Hệ thống dân vận Việt Minh đưa ra hình tượng các anh hùng: Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng. Nguyễn Ngọc Bảo dũng sĩ đào hầm. Huỳnh Văn Nô dũng sĩ đâm lê và Trần Can, mà trên trang web Nguyễn Tấn Dũng khi kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên, đã viết: Trần Can chỉ huy đơn vị đánh tan đợt pháo kích của chúng, kiên quyết giữ vững trận địa, tạo thế cho đơn vị tiến vào trung tâm Mường Thanh”[1]. Gạt san bên câu hỏi làm cách nào một anh hùng có thể đánh tan một đợt pháo kích, quân đội Pháp-Việt đã có những người lính quả cảm. Bên cạnh trung úy Phạm Văn Phú với tiểu đoàn 5 Nhảy dù VN (5eBPVN) đã tái chiếm đồi Éliane 1 và giữ vững suốt đêm cho đến sáng, còn có trung úy Paul Brunbrouck. Khác Tô Vĩnh Diện lấy thân người chèn pháo, Brunbrouck dùng pháo bắn trực xạ vào đội hình của trung đoàn 209 Sông Lô và trung đoàn 165 Lao Hà Yên. Cũng khác “Phan Đình Giót hô to: Quyết hy sinh…vì Đảng…vì dân!!.. rồi rướn người lấy đà, lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai..[2], như ghi chép trên trang Tri Ân Liệt Sĩ, phương châm của Brunbrouck giản dị: “Điều gì cho đời sống một ý nghĩa, cũng làm nên ý nghĩa của cái chết.” (Ce qui donne un sens à la vie donne un sens à la mort).

Chiều 30 tháng 3-1954 Võ Nguyên Giáp tổng tấn công đợt nhì. Sư đoàn 304 vây Isabelle phía Nam. Sư đoàn 308 đánh Huguette phía Tây sân bay. Sư đoàn 316 tràn lên dẫy đồi Éliane phía Đông. Sư đoàn 312 của Lê Trọng Tấn là nỗ lực chính, trách nhiệm mở tung cách cửa vào Mường Thanh. 6 giờ chiều, toàn bộ pháo nặng của sư đoàn 351 bắn tập trung xuống Éliane và Dominique. 7 giờ 45, không đầy 2 tiếng, tiểu đoàn 3 của trung đoàn 3 Tán binh Algérie (III/3eRTA) tan hàng trên Dominique 1, tiểu đoàn trưởng Jean Garandeau tử trận. Tiểu đoàn 2 Bộ chiến Thái (2eBT) tan hàng trên Dominique 2. Toàn phân khu Đông-Bắc chỉ còn lại duy nhất cứ điểm Dominique 3 là chốt chặn sau cùng mà nếu vượt qua, Lê Trọng Tấn sẽ bọc hậu quân Dù trên Éliane hoặc tiến thẳng vào bộ chỉ huy de Castrie chỉ cách chưa đầy 1 km. Chu vi phòng thủ Điện Biên Phủ co lại còn 1,5 km chiều ngang và 1 km chiều dài. Lê Trọng Tấn hạ quyết tâm.

Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 312, Nxb Quân đội Nhân dân ấn hành 1995, chương 3 viết: “Tiểu đoàn 130 (dự bị của trung đoàn 209) được lệnh cơ động lên tiếp tục đánh phát triển sang đồi D2. Do tổ chức không chu đáo, đánh giá địch thấp và xác định không đúng hướng đột phá, xung kích liên tiếp bị hỏa lực địch bắn lướt sườn, tiểu đoàn 130 bị thương vong nhiều. […] Tiểu đoàn 115 men theo sông Nậm Rốm đánh vào điểm cao 210 nhưng bị pháo địch bắn chặn. Do nắm địch, địa hình không kỹ, bộ đội mất liên lạc với nhau nên nhiệm vụ đánh điểm cao 210 không thực hiện được.”

