Phùng Nguyễn là nhà văn nổi tiếng ở hải ngoại được bạn bè yêu mến.

Nhà văn/ bác sĩ NGÔ THẾ VINH trong bài viết trên Diễn Ðàn Thế Kỷ ghi nhận: Nhà văn Phùng Nguyễn, tên thật Nguyễn Ðức Phùng, sinh năm 1950 tại Quảng Nam, là anh Cả trong một gia đình đông anh em. Học xong tiểu học trong một làng quê, năm 1961 cậu học sinh Nguyễn Ðức Phùng thi đậu vào lớp Ðệ Thất trường Trung học Trần Quý Cáp, Hội An. Ba năm sau đó Phùng theo gia đình vào Sài Gòn 1964.

Có một giai đoạn rất quan trọng mà Phùng Nguyễn đã không ghi trong phần tiểu sử của mình, đó là Phùng đi lính năm 1968, lúc ấy mới 18 tuổi và là một thương phế binh giải ngũ trước 1975. Theo người viết, những năm tháng mặc áo lính tuy ngắn nhưng đã có ảnh hưởng sâu đậm tới bước hình thành phong cách của cả văn nghiệp Phùng Nguyễn về sau này.

Phùng Nguyễn định cư ở Hoa Kỳ từ tháng 5 năm 1984. Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh và tin học năm 1990. Làm việc trong ngành tin học từ năm 1990.

Khởi đầu Phùng Nguyễn hoạt động trên trang Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng của Phạm Chi Lan và tham gia nhóm Ô Thước.

Anh có nhiều sáng tác văn học và tiểu luận xuất hiện trong các tạp chí Văn (USA), Văn Học (USA), Hợp Lưu (USA), Việt (AUS), Thế Kỷ 21 (USA) và các báo mạng như talawas.org, tienve.org, damau.org … Từng đảm nhiệm chức vụ Chủ bút của tạp chí văn học Hợp Lưu (California, USA) từ tháng 6 năm 2002 cho đến tháng 4 năm 2003. Ðồng sáng lập tạp chí văn chương mạng Da Màu (tháng 7 năm 2006) cùng với nhà văn Ðặng Thơ Thơ & nhà thơ Ðỗ Lê Anh Ðào.

Biên tập viên và đồng thời phụ trách phần kỹ thuật cho tạp chí Da Màu từ 2006 cho đến nay.

Phụ trách Blog Phùng Nguyễn: Rừng và Cây trên VOA (Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ).

Phùng Nguyễn và bằng hữu – photo và tranh của Nguyễn Trọng Khôi

Sách đã xuất bản:

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

– Tháp Ức, tập truyện ngắn. Nxb Văn 1988 (California, USA)

– Đêm Oakland và Những Truyện Khác, tập truyện ngắn. Nxb Văn 2001 (California, USA)

Sách dự định xuất bản trong năm 2015:

– Tuyển tập truyện ngắn

– Tiểu luận Phùng Nguyễn

Nhà văn LƯƠNG THƯ TRUNG ghi lại cuộc gặp gỡ Phùng Nguyễn:

“…Lần đầu tiên gặp Phùng Nguyễn tại khách sạn trên một ngọn đồi nơi anh về dự một phiên họp của hãng tổ chức tại Dallas sau gần 16 năm nghe tên biết tiếng anh, cảm tưởng đầu của tôi là anh rất dễ gần, vóc dáng và gương mặt của anh không khác mấy so với tấm hình Phùng Nguyễn trên trang “Rừng và cây” (VOA). Lần ấy lên Dallas, Phùng Nguyễn bỏ khách sạn về nghỉ lại nhà Ðinh Yên Thảo (BBT/VHNT/LM và Nhóm Ô Thước) cùng với ba anh em chúng tôi, có nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, nhà văn Nguyên Nhi, Nhật Hoàng… Chúng tôi có một đêm rất vui, tôi thích ngồi nghe các anh trao đổi với nhau về các đề tài văn học nghệ thuật và Phùng Nguyễn là một trong những người chẳng những am tường và sôi nổi góp ý kiến các đề tài văn chương sách vở mà anh còn biết lắng nghe và ghi nhận các ý kiến khác biệt của những người khác trong khi trò chuyện.

