Đức Giáo Hoàng Francis vừa về nước Chúa vào tuổi 88. Tiếng chuông buồn thương ngân vang trong các nhà thờ từ quê hương Argentina của Ngài, từ các nẻo đường của Rome và lan truyền ra khắp thế giới.

Thay mặt Giáo hội Công Giáo, hôm 25 Tháng Bảy 2022, Đức Giáo Hoàng Francis đã đọc lời xin lỗi các tộc người bản địa Canada vì vai trò của Giáo hội trong những hành vi lạm dụng, cưỡng bức và tiêu diệt văn hóa bản địa của họ suốt một thế kỷ qua. Ảnh Cole Burston/Getty Images.
Ðức Giáo Hoàng Francis, vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử mang gốc Mỹ La Tinh, Ngài đã làm mọi người trên thế giới ngưỡng mộ, yêu mến qua phong cách khiêm nhường, giản dị, và quan tâm nhiều đến những người nghèo khó.
Tôi nhớ mãi hình ảnh một Đức Giáo Hoàng uy nghiêm, khiêm tốn và thân thiện đã bước chân đến xứ Lá Phong vào một ngày hè đẹp trời nhưng lòng đầy u buồn ray rứt…
Ngày 25 tháng 7 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Francis đã thân hành đến Canada để nói lên lời xin lỗi người dân bản địa vì những sai lầm của lịch sử. Người dân trên toàn xứ Canada cũng xốn xang, chua xót khi nhắc nhở đến nỗi buồn này, đó là một vết thương lòng sâu đậm mà hơn một thế kỷ qua vẫn chưa nguôi ngoai…

Đức Giáo Hoàng Francis đội chiếc mũ lông chim đại bàng truyền thống mà đại diện của các tộc người bản địa tặng cho Ngài ở Canada hôm thứ Hai 25 tháng 7 năm 2022. Ảnh Cole Burston/Getty Images.
Thay mặt Giáo hội Công Giáo, hôm 25 Tháng Bảy 2022, Đức Giáo Hoàng Francis đã đọc lời xin lỗi các tộc người bản địa Canada vì vai trò của Giáo hội trong những hành vi lạm dụng, cưỡng bức và tiêu diệt văn hóa bản địa của họ suốt một thế kỷ qua.
Ở British Columbia, tỉnh bang nơi tôi đang sống, người dân đã khám phá ra một “vụ án» ly kỳ: Có 215 ngôi mộ không bia của những đứa trẻ con, học trường nội trú dành cho “thổ dân da đỏ” ở Kamloops. Những đứa trẻ đáng thương này là nạn nhân của chính sách “Phân biệt và đồng hóa dân tộc” từ hơn một thế kỷ qua. Những đứa trẻ, nhỏ nhất là 3 tuổi, đã bị đưa vào những trường nội trú được chính phủ tài trợ, giao cho những nhà thờ Thiên Chúa Giáo quản lý. Theo thống kê của toàn Canada thì có khoảng 150,000 trẻ em da đỏ, đã bị cưỡng bức đưa vào những trường nội trú từ năm 1830 đến năm 1997. Ở đó, những đứa trẻ học tiếng Anh, học đạo và học cách sống văn minh của người da trắng để hội nhập vào cuộc sống xã hội Canada. Ý tưởng thì tốt đẹp, nhưng thực hành, quản lý lại có nhiều khiếm khuyết. Khốn khổ thay, hằng trăm ngàn đứa trẻ đáng thương đã bị dứt khỏi vòng tay yêu thương của gia đình, đưa vào trường nội trú như một “trại tập trung cho trẻ mồ côi”; có đứa bị hành hạ về thể xác, tinh thần, và chết vì thiếu ăn, bịnh tật.