Trong hồi ức Điện Biên Phủ Điểm hẹn Lịch sử, Võ Nguyên Giáp xác nhận: “Thừa thắng, đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho lực lượng dự bị của 209, tiểu đoàn 130, đánh xuống cao điểm D2. […] Tiểu đoàn 130 của 209 phát triển xuống D2 vấp phải hỏa lực bắn thẳng từ trận địa pháo trên cứ điểm 210 và hai cỗ trọng liên bốn nòng đặt bên kia sông Nậm Rộm, phải ngừng lại để củng cố. Về khuya, đại bác địch càng hoạt động mạnh. Cuộc chiến đấu của bộ đội ta trên những cao điểm phía đông đã chững lại.” [trang 268]

Chuyện gì đã xảy ra?

Cứ điểm 210 chính là Dominique 3, vị trí của pháo đội Brunbrouck thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 4 Pháo binh Thuộc địa (II/4eRAC). “D2” trên lược đồ Việt Minh là Éliane 10 trên phóng đồ Pháp. Trung đoàn Sông Lô 209 từ Dominique 2 tràn xuống Éliane 10 phải băng ngang Dominique 3 (tức điểm cao 210 mà Võ Nguyên Giáp nhắc đến). Tình hình nguy ngập vì bộ chỉ huy Nhảy dù không còn trừ bị chiến thuật. Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa (6eBPC) đã lên tăng cường cho Éliane 2. Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương (1er BEP) thay lính Marốc (I/4e RTM) mất tinh thần trên Éliane 3. Tiểu đoàn 5 Nhảy dù VN (5eBPVN) đang phản kích lên Éliane 4. Tiểu đoàn 8 Xung kích Nhảy dù (8eCHOC) giữ Épervier. Trung tá Guy Vaillant, chỉ huy pháo binh lệnh cho Brunbrouck phá hủy đại bác và lui về khu trung tâm Claudine. Nhưng Brunbrouck từ chối: Ai sẽ ngăn Lê Trọng Tấn tràn ngập Éliane 10 ngay sát hầm chỉ huy de Castries?

8 giờ tối, lớp sóng Việt Minh rõ dần. Brunbrouck cho hạ nòng đại bác 105 ly song song mặt đất, điều chỉnh khẩu hỏa zéro, đạn miểng nổ chụp, thời gian kích hỏa zéro, tức là khoảng cách ra khỏi nòng cho đến khi phát nổ dưới 100 thước. Brunbrouck vào máy yêu cầu phân đội đại liên phòng không của trung úy Redon phối hợp. Suốt đêm 4 đại bác 105 ly bắn trực xạ 1,800 quả đạn vào đội hình của trung đoàn Sông Lô 209, trung đoàn Lao Hà Yên 165 và tiểu đoàn 54 của trung đoàn Thủ Đô 102. Chỉ trong một đêm, hai ụ đại liên 4 nòng tiêu thụ 68,000 viên đạn 12 ly 7, quét tiểu đoàn 130, rồi tiểu đoàn 115, rồi tiểu đoàn 54 Việt Minh xuống chiếc mương do lính Nhật đào năm 1945. Dưới đáy mương công binh chiến đấu của tiểu đoàn 31 Công Binh (31e Bataillon de Génie) đã cài sẵn “charges plates”, là tiền thân của mìn định hướng Claymore. Chỉ riêng dưới mương, trên 200 xác bộ đội khi trời sáng… Nỗ lực chính của Võ Nguyên Giáp thất bại. Trung úy Brunbrouck đã giúp Điện Biên Phủ trì hoãn thất thủ thêm 6 tuần lễ. (Henri de Brancion, Artilleurs dans la Fournaise, Nxb Presses de la Cité 1993, trang 159)

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Võ Nguyên Giáp không nhắc đến trung đoàn 165 Lao Hà Yên trong trận Dominique 3, ngược lại Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 312, Nxb Quân đội Nhân dân, ghi rõ tiểu đoàn 115 của trung đoàn 165 đánh Dominique 3 không thành công. Phía Pháp, trong Pourquoi Dien Bien Phu của đại tá Pierre Rocolle, Nxb Flammarion 1968, trang 422, qua khai thác tù binh, xác định: tiểu đoàn 54/ Trung đoàn Thủ Đô 102/ Sư đoàn 308 của Vương Thừa Vũ được “chi viện” đánh Dominique 3 lúc 23 giờ đêm, tiến đến sát hàng rào kẽm gai trước khi bị tiêu diệt.

