Mới đây, nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh loan tin trên Facebook:

Nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn vừa phải nhập viện với nghi vấn xuất huyết não, do lúc sức khỏe suy yếu, bị té. Tình trạng được coi là nguy hiểm. Gia đình đã chuyển từ bệnh viện ở Bảo Lộc qua Ðà Lạt. Xin thông báo cho quý thân hữu văn nghệ gần xa được hay.

Ðược biết lâu nay nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn cũng suy yếu về mặt thể chất, gần như không tiếp xúc với bên ngoài.

Nhà văn / Bác sĩ Ðỗ Hồng Ngọc hồi cuối năm 2018 có đến tận Phương Bối thăm Sơn và đã ghi lại như sau: “Nguyễn Quang Chơn từ Ðà Nẵng phone bảo anh Ngọc nhớ đi thăm anh Sơn Núi, nghe nói ảnh bệnh nặng lắm. Nguyễn Ðức Vân, tu sĩ, con lớn của nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn (Sơn Núi) nói “Ba con bị tai biến liệt nửa người 3 năm nay, nói năng rất khó…, trí nhớ lúc tốt lúc không, đang nằm tại nhà.” Và Vân đã đưa Ðỗ Hồng Ngọc đến thăm Nguyễn Ðức Sơn. Trong bức ảnh chụp hồi ấy, thấy Sơn nằm bất động.

Và bây giờ thì đang nằm trong bệnh viện Ðà Lạt. Tình trạng rất xấu và anh em chỉ còn biết cầu nguyện cho Sơn.

Trước tình hình này nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ:

Thơ cho một thi sĩ sắp từ giã!

Lẽ nào thi sĩ đành bỏ cuộc chơi

Như một thuở nào bỏ ngang phố thị

Vô rừng dựng am, mặc kệ thị phi

Thênh thang một cõi, hồn thơ chơi vơi

‘Em chưa đái mà hồn anh đã ướt

(Thơ N.Đức Sơn)

Thi sĩ chưa đi, đã ngại tiễn đưa

Quái kiệt Thơ nên tim người ướt rượt

Thì nán lại vì cuộc chơi còn dài…

Riêng Nguyễn & Bạn hữu cũng không biết làm gì hơn là cảo thơm lần giở trước đèn ôn lại những trang đời của Nguyễn Ðức Sơn như một tưởng nhớ gởi bạn.

Xin mời đọc.

Sơn Núi là biệt danh của Nguyễn Ðức Sơn. Còn Phương Bối? Phương là thơm, là quý, Bối là lá bối đa, một thứ palmier lá dài. Ngày xưa chưa có giấy người ta viết kinh trên thứ lá ấy.

Nguyễn Ðức Sơn sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận. Là nhà thơ quê gốc làng Thanh Lương, huyện Hương Trà,Thừa Thiên Huế. Ông bắt đầu công việc viết lách của mình với bút hiệu Sao Trên Rừng. Là người có cá tính đặc biệt  từng theo học tại Ðại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học. Trong lý lịch ghi ở tập thơ Những Bài Tình Ðầu, ông viết: “Sống vô gia cư, chết vô địa táng…” và tuyên bố: “Nếu trường Ðại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu.” Ông ở nhiều nơi: Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương-Thủ Dầu Một, Blao-Lâm Ðồng và sinh sống bằng nghề dạy học. Năm 1979, Ông cùng gia đình mình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Ðồng để… sống một cuộc sống thanh tịnh. Nguyễn Ðức Sơn nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi. Ông được cho là một trong ba kỳ nhân của văn học Việt Nam – bên cạnh Bùi Giáng và Phạm Công Thiện.

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Ðức Sơn: Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm 1968), Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm 1971) và tập Ngồi Ðợi Ngoài Hành Lang chưa in. Thơ: Bọt Nước (Mặt Ðất 1966), Hoa Cô Ðộc (Mặt Ðất 1965), Lời ru (Mặt Ðất 1966), Ðêm Nguyệt Ðộng (An Tiêm 1967), Mộng Du Trên Ðỉnh Mùa Xuân (An Tiêm 1972), hai tập cuối cùng là Tịnh Khẩu (An Tiêm 1973) và Du Sỹ Ca (An Tiêm 1973).

Nhà thơ Nguyễn Ðạt hiện ở trong nước viết về Nguyễn Ðức Sơn như sau:

“Trước 30 tháng 4, 1975, và bây giờ hẳn cũng vậy, rất nhiều người đã xem Bùi Giáng – Phạm Công Thiện – Nguyễn Ðức Sơn là ba “kỳ nhân văn nghệ”; ba con người văn nghệ độc đáo, đặc dị, và lừng danh trong văn hoá – văn nghệ của Miền Nam tự do. Ở thị xã Bảo Lộc – tỉnh Lâm Ðồng, người ta gọi Nguyễn Ðức Sơn là “Người trồng thông quái dị”. Chúng tôi là bạn thân thiết với Nguyễn Ðức Sơn từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Cuối thập niên 70, rời chùa Tây Tạng ở thị xã Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương, Nguyễn Ðức Sơn đưa gia đình lên cư ngụ trên trái đồi có Phương Bối Am của Thượng toạ Nhất Hạnh, hoang phế từ nhiều năm. Là người cầm bút, lại chỉ để sáng tác thơ, từ lúc ở Thủ Dầu Một, Nguyễn Ðức Sơn chỉ biết mưu sinh bằng cách dạy kèm ngoại ngữ. Phượng, người bạn đời của nhà thơ, lúc đó sống nương nhờ dưới mái chùa Tây Tạng; Phượng là cháu vị sư trụ trì chùa này; ngôi chùa được xây dựng theo phong cách chùa chiền ở Tây Tạng.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

