Không đoàn Thủ đô Yokosuka của Sakai, từng là niềm kiêu hãnh của Không Hải đoàn Nhật Bản, với sứ mệnh cao cả bảo vệ Đông Kinh và các cung điện của Thiên hoàng. Trên đảo Lưu Huỳnh Iwo Jima, từ 90 chiến đấu cơ Zéro ban đầu chỉ còn đúng 18 chiếc sau vỏn vẹn 3 trận không chiến. Nói lên ưu thế tuyệt đối của US NAVY mà chỉ trong năm 1944 nhận 79,000 máy bay trên tổng số 110,000 phi cơ do Hoa Kỳ sản xuất. Tuyệt vọng, Đại Kanzo Miura quyết định tấn công không-khứ-hồi! Trung tá Nakajima, vị chỉ huy đã phát hiện ra tài năng của Sakai ngay từ những ngày đầu cuộc chiến ở Indonesia, đã trực tiếp ra lệnh cho Sakai mở đường máu lao vào các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Hơn một thượng cấp, một đồng đội thiết thân chung đơn vị, nhưng ngay cả với tấm lòng thiết tha lo lắng cho thuộc cấp, Trung tá Nakajima vẫn tiêu biểu cho tinh thần sắt đá Nhật Bản. Không thiên vị. Không tình cảm. Sứ mệnh trên hết. Chết như một Samurai. Theo tâm niệm Bushido! [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 28

Chương 25

Ngày hôm sau, tôi bị tháo dạ trầm trọng do uống nước chứa trong phuy sắt. Tất cả nguồn nước của Iwo Jima đều là nước mưa hứng rồi trữ trong đủ loại phuy, đôi khi không vệ sinh lắm. Tình trạng tinh thần của tôi cũng không khá hơn thể chất. Mất bốn mươi phi cơ vừa phi công chỉ trong một phi vụ khiến tôi choáng váng. Cuộc chiến đã xoay đủ một vòng.

Cơn bịnh tháo dạ tàn phá năng lực và đè bẹp gí tôi trên giường suốt một tuần lễ. Sức khoẻ của tôi phục hồi chậm chạp.

Buổi chiều ngày 2 tháng 7-1944, khắp doanh trại như bị giựt điện. Các liên lạc viên chạy thốc tháo từ Phòng Truyền tin đến Bộ Chỉ Huy. Tôi chận một người để hỏi và được biết các hiệu thính viên của chúng tôi vừa chặn bắt được một số công điện chuyển đi tới tấp của đối phương. Mặc dù đa số đều mã hoá, không thể nào đoán giải nổi, nhưng chúng tôi cũng biết những công điện ấy chuyển đi từ các đơn vị địch không xa hòn đảo mấy.

Một cuộc tấn công sắp xảy ra. Ðiều này rõ rệt, và sẽ xảy ra rất sớm. Tất cả phi công trình diện Bộ Chỉ Huy để nhận lịnh. Tôi không được phép bay. Vị chỉ huy trưởng cảm thấy tôi còn yếu sức, khó thể nắm vững cần lái chiến đấu cơ của mình.

Sáng hôm sau, tất cả phi công ra sân bay vào lúc bốn giờ. Nhiều trinh sát cơ cất cánh tức khắc để dò tìm tung tích địch trên đại dương. Không có việc gì xảy ra trong suốt giờ kế đó. Tôi trở về phòng để ngủ thêm. Vào lúc sáu giờ, tiếng tù và nổi lên, phá tan sự yên tĩnh của hòn đảo, báo động một cuộc tấn công của địch sắp xảy ra. Binh sĩ chạy thục mạng ngang qua sân bay đến các ụ súng, và bốn mươi chiến đấu cơ lướt ra các phi đạo để cất cánh nghinh chiến. Tôi bước ra sân bên ngoài doanh trại để coi diễn tiến.

