Vũ Hoàng Chương là nhà thơ (còn được gọi là thi bá) có chỗ đứng vững chắc trong nền Văn Học Việt Nam. Nguyễn và bạn hữu học ông và mê thơ ông từ thời trung học. Còn nhớ trước 1954, Nguyễn cùng với Tạ Ký và Dao Ca (Nguyễn Xuân Thâm) những đêm trăng thường ngồi trên Đập Đá bên bờ sông Hương đọc thơ Say và Mây của Vũ Hoàng Chương. Chị họ của Nguyễn là TT Bích Đào thấy cậu em say mê thơ Vũ bèn chép tặng cả tập thơ Mây.

Một thi tài lỗi lạc như Vũ Hoàng Chương mà rồi phải trải qua những cảnh ngộ bi thương vào lúc cuối đời.

Sau đây xin ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Hoàng Chương như một tưởng niệm thi tài của dân tộc.

 NGUYỄN & BẠN HỮU

Mới đây, ngày 11 tháng 2 năm 2023, vài tờ báo và trang mạng trong nước đưa tin: Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Giải Nobel Văn Chương (The Nobel Prize in Literature). Danh sách được Ủy Ban Nobel công bố trong tháng 2, năm 2023, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tác giả tên tuổi được đề cử giải Nobel Văn Chương năm 1972.

Tài liệu văn học ghi: Nhà thơ Vũ Hoàng Chương sinh ngày 1 tháng 4 năm Ất Mão tức ngày 14 tháng 5 năm 1915 tại Nam Ðịnh, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Ðường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ra trong gia đình khoa bảng giàu có, bố làm tri huyện, mẹ buôn gạo tại Bến Thóc, Nam Ðịnh. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Ðịnh. Ông đã được dạy Kinh Thi bằng chữ Nho và Quốc sử diễn ca bằng chữ Nôm trước khi đến trường học chữ Quốc ngữ và các sinh ngữ Tây phương khác. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Ðông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm. Từ năm 1940, ông bắt đầu hoạt động văn nghệ, với tập thơ Say tự xuất bản tại Hà Nội.

Năm 1941, Vũ Hoàng Chương bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó ông trở về Hà Nội lập “Ban kịch Hà Nội” cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát lớn. Cũng năm đó ông gặp Ðinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Ðinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Ðịnh và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Ðến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội dạy toán rồi chuyển sang dạy văn.

Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học ở một số trường Trung học, Ðại học Văn khoa Sài Gòn và sáng tác ở Sài Gòn. Năm 1959 ông đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc” của Việt Nam Cộng Hòa với tập thơ Hoa đăng. Trong năm này ông sang Châu Âu tham dự Hội nghị Thi ca Quốc tế tại Bỉ.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương

Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn bút Á Châu họp tại Bangkok; năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, ông lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire.

Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông còn được vinh danh là “Thi bá” Việt Nam.

Ngày 13 tháng 4 năm 1976, Vũ Hoàng Chương bị Chính quyền Cộng Sản bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.

Thơ Vũ Hoàng Chương được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Ðông phương.

Nguyễn Văn Tuấn trong bài viết “Thực hư những câu thơ sắt máu được cho là của thi sĩ Vũ Hoàng Chương” trên Diễn Ðàn Thế Kỷ đã ghi lại nỗi oan một thời của Vũ Hoàng Chương:

“Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ”. Có khá nhiều bạn tin rằng đó là câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Nhưng sự thật có lẽ không phải vậy, mà chỉ là một sự ‘bịa đặt’ trong một cuốn tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý (tức Trần Bạch Ðằng).

Có lẽ nhiều bạn đã biết thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1915 – 1976), nhưng thiết tưởng vài lời ngắn gọn về ông cũng cần thiết. Ông là một nhà thơ lớn và sáng chói nhứt trên văn đàn miền Nam trước 1975. Ông là người gốc Nam Ðịnh nhưng di cư vào Nam từ năm 1954, từng làm giáo viên (thời đó gọi là ‘giáo sư’) trường Trung học Chu Văn An ở Sài Gòn. Ông có nhiều sáng tác để đời, được giới phê bình văn học đánh giá cao, và từng được xưng tụng là ‘Ngôi sao Bắc Ðẩu’ của thi ca Việt Nam. Sau năm 1975, ông bị bắt đi tù ‘cải tạo’, và qua đời ngày 6/9/1976 tại Sài Gòn.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Gần đây, báo Tuổi Trẻ loan một tin thú vị rằng thi sĩ Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Giải Nobel Văn Chương năm 1972 [1]. Theo Hàn lâm viện Thuỵ Ðiển, người đề cử là “Thang Lang”, rất có thể là Linh mục Thanh Lãng (1924 – 1978), giáo sư thuộc Ðại học Văn Khoa Sài Gòn (trước 1975).

Từ thông tin đó, người ta giới trẻ trong nước, đi tìm hiểu về thi sĩ Vũ Hoàng Chương, mà chắc đa số   họ mới nghe tới lần đầu. Người ta tìm thấy những câu thơ sau đây và cho rằng ông là tác giả viết vào năm 1957:

“Lò phiếu trưng cầu, một hiển linh

Đốt lò hương, gửi mộng bình sinh

Từ nay trăm họ câu an lạc

Đàn khúc đầm Dao, rượu chén Quỳnh!

