Lời Tòa Soạn: Họa sĩ Nghiêu Đề sinh năm 1939 tại Quảng Ngãi. Là con trai trưởng trong một gia đình 6 anh chị em. Học Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định nhưng đã tự rời trường trước khi tốt nghiệp; là một trong những sáng lập viên Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam; Huy chương bạc Hội họa mùa Xuân 1961, từng tham dự triển lãm tại nhiều quốc gia. Ngoài hội họa, Nghiêu Đề còn viết văn, làm thơ mà sau này Nghiêu Đề coi như hai “bước lỡ” không nên dấn thân vào. Tác phẩm đã xuất bản: Ngọn Tóc Trăm Năm (Sài Gòn 1965 ). Nghiêu Đề cùng gia đình đến Hoa Kỳ năm 1985 và mất vào ngày 09 tháng 11 năm 1998 tại San Diego, California khi chưa tới tuổi 60.(Theo Ngô Thế Vinh).

Trẻ xin giới thiệu bài viết của người bạn đời của ông là Lê Chiều Giang, cũng là một tưởng niệm một họa sĩ tên tuổi của Sài Gòn năm xưa.

TƯỞNG NIỆM HỌA SĨ NGHIÊU ĐỀ

­ Sách vở cho bài tập ngày mai, được tôi loay hoay học, khi Anh ngồi tìm góc cạnh cho một chân dung mới.

Anh đã chẳng muốn tôi bị mất điểm vì ngày thi gần đến, nên tôi ngồi ngay phòng khách nhà Anh. Vừa học vừa làm mẫu cho bức tranh dang dở, bắt buộc Anh phải hoàn tất cho lần triển lãm sắp tới.

Những Chủ Nhật trốn lễ nhà thờ chưa đủ, tôi bỏ cả trường lớp, trốn học, và có khi còn muốn đi luôn… Tuổi nhỏ mê muội, đắm đuối trong một rừng Tranh, tôi ngây ngô chưa hiểu gì, nhưng thú vị với những bức tranh còn nồng ướt mùi sơn dầu của Anh, và bè bạn. Những họa sĩ hơn tôi không biết bao nhiêu tuổi, chỉ biết họ nhìn tôi như một cô học trò mới lớn.

Mắt tôi Anh vẽ dài như lá, tóc bới cao cho tôi nhận ra cổ mình rất đẹp, và thấp thoáng trong tranh tôi nhìn thấy những thiết tha, trìu mến mỗi khi anh ngắm tôi để thêm một nét  mới. Anh không vẽ tôi rất giống như một hình ảnh chân phương, sự cách điệu không hài hòa, làm gương mặt tôi có sắc sáng như trăng, lại thêm chút bóng tối của u mê. Sự u mê mà chắc chỉ mình Anh nghiệm ra, nhìn thấy…

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Khi nghe tiếng xe dừng, Anh nhìn ra cửa, nói vội cùng tôi: “Cô bạn cũ”.

Tôi xếp tập vở, sửa soạn cho một lời chào hỏi.

Hoạ sĩ Nghiêu Đề. Hình: Viet Art Society 1998

Chẳng thèm ngó gì đến ai, Chị đanh đá nhắm vào Anh xỉa xói, một “kẻ phản bội, không giữ lời hứa cưới xin…”. Khi hiểu ra chuyện, sợ hãi nhưng tôi chẳng biết làm gì và chạy trốn đi đâu? Chỉ nghĩ nếu không có tôi ở nhà Anh lúc này, mọi điều sẽ phải rất khác.

Làm sao Anh có thể giãi bày? Và, Anh ấp úng…

Rất nhanh, Chị ném bức tranh anh đang vẽ ra cửa, như chưa hết tức, Chị chà lên, đạp xuống làm canvas bung rơi, với màu nhoè nhoẹt ướt. Mặt mũi tôi trong tấm canvas xéo ngang xéo dọc với mọi thứ màu sắc, nằm im dưới đất trông rất tội nghiệp.

Tôi còn ngớ ngẩn ráng nói lời xin lỗi, Chị lườm với ngụ ý, không thèm chấp với con nhỏ đã sinh ra mọi chuyện rắc rối… rồi vùng vằng bỏ đi.

Tôi khóc. Anh hẹn sẽ tìm canvas cho một tranh khác.

“Tranh khác”, nghĩa là tôi sẽ tiếp tục trốn học và trốn cả nhà thờ.

Bố Cục Sen. Tranh: Nghiêu Đề

o O o

Buổi triển lãm hàng năm “Hội Họa Mùa Xuân” của Hội Họa Sĩ Trẻ, luôn tổ chức ở Alliance Francaise  trên đường Gia Long SàiGòn.

Anh mang tranh còn ướt với khung tranh chỉ là những sợi dây lạt quấn quanh, bởi vội vàng chưa kịp sửa soạn cho khung mới. Tôi nói với Anh, kiểu thức đặc biệt này làm chân dung tôi nhìn vui vui, lạ mắt và còn thêm chút phần lãng mạn.

Nhưng anh Ðinh Cường khiếu nại, bày vẽ cho tôi hiểu qua một ẩn dụ khác: “Nó” trói cuộc đời Cô lại đó, chứ dây lạt đâu có ai dùng làm khung tranh? .

Có sự trói buộc nào dễ thương hơn không? Chỉ là những sợi dây lạt đan thắt lại, nhưng đã gắn bó chúng tôi tới ngàn năm, cho đến khi hết hơi, cho đến ngày tắt thở.