Xa về phía Nam, có ít nhất 50 phi cơ xuất hiện, hướng thẳng về phía chúng tôi. Hellcat! Bốn mươi chiến đấu cơ Nhựt đang bay quần trên đầu, đã đổi hướng để mặt đâu mặt với các chiến đấu cơ địch. Tôi chỉ nhìn trận không chiến dữ dội được một vài phút, tai tôi bỗng ù đi vì một âm thanh khác… những chiếc phi cơ đang chúi xuống. Tôi quay đầu và nhìn thấy một phi đội phóng pháo cơ Avenger, chia làm bốn loạt, lao xuống phi đạo chánh. Cuộc tấn công của phi đội này đúng vào lúc bốn mươi chiến đấu cơ của chúng tôi đã bị nhóm Hellcat lôi vào trận đánh, nhường căn cứ hoàn toàn trống phòng vệ.

Khi tôi quay đầu chạy vô doanh trại, bom rớt nổ làm rung chuyển mặt đất dưới chân tôi. Tôi ngã chúi xuống, vùi mặt vô tro than của núi lửa. Tôi cố gắng trườn đi nhằm tránh xa những mảnh bom rít vang trong không khí. Tiếng nổ liên tục cả mấy phút. Các phóng pháo cơ lướt về phía Nam.

Tôi đứng dậy, nhìn những cột khói và bụi bốc trên sân bay. Một cuộc oanh tạc khác. Một phi đội Avenger thứ nhì lướt xuyên qua các cột khói dày đặc, chúi thẳng xuống sân bay. Các phóng pháo cơ hầu như ở ngay trên đầu tôi. Tôi quay mình và chạy bán sống bán chết, phi thân vô phía sau một hồ chứa nước mưa vĩ đại, nằm đằng sau doanh trại. Cùng lúc đó, tôi nhìn thấy những trái bom rớt ra từ bụng máy bay Mỹ. Tôi nhìn trừng trừng như bị thôi miên… Những trái bom lớn dần, to dần rồi phồng lên như chớp, thành những chiếc lu với cánh quạt ở đuôi xoay tít. Chúng chúi xuống mặt đất. Làm tôi bị hất nhào và miệng đầy bụi.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Những tiếng nổ vang dội đập vô đôi tai tôi như có cả một chuỗi pháo đại nổ sát mang tai. Tôi mở mắt, chỉ thấy đất cát và khói bốc cao khỏi mặt đất. Tôi không bị một thương tích nào, ngoại trừ mấy chỗ xây xát lúc ngã chúi xuống. Thính giác tôi phục hồi dần dần. Tôi nghe mùi lưu huỳnh, hơi xăng và cả tiếng răng rắc của dãy doanh trại đang sụp đổ, tôi thét lên “Chạy.. chạy..” vừa vội vã thoát thân khi hồ chứa nước nghiêng qua một bên.

Trận không chiến vẫn tiếp tục. Tôi lắng nghe tiếng động cơ máy bay, tiếng đại bác, tiếng đại liên vang rền. Tôi chạy đến Bộ Chỉ Huy, nhưng khựng lại và vọt vô một hầm trú ẩn khi nhìn thấy đợt oanh tạc thứ ba đang lao tới. Lần này đối phương nhắm hơi yếu. Bom rớt hết phía bên kia phi đạo. Tôi chạy đến Bộ Chỉ Huy, một căn lều vải, vẫn còn nguyên vẹn. Gặp Trung tá Nakajima, tôi nói với ông rằng tôi muốn bay. “Tất cả phi cơ khả dụng đều rời khỏi mặt đất hết rồi, Sakai”, ông đáp rầu rĩ.

Tôi chỉ một chiếc Zéro đang đậu ở cuối phi đạo. “Còn chiếc này?”, “Máy nó rệu rồi!”. Vị chỉ huy nói. “Nhưng bây giờ có lẽ sử dụng được. Bọn thợ máy đã sửa chữa mấy giờ trước đây.” Ông nhìn lên. “Ðược, bay đi!” Tôi vội vã chào và chạy ra khỏi lều vải. “Sakai!” Nakajima gọi với, tôi quay lại. “Hãy thận trọng, Sakai. Bây giờ không phải như ở Lae… hãy thận trọng! Tôi không muốn mất anh!..”

