thuốc mê và…không hề trúng số. “Em bán cây cảnh rồi bán cả vé số vậy tiền để đâu cho hết?”. Chị ta cười. Cái cười dễ hớp hồn người. “Vui là chính thôi anh!”. “Vậy buôn bán không cần tiền chỉ cần vui thôi hả?”.

Chị ta trả lời tỉnh bơ khiến tôi ngạc nhiên hơn. “Anh nhiều chuyện quá! Nhà báo hả?” “Không, anh chỉ báo nhà với báo đời thôi!”. “Cái này được nghe!” Chị ta cười giòn tan. “Anh theo dõi em lâu rồi đó!”. “Hỉ?” “Xin cho em hai chữ bình yên đi anh!”. “Anh là khách uống cà phê ở đây gần 5 năm. Mấy lần gần Tết là anh thấy em xuất hiện ở chợ cây cảnh này.”. “Chuyện dài nhiều tập anh ơi!”. “Em cho anh xin số điện thoại được không?”. “Thôi em sợ…Em xin phép đi bán đây! Anh trả tiền nước giúp em nghe, em cảm ơn!”.

Tôi tiu nghỉu trả tiền xấp vé số. Thấy cái bản mặt ỉu xìu của tôi chị ta nghiêm giọng: “Vui lên đi nào!”. Lại nữa, nét hóm hỉnh của chị ta khiến tôi không thể nào dừng lại được. “Nhà em ở đâu vậy?”. “Tham, hết hỏi số điện thoại đến hỏi nhà. Mua có mười tấm vé số mà đòi hỏi kinh quá”. Lại cười, cái cười như chế giễu. Tôi lấn tới: “Em không cho anh biết tên được sao?”. “Thôi được, cái này dễ ợt. Em tên Huê. Huê là hoa, là bông đó!”. “Thôi đừng giỡn nữa!”. “Giỡn không được hả? Hoa được chưa?”

Nói rồi đứng lên, bịt lại khẩu trang, đội nón, đi vội qua bên kia đường.

Xem thêm:   Thư cho Thao

Vậy là đi một hơi…

Thắm Nguyễn

Nửa năm sau tôi mới gặp lại Hoa cũng tại quán cà phê Nhà Cổ vào một buổi trưa. Trời nắng nóng nhưng quán đầy cây xanh nên khá dễ chịu.

Khi tôi dợm đứng lên rời đi thì một phụ nữ cao ráo, mặc xường xám nền xanh nhạt điểm hoa vàng, tóc xõa chấm vai, đi vào. “Trời, Hoa hả?”. “Anh ngạc nhiên chưa kìa!”. Cũng tếu táo như lần mới gặp, Hoa rất tự nhiên như người nhà. “Anh ngồi xuống đi. Anh uống gì thêm thì gọi . Em thích nước chanh quán này”. “Gần nửa năm rồi hỉ? Bất ngờ thật. Sao không phải gặp tháng Chạp mà tháng hè oi bức như thế này? Chẳng đợi đến một năm gặp luôn?”. Tôi nói như trách móc…vu vơ. Người chi mà vô tâm dễ sợ. Không cho số điện thoại, không chỉ nhà. Tôi thấy mình vô duyên khi thầm trách Hoa. Hoa cười cười. “Em có việc phải về giải quyết…”. “Ở đâu mà về ?” . “Tây Ðức!”

Hoa đáp gọn lỏn khiến tôi tò mò “Em ở nước ngoài hả?” .“Anh ngạc nhiên chưa kìa! Muốn biết lắm hả?”. “Rất muốn biết!”.

Chúng tôi gọi nước uống và ngồi lại quán đến chạng vạng mới chia tay.

Một cuốn phim về một quãng đời…chiếu chậm…

“Em có chồng sớm lắm anh. Có chồng mà không được làm dâu. Nghe ảnh khen dễ thương với đẹp gái sau vài lần gặp là em đổ liền. Hai mươi mốt tuổi có bầu, trốn nhà theo trai. Ảnh dẫn em về nhà giới thiệu bị cha mẹ ảnh từ chối không thương tiếc. Nhà danh giá mà. Ảnh dẫn em đi thuê nhà trọ ở. Khi em sinh con ảnh đưa hai chỉ vàng rồi…bỏ em luôn theo tiếng gọi của gia đình!