 Khóa 191 của trường võ bị liên quân Saint Cyr năm 2007 mang tên Khóa Brunbrouck.

 [Trần Vũ]

[1] Những anh hùng nổi tiếng trong chiến thắng Điện Biên Phủ

http://nguyentandung.org/nhung-anh-hung-noi-tieng-trong-chien-thang-dien-bien-phu.html

[2] Trang Vàng Liệt Sĩ

http://trianlietsi.vn/new-vn/Trang-vang-liet-si/1288/anh-hung-liet-si-phan-dinh-giot.vhtm 

Trung úy Paul Brunbrouck, pháo đội trưởng 105 ly, tử trận ngày 13 tháng 4-1954 tại Mường Thanh.      

ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Tác chiến đợt 2, giành giật quyết liệt

Sau khi tổng kết kinh nghiệm trận đầu và chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo, đêm 30/3 Quân đội Nhân dân bắt đầu tác chiến đợt 2, tấn công quân địch ở phân khu trung tâm Mường Thanh, trụ sở cơ quan chỉ huy của quân Pháp. Bố trí tác chiến của Vi Quốc Thanh và phía VN nghiên cứu xác định là: ngoài 2 trung đoàn của sư 308, dùng toàn bộ sư 312, sư 316 và hỏa lực pháo binh tấn công tiêu diệt địch ở điểm cao phía đông phân khu trung tâm và vùng Tây bắc sân bay, để thít chặt vòng vây, khống chế điểm cao, khống chế sân bay, cắt đường không vận của địch. Nếu phát triển thuận lợi, thì liên tục tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Sau khi bắt đầu, đột phá tiền duyên địch tương đối thuận lợi, thì đi vào sâu lòng địch phát triển rất chậm. Quân Pháp dựa vào công sự kiên cố, hoả lực dày đặc, ngoan cố chống cự và tổ chức đánh trả. Cán bộ quân đội VN thiếu khả năng ứng biến, bộ đội thương vong tăng nhiều, tấn công gặp trở ngại. Qua một tuần chiến đấu, quân đội VN hạ được 5 cứ điểm địch, tiêu diệt binh lực hơn 3 tiểu đoàn, khống chế phần lớn điểm cao quan trọng phía đông Điện Biên Phủ, và hình thành tình thế có lợi đứng trên cao nhìn xuống bọn địch ở Mường Thanh. Nhưng khi tấn công cứ điểm A1 bảo vệ Mường Thanh, do quân địch lợi dụng hầm hào và nhà dưới đất ngoan cố chống cự, không thể đánh hạ được toàn bộ, hình thành thế giằng co, mỗi bên chiếm một nửa. Sau khi cao điểm C1, cứ điểm quan trọng bảo vệ Mường Thanh bị đánh hạ, quân Pháp tổ chức đánh trả, chiếm lại hơn một nửa. Hai bên giành giật nhiều lần, cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt. Trong tác chiến hơn một tuần, các đơn vị bộ đội tấn công của quân đội VN đều bị thương vong không ít.