Nhưng, khi tôi cất cánh, trận chiến đã kết thúc. Những chiếc Hellcat buông nhóm Zéro để hộ tống các phi đội oanh tạc Avenger trở về. Tôi không thể làm gì hơn là quay về phi trường Iwo với những chiếc Zéro còn lại. Tổng số chiến đấu cơ Nhựt cất cánh nghinh chiến với chiến đấu cơ Hoa Kỳ đã bị bắn rơi một nửa. Hai mươi chiếc. Chỉ qua hai trận đánh, đối phương đã hạ tất cả 60 chiếc trong tổng số 80 chiếc Zéro của chúng tôi. Một con số không thể tin nổi.

Hải quân Mỹ chưa chán chúng tôi. Một lần nữa, vài ngày sau tất cả chiến đấu cơ còn lại trên đảo cất cánh. Kết quả tồi tệ hơn dự tính. Chỉ còn 9 chiếc Zéro trở về đáp xuống Iwo.

Lần này cuộc tấn công của đối phương cũng lặp lại y hệt lần trước. Các cơ sở tan nát, phi đạo đầy dấu bom. Chỉ còn lại 8 phóng pháo cơ phóng thủy lôi Jill được hầm trú ẩn bao che. Hầu hết các oanh tạc cơ hai máy Betty và chiến đấu cơ Zéro đang được sửa chữa hoặc giấu trong những hầm khác đều bị phá hủy.

Sau khi đáp xuống, chúng tôi bước nặng nhọc đến Bộ Chỉ Huy. Không ai còn nghị lực và tinh thần để bàn tán. Chúng tôi lê thân trên mặt đất, mệt mỏi và tuyệt vọng, đưa mắt nhìn binh sĩ chạy tới chạy lui trên phi đạo cố gắng lấp những hố bom, dập tắt lửa đang còn hoành hành trên mấy gian trại gần đó.

Mấy phút sau, Trung tá Nakajima chậm rãi bước vô Bộ Chỉ Huy. Chúng tôi đứng nghiêm. Nakajima khoát tay, biểu chúng tôi ngồi xuống. Ông có vẻ kích động, tuy giọng nói nhỏ và do dự. Ông nói với chúng tôi rằng các sĩ quan tham mưu đã thảo luận suốt đêm, và tất cả đều đồng ý với phương cách chống lại kẻ thù mà chúng tôi sẽ phải thực hiện trong tương lai. Một nhóm sĩ quan nhấn mạnh rằng nếu chúng tôi cứ tiếp tục ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương, một vài ngày nữa chúng tôi sẽ không còn một chiếc máy bay nào. Do đó, chỉ còn một hành động duy nhứt mà chúng tôi phải làm là dốc toàn lực đánh trả đối phương. Một trong những trinh sát cơ của chúng tôi đã phát hiện ra một lực lượng đặc nhiệm Mỹ cách phía Ðông Nam của Iwo Jima 450 dặm, và chúng tôi có thể tấn công Task Force này.

Nhóm sĩ quan tham mưu thứ nhì đồng ý kế hoạch tấn công trên nguyên tắc. “Nhưng”, họ lý luận, “chỉ với 9 chiến đấu cơ và 8 phóng pháo cơ Jill một máy, chúng ta có thể nào chống lại lực lượng đặc nhiệm của đối phương hay không? Các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có thể tung hàng nhiều trăm phi cơ nghinh chiến cùng một lúc!” Nên biết lực lượng mà chúng tôi tấn công là lực lượng đã quét sạch tất cả các phi cơ thuộc các hàng không mẫu hạm Nhựt ở quần đảo Mariana vào ngày 20 tháng Sáu. Cũng chính Task Force này chiếm lại Guam.