Ngôi trường nội trú ở Kamloops, British Columbia, nơi khám phá 215 hài cốt trẻ em da đỏ. Ảnh: The Globe and Mail
Xấu hổ khi nhìn lại lỗi lầm trong chính sách “Phân biệt và Đồng hóa” người dân da đỏ qua hơn 100 năm, chính phủ Canada đã hối hận, nhận sai lầm và bồi thường cho những người còn sống sót. Vấn nạn này là một bi kịch lịch sử vừa đau thương, vừa nhục nhã cho một đất nước được mệnh danh là “Tự Do, Dân Chủ”. Thủ Tướng Canada đương nhiệm Justin Trudeau, vào tháng 5 năm 2021, đã ra lệnh treo cờ rũ toàn quốc để truy điệu những đứa trẻ đã đau khổ, lặng lẽ ra đi trong giai đoạn lịch sử bi thương này. Khám phá ra những nấm mồ của những trẻ nhỏ tội nghiệp đã đánh lên một tiếng chuông vang vọng, tha thiết kêu gọi sự tìm kiếm hài cốt và điều tra về chính sách đồng hóa, diệt chủng đối với người dân bản địa trên toàn Canada.
Có ít nhất 215 hài cốt vừa được khám phá là một trong những nỗi kinh hoàng của lịch sử Canada, trong đó người dân bản địa đã từ từ bị đồng hóa, băng hoại và diệt vong. Trong khoảng hơn một trăm năm đó, những trẻ em da đỏ – Những thế hệ bị đánh cắp – đã không được hưởng một cuộc sống gia đình đầm ấm có cha mẹ, anh chị em, và nhất là những xóm làng vắng tiếng trẻ thơ chơi đùa. Những đứa trẻ bị hụt hẫng, hoảng sợ, cô đơn, lớn lên trong những trường nội trú với những người xa lạ, khác màu da, khác tiếng nói. Nỗi đau khổ, buồn phiền dai dẳng qua bao thế hệ đã khiến họ dễ lâm vào cảnh nghiện ngập rượu, ma túy, và những tệ nạn xã hội.

Thú Bông và Giày – tưởng niệm 215 nạn nhân của Trường nội trú Kamloops, British Columbia – Ảnh: Vancouver Sun.
Có những cuộc chống đối nổ lớn, dân chúng đã tức tối phá đổ bức tượng của John A. MacDonald – vị Thủ Tướng đầu tiên của Canada – ở Hamilton thuộc Ontario. Hơn thế nữa, hai ngôi nhà thờ Thiên Chúa Giáo tọa lạc tại khu dân bản địa đã bị đốt cháy rụi ở Okanagan thuộc British Columbia. Và có những cuộc bạo động, xung đột tiếp diễn khi khám phá thêm hằng ngàn mộ phần và hài cốt của những trẻ thơ vô tội ở những trường nội trú xưa, nằm rải rác khắp Canada. Những biến cố lịch sử này đã khắc ghi nỗi đau thương ngậm ngùi trong lòng người thổ dân da đỏ khi họ bị tước đoạt tự do, nhân quyền, và bị đồng hóa mất cả nền văn hóa dân tộc lẫn tiếng mẹ đẻ. Thật quá đau buồn với một quá khứ đau thương!
William Faulkner đã viết «Quá khứ không bao giờ chết. Nó vẫn luôn tồn tại”. Ôn lại quá khứ chứ không thể nào làm lại hay thay đổi được. Chính phủ Canada đã tìm mọi cách để sửa chữa lỗi lầm và xoa dịu nỗi đau khổ vì bị kỳ thị của dân da màu. Hy vọng sẽ có những biện pháp và luật pháp hữu hiệu để chấm dứt những xung đột trong xã hội. Mong thời gian sẽ làm vơi đi những đau khổ, tỵ hiềm, ganh ghét hay thù hận; người người sẽ tha thứ cho nhau để sống vui vẻ, an lành, hạnh phúc hơn. Vì quá khứ không thể thay đổi được, chúng ta chỉ ôn lại để học hỏi, cải thiện làm cho hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn.

Một phụ nữ da đỏ ngồi bên bậc thang để những đôi giày tưởng niệm 215 trẻ em. Ảnh: Twitter Ben Nelms
GVV