Vi Quốc Thanh ngày đêm theo dõi phát triển chiến cuộc. Tin tức từ tiền tuyến về có lúc hỗn loạn. Lúc thì nói hạ được một cứ điểm, sau vài giờ lại nói chưa hạ được. Tình hình tấn công cứ điểm A1 càng như thế. Lúc thì nói gặp đường hầm hào của địch đang đánh bộc phá, lúc thì lại nói cách đường hầm còn rất xa, không thể nào đánh bộc phá được. Lúc thì nói đường hào không lớn, chỉ có số ít địch ngoan cố chống cự. Một lát sau lại nói, nhà hầm của địch rất lớn, có thể chứa hàng trăm tên. Điều đó một lần nữa phản ánh cái tật của viên chỉ huy cơ sở nào đó không đích thân theo dõi tuyệt đối. Vi Quốc Thanh rất bực tức, kiến nghị phía Việt Nam nghiêm túc ra lệnh cho bộ đội tấn công điều tra rõ tình hình thực tế, để nghiên cứu đối sách. Cuối cùng rõ ra là, quân địch ở A1 lợi dụng đường hào và nhà hầm xây dựng thời kỳ quân Nhật chiếm đóng để ngoan cố chống cự và thỉnh thoảng tiến hành phản kích quân đội Việt Nam không thể nào đối phó. Vi Quốc Thanh điện gấp về Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, báo cáo tình hình này, Quân uỷ Trung Quốc cấp tốc điều một số cán bộ từng tác chiến ở Triều Tiên có kinh nghiệm đánh đường hào, đi nhanh ra tiền tuyến Điện Biên Phủ. Họ giúp bộ đội VN đào hầm ngầm thông đến đường hào cứ điểm A1, chuẩn bị dùng thuốc nổ phá huỷ nó.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Lúc này Võ Nguyên Giáp hơi sốt ruột chưa đánh hạ được A1, liền ra lệnh tấn công C1. Đồng chí chưa bàn với Vi Quốc Thanh quyết định điều trung đoàn 102 của đại đoàn 308, ngày 11/4 tấn công đồi C1; kết quả bị hoả pháo địch sát thương nặng, toàn trung đoàn thương vong trên 700 người, không thể tiếp tục chiến đấu. Trung đoàn 102 là trung đoàn chủ lực của đại đoàn 308, là bộ đội từ khi bắt đầu chiến dịch cho đến nay chưa bị tổn thất, lần này bị trọng thương, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của trận đánh. Chỉ huy “quả đoán” của Võ Nguyên Giáp lần này không ngờ bị vấp váp. Vi Quốc Thanh lựa lời an ủi đồng chí, nêu ra kiến nghị tạm ngừng tiến công chuyển sang tổng kết chỉnh đốn. Võ Nguyên Giáp tiếp nhận kiến nghị này. Lúc này, hội nghị Genève sắp triệu tập, Điện Biên Phủ trở thành một điểm nóng khiến cả thế giới dõi theo sau khi Triều Tiên đình chiến, Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc rất quan tâm theo dõi tác chiến Điện Biên Phủ, luôn luôn hỏi Vi Quốc Thanh tình hình chiến sự và có nhiều chỉ thị cụ thể đối với chiến thuật tấn công Điện Biên Phủ.

Vi Quốc Thanh theo chỉ thị của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, kết hợp tình hình thực tế quân đội VN thương vong lớn trong tác chiến đợt hai, một mặt giúp VN tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, cải tiến chỉ huy tác chiến bổ sung quân lính, chỉnh đốn tổ chức, khôi phục và tăng cường sức chiến đấu, để có lợi cho tiếp tục, đồng thời kiến nghị quân đội VN áp dụng biện pháp hữu hiệu, tăng cường bao vây và tấn công quân Pháp sau đó quân đội VN chủ động áp dụng các biện pháp sau đây :

– Một là, tổ chức bộ đội đào hầm hào từng bước thắt chặt vòng vây, chia cắt quân địch ở phân khu trung tâm Mường Thanh với phân khu nam bằng hầm hào, cắt đứt liên hệ trên mặt đất giữa chúng. Đồng thời, từ các hướng đào đến tận tung thâm phân khu trung tâm Mường Thanh. Lúc này đào hầm hào trở thành phương tiện tấn công tích cực, không ngừng thu hẹp địa bàn quân Pháp chiếm đóng. Quân Pháp tuy thường xuyên pháo kích và phá hoại, nhưng các chiến sĩ quân đội VN không sợ đổ máu, mồ hôi, càng đào càng hăng, càng đào càng nhanh. Chiến hào cứ mỗi ngày một vươn dài lên phía trước, chiến hào chính, chiến hào nhánh đan xen ngang dọc, chia cắt quân Pháp từng mảnh. Đúng như miêu tả trong cuốn sách Lịch sử QĐNDVN của VN xuất bản những năm 70: “Chiến hào như những chiếc thòng lọng, mỗi ngày một xiết chặt cổ địch”.

