Nhược Thủy tên thật Hồ Thị Phương Anh, sinh năm 1967 tại Sàigòn, lớn lên tại Paris trước khi sang định cư ở Sydney, Úc châu. Bút hiệu khác Y Chi, Miên Viễn. Từng là người viết trẻ của Làng Văn, Độc Lập, Măng Non và có truyện đăng trên Văn Học, Hợp Lưu. Tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện Chân Trần, Nxb Văn Nghệ 1998.

Trên tạp chí Văn Học số 45 tháng 11-1989, chuyên đề Những Cây Bút Trẻ ở Pháp, chủ bút Hoàng Khởi Phong giới thiệu: “truyện ngắn Dòng Sông Sa Mạc viết một khía cạnh tâm tư phô diễn qua tiếng dương cầm. Nhược Thủy có bút pháp lãng mạn phảng phất nét tuổi ngọc của thời mới lớn, nhưng đã bắt đầu trưởng thành bước vào thế giới phức tạp của người lớn, nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt của mình.” Đến Phiến Diện, tác giả chứng minh cô là một styliste, văn trong vắt và thủy tinh.

[Trần Vũ]

Nhược Thủy

Miền núi, làng phố tuyệt vời. Tôi với đôi giày tuyết cồng kềnh, bước đi từng bước chậm trên con đường dẫn lên phố chính. Nền đất trơn tuột dưới chân, tôi leo lên thận trọng trên lề đường tuyết phủ dày kín. Trời nắng chói chang, gió thổi qua rất nhẹ nhưng lạnh cắt. Khăn choàng phủ kín gần nửa khuôn mặt, tôi lắng nghe da thịt mình buốt xót trong khi lạnh. Ở trước mặt không có người, và sau lưng cũng là con đường vắng. Làng phố nơi đây thưa thớt khách du lịch, và người dân trầm mặc với một cuộc sống bình dị vô cùng. Tôi đã bắt đầu quen với nơi chốn này, đã bắt đầu thuộc hết những con đường lớn, đường nhỏ. Những triền tuyết trắng và những căn nhà mái lợp đặc biệt. Bầu không khí như mở rộng ra, núi cao mây dày, rất gần mà cũng rất xa vì màu tuyết trắng xóa và màn sương phủ mịt mờ. Tôi đút sâu hai tay vào túi. Ðã bước đến khu phố quen, mấy cửa tiệm nho nhỏ, mấy dãy nhà dựng san sát. Tôi rẽ qua con đường phía tay phải, và đẩy cửa bước vào quán nước duy nhất nơi đây.

Hơi nước phủ mịt mấy tấm cửa bằng kính trong. Tôi bước vào và chọn một chỗ ngồi ở phía trái, luôn luôn ở phía trái, tôi không hiểu tại sao. Bà chủ tiệm đứng sau quầy lau mấy ly nước, mỉm cười gật đầu chào, nhưng không bước ra tiếp khách ngay. Nhịp sống ở đây thong thả, chậm rãi. Tôi không vội, đốt vu vơ một điếu thuốc.

Một người con gái – cũng có thể là một đứa con nít còn rất trẻ, nhưng tôi nghĩ có lẽ gọi là một cô gái thì đúng hơn – ngồi ở tận góc phòng, đưa mắt nhìn tôi chăm chú. Khi tôi ngẩng lên và bắt gặp đôi mắt của cô gái đó, đột nhiên lạnh người. Cho một nỗi gì không hiểu rõ. Tôi đổi tầm nhìn về hướng khác. Nhìn ra bên ngoài cánh cửa. Con đường buổi sáng thưa thớt, phố xá đìu hiu không còn nếp nhộn nhịp, xô bồ của những thành phố lớn. Tôi nghĩ mình có thể mãi mãi từ bỏ những thành phố lớn để về sống với nơi chốn này; cuộc sống đô thị luôn tạo những nếp nhăn và những lo âu muộn phiền hoàn toàn vô lý. Quay theo những vòng quay để rồi không còn biết được mình là ai, ở đâu, thật vô cùng ngu xuẩn. Vậy mà rồi tôi vẫn phải tiếp tục ngu xuẩn, vẫn tiếp tục nhọc nhằn với cuộc sống tự tôi không chọn lựa. Tôi gạt tàn thuốc xuống dĩa thủy tinh nhỏ đặt trên mặt bàn. Một năm, tôi có được vài ngày hít thở cuộc sống, nhẩn nha nhâm nhi thời gian, trở về sống với chính mình. Là hạnh phúc hay là chuyện bình thường, tự tôi không bao giờ đặt thành câu hỏi.