Vừa lén lút sợ Ba Mẹ, vừa lúng túng. Tôi treo bức Chân Dung anh tặng sau ngày triển lãm ngay sát bàn học. Không dám nói tranh của ai, vì Ba Mẹ tôi đã tuyệt đối cấm đoán, không cho gặp Anh thêm một lần nào nữa

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Tôi ngây thơ nhưng gian dối, áo dài thướt tha, ôm thánh kinh, trốn nhà thờ.

Mỗi chiều Chủ Nhật,  ngồi cafe cùng Anh ở mọi góc phố thơ mộng của Sàigòn. Chúng tôi tiếc từng phút giây, bởi hết thánh lễ là giờ tôi phải về nhà.

Tôi đã mơ màng cùng tranh những sáng mưa, chiều nắng. Hương của sơn dầu như thơm ngát trên tóc tôi cùng sách vở. Tôi đã ngồi với bàn học trễ hơn mỗi đêm khuya,  để nhìn ngắm chân dung mình, hít hà mùi thơm quyến rũ của tranh, chứ không phải ôn bài, hay đọc sách.

Tan trường về, việc đầu tiên là tôi đứng trước bàn học thầm thì, như chào như hỏi với tranh và cả với bóng mình.

Vườn Chuối. Tranh: Nghiêu Đề

Có Tranh, đã như có thêm sự góp mặt của Anh, trìu mến cùng tôi trong gian phòng bé nhỏ. Tôi cảm thấy như ẩn khuất đâu đó là hơi thở Anh nồng nàn, với mắt nhìn ấm áp. Và tranh với tôi đã cùng quấn quít, quyến luyến như sẽ chẳng bao giờ có thể rời xa.

Nhưng mọi sự chìm đắm của tôi chợt bị cắt ngang, Ba tôi mang giấu bức tranh đi biệt tích !

Vẫn còn nguyên áo dài chưa kịp thay, tôi lăn ra khóc. Tôi ăn vạ, tôi bắt đền như những ngày xưa còn bé… Mẹ tôi bối rối nói những lời răn đe, rồi khuyên nhủ.

Tôi không nghe thấy gì những lời Mẹ nói. Bên tai tôi là tiếng gào xé thất thanh của bức tranh yêu dấu, bức tranh tượng trưng cho lòng thủy chung muôn đời, đã và không bao giờ có thể cắt chia… Tôi tưởng tượng ra Tranh cũng đang buồn rầu, đang giẫy giụa vật vã, và khóc lóc thảm thương

Khi biết ý Anh muốn dùng chút thời gian còn lại để vẽ chân dung tôi, như một kỷ vật  sau 25 năm cùng nhau sống chết.

Tôi ngại ngùng vì Anh đã rất yếu, chỉ muốn Anh nghỉ ngơi. Nhưng nếu chẳng làm gì, chỉ   khơi khơi ngồi chờ cơn hấp hối, chờ phút giây của những phai tàn, chấm hết…. Cực hình này mới thật đáng sợ.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Và mỗi ngày tôi vẫn ngồi mẫu.

“Mẫu”, chỉ là một cách nói, tất cả tranh Anh, bức nào cũng đã phảng phất bóng tôi. Qua một cuộc nhân duyên bền bỉ, chúng ta có còn cần nhìn nhau cho thêm rõ những mặt những mày, những dung nhan và ngay cả từng hơi thở?

Anh nhìn tôi mà như không thấy. Tay Anh run nên nét vẽ kém phần sắc sảo.

Tóc tôi vẫn được bới cao như bức chân dung mà Ba tôi đã giấu đi mất tăm. Tôi bồi hồi, buồn bã nhớ lại những trắc trở, những khó khăn của Anh và tôi khi bị gia đình ngăn cấm…

Hoạ sĩ Nghiêu Đề và Lê Chiều Giang cùng 3 con

Sao mắt tôi mà Anh vẽ mãi chưa xong? Rất nắn nót, chỉ để ánh lên được chút màu đỏ mỏng manh, ẩn khuất dưới nét mi mờ nhạt.

Tôi rùng mình hãi sợ, so sánh với màu máu tươi rỉ ra từ gan Anh. Máu tươi nhưng xám xanh, trôi dần theo cùng nỗi chết.

Máu đỏ, mỗi ngày hàng chục lần tôi đã phải thấm cho ráo khô.

Và máu, đã rót trên đôi tay bé nhỏ những cảm giác tê dại, bàng hoàng đầy kinh hãi…

Anh vẽ mắt tôi xếch và sắc như kiếm dao, điểm thêm với miệng cười vô cùng khinh bạc. Chút khinh bạc, không biết bao lần đã nương bên tôi, đứng thẳng cùng tôi giữa đất trời, bên một dòng đời vô cùng nghiệt ngã….

Nhưng biến hóa thật lạ lùng, trong tranh trông tôi vẫn rất dịu dàng, dễ thương và đằm thắm.

Cho đến phút cuối đời, Anh vẫn diễn tả về tôi rất thật, nhìn ra tôi rất đúng. Chính Tôi.

o O o

Trong giận dữ,“Chị” đã quăng bức chân dung thứ nhất.

Ba tôi giấu mất bức tranh thứ hai. Bức tranh đã lưu lạc theo cùng tiếng khóc ấm ức của tôi, trong rất nhiều đêm dài không ngủ.

Tranh “Chân Dung Cuối”. Thôi, tôi xin gửi theo. Khâm liệm.

Và nhan sắc này sẽ ở lại cùng Anh muôn đời, mãi mãi.

Tôi sợ đường viền mắt đỏ, Anh không vẽ tôi khóc. Anh vẽ tôi với mắt nhìn bướng bỉnh đầy ngạo mạn…

Nhưng sao tôi tưởng ra, tôi nhìn thấy, đã có những giọt máu tuôn rơi từ đôi mắt kia, rất sắc.

Lê Chiều Giang 1973

LCG – 11/2020