Người ơi,
Còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao…
(Hương xưa – Cung Tiến)
Cuối tháng Mười, rời những lối đi quanh co đang phủ ngập xác lá của vườn Monceau, khách nhàn du đặt chân vào con đường ngắn cây cao bóng cả chỉ dành cho người đi bộ, mang tên nhà danh hoạ Tây Ban Nha Velázquez. Bước vài bước, rẽ phải, đã đứng ngay trước cổng viện bảo tàng Cernuschi (*). Người đến viện bảo tàng có thể vào xem miễn phí bộ sưu tập thường trực các cổ vật Á châu, với điểm nhấn là pho tượng Phật A-di-đà khổng lồ bằng đồng đen của Nhật Bản, hoặc mua vé để thưởng thức các cuộc triển lãm ngắn hạn được tổ chức định kỳ tại đây.
Cuộc triển lãm tranh-tượng của 3 hoạ sĩ-điêu khắc gia Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm sẽ kéo dài 5 tháng, từ 11.10.2024 đến 09.03.2025. Tiểu sử và một đoạn phim tài liệu ngắn ở ngay lối vào phòng triển lãm giới thiệu sơ qua đến người xem thân thế của 3 ông (**). Xuất thân từ cùng một trường, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cùng một thầy, giáo sư Victor Tardieu (***), 3 hoạ sĩ Phổ-Thứ-Đàm có nhiều điểm chung trong đời tư cũng như trong sự nghiệp nghệ thuật. 3 ông đều thuộc gia đình thế tộc, danh giá, sinh tại miền Bắc Việt Nam, gần như cùng tuổi, học cùng khoá, cùng tổ chức triển lãm tranh khi mới ngoài hai mươi, sang Âu châu trong thập niên 30 của thế kỷ trước, lấy vợ đầm, sống và sáng tác tại Pháp cho đến khi qua đời, lúc tuổi đã khá thọ. Ngoài tranh lụa và tranh sơn dầu, Lê Phổ có các tác phẩm sơn mài, Vũ Cao Đàm với nhiều tượng, phù điêu và Mai-Thứ để lại những bức phác thảo bằng than chì vô cùng sống động.
Trong phòng triển lãm, người thưởng ngoạn có thể nhận ra được những nét chung-riêng của 3 người nghệ sĩ tài hoa. Ở khu vực «Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương», bức tranh sơn dầu «Quê nhà ở Bắc phần» (5m x 2.5m) của hoạ sĩ Lê Phổ vẽ năm 1929 chiếm gần hết chiều dài và chiều cao của bức tường, nằm đối diện với hai bức tranh nổi tiếng của hoạ sĩ Mai-Thứ vẽ tại Huế «Thiếu nữ chơi đàn tỳ bà» (khoảng 1936) và «Thiếu phụ hút thuốc (****)» (1932). Ở giữa khu vực này, có đặt bức tượng «Thiếu phụ khoả thân» (1930) to bằng người thật và một số chân dung bằng đá hoặc đồng của điêu khắc gia Vũ Cao Đàm thực hiện trong thập niên 30 của thế kỷ trước, trong đó có chân dung của cựu hoàng Bảo Đại. Tại các hành lang tiếp theo, tranh của 3 ông được xếp đặt riêng rẽ, và chia làm hai thời kỳ, trước và trong khi sống trên đất Pháp. Ở hành lang cuối cùng, 3 ông lại hội ngộ trong mảng tranh tĩnh vật, chiếm trọn cả bức tường.
Dưới cái nhìn chung của nền hội hoạ Đông Dương thời kỳ đầu, mỗi hoạ sĩ để lại một nét phác riêng trong lòng người đến xem triển lãm.