Người đàn bà chủ quán bước đến bàn tôi. Với nụ cười hơi ngây ngô nhưng cởi mở chân thật, bà ta mở lời chào khách. Tôi khơi mẩu đối thoại bằng câu chuyện thời tiết, người đàn bà trước mặt hăng hái tiếp theo bằng hàng loạt chuyện kể lể không đâu. Khi người đàn bà quay lưng bước trở về quầy, thì tôi vừa bắt gặp trở lại đôi mắt của người con gái cuối phòng. Tôi ngạc nhiên, lần này để ý kỹ hơn. Không vui, không buồn, không già, không trẻ. Một tay này cất dưới mặt bàn, có thể là đang đặt trên chân, một tay lơ đễnh cầm ly nước ngọt. Tôi ngạc nhiên nhìn ly nước. Những bọt ga li ti còn nổi lên, bám quanh mấy viên nước đá. Tôi chợt rùng mình ớn lạnh. Xoa hai tay vào nhau, tôi ngoẹo cổ nhìn người con gái, mỉm một nụ cười. Người con gái cũng ngoẹo cổ nhìn tôi. Ngộ nghĩnh.

Bà chủ quán bưng ra tách cà phê đen. Hơi nóng bốc lên nghi ngút xua đi thoáng ớn lạnh bởi ly nước đá bạc hà. Tôi đưa muỗng khuấy nhẹ cho hơi nóng thoát lên nhiều hơn. Say sưa với làn khói mỏng, trong giây phút, tôi quên bẵng đi sự hiện diện của người con gái ở góc phòng. Khi hạ muỗng xuống và nâng tách cà phê ngước lên, tôi giật nảy mình. Cà phê sóng sánh đổ ra tay. Người con gái không còn ngồi ở góc phòng mà đang ngoẹo cổ nhìn tôi ngay trên chiếc ghế trước mặt. Tôi vừa rút một chiếc khăn giấy lau vết cà phê đổ, vừa nhìn người con gái, ngạc nhiên:

– Chào cô.

Người con gái rụt rè cười. Ly diabolo bạc hà vẫn cầm theo tay.

– Mùa Ðông uống cái này cô không thấy lạnh sao?

Người con gái rụt rè lắc đầu. Vẻ rụt rè của người con gái tạo thành chút gì quá mâu thuẫn khiến tôi hơi bối rối. Tôi nâng tách cà phê lên môi. Rồi đặt xuống im lặng.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Người con gái cũng nâng ly bạc hà lên môi. Màu môi của người con gái không đỏ, không tái. Làn da nửa như xanh, nửa như hồng. Tôi chăm chú nhìn và tưởng chừng trong giây phút, bị cuốn hút trong đôi mắt nhìn của người con gái. Tôi kéo ánh mắt mình lại và quay về phía bà chủ quán, như cố bám víu hay chờ đợi một điều gì đó, nhưng bà ta vẫn thản nhiên đứng lau ly tách. Bắt gặp đôi mắt tôi, bà cười ngây ngô. Tôi thất vọng cúi đầu châm điếu thuốc:

– Cô không phải người ở đây.

Người con gái lắc đầu.

– Cô là khách du lịch, nghỉ lễ mùa Ðông ở đây, phải không?

