Về Những Giọt Mực, tác phẩm xuất bản năm 1968 này đã được đón nhận nồng nhiệt. Đây là một tuyển tập gồm 11 truyện ngắn, lời văn dễ thương, dí dỏm, tinh nghịch, sâu sắc, kể về cuộc đời và tâm tình của những đồ vật quen thuộc trong nhà. Ta đọc thấy: “Tình Bạn Của Đôi Guốc, Trung Thu Của Bác Đèn Xếp, Diều Giấy Mắc Nạn, Tờ Lịch Đầu Tháng, Những Giọt Mực, Tâm Sự Bác Đinh Già, Những Mũi Tên Trưởng Thành, Một Chút Anh Hùng, Ô Đen Đi Du Lịch, Cơn Giận Của Bác Đồng Hồ, Lão Dao Sắc.”

Sau đây mời các bạn đọc một truyện trong Những Giọt Mực của Lê Tất Điều: Trung Thu Của Bác Đèn Xếp. NGUYỄN & BẠN HỮU

Đêm thật khuya, buổi sinh hoạt của đồ vật trong phòng bắt đầu như thường lệ. Bao giờ họ cũng tán gẫu với nhau về chuyện xảy ra ban ngày, hoặc về chú bé chủ nhân của một vài vật. Chị Tranh trên tường hồi này ít nói. Trước kia chẳng ngày nào chị ta quên khoe sắc đẹp của mình và nhắc đến những đôi mắt đã chiêm ngưỡng chị.

Ông Bàn lên tiếng trước nhất. Ông càu nhàu về vụ hôm nay chú bé lại làm đổ mực lên mặt ông. Ông già rồi mặt mũi nứt nẻ cả, giờ lại loang lổ mực xanh, mực tím thật dơ bẩn. Ông cảm thấy xấu hổ, mất mặt với bà con quá. Cái bệnh mọt ăn trong xương, trong mình ông vào mùa này lại thêm nặng. Hết cằn nhằn ông xoay qua kêu rên, rồi ông gây sự với chú Ngăn Kéo:

– Đã nằm nhờ trong bụng người ta, còn rinh về đủ thứ, nặng muốn chết.

Thực ra, lỗi không phải ở chú Ngăn Kéo. Cậu bé có món đồ chơi gì cũng tống vào lòng chú. Nhưng Ngăn Kéo không cãi. Ông Bàn già rồi, “kính lão đắc thọ”. Ở với nhau lâu, chú biết tính ông. Ông hay cằn nhằn nhưng tốt bụng.
Anh Ghế cũng lên tiếng phụ họa với ông Bàn. Anh than phiền về vụ chú bé hồi này hay nghịch, thường đứng trên mình anh mà nhảy nhót hoài.
Anh Diều giấy suốt cả buổi chiều bay lượn mệt nhọc giờ này nằm ở gầm tủ ngủ bù.

Nếu không, chắc anh đang ba hoa thuyết trình về tổ tiên của anh. Ôi! Thời đại của những ông Diều khổng lồ có sáo để ca hát vi vu giữa lưng trời. Anh thương nhớ thời đại đó biết bao! Tổ tiên của anh cũng chả bao giờ phải đeo một cái đuôi dài lằng nhằng như cái đuôi của anh bây giờ. Thân thể của các ngài rất cường tráng cân đối. Ít khi gió làm các ngài phải đảo nhiều vòng. Cần gì có đuôi để giữ thăng bằng.

Ảnh: Nhà văn Lê Tất Điều và tác phẩm

Trầm lặng nhất là ông già Cung tên, ông mang dòng máu hiệp sĩ quý phái, lúc nào cũng kín đáo với lớp áo màu đen phơn phớt bụi phong trần.
Thỉnh thoảng, ông kể lại một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Các đồ vật trong phòng tưởng chừng nghe tiếng quân reo, ngựa hí và thấy ông Cung tên, nằm gọn trong tay một Dũng tướng, đang tả xung hữu đột giữa trận tiền. Đêm nay, ông không nói, chắc ông đang thương nhớ một điều gì. Hay ông lắng nghe tiếng bọn guốc dép kể các cuộc du lịch của chúng và lòng thầm khinh bỉ. Bọn giầy dép được đi xa, biết nhiều, nói dóc nghe còn thương được. Lũ guốc chỉ quanh quẩn ở xó nhà, cũng góp lời, thật nản.

Xem thêm:   Rừng-Kinh Dương Vương. qua tranh và văn

Như thế, đêm sẽ trôi qua một cách bình thường cho tới lúc bình minh đến, nếu đột nhiên dưới gầm tủ không vang lên tiếng kêu thảm thiết:

– Trời ơi! Cứu tôi! Cứu tôi!

Đó là tiếng kêu của cụ Sách.

Mọi vật nhốn nháo hỏi:

– Chuyện gì đó cụ?
– Cụ mơ ngủ hả?

Cụ Sách hổn hển:

– Tôi đang mơ màng thì bị cắn vào gáy một cái đau điếng!
– Cái gì cắn?
– Không biết. Chắc là một con quái vật.

Ông Tủ có vẻ ngạc nhiên:

– Này cụ Sách, sao cụ lại nằm dưới đó? Tôi tưởng cụ phải nằm trong lòng tôi chứ. Lúc nào tôi cũng chả dành cho cụ một chỗ nằm mát mẻ rộng rãi.
Cụ Sách vừa xuýt xoa kêu đau, vừa than thở:

– Ấy, tại cậu chủ vứt tôi ra đây đấy. Hồi này cậu ấy bừa bãi quá, chả coi công dạy dỗ của tôi ra gì hết.
Chưa nói xong câu, cụ lại kêu rú lên. Ông già Cung tên, vốn có máu hiệp sĩ trong người ra lệnh lập tức:

– Phải có ánh sáng.