Ðau nhất là cảnh em bồng con dại ngồi trong nhà nhìn đám cưới của ảnh đi ngang qua. Thôi rồi một đời con gái từ đó! Buồn và giận đời, trách mình cả tin.

Khi con trai cứng cáp một chút cũng là lúc hai chỉ vàng gần hết, em bung ra đường kiếm việc. Chị Thi, chủ một khách sạn ven biển, thấy em dễ thương nên đồng ý nhận. Công việc của em là dọn dẹp phòng. Rảnh thời gian em ra chợ. Mua đi bán lại đủ thứ. Thành phố du lịch, khách nước ngoài nườm nượp, nên cò buôn bán vải vóc, hàng lưu niệm dễ có đồng ra đồng vào. Cảnh cô gái mảnh khảnh chở thằng con ba tuổi ngồi trong ghế sắt móc trên ghi đông chiếc xe đạp cà tàng, ngày hai buổi qua lại trên con đường ven biển chắc ai cũng biết. Tiền đâu mà gửi nhà trẻ hả anh? Chở đến khách sạn là em bỏ thằng con vào chiếc xe đẩy em bé đã cũ cho nó tự đẩy chân chạy quanh chơi, em dọn dẹp… Thấy khổ thân em quá chị Thi kêu em vào phòng riêng của chỉ thỏ thẻ:

“Hoa ơi, chị nói cái này là muốn giúp em thôi. Em đừng từ chối nghe!”. “Dạ, cái chi chị cứ nói. Chị quan tâm giúp em là em biết ơn chị nhiều”. Chị dừng một lát, nhìn thật sâu vào mắt em như đo xem phản ứng của em sẽ thế nào là em đoán ra việc gì rồi. Và đúng y chang. “Có mấy ông ở ủy ban thành phố nói rất thích em. Sắp tới họ tiếp một ông ở tỉnh vào. Em chỉ cần gần ông ấy một đêm thôi thì tiền cũng đủ sống vài ba tháng. Em thấy sao?”. Em lặng người một lát.

“Ðể em suy nghĩ thêm chị hỉ?”. Mình có còn gì nữa để mất đâu. Ngọc nát vàng tan cũng đã lâu rồi. Kệ, nhắm mắt đưa chân một lần, một lần thôi để qua cái cơn khó khăn lận đận. Ít hôm sau em gặp chị Thi và nói lời đồng ý. Ðêm ấy em tắm rửa sạch sẽ, xức tí nước hoa, tô phớt son môi, dỗ con ngủ sớm và ở lại.

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Sau khi ăn nhậu xong, ông khách đó về phòng nghỉ. Bấy giờ đã mười giờ đêm.

Chị Thi ra hiệu. Em run lập cập muốn chạy về phòng ôm con bỏ đi, nghỉ việc luôn. Nhưng chỉ đã kịp nắm chặt tay em nửa như giữ em lại nửa như muốn truyền thêm sức mạnh đi tới cho em. Ðẩy em vào phòng khách chị bấm chốt rồi quay ra như biến. Cửa đóng sầm. Ông khách đang ở trong phòng tắm. Em nghe tiếng nước giội mà lòng vỡ nát. Chưa hết run thì ổng đã xuất hiện. Người tầm thước, khoảng gần sáu mươi tuổi. Ông chỉ quấn khăn tắm. Em không dám nhìn. Ông ta đến tủ mở lấy quần áo đi ngang qua mặt em rồi nói nhỏ trước khi vào lại phòng tắm: “Xin lỗi em. Ngồi xuống đi”. Tiếng ông ta nhẹ thoảng nhưng em nghe như một mệnh lệnh và ngồi xuống góc giường như con mèo đói, kẹp cứng hai bàn tay vào đùi, chúi tới nhào lui nhìn quanh… Ông ta quay ra với dáng dấp của một quý ông trong cái áo khoác ngủ rất sang trọng. Ðèn phòng sáng trưng. Em trông cho nhanh nhanh việc ấy rồi giả vờ xin về sớm vì con đau nên đến gần cửa định tắt đèn. “Không, em cứ để đèn vậy!”. “Chú ơi…tắt đèn đi”. “Không, cứ ngồi xuống đây. Em uống lon bia nhé!” . “Dạ không… em… không uống bia được”. “ Nước ngọt hay nước suối?”. “Dạ cho em chai nước suối”. Em thấy miệng mình khô đắng nên nói như cái máy rồi lần tay cởi nút áo. Ông ta chụp tay em. Em ngả người ra sau một cách yếu ớt…