Người con gái lại lắc đầu. Tôi nhún vai, quyết định sẽ không hỏi gì thêm mà chỉ hút cho trọn điếu thuốc vừa châm.

Diabolo.

Người con gái đột ngột lên tiếng. Tôi nhíu mày:

– Cô nói chi?

Người con gái đưa tay trỏ ly nước của mình và nói bằng giọng nói gần như là reo vui:

Diabolo.

Tôi chợt thấy buồn cười:

– Ừ, diabolo. Sirop bạc hà pha với limonade. Ngon lắm nhưng mùa này uống vào tôi sợ hơi lạnh, cô không nghĩ vậy sao?

Người con gái cầm ly nước, lắc đầu. Cô ta xoay nhẹ ly nước trong tay như chơi giỡn với những chấm bọt li ti. Khuôn mặt trong sáng dị thường.

Diabolo. Diable.

– Cô nói chi?

– Chữ Diabolo là từ chữ Diable mà ra.

– Không phải đâu. Diabolo dường như là một tên lấy từ màu sắc hóa học, tôi không rõ lắm, nhưng chắc không phải từ chữ Diable ra đâu, cô lầm rồi đó.

Người con gái nguầy nguậy lắc đầu:

Diable, quỷ. Diabolo, con quỷ nhỏ. Nước này là nước uống quỷ con.

Tôi bắt đầu thấy người con gái có duyên. Cách nói chuyện hơi lẩn thẩn, nhưng vô cùng dễ thương. Tôi ngả người tựa ra sau thành ghế, vui vẻ nhả khói thuốc:

– Cô ở gần đây không?

Người con gái ngước lên nhìn tôi, rồi lại cúi xuống, mỉm cười:

– Lúc trước thì gần. Nhưng bây giờ thì hết rồi.

Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết. Nhưng người con gái lại vẫn nói thêm:

– Bây giờ thì không ở đâu nữa hết.

Tôi nhíu mắt nghiêng đầu nhìn người con gái, tỏ vẻ không tin. Và cô bé cũng nhíu mắt ngoẹo đầu nhìn tôi. Biến mất nụ cười.

Tôi nghĩ tôi có thể gọi cô ta là cô bé. Dưới chiếc mũ bằng len là mái tóc nâu đen cắt tỉa. Tua tủa trông ngổ ngáo, nhưng cũng thật là hiền lành. Tôi có trăm ngàn cơ hội để nhìn ngắm cô bé kỹ hơn, nhưng khi vừa đưa mắt nhìn về hướng khác, tức thì khuôn mặt ghi trong ký ức tan loãng ra và biến đi như một cụm khói. Vì thế tôi có thể nhìn ngắm trở lại nhiều lần, rất nhiều lần, mà không thấy dư thừa. Tôi dẫn cô bé về khách sạn nơi tôi ở. Lý ra tôi phải vô cùng xấu hổ với sự việc xảy ra đó, nhưng tôi chẳng xấu hổ, mà thậm chí cũng không hề thấy thoáng hiện chút băn khoăn thắc mắc nào. Từ quán nước trở ra, tôi đi về khách sạn. Người con gái lẽo đẽo bước theo và tôi thấy đó như một chuyện đương nhiên. Cô bé không nói nhiều. Tôi cũng không thấy lời nói là cần thiết. Mở cánh cửa phòng, tôi chỉ cho cô bé tầm nhìn qua cửa sổ. Nhưng cô bé đứng yên, cười và lắc đầu. Từ mấy tiếng đồng hồ nay, tôi không bao giờ hiểu hết rõ ràng mấy cái gật đầu lắc đầu lung tung của cô bé, cùng những cử chỉ đôi khi khó hiểu. Hoặc là hoàn toàn không mang một ý nghĩa nào cả, làm sao mà biết được. Cô bé bước vào phòng và ngồi bên mé chiếc giường đơn. Ngay lúc đó tôi mới ngạc nhiên và thấy ra là cô bé theo tôi với hai bàn tay không. Hai bàn tay không, và chiếc áo lạnh trên người vô cùng mỏng manh, như một chiếc áo khoác mùa Thu ở thành phố. Tôi thầm phục cho sức khỏe của những người con gái miền núi. Chợt nhớ ra điều gì, tôi lật đật mở tủ, khuấy một ly nước lạnh, trao cho người con gái. Ðúng như tôi chờ đợi, nàng đón lấy ly nước cầm lắc nhẹ trong tay. Trên môi nở đẹp một nụ cười.