Cuộc thảo luận, Nakajima nói, cuối cùng đã đưa ra kết luận khi chỉ huy căn cứ Iwo, Ðại tá Kanzo Miura, chấp nhận kế hoạch đánh trả hạm đội Hoa Kỳ. Miura định ngày phát xuất của chúng tôi là trưa ngày 4 tháng Bảy, đúng ngày lễ kỷ niệm Ðộc Lập của Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Chúng tôi không bao giờ thực hiện được kế hoạch dự trù. Các phi công Hoa Kỳ đã hung hăng trở lại Iwo vào sáng ngày 4 và xé nát các cơ sở của hòn đảo thành manh mún. Chúng tôi không sao cất cánh nổi. Các phi đạo đều tê liệt. Sau cuộc không kích chúng tôi ngồi quanh Bộ Chỉ Huy, trong khi các sĩ quan tham mưu thảo luận bên trong. Ðại tá Miura (sau này chúng tôi biết được vẫn không thay đổi kế hoạch), “Chúng ta đang kiệt quệ dần,” ông nói với Bộ tham mưu của ông, “sự kết thúc đã nhìn thấy rõ rệt nếu chúng ta cứ tiếp tục nằm trong thế thủ. Chúng ta sẽ làm gì? Ngồi đây để nhìn chiếc phi cơ cuối cùng bị bắn rơi trong khi hạm đội của đối phương vẫn còn nguyên vẹn? Không! Chúng ta sẽ tấn công, ngay hôm nay! Ngay khi các phi đạo được sửa chữa, tôi muốn tất cả các phi cơ rời khỏi mặt đất.”

Trung tá Nakajima đã kể lại chi tiết của buổi họp cho chúng tôi nghe. Ông kết luận: “Tôi ý thức nhiệm vụ mà chúng ta sắp thực hiện. Không có cách nào khác hơn: các bạn sẽ bay để chết. Nhưng,” tới đây ông do dự, “quyết định đã được đưa ra. Các bạn sẽ phải đi.”

Ông nhìn đôi mắt của mỗi người. “Và có lẽ may mắn vẫn theo một bên các bạn.”

Vị trung tá rút ra một tờ giấy trong túi áo và đọc tên những phi công được chọn để thực hiện phi vụ này, một phi vụ không có lượt về.


Ghi chú quân sự:

Oanh tạc cơ 2 máy Mitsubishi G4M2A hỗn danh “Betty” (Người yêu bụ bẫm)

Phi hành đoàn: 7 nhân viên và hoa tiêu

Dài: 19.6 m, Cao: 6 m, Sải cánh: 24.9 m 

Trọng lượng tối đa: 12,500 kg

2 động cơ 1,850 mã lực

Tốc độ tối đa: 437 km/h

Đường kính 4,725 km, trần: 8,950m

2 đại bác 20 ly, 4 đại liên 7 ly 7

800 kg bom hoặc ngư lôi

Cách mã hóa của Không quân Hoa Kỳ mang quy luật bất thành văn là đặt tên nữ cho các phóng pháo cơ, oanh tạc cơ, trong lúc dùng tên nam cho các khu trục cơ và thủy phi cơ. “Betty” mang nhiều nghĩa: Gốc sồi của thượng đế trong tiếng Do Thái cổ hoặc Bate hay Baty trong cổ ngữ Ái Nhĩ Lan, nhưng với phi công Mỹ, Betty là cô bé bụ bẫm vì là một oanh tạc cơ mập mạp chứa nhiều bom, mỏng manh do không bọc thép nên dễ bốc cháy. Ngoài “Betty”, oanh tạc cơ hai máy này còn nhiều tên khác: “the flying lighter”,”one-shot lighter”, “the flying Zippo” hoặc “the flying cigar”. Nhìn chung, cho đến đầu thế chiến thứ nhì, oanh tạc cơ Betty khá đa năng, bay tương đối nhanh, tầm hoạt động xa, có khả năng oanh kích bằng bom vừa phóng ngư lôi. Chiến tích lớn nhất của “Betty” là đã cất cánh từ Tân Sơn Nhất đánh chìm hai thiết giáp hạm Prince of Wales và Repulse của Hoàng gia Anh ngoài khơi Tân Gia Ba. Betty thành quan tài bay khi US Air Force xuất xưởng các phi cơ bay nhanh và võ trang mạnh.