Gặp Phùng Nguyễn lần đó, rồi bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi cũng ít khi liên lạc lại với anh; nhưng sau này khi tôi có bài gởi tạp chí Da Màu, thường thường tôi được Ðinh Từ Bích Thúy hoặc anh Phùng Nguyễn, hai trong số các Biên Tập Viên Da Màu thường thông báo với tôi về lịch trình đăng bài viết. Có những câu chuyện anh cần trao đổi trực tiếp, thay vì viết email, anh thường gọi điện thoại cho tôi và giọng nói ấm và chân tình của anh. Nhớ mới vài tháng trước, tôi có gởi tặng anh hai cuốn sách “Một Chút Tình Quê” và “Mùa Màng Ngày Cũ” (tái bản có sửa chữa và bổ túc), anh mau mắn giới thiệu sách trên Da Màu và nhờ vậy mà bạn đọc nhiều nơi có thơ dặn sách, kể cả bên Canada. Cách nay khoảng hai tuần tôi có gởi chia sẻ với Ðinh Từ Bích Thúy và Phùng Nguyễn bài “Vài kiểu nhà nơi các miền sông rạch”(*) với lời viết kèm theo: “Chắc hai bạn ít có dịp xuống miệt quê vùng sông nước miền Tây của tui, nên gởi chia sẻ cùng hai bạn bài viết này đọc chơi cho vui.”

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Tôi nghĩ bài này không có gì mới, và chắc Da Màu hoặc trang “Rừng và Cây” sẽ không hạp với loại bài viết khá cũ này nên tôi không gởi Da Màu hay trang nhà của Phùng Nguyễn. May mắn thay, Phùng Nguyễn lại thích bài này, nhưng nay bài đã cũ rồi và tôi hứa là sẽ viết gởi anh bài khác về vài con sông ở Miền Tây cùng với các phương tiện chuyên chở trên các vùng sông rạch ấy, nhưng vài hôm sau đọc Da Màu lại hay tin anh đột ngột giã từ cõi đời này. Trên Da Màu tôi có ghi cảm tưởng của tôi lúc bấy giờ là hết sức bàng hoàng trước hung tin này.

Hôm nay qua rồi những nghi thức tưởng niệm, tiễn đưa của mọi người dành cho nhà văn Phùng Nguyễn, với tư cách là một bạn đọc của Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng trước đây và Da Màu hôm nay, tôi có mấy lời ghi lại với lòng bồi hồi nhớ tới anh qua những lần thư từ thăm hỏi nhau dường như ít gần nhưng rất thân và trân trọng.

Kính nguyện cầu linh hồn anh Phùng Nguyễn sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc.”

Nhà văn/họa sĩ TRƯƠNG VŨ ghi lại trên trang viết của mình.

“Tôi nghe tiếng Phùng Nguyễn (PN) khá lâu, tuy nhiên chỉ thực sự có giao tình với nhau từ đầu năm 2003. Thời gian đó, tạp chí Hợp Lưu ra chủ đề “Yêu” với sự tham dự của 27 nhà văn. Trần Vũ nhờ tôi viết Bạt cho chủ đề này. Lúc đó, PN vừa mới nhận chức vụ Chủ Bút của Hợp Lưu, đồng thời đóng góp một truyện ngắn cho chủ đề. Ðọc hết 27 sáng tác được chọn đăng, tôi đặc biệt chú ý đến Ca Bin của PN. Tôi đã viết như thế này về truyện ngắn đó:

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Ca Bin của Phùng Nguyễn được viết với một cấu trúc rất lạ, một phối hợp của tân hình thức và hậu hiện đại. Một bài thơ tiếng Anh với lời chuyển ngữ cố ý làm khác và cả một màn hình điện toán đã được sử dụng thật thành công cho cấu trúc này. Truyện ngắn của Phùng Nguyễn có khả năng mở đầu cho một phong trào viết truyện mới. Ở đây không có thảm kịch. Nó lẫn lộn cuộc đời thực với cuộc đời trong mơ, đuổi bắt lẫn nhau, và người đọc khó phân biệt được cái mơ và cái thực. Ðó là cái đẹp tuyệt vời của một tình yêu tự nhiên và rộng mở, không ràng buộc, không tự nhốt mình lại như trong một ca bin.

PN chỉ phụ trách Chủ Bút Hợp Lưu trong một thời gian ngắn. Từ đó, tôi không có nhiều cơ hội liên hệ với PN nữa. Thỉnh thoảng có gặp nhau mỗi khi về thăm California, hay liên lạc với nhau qua email về một số sinh hoạt văn học hay về đời sống của một số bạn văn. Không trao đổi với nhau nhiều.”

Bảy năm đã trôi qua kể từ ngày Phùng Nguyễn ra đi. Nguyễn còn nhớ rõ lần đầu tiên gặp Phùng ở báo Văn Học năm 1998 khi giới thiệu Tôi Cùng Gió Mùa. Kể từ đó còn rất nhiều lần gặp nhau. Ở Cali, ở Dallas và Virginia. Bạn ra đi, Tháp Ký Ức còn đó nhắc nhở một thời bạn đã có mặt và đóng góp vào nền văn học chung của chúng ta ở đây.

NGUYỄN & BẠN HỮU