Vừa lúc đó, tôi nghĩ đến chuyện xuống nhà dưới để hỏi đổi lấy một căn phòng lớn hơn, nhưng ý nghĩ chỉ thoáng qua chứ không ở lại, tôi quên đi nhanh chóng và dễ dàng. Ðôi mắt cô bé lại nhìn tôi. Tôi không biết có chút ngây thơ nào trong ánh mắt đó không. Tôi cởi cho nàng chiếc áo khoác, và nàng ngoan ngoãn ngồi đợi tôi trên mép giường. Cảm giác nàng có thể bốc thành khói khiến tôi chợt ngại ngùng. Nàng ngửa cổ uống cạn ly nước đá lạnh, và tôi thấy má nàng hơi ửng hồng như vừa uống cạn một ly rượu. Tôi bật cười với những phản ứng hoàn toàn ngược đời của người con gái. Tiếng cười của tôi làm cô bé giật mình. Nàng ngơ ngác trong giây lát, rồi rụt rè cười theo. Quỳ xuống bên cạnh giường, tôi thận trọng cởi mấy khuy nút của chiếc áo vải lụa mỏng trên người nàng. Tấm thân người con gái mở ra mong manh làm tôi chợt hoảng hốt. Ý nghĩ da thịt không phải là thịt da mà trong suốt như thủy tinh, mịn màng như màu ngọc trai, sáng mờ, trắng bạc, ở lại trong tâm tưởng tôi. Cảm tưởng tôi có thể làm cô bé đau, hay làm nàng vỡ tan thành nhiều mảnh chợt hiện ra, tôi ngơ ngác ngại ngùng. Tôi đón chiếc ly trên tay người con gái, rồi im lặng đứng lên, đi về hướng phòng tắm thận trọng tráng rửa. Tâm thần ngưng đọng trên những vùng tư tưởng kỳ lạ. Người con gái dõi mắt theo từng cử chỉ của tôi. Ðôi mắt mở lớn với một nỗi dị kỳ làm tôi càng thêm mông lung. Tôi mở tủ tìm một tấm khăn màu đỏ, rồi quyết định tự cắt lìa mình với mọi ý tưởng. Tôi trở lại cúi đầu, nhắm mắt. Hòa tan biến mất vào một vùng thịt xương mát lạnh.

Xem thêm:   Hang gấu

Người con gái mân mê tấm khăn trong tay. Hơi nhàu nhưng vẫn sạch nguyên. Tôi nhìn chăm chú màu đỏ rượu chát của tấm khăn, chợt ớn lạnh với nỗi buồn lùa về bất ngờ. Hai bàn tay người con gái trắng muốt nổi bật, mấy ngón tay thật thon như tranh vẽ đang tinh nghịch đùa giỡn với những ren chỉ ở viền khăn. Tôi chồm người lượm hộp diêm quẹt rơi dưới mặt đất, mở ra bẻ một chiếc, quẹt vu vơ lên thành giường. Ðầu diêm lóe sáng. Mùi diêm sinh thơm nồng, khuấy động những mạch trầm của hương vị cuộc yêu thương vừa đang lắng xuống. Tôi thở một hơi dài, thật sâu:

– Cô nhỏ ơi, cô nhỏ tên gì vậy?

Tôi ngẩng đầu ngạc nhiên với chính mình. Tại sao điều quan trọng như vậy mà đến bây giờ tôi mới thắc mắc? Người con gái đưa ngón tay búng nhè nhẹ mép khăn, cắn môi cười:

– Người ta gọi em là Mindy.

