Ông là Ông Gió, tham gia hoạt động báo chí từ thời Ngày Nay, viết tiểu thuyết nổi tiếng Khói Sóng, là nhân vật huyền thoại của một thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Nguyễn biết tới Như Phong từ những năm còn ngồi ghế Trung Học và bắt đầu mê thích văn chương. Một trong những tờ báo mà hồi đó mình đã đọc từ tin tức thời sự tới cái quảng cáo rao vặt, là tờ Tự Do của Phạm Việt Tuyền. Cũng từ tờ Tự Do mình biết tới nhiều tên tuổi trong làng văn: Đinh Hùng tức Thần Đăng, Hi Di Bùi Xuân Uyên, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hà Thượng Nhân và Như Phong. Ôi một thời say mê tiểu thuyết feuilleton Luyện Máu của Hi Di Bùi Xuân Uyên, Tị Bái của Nguyễn Hoạt, Khói Sóng của Như Phong. Đặc biệt cái tên Như Phong đi theo mình từ hồi đó. Tới khi nằm trong Thành Đá Xanh trại tù ở Thanh Chương Nghệ Tĩnh với Hà Thượng Nhân càng rõ thêm về nhân vật văn chương và huyền thoại Như Phong.

Theo lời ông Hà kể, Như Phong là một nhân vật kỳ lạ. “Không hiểu sao nó giỏi thế, nghe nói học tình báo ở Okinawa kia đấy.” Lời ông Hà. “Ngồi một chỗ mà biết hết chuyện thiên hạ – từ chuyện Cộng Sản tới chuyện quốc gia và chính trường thời bấy giờ. Hồi nó ở trên căn gác nhà bà Hoàng Đạo trên đường Phan Thanh Giản, các chính khách nườm nượp đến xin gặp và xin hiến kế. Đúng hắn là mưu sĩ thời nay.”

Vậy Như Phong từ đâu đến? Đọc tiểu sử của ông thấy ghi: Sinh năm 1923 tại Bắc Việt. Từ 1945, Như Phong làm tuần báo Ngày Nay Bộ Mới ở Hà Nội. Năm 1954, di cư vào Nam, ban đầu làm cho Việt Tấn Xã, sau đó từ 1955 sang làm nhật báo Tự Do xuyên suốt cả hai thời kỳ cho tới 1963 khi Tự Do bị đóng cửa. Trường thiên tiểu thuyết Khói Sóng của Như Phong đọc rất hấp dẫn. Hồi đó Nguyễn đọc không bỏ sót kỳ báo nào. Ông viết ghi lại thời trẻ đi theo chân các bậc đàn anh Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm cách mạng, chống cộng ở các chiến khu Vĩnh Yên, Việt Trì. Theo kể lại Như Phong đã đốt tập bản thảo “Khói Sóng” sau 1975 trước khi bị bắt đi tù Cộng Sản. Cho tới cuối đời Như Phong vẫn nhắc lại cuốn tiểu thuyết đó với các bạn trẻ và lấy làm tiếc là đã mất nó.

Như Phong Lê Văn Tiến 

Theo Ngô Thế Vinh trong bài viết “Như Phong chân dung văn học: Từ Tự Do tới Khói Sóng” thì      ngoài báo chí Việt ngữ, Như Phong còn là cộng tác viên của The China Quarterly, London (1964-1972); các bài viết của ông về giới Trí Thức Miền Bắc, về Phong trào Nhân văn Giai phẩm đã tạo nên tên tuổi ông trên diễn đàn báo chí quốc tế. GS Patrick J. Honey, Giám đốc Ban Việt ngữ BBC luôn là bạn đồng hành của Như Phong trong nhiều thập niên và cũng là người dịch sang tiếng Anh các bài viết của Như Phong. Sang tới Mỹ, Như Phong còn tham gia viết bài cho The Asian Wall Street Journal, Hong Kong (1994-1996).

Xem thêm:   Vũ Khắc Khoan & Thần Tháp Rùa

Sau 1975, Như Phong nhất định không ra đi mặc dù được cung cấp phương tiện. Theo suy đoán, ông ở lại để có thêm nhiều kinh nghiệm về Cộng Sản và đóng cho trọn vai trò kẻ sĩ thời đại của mình. Thái độ trong tù của Như Phong khiến nhiều bạn bè khâm phục. Đinh Quang Anh Thái và Trần Dạ Từ đều ca ngợi. Ông từng tuyệt thực nhiều ngày nói là để cầu cho “quốc thái dân an”. Sau gần 14 năm tù đày, cuối cùng Như Phong được thả. Ra khỏi tù, ông về sống trong một mái lều cỏ ở Hóc Môn. Năm 1994, Như Phong sang Mỹ và năm 1997, làm cố vấn biên tập cho Đài Á Châu Tự Do / Radio Free Asia. Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 2001 tại Virginia, thọ 78 tuổi.