Không hề có một sự phấn kích nào ở nhóm phi công. Mỗi người nghe đọc tên đã đứng dậy và đưa tay chào. Tên tôi đứng hàng thứ chín trong sanh sách. Tôi sẽ cầm đầu nhóm phi cơ thứ nhứt, gồm 9 chiến đấu cơ Zéro. Muto, phi công ưu tú của không đoàn, cầm đầu nhóm thứ hai. Nakajima chỉ định một vị đại úy cầm đầu cả phi đội.

Nakajima bước đến tôi, hiển nhiên là không mấy vui vẻ. Ông đặt tay lên vai tôi. “Tôi rất buồn phải để anh đi hôm nay, người bạn thân lâu năm của tôi.” Ông ấp úng nói. “Nhưng, tôi không thể nào làm khác hơn, Sakai … Tôi… …chúc anh gặp may mắn.” Tôi lặng thinh. Tôi đưa tay ra. Chúng tôi siết lấy tay nhau trong lặng yên, còn lời nào để nói nữa? Chính Nakajima đã đem tôi từ Bali đến Lae. Mang tôi từ Lae đến Rabaul. Chính ông đã dùng tay cào đất khi tôi bị bom chôn sống ở Lae. Chính ông đã hân hoan la lớn, cùng với Ðại úy Sasai hét vang tên tôi khi tôi quay về Rabaul dù thui chột một mắt. Tự tay ông viết thư cho bịnh viện nhãn khoa gửi gắm tôi cho bác sĩ giỏi nhất. Cũng chính ông tranh đấu cho tôi thăng cấp từ trung sĩ lên thượng sĩ rồi chuẩn úy. Ông đã làm tất cả. Giờ ông buột phải ra lệnh cho tôi lao vào một phi vụ không khứ hồi. Cảm ơn hay từ chối? Trong Hải quân Hoàng gia Nhựt không có từ chối nhiệm vụ. Bất khả. Cả hai chúng tôi cùng biết. Trung tá Nakajima chỉ định tôi cầm đầu toán thứ nhứt, vì ông còn hy vọng tôi mở được đường máu cho các phóng pháo cơ Jill lao vào tàu chiến Mỹ. Tuy ông biết rất ít khả năng quay về. Trung tá siết lấy vai tôi, lắc lắc, như ông muốn thêm gì nữa, nhưng rồi ông quay lưng và bước đi.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Chúng tôi giải tán, không ai nói tiếng nào. Các phi công được chọn thực hiện nhiệm vụ bỏ lại hết các vật dụng tùy thân. Tôi nhìn một vài thứ mà tôi mang theo đến Iwo. Bày chúng lên giường. Những vật dụng để lại này sẽ được gởi về cho gia đình, má tôi sẽ phản ứng ra sao khi người ta trao cho bà những thứ này và kể cho bà nghe câu chuyện đã xảy ra? Tôi không muốn nghĩ tới, thắt quanh lưng khăn lụa mà Hatsuyo và Fujiko đã đứng xin trong trời buốt giá một ngàn mũi kim thêu của một ngàn phụ nữ Nhựt băng qua đường, để làm chứng lòng thành cho tôi tránh được tên đạn. Tôi cầm lấy những lá thơ sau cùng của Hatsuyo. Nàng đã nhận bưu thiếp tôi gửi trước khi rời Yokosuka. Hatsuyo biết tôi đồn trú ở Iwo, nàng viết thơ cho tôi mỗi ngày. Với tất cả chăm sóc của một em gái. Tôi nhận thơ khi có chuyến tiếp tế, có khi nhiều lá thơ đến cùng lúc. Tôi cảm giác Hatsuyo sống bên cạnh mình, nàng ở đây trên đảo Iwo. Tôi sờ các lá thơ, như nắm các ngón tay nhỏ của Hatsuyo để nói lời vĩnh biệt. Rồi tôi bó hết những lá thơ và buộc chung với túi vật dụng cá nhân sẽ được trao cho má tôi. Tôi viết cho má tôi vài chữ, nói con sẽ phù hộ cho má và dặn má tôi trao các lá thơ lại cho Hatsuyo rồi tôi không biết viết gì nữa… Tôi muốn viết cho Hatsuyo là tôi đã quyết định đúng, vào đêm trước khi đánh đàn, nàng nói: “Saburo, em muốn dạo một khúc nhạc khác, cho anh. Khúc nhạc sẽ nói với anh những gì mà chính em không thể thốt nên lời.” Ít nhất tôi không làm Hatsuyo thành một bà góa. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm là đã tránh cho nàng một thảm kịch. Nhưng tôi không viết được, ngón tay run run vì ngần ngại. Tôi đã chẳng cố làm ra vẻ không hiểu nàng muốn bày tỏ tâm sự gì qua khúc nhạc đó hay sao? Và hãy để nàng thanh thản không có nhiều quá khứ khi kết hôn với một tấm chồng xứng đáng. Tôi quẳng bút rồi tất bật vận áo phi hành vì thì giờ trôi qua quá mau. Thật mỉa mai, tôi nghĩ, là chỉ mới một đôi ngày trước đây, tôi còn giành giựt mạng sống với 15 chiếc Hellcat. Và giờ thì tôi không giành gì nữa…