Được thầy dạy, giáo sư Victor Tardieu đánh giá là 1 trong 10 người của nhóm «tinh hoa», trong suốt sự nghiệp của mình, hoạ sĩ Lê Phổ trung thành với hai chủ đề chính: thiếu nữ và hoa. Thiếu nữ trong tranh Lê Phổ thường có khuôn mặt thuôn dài, thanh thoát, thoáng nét u buồn. Hoa không vì thế mà tươi thắm hơn. Ông kết hợp sơn dầu trên lụa trong tranh của mình. Bức «Uyên ương hí liên» của ông trưng bày trong phòng triển lãm đã được bán trong cuộc đấu giá của Sotheby’s Paris vào đầu tháng 11.2023 với giá 1.2 triệu euro. Vài bức tranh khác của ông cũng vượt ngưỡng 1 triệu đô la để đạt mức gần 2.3 triệu USD.
Ở khu vực tranh Mai-Thứ, không khí tĩnh lặng của phòng triển lãm bị khuấy động với hai đoạn phim tài liệu đặt ở hai hành lang nối tiếp nhau. Đoạn phim tài liệu thứ nhất do chính hãng phim Tân Việt của ông sản xuất, quay lại chuyến công du của ông Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946. Người xem còn được nghe lời hát nguyên bản lồng trong phim của các bài «Tiến quân ca» (Văn Cao), «Tiếng gọi thanh niên» (Lưu Hữu Phước), «Con thuyền xa bến» (Lưu Bách Thụ). Đoạn phim thứ nhì giới thiệu cuộc phỏng vấn hoạ sĩ Mai-Thứ của đài truyền hình Pháp. Tác phẩm của ông có lẽ chiếm hơn một nửa trong số 150 hiện vật của 3 hoạ sĩ được trưng bày lần này. Năm 2021, tại thành phố Mâcon (vùng Bourgogne, Pháp), nơi ông từng sống và chuyển hẳn sang vẽ trên lụa, đã có một cuộc triển lãm dành riêng cho ông, mang tên «Âm vọng của một Việt Nam mơ mòng». Trong phòng triển lãm, ngoài những bức sơn dầu hiếm hoi của thời kỳ đầu, người xem còn được chiêm ngưỡng những bức phác thảo hoặc tranh vẽ bằng than chì như «Cụ đồ già», «Khoả thân nằm», «Thiếu nữ đọc sách»… Đặc biệt, có các bản phác chì trên giấy và bản màu hoàn tất trên lụa đặt cạnh nhau, giúp người xem biết thêm phần nào các giai đoạn sáng tác của một tác phẩm. Công chúng Pháp biết nhiều đến tranh Mai-Thứ qua các thạch bản và thứ phẩm in lại các bức tranh lụa ở thời kỳ sau của ông, với gam màu tươi sáng, các nhân vật ăn mặc, hành xử theo truyền thống Việt Nam, thiếu nhi với khuôn mặt thơ ngây, bầu bĩnh… Đến cuối hành lang Mai-Thứ, như một dấu chấm than, người xem khựng lại với bức tranh «Điêu tàn» mang chủ đề chiến tranh của ông. Trong các cuộc bán đấu giá, tranh của ông đã được mua với giá trên 3 triệu Mỹ kim.
Nếu ở lối vào, người xem đã được ngắm nghía, trầm trồ quanh bộ tượng Vũ Cao Đàm với những nét tròn đầy (*****), thì ở hành lang áp chót, họ sẽ ngạc nhiên với các bức sơn dầu của ông, lấy ý từ truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và kinh Phật. Ngược lại với khuynh hướng của hoạ sĩ Mai-Thứ, Vũ Cao Đàm chuyển từ lụa sang sơn dầu, sau khi ngưng việc nặn tượng vì gặp khó khăn về vật liệu trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến. Dù tranh của ông không được định giá cao bằng tranh của Lê Phổ và Mai Trung Thứ, nhưng Vũ Cao Đàm lại có nhiều tác phẩm được trưng bày ở các viện bảo tàng và có không gian tranh-tượng riêng tại bảo tàng viện Sa Bassa Blanca, đảo Majorque (Tây Ban Nha) của con gái ông, hoạ sĩ và con rể, điêu khắc gia.