Con người và cuộc đời Như Phong có nhiều nét hấp dẫn. Ông biết nhiều về Cộng Sản và am hiểu về thời cuộc, từng làm mưu sĩ giúp nhiều chính khách nhưng nhất định không nhận bất cứ chức vụ nào trong bộ máy cầm quyền. Ông cũng là người có cá tính độc lập, từng dựng lên nhiều kịch bản chính trị nhưng nhất định không tham khảo ý kiến của người Mỹ. Ông đúng là một huyền thoại sống về văn học và chính trị. Và ông cũng là một loại người đi trên mây. Ngay từ hồi ở trong nước, trong đầu óc ông đã hình thành một dự án về Truyền Thông. Theo ông nghĩ chỉ có sức mạnh của Truyền Thông mới làm cho Cộng Sản sụp đổ. Và theo Ngô Thế Vinh, mới tới Mỹ, Như Phong đã có sẵn trong đầu dự án Truyền Thông Báo Chí cho Việt Nam mang tầm vóc toàn cầu. Như Phong không chỉ nói tới mà còn say sưa viết về dự án ấy. Ông mơ ước sẽ trở thành một « mogul / tài phiệt» trong ngành truyền thông tại Việt Nam với trong tay một hệ thống báo chí, truyền thanh, truyền hình… rộng khắp lãnh thổ. Theo ông nếu trước 75 đã có con tàu Hope ghé cảng Sài Gòn như một Bệnh viện nổi, thì nay tại sao không có một con tàu Truyền Thông, của cộng đồng Việt Nam hải ngoại sẵn sàng cập bến Sài Gòn, như một tòa báo nổi với cả đài phát thanh, truyền hình. Dự án Truyền Thông ấy sẽ như một đáp ứng kịp thời cho một Việt Nam đổi mới sau Cộng sản. Trên con tàu ấy, có toà soạn nhà in để có thể ra báo, có hệ thống đài phát thanh và truyền hình phủ sóng trên toàn lãnh thổ, tạo một mạng lưới kết nối local-global-connect với trong nước và những cộng đồng di dân Việt Nam trên khắp thế giới.

Như Phong ra tù, về sống ẩn dật ở trong một ngôi nhà lá mái gồi ở Hóc Môn. nguồn: tư liệu Đinh Quang Anh Thái

Thật là ngây thơ. Ngoài ra, ông thích gần với giới trẻ và được họ ngưỡng mộ. Lê Nguyên Phương, con trai của Huy Phương, đặc biệt yêu quý Như Phong. Qua lời Lê Nguyên Phương kể với Nguyễn, ông là người đặc biệt mê lan như Nhất Linh thời ở suối Đa Mê trên Đà Lạt. Hồi ra tù ở Hóc Môn, ông ngày ngày tưới nước chăm sóc lan, và sang tới Mỹ trong phòng trọ của ông cũng có mấy chậu hoa lan. Ông mê văn chương nghệ thuật vậy mà chính tay ông phải đốt tiểu thuyết Khói Sóng khi Cộng Sản vào. Với Như Phong “nhạc là để nghe và thơ là để đọc”. Nguyễn thích câu nói giản dị này, nhất là về thơ. Ngưỡng mộ Như Phong nhưng bản thân chỉ được gặp ông một lần. Chỉ một lần thôi nhưng bóng dáng Như Phong đã in đậm trong tâm thức tới bây giờ. Đó là vào năm 2000 khi Nguyễn in xong tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa và được anh em Đài RFA tổ chức giới thiệu ở DC. Trong bữa tiệc khoản đãi do Lê Tống Mộng Hoa vợ Lê Khắc Huyền tổ chức tại nhà ở Annandale có Nguyễn Minh Diễm và Đặng Ngọc Ấn (than ôi cả hai bạn nay đã về cõi không màu) cùng đông bạn bè tham dự. Tối hôm ấy, Như Phong cùng con gái nuôi là Ánh Chân đến khiến Nguyễn vui và mừng hết sức. Dáng ông vẫn đẹp, cao, thon gầy với mái tóc bạc trắng, nụ cười cởi mở. Nhận được sách Nguyễn ký tặng, ông lật xem. Nghĩ tới Hữu Loan bạn của Hà Thượng Nhân, Nguyễn hỏi ông có quen với tác giả Đèo Cả không. Ông chỉ vào sách chỗ có bài Kẻ Sĩ Nga Sơn và nói “Đây, đây!” Trong lúc nói chuyện văn chương, ông cũng đồng ý với Nguyễn rằng Nguyễn Du xứng đáng với danh gọi Thi Hào Dân Tộc: văn Truyện Kiều đã đi vào ngôn ngữ nhân gian. Đó là lần gặp duy nhất. Chỉ một năm sau, Như Phong qua đời. Ông cũng như Mai Thảo, suốt đời độc thân.

Xem thêm:   Đọc ‘Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương’ của Cù Mai Công

Ôi, một kẻ sĩ dấn thân đầy tính chất huyền thoại và lãng mạn. Lãng mạn cho tới cuối đời. Như Nguyễn Tường Giang có lần hỏi ông bây giờ cho cậu ước mơ cậu sẽ ước mơ gì: “Tôi chỉ muốn được nằm xoải tay trên thảo nguyên nhìn lên trời xanh và nghe tiếng sáo diều đưa tôi vào giấc ngủ.”

Chúc ông giấc ngủ bình an.

N&BH – Tổng hợp