– Nhà em ở đâu?

– Ở đây mà, phải không?

Tôi chúi đầu xuống mặt nệm, cười vu vơ. Tôi đã từng sống ở nhiều nơi chốn, bao nhiêu năm trong cuộc sống, nhưng chưa bao giờ tôi trải qua những giờ phút như tôi vừa trải qua với cô bé. Tôi quay đầu lại nhìn thêm một lần nữa khuôn mặt trong sáng của người con gái, rồi nằm trở lại xuống mặt giường. Thịt da non nớt mát rượi. Tôi nghĩ nàng có thể còn là trẻ con và nàng có thể giận tôi. Nhưng nàng không phải trẻ con, và nàng không giận tôi. Tôi nhắm mắt, nghe còn chảy tràn trên thân thể cảm giác mát lạnh của da thịt. Tuy ngọt ngào và êm dịu, nhưng cũng là một vùng buốt lạnh, không chút khí ấm. Tôi ngả nghiêng người, thả tay gác ra khỏi mặt giường. Và tôi nhìn nàng. Khoảng cách thu ngắn lại. Ðôi mắt thủy tinh xanh ngước tròn nhìn tôi. Không còn là người con gái xa lạ ngồi ở cuối phòng trong quán nước với ly bạc hà xanh, mà là ly bạc hà cho tôi, trong tôi. Tiếng nước đá lạnh còn khua chạm vào nhau, reo vui những nhịp trong. Tôi nghe rợn người với ý tưởng đó. Tung mình ngồi bật dậy, tôi thúc cô bé mặc lại áo quần và rối rít gọi nàng bước ra khỏi phòng. Ðột nhiên tôi muốn dẫn nàng ra phố, đi đến bất kỳ nơi chốn nào. Bất kỳ. Người con gái vụng về luống cuống bước theo tôi. Tuyết lại lất phất rơi phía bên ngoài. Tôi bước ra khỏi căn nhà và nhìn mấy cụm tuyết trắng đậu nhẹ nhàng trên tóc nàng, bất chợt, thấy con phố nhỏ nơi đây như chợt rộng ra bất tận, và một tuần ở lại với nơi chốn này có thể sẽ là thiên thu, là vạn kiếp.

Nhưng vào buổi sáng thứ hai khi thức dậy, mọi ý tưởng lãng mạn của trọn vẹn ngày hôm trước chợt biến mất. Tôi nghĩ là tôi chỉ đang giản dị sống một cuộc ngoại tình. Hoặc một giấc mơ nào đó kỳ lạ, chỉ đánh lừa mình được trong khoảnh khắc bất ngờ chứ không làm sao có thể kéo dài. Tôi mở mắt dậy và sống với ý nghĩ đó trong vài phút đồng hồ. Dự tính về những gì sẽ nói với cô bé hiện ra rõ ràng mạch lạc.

Nhưng tôi bỗng bối rối và mất hết tự tin khi quay đầu sang bên cạnh, bắt gặp đôi mắt người con gái đang mở lớn nhìn mình.

– Mindy ngủ ngon không? Tôi ngập ngừng hỏi.

– Mindy không ngủ. Cô nhỏ trả lời.

– Ở đây lạ chỗ, em khó ngủ à?

Cô bé lắc đầu. Em không bao giờ ngủ, cô bé trả lời như vậy, nhưng tôi không tin. Tôi nằm nghiêng chống đầu lên một tay, trầm ngâm nhìn cô bé. Thật ra, tôi chẳng thấy gì. Tôi chỉ cố gắng rượt đuổi những ý tưởng đang thoát ra khỏi đầu. Nhưng không kịp. Ðầu óc càng lúc như càng rộng ra, hoàn toàn trống rỗng.

– Em tên gì?

– Mindy.

Tôi lắc đầu:

– Không. Tôi muốn hỏi em tên Mindy gì? Nguyên tên và họ của em đó, tôi muốn biết.