Dù rời xa đất nước khi vừa bước qua thời thanh xuân để sống thêm gấp hai, gấp ba lần số tuổi đó trên xứ người, dù chỉ một hoặc thậm chí không bao giờ có dịp trở về cố hương, nhưng các tác phẩm của 3 ông Phổ-Thứ-Đàm, cho đến cuối đời, vẫn phảng phất những nét kiều mị, cổ kính, thơ mộng của một thời hoàng kim đã khuất.
CN (11.2024)
(*) Henri Cernuschi (1821-1896): nhà yêu nước người Ý, từng đứng đầu cuộc nổi dậy của thành phố Milan chống lại sự chiếm đóng của người Áo. Lưu vong sang Pháp, ông tiếp tục hăng say đấu tranh cho lý tưởng Cộng hoà. Sau thời kỳ đầu gặp nhiều khó khăn, nhờ có óc thương mại và đầu tư giỏi, Cernuschi trở nên giàu có. Ông chu du khắp thế giới. Trong thời gian thăm thú Trung Quốc và Nhật Bản, ông đã mua khoảng 5,000 cổ vật. Khi mất, ông hiến tặng biệt thự (nay là viện bảo tàng) và bộ sưu tập các cổ vật Á châu cho thành phố Paris.
(**) “Tứ kiệt” trời Âu của nền hội hoạ Việt Nam: Lê Phổ, Mai-Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm.
(***) Victor Tardieu (1870-1937): sáng lập viên và là hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông có công lớn trong việc đào tạo lớp hoạ sĩ và điêu khắc gia đầu tiên của Việt Nam. Được xem là bức tranh lớn nhất Việt Nam, hiện đặt tại Đại học Quốc gia Hà Nội, trên diện tích 77m2, Victor Tardieu đã ghi lại trong tác phẩm của mình hình ảnh xã hội miền Bắc Việt Nam đầu thế kỷ XX, với cổng tam quan và 200 nhân vật có khuôn mặt, dáng vẻ khác nhau, từ các viên toàn quyền Pháp, quan lại triều Nguyễn, cố đạo, bác sĩ, giáo sư, khoa học gia, nhà nho, sinh viên… đến nhà nông, người lao động, buôn thúng bán bưng, phụ nữ đang cho con bú, thiếu nhi còn để chỏm…
(****) Theo ảnh cũ và thông tin để lại, nguyên bản bức tranh (1.3m x 2m) vẽ lại một chuyến đò trên sông Hương, với người thiếu phụ đem trái cây đi bán, đội nón lá, mặc áo dài, tay cầm điếu thuốc, ngồi tựa mạn đò. Đối diện, là người đàn ông mặc áo thẫm màu ngồi trên ghế thấp. Sau lưng thiếu phụ, có người lái đò mặc quần dài trắng, ở trần và xa xa, là tháp Thiên Mụ. Không hiểu vì lý do gì, nay chỉ còn lại khoảng một phần tư nguyên bản. Đây là một trong rất ít những bức tranh sơn dầu của hoạ sĩ Mai-Thứ.
(*****) 3 trong 5 bức tượng chân dung nổi tiếng do Vũ Cao Đàm thực hiện được trưng bày trong cuộc triển lãm lần này: thiếu nữ An Nam cài lược, Vũ Đình Thi (thân phụ Vũ Cao Đàm), cựu hoàng Bảo Đại. Hai bức chân dung còn lại: ông Hồ Chí Minh, giáo sư Victor Tardieu.
Tài liệu tham khảo:
https://youtu.be/yvn5l1OYr2Q?feature=shared
https://www.cernuschi.paris.fr/fr/le-musee/henri-cernuschi
https://vi.wikipedia.org/wiki/Victor_Tardieu
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Ph%E1%BB%95
https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_Trung_Th%E1%BB%A9
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_Cao_%C4%90%C3%A0m