Mọi vật đều hướng về phía Đèn Ống chờ đợi. Nhưng cái tên này đang ngủ say sưa. Bây giờ chỉ có ông chủ nhà đánh thức hắn mới dậy, và khi dậy hắn kêu lách tách mấy tiếng càu nhàu, nhập nhoạng ngái ngủ mấy cái. Hắn làm việc có giờ và cư xử một cách hết sức máy móc. Khi hắn mới được đưa về đây, ông Đèn Cầy vừa trông thấy đã than:

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

– Thôi thế là máy móc đã bắt đầu ngự trị, đè bẹp loài đèn cầy rồi.

Và ông lui về một góc bàn thờ, chỉ chờ dịp Đèn Ống ốm đau mới ra tay được một lát. Nhưng trong dịp có lễ lạt ông trở nên quan trọng lạ thường, đó là nguồn an ủi duy nhất, quả thực, những giây phút linh thiêng đó, ông Đèn Cầy cảm động và hài lòng, mặt mũi ông thật rực rỡ. Tư cách ông đàng hoàng hơn anh Đèn Ống nhiều. Trong lúc nguy nan thế này, ai dám trông mong vào Đèn Ống máy móc và ích kỷ.
Nhưng, lúc này ông Đèn Cầy ngủ mê mệt.

Anh Ghế gọi anh Diều:

– Ê! Bồ bay lẹ tới gầm tủ coi con quái vật nào, đang tấn công cụ Sách?
Diều cằn nhằn:

– Việc ai người ấy lo. Tôi làm việc nặng nhọc cả buổi chiều rồi, không làm giờ phụ trội đâu.
Nói xong, tên ích kỷ hạng nhì này ngủ tiếp. Mọi vật nghĩ đến chị Bóng bay. Nhưng chị ấy mới bị xì hơi hồi chiều qua, bị ốm, nằm ỉu xìu ở một góc nhà, gầy tọp hẳn đi, chưa biết xẹp lúc nào. Chắc chị không cất bước nổi.

Tình hình có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng. Bình hoa bắt đầu nhỏ lệ thương xót cho ông Sách.

Bỗng dưới gầm giường có tiếng quay vù vù. Chú Con Quay đã đứng dậy. Chú xoay tít, xoay tít và lần tới gầm tủ quan sát. Chú nói:

– Xin báo cáo với Đại tướng Cung tên. Kẻ tấn công cụ Sách là một con chuột khổng lồ. Nó đang cắn gáy cụ ấy.

Cụ Sách rên rỉ không ngừng. Ông Cung tên hét:

– Tôi có thể bắn hạ nó, nhưng làm sao xoay cho ra chút ánh sáng bây giờ. Tôi không thể bắn ẩu được.
Mọi vật lại ngẩn ngơ. Làm sao có ánh sáng bây giờ? Bình hoa khóc thảm thiết.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Ông Bàn sốt ruột:

– Tôi có thể khuân vác tất cả. Ai muốn nhảy lên mặt tôi mà ngồi cũng được. Nhưng tôi làm gì có ánh sáng. Tội nghiệp cụ Sách quá. Nếu cụ có bề gì chắc tôi không sống nổi. Ngày nào chúng tôi cũng gặp gỡ nhau.

Ông Bàn càng nói càng nghẹn ngào!

– Ông Cung tên sửa soạn tấn công đi. Tôi sẽ lo vụ ánh sáng.

Câu nói đó của một giọng khàn khàn như xuất phát ra từ một nơi đầy bụi. Đó là giọng bác Đèn xếp. Bác chui từ gầm giường ra. Bác đã nằm đó để chờ Tết Trung Thu. Mỗi năm bác chỉ làm việc có một ngày. Thời gian còn lại, bác nghỉ Hè.

Bác Đèn xếp đã lăn tới giữa nhà (đó là vật cô đơn nhất phòng, bình thường chả có vật nào nói chuyện hay nhắc tới đèn xếp)
Đèn xếp đứng thẳng và sáng dần. Thân thể bác đầy bụi. Ánh sáng còn mờ. Những lằn xếp chưa dãn ra hẳn, chúng cũng lười biếng như những khớp xương lâu không được dùng tới. Ông Cung tên hét:

– Ráng lên chút nữa!

Bác Đèn xếp cố sáng hơn.

– Tôi thấy bóng tên chuột rồi. Sáng thêm chút nữa bác Đèn xếp.
Đèn xếp không ngừng cố gắng.

– Rồi! Tôi thấy nó rồi!

Mũi tên vụt đi trúng ngay con chuột. Nhà hiệp sĩ Cung tên mà bắn thì có bao giờ trượt. Mọi vật reo hò.

Nhưng ở giữa nhà, bác Đèn xếp không thể chia vui được. Bác đã ráng sức đến nỗi cả thân mình bác bốc lửa. Bình hoa rú lên và ngất xỉu.

Trong ngọn lửa nóng hừng hực, bác Đèn xếp thều thào:

– Xin vĩnh biệt các bồ! Thoáng một cái, bác đã đen hết mình.
– Trung Thu sang năm các bồ hãy nhớ đến tôi nhé!
Và bác ngã xuống cùng với ngọn lửa.

Lê Tất Điều là nhà văn nổi tiếng của Miền Nam. Ông sinh năm 1942 tại Hà Đông. Tác phẩm gồm “Khởi Hành (1961), Kẻ Tình Nguyện, Quay Trong Cơn Lốc (1965), Đêm Dài Một Đời (1966), Những giọt Mực (1968), Phá Núi (1968), Người Đá (1968), Anh Em (1970).” Sang Mỹ ông làm thơ và xuất bản tập “Thơ Cao Tần,” nhiều người thích.