“Không, ngồi dậy đi!”.

“Dạ, cho… em tắt đèn tuýp đã. Bật đèn ngủ đi”. “Cứ để sáng vậy.”. Em cởi cái nút áo tiếp theo thì ông ta to giọng như ra lệnh: “Không phải cởi áo đâu! Cứ ngồi yên đó!”.

Em nôn nóng muốn xong việc cho rồi còn ông ta thì cứ đủng đa đủng đỉnh như mèo vờn chuột. Em bỗng cáu lên. “Dạ… chú đi liền đi…”. “Không đi đâu hết!”. Nói rồi ông ta đến tủ lạnh lấy chai nước đưa em, nhẹ giọng hỏi em vì sao lại làm cái nghề này. Em được dịp và thật tình kể mình không phải làm gái mà chỉ vì hoàn cảnh quá khó khăn và chỉ … nhắm mắt đưa chân lần này thôi. Ông ta chăm chú nghe em nói rồi đứng dậy, tới bàn mở cái cặp xách… “Ðấy, em cầm lấy. Về ngay với con đi kẻo cháu thức dậy”.

Ổng cầm tay em rồi dúi vào một cọc tiền .“Cái gì vậy…anh?”. Em ú ớ. Ông ta mở cửa phòng rồi đẩy em ra. “Em về đi! Ðừng nói gì hết”.

Chuyện khó tin anh hỉ? Em chỉ kịp nói lời cảm ơn rồi đi thật nhanh. Chị chủ khách sạn đón em, vồ vập: “Tốt hả em?”. “Dạ rất tốt!”. Em cũng trả lời thiệt nhanh. Sau đó một vài lần chị Thi gợi ý gần xa với em là có khách rất thích em. Em từ chối thẳng thừng và có lúc đã kể thật cho chị nghe về chuyện của cái đêm hôm ấy… “Chị cũng thấy nghi nghi là ông ấy không làm gì em”. Chị cười nói vậy. Mặc cho chị thấy nghi nghi em cũng không giải thích gì nhiều. Em mua một chỉ vàng lận lưng và còn gần ba trăm ngàn tiêu dần dần.

Rồi cuộc đời của em rẽ ngang khi gặp ông người nước ngoài, quốc tịch Ðức, gần bảy mươi tuổi, giáo viên nghỉ hưu, sang Việt Nam du lịch, ở lại khách sạn. Thấy em cứ đèo thằng con đi đi về về rồi còn ẵm ra chợ ngày mấy bận nên ổng nói để tui trông giùm cho. Thế là em có người nước ngoài… giúp việc nên rảnh tay chạy chợ, mua đi bán lại kiếm tiền thêm. Em ham thích buôn bán lắm. Rảnh tay rỗi chân là không chịu được. Cái hay là thằng con em cũng thích ổng. Nó không hề khóc nhè. Ðược ổng cho ăn bánh, uống sữa thoải mái, còn tốt hơn nhiều so với mẹ nó. Sáng hôm ấy ông Tây hỏi em cô có muốn đi du lịch Ðức không tui sẽ bảo lãnh. Em nghe mà như tưởng vừa từ mặt đất vọt một cái lên tới trời… Ổng làm thủ tục cho mẹ con em sang bên đó ở chơi ba tháng. Thấy bên này hay quá, dễ làm ăn, em tranh thủ thời gian đi giúp việc cho mấy nhà hàng ăn của người Việt kiếm tiền. Mấy chị công nhân trước kia ở Ðông Ðức nay sang Mu-ních buôn bán làm ăn thấy em hiền lành, lanh giỏi mới bày em tìm cách ở lại… Em đặt vấn đề với ông Tây và ổng đồng ý làm giấy tờ kết hôn. Chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa thôi. Em định cư ở bên ấy hơn 15 năm rồi. Khoảng mười năm sau đó và cho đến bây giờ nhớ ơn ổng mà em phải cưu mang. Tháng nào em cũng chuyển vào tài khoản ổng mấy trăm đồng tiền ơ-rô để chi dùng, ăn uống… Em mua lại nhà của ổng và xếp cho ổng một căn phòng ở đó. Em mua thêm một căn nữa mở nhà hàng ăn.