 

Có một ngày ta trở lại cố đô

Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ

Trên tầng Chí Sĩ bàn tay vẫy

Đại định Thăng Long, một bóng cờ”.

Nhiều người bình luận rằng thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng là người… sắt máu, chẳng kém gì thi sĩ Tố Hữu ngoài Bắc. Lại có người chỉ dựa vào một vài câu trên mà cho rằng thơ văn thời Việt Nam Cộng Hoà cũng máu me lắm chứ chẳng nhân văn gì đâu!

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là: thi sĩ Vũ Hoàng Chương có viết những vần thơ trên không? Ông đã qua đời lâu rồi, nên không thể trả lời. Vậy thì những vần thơ ‘máu me’ trên xuất phát từ đâu, trong bài thơ nào? Ðến đây thì vấn đề trở nên… lộn xộn. Lộn xộn vì mạng xã hội.

Từ bài thơ Lửa từ bi?

Có người viết bài khẳng định rằng những vần thơ trên là trích từ bài thơ Lửa từ bi của Vũ Hoàng Chương. Tôi nghĩ nhận xét này hoàn toàn sai. Bất cứ ai sống trong Nam thuộc thế hệ tôi đều biết Lửa từ bi là bài thơ nổi tiếng ông viết khi nghe tin Hoà thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu; bài thơ đó không có những câu thơ như trích dẫn trên. Thật khó tưởng tượng có người bịa đặt một cách trắng trợn như thế!

Từ tập thơ Hoa đăng’

Hoa đăng là tập thơ nổi tiếng của Vũ Hoàng Chương, được xuất bản vào năm 1959. Có người tỏ vẻ biết chuyện văn chương khẳng định rằng những câu thơ sắt máu trên là trích từ tập thơ Hoa đăng.

Chuyện kể rằng thi sĩ Chế Lan Viên (lúc đó ở ngoài Bắc) sau khi đọc tập thơ Hoa đăng đã viết bài ‘chửi’ Vũ Hoàng Chương rất nặng nề. Bài chỉ trích của Chế Lan Viên đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 4/1960, trang 34-41. Trong bài viết đó, Chế Lan Viên có trích ba câu thơ từ bài thơ Từ đây trong tập thơ Hoa đăng (Lá phiếu Trưng-cầu một hiển linh / Xé tan bạo lực dưới muôn hình / Từ đây nước Việt, Dân làm Chủ) và lên án Vũ Hoàng Chương rất nặng [2]. (Sau này thì chính ông Chế Lan Viên ân hận về những gì ông chỉ trích người khác).

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Tuy nhiên, trong bài chỉ trích đó, hoàn toàn không có những câu thơ sắt máu trên.

Sự thật là Vũ Hoàng Chương viết trong bài Từ đây [3] có những câu sau đây:

Lá phiếu Trưng-cầu một hiển linh

Xé tan bạo lực dưới muôn hình

Từ đây nước Việt, Dân làm Chủ

Ôi nhạc nào say khúc tái sinh!

Nguyễn Văn Tuấn viết: Như vậy, trong Hoa đăng không có những câu thơ sắt máu như Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ.

Thật ra, những câu thơ máu me mà các bạn trong cõi mạng lan truyền là… ‘phịa’. Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Ván bài lật ngửa, tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý (tức Trần Bạch Ðằng) đã sáng tác ra những câu đó và đặt vào miệng của Vũ Hoàng Chương [4]. Trần Bạch Ðằng mô tả buổi sáng của “Ðại Hội Văn Hóa Toàn Quốc” (được tường thuật là diễn ra từ ngày 6/1 đến 15/1/1957), và viết như là tường thuật rằng Vũ Hoàng Chương đã đọc những câu sau đây trong Ðại hội (sẽ nói thêm dưới đây):

“Tôi làm bài này để cảm tác thời cuộc nhân có việc trưng cầu dân ý suy tôn Ngô chí sĩ…

(Nhà thơ đằng hắng lấy giọng)

phiếu trưng cầu, một hiển linh.

Đốt lò hương gửi mộng bình sinh

Từ nay trăm họ câu an lạc

Đàn khúc đầm Dao, rượu chén Quỳnh

 

một ngày ta trở lại Cố Đô

Lưỡi lê no máu rửa Tây H

Trên tầng chí sĩ bàn tay vẫy

Đại định Thăng Long, một bóng cờ…”

Ðến đây thì các bạn đã biết rõ rằng những ‘vần thơ máu me’ mà người ta trích dẫn trên mạng và gán cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương là từ ông Trần Bạch Ðằng, một cán bộ tuyên huấn hay cũng có thể xem là một nhà báo.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận: Vũ Hoàng Chương là một thi tài lỗi lạc, đã có những đóng góp lớn lao cho văn học VN. Thương thay, nhà thơ của chúng ta đã phải chịu những khổ lụy dưới bàn tay của một chế độ sắt máu sau 1975. Xin gởi những lời này vào ánh sáng văn học tưởng niệm người.

NGUYỄN & BẠN HỮU  (Tổng hợp)