– Hai là, khống chế hơn nữa sân bay, cắt đứt vận chuyển hàng không của địch. Quân địch đóng giữ Điện Biên Phủ cách xa hậu phương, bị bao vây bốn bề, mọi cung ứng đều dựa vào vận chuyển hàng không, hằng ngày phải có trên trăm lượt máy bay chở các loạt vật tư quân sự, mới có thể duy trì nhu cầu sinh hoạt cần thiết và tiêu hao chiến đấu của hơn 10.000 quân đóng giữ. Vi Quốc Thanh coi việc cắt đứt vận chuyển hàng không là một điều kiện quan trọng để giành toàn thắng của chiến dịch. Chiến dịch bắt đầu, bộ đội cao xạ quân đội VN lần đầu tiên bước vào chiến đấu đánh cho máy bay địch bay thấp ném bom bắn phá điên cuồng bị trọng thương. Hoả lực trọng pháo của quân đội VN bắn vào sân bay buộc máy bay địch chở người và vật tư không dám thả dù phải chuyển sang thả từ trên máy bay xuống. Quân đội VN chỉnh đốn bổ sung sau khi chuẩn bị đầy đủ, liên tục công phá mấy cứ điểm địch gần sân bay, và lợi dụng ban đêm đào hào cắt ngang lưng sân bay, làm cho sân bay hoàn toàn không sử dụng được. Chiến hào của quân đội VN không ngừng vươn dài tới trước, vòng vây ngày càng hẹp lại, vật tư của máy bay địch ném xuống ngày càng nhiều (thậm chí phần lớn) rơi xuống trận địa quân đội VN. Đây là một hỗ trợ lớn đối với quân đội VN, nhưng lại là đòn đánh hết sức nặng nề với quân Pháp.

– Ba là, tổ chức bộ đội triển khai hoạt động đánh chặn. Bộ đội phải tổ chức thành nhóm diệt địch do các tay súng thần, pháo thần tham gia, bắn lén, bắn tỉa vào các mục tiêu hoạt động trên trận địa địch, không ngừng sát thương địch, buộc quân Pháp không dám hoạt động ngoài công sự, đánh mạnh vào tinh thần quân Pháp.

Xem thêm:   Trên lưng trời

– Bốn là, tổ chức bộ đội triển khai tấn công chính trị. Thành phần binh lính Pháp phức tạp, nhiều loại quốc tịch. Nhằm vào tình hình này, quân đội VN dùng loa phóng thanh, bằng nhiều ngôn ngữ phát thanh, kêu gọi binh lính địch trên trận địa, có tác dụng làm suy yếu tinh thần chiến đấu của binh lính địch, tiến tới làm tan rã quân địch, thường có lẻ tẻ lính Ngụy, lính nước ngoài và lính da đen ra đầu hàng quân đội VN.

Biện pháp đấu tranh quân sự chính trị phối hợp cả hai cùng tiến hành song song với tiếp thu được hiệu quả rất tốt. Đến hạ tuần tháng 4, tình cảnh của quân Pháp hết sức khó khăn. Diện tích trong vòng vây không đầy 2 km2, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của quân Pháp bị chia cắt thành nhiều đoạn, sân bay cũng bị quân đội VN chiếm một nửa. Do sợ quân đội VN tấn công, sĩ quan, binh lính Pháp suốt ngày co ro trong công sự. Trong nhà hầm chật ních thương binh, bốc mùi khó thở. Tinh thần quân Pháp sa sút cực độ. Lúc này, tập đoàn thống trị Mỹ không muốn nhìn thấy quân Pháp ở Điện Biên Phủ thất bại, đồng thời với tăng cường viện trợ cho Pháp, tiến hành đe doạ trắng trợn đối với VN, đưa hạm đội 7 đến Vịnh Bắc Bộ “diễn tập”, đánh tiếng sắp sử dụng máy bay ném bom B29 ném bom xuống trận địa Điện Biên Phủ, thậm chí để ngỏ ý muốn ném bom nguyên tử cỡ nhỏ.