“Cuộc sống của Nguyễn Ðức Sơn trên trái đồi nằm cuối dãy núi Ðại Lào hẳn nhiên là cuộc sống của người làm rừng làm rẫy, bám vào cỏ cây nương rẫy mà sống. Chúng tôi từng chứng kiến, Nguyễn Ðức Sơn đẩy chiếc xe đạp cọc cạch, thồ đống củi cao hơn thân mình, từ đồi rừng ra chợ cách xa gần mười cây số để bán. Chỉ có cách kiếm sống như vậy, cho một gia đình đông con; làm sao Nguyễn Ðức Sơn, với vợ yếu và đàn con thơ dại, không nhếch nhác tơi tả?

“Từng gần gũi Nguyễn Ðức Sơn nhiều ngày tháng, chúng tôi hiểu rõ nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn không hề có dã tâm của loài thú, để tạo nên cuộc sống như Thái Ngọc San đã ghi nhận; đó chỉ là một cuộc sống cực-chẳng-đã phải như vậy mà thôi, muốn khác đi cũng không được. Nguyễn Ðức Sơn không biết làm gì khác để thay đổi cuộc sống như bầy-thú-hoang-dã; ông lại càng không thể tính toán, bon chen, giành giựt với nhân thế. Trên trái đồi rộng bốn – năm héc-ta, ông không biết và cũng không ưa trồng loại cây nào cho có lợi nhuận, ngoài cây thông mà ông yêu thích. Cũng vì Nguyễn Ðức Sơn chăm chút, nuôi trồng thông từ mấy chục năm nay, trái đồi mang tên Phương Bối ở thôn Ðại Lào – xã Lộc Châu, bây giờ gần như là nơi duy nhất để ngàn thông còn tồn tại trên Cao nguyên hoang sơ Bảo Lộc.”

Cũng theo Nguyễn Ðạt, Nguyễn Ðức Sơn yêu cỏ cây, chim chóc từng bảo vệ tới cùng một tổ chim trên cây rừng Phương Bối bị đám người có hung khí tới phá phách. Lần đó Nguyễn Ðức Sơn bị đám người này dùng dao đâm ông, chỉ nửa phân nữa là trúng con mắt. Dân cư quanh vùng biết Nguyễn Ðức Sơn lúc nào cũng ưa đọc sách, nhưng thấy ông không cho các con ông đi học; biết ông, nửa đêm lạnh giá, xách đèn pin đi khắp đồi thông; nghe tiếng ông la hét… Từ đó người ta phao tin ông đánh đập tra tấn vợ con.  Nguyễn Ðạt cực lực bác bỏ điều này: “Ðây là một ngộ nhận đáng sợ đối với bất cứ người nào; huống hồ người đó lại là một nhà thơ.”

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Nhà văn Ban Mai nhận xét: “Tính ông ngông cuồng, nói chuyện chửi bới, văng tục một cách tự nhiên trước mọi người, không kể bất cứ ai, còn thích làm trò khỉ, banh mồm, nhăn răng, trợn mắt. Ông sống riêng một mình trong một tịnh thất nhỏ làm bằng gỗ, chưa có bất cứ người nào bước chân vào, vì ông đái chung quanh góc nhà nói là để diệt mối. Những chi tiết này, làm tôi nhớ đến những dị nhân sống trong các tịnh cốc kiếm hiệp Kim Dung. Thực hư cuộc đời của ông ra sao tôi không biết, nhưng với riêng tôi, người có tâm hồn nâng niu từng bước chân con đi, dõi theo từng bước con tập lật phải là người có tình cảm sâu lắng, tuy bên ngoài bao giờ ông cũng hành xử trái ngược với lòng mình, tâm hồn ông là một trời mâu thuẫn, hãy xem ông nhìn con tập lật:

Nắm tay lật úp đi con

Co thân tròn trịa như hòn đá lăn

Muốn cho đời sống không cằn

Tập cho quen mất thăng bằng từ đây

(Nhìn con tập lật)

Xem cha đốt cỏ ngoài rừng

Nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con

Có vài chiếc lá còn non

Gió xua lửa khói nổ giòn trên không

Nắng tà trải xuống mênh mông

Bước theo chân mẹ cha bồng hư vô

(Đốt cỏ ngoài rừng)

Chân dung của Nguyễn Ðức Sơn, qua phác họa của những cây viết bạn bè là như thế. Một nhân dáng đặc biệt, quái dị, như trăng qua miền động đất, thơ hay… – thuộc loại poète maudit? Chúng ta ca ngợi  Sơn và cầu nguyện…

NGUYỄN & BẠN HỮU