Xem thêm:   Tự thú

Anh biết không, bên ấy hay có lễ hội. Cứ một lần ở bang này, lần sau ở thành phố khác em thuê địa điểm mở quán ăn…thời vụ. Em nấu được món ăn Nhật, Hàn… Chỉ khoảng một tuần thôi sau khi trả công cho vài người giúp việc, trả tiền hợp đồng thuê chỗ em có ngay gần một tỉ đồng tiền Việt mình. Lãi lắm nhưng đổi lại cũng mệt mỏi. Mỗi năm em đều về thăm má em. Bà nay cũng đã gần tám mươi tuổi rồi…”

Tôi hỏi Hoa giàu có thế sao em còn tranh thủ làm cò cây cảnh chi nữa.

Cô ta tròn mắt bật cười. “Ở không là em không chịu được anh à! Lúc mới biết em làm vậy má em cũng la nhưng khi em nói mục đích của mình thì bả làm thinh”. Tôi nóng ruột vì tò mò nên hỏi dồn: “Chồng con hiện nay của em thế nào? Mục đích bán vé số, bán cây cảnh của em là gì?”. Hoa chậm rãi: “Em thường ở lại Việt Nam khoảng chừng một tháng thôi. Ăn Tết xong em qua lại Ðức.

Bên ấy công việc buôn bán cũng bề bộn lắm. Anh không biết đâu, lúc nào về Việt Nam, khách hàng quen hay gọi điện thoại kêu em mau quay lại mở cửa. Nhà hàng em gần một nhà máy cơ khí. Công nhân ở đó rất đông. Ở Việt Nam em có mấy người bạn trong một nhóm thiện nguyện hoạt động tốt lắm anh.

Gần Tết năm nào cũng tổ chức đến thăm và tặng quà cho người khuyết tật, người già, trẻ em mồ côi… Em muốn đóng góp bằng đồng tiền thu được qua… bươn chải với chợ búa quê hương nơi mình từng trải vất vả, đoạn trường. Nếu bán cây cảnh, vé số không thu lãi được hai mươi triệu đồng trong vòng mười ngày thì em bỏ tiền túi thêm vô. Ðơn giản vậy thôi anh… Em cũng chẳng có thời gian nghĩ đến lấy ai làm chồng nữa. Con trai em đang học thạc sĩ bên Úc”.

Nói rồi Hoa cười. Mắt lúng liếng. Cả khuôn mặt toát lên vẻ đẹp quý phái.

Nghĩ biết chừng đó cũng khá đủ rồi. Tôi xin số điện thoại liên lạc với Hoa nhưng chỉ được một lần hỏi thăm khỏe không, có gì vui không rồi ….điện thoại đã “ngoài vùng phủ sóng”… Chắc là xong việc gì đó cần giải quyết, Hoa đã quay lại Ðức.

Ðến bây giờ còn lại trong tôi là sự thán phục Hoa ở nỗ lực vượt khó và tấm lòng nhân ái, chân thành. Thì ra cái chị hay trùm mặt, đội nón lá làm…cò cây cảnh, bán vé số là để lấy tiền làm từ thiện.

Nghĩ mà mệt thêm vì chị ta luôn!

LKD