Vào thời gian này quân đội VN cũng gặp một số vấn đề và khó khăn mới: do bộ đội đóng quân ngoài trời lâu ngày, số người không trực tiếp chiến đấu tăng lên, tác chiến liên tục nhiều tháng, người chỉ huy nảy sinh tư tưởng mệt mỏi, nhất là tư tưởng tiêu cực hữu khuynh trỗi dậy trong cán bộ. Có những cán bộ, tinh thần trách nhiệm yếu, tính tích cực chiến đấu không cao, thậm chí xuất hiện hiện tượng nghiêm trọng kiếm cớ rời khỏi vị trí chiến đấu, báo cáo láo tình hình, không chấp hành mệnh lệnh trong tình hình chiến đấu khẩn cấp v.v… Do máy bay địch bắn phá điên cuồng và mùa mưa đến, vận tải hậu cần cũng ngày càng khó khăn. Đứng trước tình hình Mỹ đe doạ, quân Pháp giãy giụa hung hăng, trong số cán bộ cao cấp quân đội VN có những người dao động niềm tin giành toàn thắng, thậm chí sợ Mỹ ném bom nguyên tử, cho rằng không nên đánh tiếp nữa. Vào giờ phút then chốt quan hệ đến tiêu diệt hoàn toàn quân địch hay là công dã tràng này, Vi Quốc Thanh đã bình tĩnh suy nghĩ và phân tích khách quan cho rằng, quân đội VN tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng quân Pháp càng khó khăn hơn, hơn nữa không có cách gì khắc phục được chỉ cần quân đội Việt Nam không sợ hăm doạ, không sợ khó khăn, cắn chặt răng lại, kiên trì chiến đấu, nắm chặt nhược điểm của địch, liên tục tác chiến thì có thể khắc phục, giành toàn thắng cho chiến dịch. Đồng chí nói với các cố vấn: “Hiện tại toàn thế giới đều nhìn về Điện Biên Phủ, chúng ta không có đường lui. Chỉ có hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch. Tạm thời chưa đánh được, mùa mưa đến nước dìm chết chúng. Nước không dìm chết, thì khốn khó lâu ngày, chúng cũng chết. Không lấy được Điện Biên Phủ quyết không lui quân. Các đồng chí phải chuẩn bị tư tưởng này”.

Vi Quốc Thanh trao đổi chân tình với Võ Nguyên Giáp, trình bày tỉ mỉ ý nghĩ trên đây của mình để thống nhất nhận thức, kiên định lòng tin. Hai người còn nghiên cứu biện pháp giải quyết vấn đề tư tưởng cán bộ và khắc phục khó khăn thực tế. Lúc này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động VN triệu tập hội nghị mở rộng, phân tích tình hình tác chiến Điện Biên Phủ, vạch rõ thêm ý nghĩa quan trọng của chiến dịch, nhấn mạnh phải kiên quyết khắc phục tư tưởng tiêu cực hữu khuynh trong cán bộ, giành thắng lợi hoàn toàn. Cuối tháng 4, đảng uỷ tiền phương QĐND triệu tập hội nghị mở rộng để quán triệt tinh thần của hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động VN. Võ Nguyên Giáp báo cáo tại hội nghị chú trọng phê bình nghiêm khắc các biểu hiện của tư tưởng tiêu cực hữu khuynh trong cán bộ, đặc biệt là hành vi vô kỷ luật không chấp hành mệnh lệnh kiếm cớ rời bỏ nhiệm vụ, báo cáo láo tình hình v.v… Các cố vấn phản ánh, đây là cuộc nói chuyện chống khuynh hướng sai lầm với lập trường quan điểm rõ ràng ít có của Tổng Tư lệnh. Hội nghị này đã đặt nền móng tư tưởng cho tác chiến đợt 3, giành toàn thắng của chiến dịch.

(còn tiếp)

 Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng Phong Vân lục
Đại Bách Khoa toàn thư xuất bản năm 2000)

Phân đội đại liên 4 nòng 12 ly 7 của tiểu đoàn 1 Phòng không Viễn đông GAACEO (1erGroupe Anti-Aérien d’Artillerie Coloniale d’Extrême-Orient)

Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương (1er BEP) trên cao điểm Éliane.

Binh sĩ VN của tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương (1er BEP).

Phản kích sáng 31 tháng 3-1954

Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam (5e BPVN).

Xác Việt Minh trước vị trí pháo binh của trung úy Brunbrouck