Họa sĩ Rừng đã từ trần, theo tin từ họa sĩ Nguyễn Ðình Thuần, dẫn lời thông báo từ Nguyễn Nam Quan, thứ nam của Họa sĩ Rừng. Ðược biết, Họa sĩ Rừng (1941-2022) — khi viết truyện ký bút hiệu là Kinh Dương Vương, khi làm thơ ký bút hiệu Dung Nham. Ông đã bị đột quỵ vào tháng 1/2022 và qua đời ngày 8 tháng 6 vừa qua.

Họa sĩ Rừng, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh ngày 14.03.1941 tại Nam Vang, Cam Bốt, nhưng khi 5 tuổi đã theo gia đình về Việt Nam. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1963), họa sĩ Rừng là thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam từ những năm trước 1975. Sang định cư ở Mỹ năm 1994, đến nay ông đã có nhiều cuộc triển lãm ở nhiều nước trên thế giới. Lúc đầu cư ngụ ở Oregon, sau về Los Angeles, California, và rồi thỉnh thoảng vẫn về Việt Nam.

Hội Họa: Về hội họa của Rừng nhiều nhà đưa ra nhận xét.

Họa sĩ Rừng đã qua nhiều thời kỳ thử nghiệm với nhiều phong cách vẽ khác nhau, nhưng nét chung trong tất cả các kỳ triển lãm vẫn là những khám phá mạnh mẽ, màu sắc có khi gân guốc, có khi dịu dàng. Ðề tài của họa sĩ Rừng đa dạng, có khi trừu tượng với những khuôn màu chủ yếu là đỏ, nâu và đen… có khi vẽ với khuynh hướng triết lý Ðông phương trong chủ đề Bát quái Ðạo sĩ với các hình kỷ hà đen, đỏ, trắng… có khi lãng mạn với hình ảnh phụ nữ trong bộ trang phục thiên nhiên đứng giữa đất trời với các khuôn màu chủ yếu là xanh lá cây và xanh da trời.

Xem thêm:   Rừng-Kinh Dương Vương. qua tranh và văn

Nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy từng nói: “Với họa sĩ Rừng, một thời kỳ dài trước năm 1975, luôn luôn đập vào mắt người xem những hình ảnh dữ dội, đẩy ta trở lại đối mặt với những gốc rễ nền tảng nguyên thủy. Những gốc rễ ăn sâu vào trái đất của nhục dục mà đâm chồi, nẩy nụ những cành lá xanh tươi siêu hình.

Rừng thích Salvador Dalí và Marc Chagall; nghệ thuật của anh có nhiều tính cách thơ mộng và quái dị mà anh đã nghiệm ra từ hai bậc thầy này, dĩ nhiên đã tinh lọc hoàn toàn qua cách nhìn của một nghệ sĩ Việt Nam” (trong chuyên luận Hai mươi năm hội họa miền Nam (1954 – 1975)).

Rừng.Kinh Dương Vương  

Văn chương: Ngoài ra, họa sĩ Rừng còn nổi tiếng về văn tài.

Trong một cuộc triển lãm tranh tại Quận Cam vào tháng 3/2011, Họa sĩ Hồ Thành Ðức trả lời câu hỏi của phóng viên Phan Tấn Hải rằng ông học chung Ðại Học Mỹ Thuật Huế với Họa Sĩ Rừng, ngay năm đầu được học văn từ Giáo Sư Lê Hữu Mục, và Họa Sĩ Rừng đã hiển lộ văn tàì ngay từ năm thứ nhất, được GS Mục khen ngợi… lúc đó, “Thầy Lê Hữu Mục xin phép 2 đứa tôi (Hồ Thành Ðức và Rừng) lấy 2 bài văn tụi tôi đưa qua trường Sư Phạm Huế làm bài luận mẫu. Phải khen bạn ta làm việc liên tục, suốt đời vẽ tranh, làm thơ, viết truyện không ngừng, đầy tính nghệ thuật trong cả sáng tạo và đời sống… Ðời sống với Rừng là sáng tác, luôn luôn khám phá, không giống ai và cũng không ai giống Rừng…

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

Phóng viên Phạm Ðiền của đài RFA năm 2005 đã từng ghi nhận về họa sĩ Rừng như sau:

“Không những đam mê vẽ, ông còn là một người yêu văn chương, viết văn duới bút hiệu là Kinh Dương Vương, làm thơ dưới tên là Dung Nham. Dường như ông thu hẹp sân chơi của mình trong ngành nghệ thuật, dù bút lông hay bút mực. Chẳng lạ gì, ông có rất đông bạn trong giới làm văn làm thơ.