– Mindy thôi. Người ta gọi em là Mindy, không Mindy gì cả. Mindy. Mindy.

Tôi kiên nhẫn:

– Thế cha mẹ của Mindy, người ta gọi là gì?

– Em không có mẹ. Còn cha, em nghe người ta gọi là Pinelli.

Tôi suy nghĩ giây lát, rồi vui vẻ kết luận:

– Vậy thì em là Mindy Pinelli.

Cô bé lắc đầu:

– Em không biết.

– Thế nhà em ở đâu?

Tôi lại hỏi. Nhưng lần này, Mindy không trả lời mà chỉ cười. Tôi đưa ngón tay vuốt theo đường cong của gò má người con gái. Làn da mịn óng cứ khiến tôi liên tưởng đến màu ngọc trai. Những viên ngọc của biển sâu quý giá, không phải thứ ngọc trồng cấy hàng ngàn triệu trong hồ. Tôi nói lên ý tưởng đó cho cô bé nghe. Cô bé chớp mắt:

– Em có quen một chú sò trai. Câu chuyện của ngọc trai, buồn lắm, anh muốn Mindy kể không?

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Tôi thú vị gật đầu.

– Hạt cát. Phải vậy không? Bắt đầu là một hạt cát của lòng biển. Anh biết những hạt cát không? Không hiền, không dữ. Nhưng những chú sò trai thì sợ hãi vô cùng những hạt cát. Cát thì có đầy, có nhiều lắm, va chạm mỗi ngày đó thôi. Nhưng, nó bảo, điều quan trọng nhất là đừng bao giờ để cát lọt vào phía bên trong. Cát lọt vào trong, em đã được nghe kể, cát không bao giờ trở ra, không bao giờ biến mất, cát cứ ở đó hoài. Mà cát thì vẫn là cát và sò thì vẫn là sò. Anh có biết những con sò không? Em có quen một chú sò sống rất lâu năm. Nhả tinh hoa bọc hạt cát để khỏi phải đau. Viên ngọc bự bằng này rồi. Cha ngắm hoài, nhưng không muốn lấy ra. Em không dám trái ý cha. Viên ngọc làm đau đớn, nó khóc hoài. Trông thương lắm. Quý cho ai, đẹp cho ai, phần nó, chỉ đau đớn thôi chứ đâu hưởng được gì. Cứ phải chịu đựng hoài hoài, hoài hoài…

Hai bàn tay cô bé mỗi lúc mỗi thêm nhiều cử chỉ, đôi mắt càng lúc càng lạc đi. Tôi ngạc nhiên cho tài kể chuyện của cô bé. Trong giây phút, tôi có thể tin câu chuyện nàng kể là chuyện thật, rằng nàng quả đã từng ngồi trò chuyện với những con sò. Tôi đưa tay vuốt tóc cô bé, và mỉm cười:

– Bây giờ chú sò bạn em đâu rồi?

Ðôi mắt lạc đi chợt mất hút giữa trùng không:

– Chết rồi.

Tôi nghe điện chạy dài trong sống lưng. Không phải cho điều vừa nghe, mà vì thái độ của cô bé:

– Sao?

– Chết rồi.

Cô bé thở hắt ra từng ngụm không khí:

– Anh biết tại sao nó chết không?

Tôi lắc đầu. Cô bé chớp mắt:

– Tại hạt cát.

Tôi im lặng. Cô bé nói như kể lể:

– Tại hạt cát. Lớn nhanh quá, nó lớn theo không kịp. Lớn theo không kịp, vỡ tim mà chết.

Tôi bật cười. Muốn lấy tiếng cười để ngăn dứt nét trầm trọng bất thường của câu chuyện kể. Nhưng cô bé nhìn tôi, nhăn nhó:

– Anh đừng cười. Anh có biết chú sò chết rồi, viên ngọc thành cái gì, anh biết không?