Muto bước vô căn lều của tôi và hỏi tôi có ý kiến gì về nhiệm vụ này không? Tôi nhìn hắn hồi lâu. “Muto, tôi… tôi không biết. Ý kiến gì? Có ai hỏi ý kiến của chúng ta đâu! Khi chúng ta bay đến chiến hạm địch vào trưa nay, chiến đấu cơ địch sẽ bu lấy chúng ta. Tất cả những gì mà tôi có thể nói là… chúng ta đã nhận lịnh. Chúng ta sẽ đi. Và thi hành …thế thôi.”

Tôi cảm thấy buồn cho viên phi công trẻ tuổi này. Cá nhân tôi không còn lợi ích mấy cho xứ sở nữa. Những khó khăn mà tôi đã trải qua trong việc né tránh bọn phi công Mỹ thiếu kinh nghiệm, cho tôi sự xác tín rằng đời sống nửa đui nửa sáng của tôi có kéo dài cũng chỉ kéo dài một hai ngày một hai bữa. Nhưng Muto… hắn là sự phối hợp của Nishizawa, Ota và Sasai. Một phi công tài ba sáng chói. Hắn không thuộc thế hệ của chúng tôi. Quẳng hắn vô một nhiệm vụ vô vọng như thế này quả là ngu xuẩn. Hắn có thể làm hơn nữa trong việc bảo vệ xứ sở. Còn hiện thời… hoang phí biết bao.

Dĩ nhiên Muto không biết tôi đang suy nghĩ gì. Hắn cười sau lời nói của tôi. “Ðúng lắm, Sakai. Tôi biết. Nếu Thượng đế vui lòng…” hắn nhún vai. “Nói cách khác, xin Thượng đế hãy để cho chúng ta ít ra là được chết chung với nhau, như những người bạn.”

Muto bước ra, tôi theo hắn ra khỏi lều. Iwo vẫn nồng mùi lưu huỳnh và biển vẫn ngay sát, xanh trong trên cát đen. Những hàng dừa lả ngọn trong tiếng xì xào của gió. Các lao công Ðại Hàn vẫn đang đào đất xây công sự phòng thủ. Các toán lính vẫn đang đánh bắt cá làm thức ăn nhưng chúng tôi đã hoàn toàn thoát ra khỏi Iwo Jima, không còn trong cảnh vật đó nữa. Với những kẻ chỉ còn vài giờ để sinh sống, Iwo Jima đã biến mất.

Tuần sau: Chương 26

Bay và Chết! 

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956,

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa minh tinh Koyuki Kato và War Thunder