Tác Phẩm: Trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng của Họa sĩ Rừng (viết truyện với bút hiệu Kinh Dương Vương, làm thơ bút hiệu Dung Nham), có 2 tác phẩm ấn hành gần đây:

– Dung Nham Thơ Toàn Tập.

– Kinh Dương Vương Văn Xuôi Toàn Tập.

Và 3 tác phẩm ấn hành từ nhiều năm trước:

– truyện dài Mắt Trời Mù

– sách hội họa Trên Tầng Thanh Khí

– tập truyện ngắn Những Chiếc Mặt Nạ Cười.

Những chiếc mặt nạ cười

Riêng về những truyện ngắn trong “Những chiếc mặt nạ cười” của Kinh Dương Vương, Nguyễn Mộng Giác nhận xét:

Trong những truyện ngắn đọc được trên Bách Khoa, Văn…của những bạn trẻ cùng thời, tôi thích những truyện của Kinh Dương Vương. Truyện nào của anh cũng “nặng” chất hiện thực. Hình như anh muốn dồn hết vào truyện tất cả tai ương của những người khốn cùng, những kẻ bất hạnh. Anh không hề muốn điểm xuyết chút thơ mộng nào vào thảm kịch của dân tộc để làm nhẹ gánh ưu tư như lối viết của Hoàng Ngọc Tuấn, Ngụy Ngữ, Mường Mán. Anh cũng không muốn pha cái «tráng» vào cái «bi» để thành những truyện bi tráng như lối viết của Nguyên Vũ, Thế Uyên, Phan Nhật Nam. Thảm kịch trong truyện Kinh Dương Vương là thảm kịch nguyên khối, bề bộn, giống như một bức tranh dã thú đắp bằng chính máu lệ thịt xương của nạn nhân chiến tranh. Ðọc truyện của anh, tôi có cảm giác gây gây tê dại như nghe tiếng chát chúa lê thê của hai thanh kim khí cọ vào nhau, hoặc chứng kiến một tai nạn xe cộ thảm khốc ngay trước mắt mình.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Họa sĩ Ðinh Cường, bạn lâu năm của Rừng Kinh Dương Vương, làm thơ tặng ông:

Khanh với tôi là bạn mày tao

như Mai Thảo và Ngọc Dũng là bạn mày tao

nhớ lại thời ở Huế những năm đầu sáu mươi

hay lang thang cùng nhau vào cà phê Dung

thời Ngô Kha làm tập thơ Hoa Cô Độc

Rừng vẽ bìa, một tập thơ lạ, cái bìa cũng lạ thời đó

dưới những bức tranh ký tên Rừng rất ngộ

có hoa xương rồng có chim phượng hoàng

autoportrait Rừng ngậm ống vố xem cũng đã

như sau này đọc truyện Kinh Dương Vương

tôi nhớ hoài lời văn khô khốc dồn nén trong Bí Đái

hay Những Chiếc Mặt Nạ Cười đăng trên Bách Khoa,

trên Văn, sau này Đường Kiến có người bạn trẻ

ở Hà Nội làm thành phim rất giống mà Rừng thây kệ

Trẻ em nghèo – Sơn dầu trên giấy 1991

đúng rồi cho vui thôi, bạn làm thơ ký Dung Nham

những vần thơ đầy tình yêu cây cỏ mây nước

như mạch nước ngầm, như nguồn nước ẩn

như Đỗ Long Vân viết nguồn nước ẩn

của Hồ Xuân Hương viết Vô-Kỵ giữa chúng ta

Rừng đã về với đại ngàn. Kinh Dương Vương đã về trong mây trắng. Xin bạn ngủ yên.

N&BH