Giọng nói như gay gắt chất vấn. Tôi mất hết kiên nhẫn, bực bội lắc đầu.

– Chết theo. Dĩ nhiên là viên ngọc chết theo. Viên ngọc đâu có là gì, chỉ hạt cát vậy thôi. Dĩ nhiên là chết theo. Ðục ngầu như bất cứ một hòn đá tầm thường nào khác. Chú sò có nói với em, nếu người ta lấy ngọc, nó cũng chết. Không lấy, nó cũng chết. Hạt cát chỉ là tai họa. Nó dặn em, nhớ coi chừng những hạt cát. Anh biết không. Coi chừng những hạt cát.

Người con gái xúc động đến cực độ. Tôi bối rối, vụng về bất chợt. Tôi không biết làm gì hơn là kéo cô bé lại và ôm sát vào lòng, đưa đẩy, vỗ về. Tôi không nói gì vì tôi không biết nói gì. Người con gái còn run rẩy trong cơn xúc động thêm rất lâu. Rồi dần dà êm lắng trở lại. Tôi tưởng nàng đã quên câu chuyện con sò. Nhưng nàng lại nhỏ nhẹ cất tiếng:

– Coi chừng những hạt cát. Coi chừng những hạt cát. Anh không quen những con sò, không hiểu được đâu.

Tôi vỗ lưng cô bé nhè nhẹ, đều đặn. Nàng rúc đầu vào lồng ngực của tôi. Giọng nói càng lúc càng nhỏ hơn, nhưng tôi vẫn nghe rất rõ:

– Tại anh, em nuốt vào từng bụm cát. Từng bụm cát. Anh không hiểu được đâu. Pinelli không hài lòng. Nhưng em cũng mặc kệ. Từng bụm cát, anh biết không, từng bụm cát, em nuốt hết…

Tôi không muốn cô bé nói nhiều hơn những lời mê sảng. Tôi cúi xuống và hôn lên môi cô bé, muốn dẫn cô bé quên đi những điều không ổn đã xảy ra mà tôi không thể hiểu, tôi không thể thấy. Tôi cúi xuống và đánh thức hai bờ vai màu ngọc trai, tôi cúi xuống và đánh thức từng vùng da thịt mát lạnh. Tôi êm ái đẩy cô bé về lăn trên những triền thân thể tôi, tôi muốn quét sạch hết những hạt cát, cho cô bé lại trong suốt như viên nước đá trong ly bạc hà. Người con gái không nói nữa. Ðôi mắt mở nhìn tôi và ánh dịu dàng trở về. Mười ngón tay tôi đan vào những bàn tay, bàn chân của nàng. Nụ cười cô bé nở ra ngọt lành. Tôi nhắm mắt và bắt đầu cho phép mình tự do trôi theo triền nước ấm khi biết chắc là nàng sẽ không bỏ rơi tôi lại giữa con đường. Tôi biết tôi đã không còn là tôi, và tôi biết cô bé còn là cô bé. Những hạt cát, nếu có, sẽ không làm trầy trụa vùng xương thịt này. Tôi nhắm mắt và chấp nhận buông rơi tất cả, chỉ nắm lại đôi bàn tay của nàng. Vào giây phút đó, tôi mới bắt đầu thật sự tin là mình không đang mơ ngủ hay lãng mạn một cách quá đáng. Thịt da của tôi, thịt da của nàng, tâm hồn của nàng, tâm hồn của tôi. Gặp nhau ở đây hay ở một nơi chốn nào đó không hay biết… Hãy đừng nói đến yêu thương, vì tôi hiểu yêu thương chỉ là những điều hạn hẹp trong vùng cảm giác mênh mông không bờ bến này.

(còn tiếp 1 kỳ)

(*) Trần Vũ đánh máy lại từ tạp chí Văn Học số 57 tháng 11-1990 từ trang 12 đến 33.

(**) Ảnh minh họa: Le Bâtiment de Pierre (Asli Erdogan), tranh Loui Jover và Chi Chi.