Nguyễn Viện, tên khai sinh Nguyễn Văn Viện, sinh ngày 1/2/1949 tại Ðồng Xá, Hải Dương, là một nhà báo, nhà văn, tự xuất bản các tác phẩm của mình, nổi bật về các đề tài dục tính và chính trị, được RFA liệt vào Văn học phản kháng. Nguyễn Viện có tập truyện được in đầu tiên năm 1995. Sau này ông được chú ý qua những tiểu thuyết gây tranh luận nói về thân phận người thắng, kẻ thua sau cuộc chiến, qua “Rồng và Rắn”, “Thời của những tiên tri giả”…

Ông từng làm việc và cộng tác với các báo, đài trong và ngoài nước. Ngoài ra, ông còn chủ trương nhà xuất bản CỬA, một nhà xuất bản tự do tại thành phố HCM, kể từ năm 2004, để tự in các tác phẩm của mình, sau khi tiểu thuyết “Thời của những nhà tiên tri giả”, ban đầu do Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành năm 2003, đã bị thu hồi ngay sau đó. Tuy nhiên ông cho biết, sự in ấn này phổ biến rất hạn chế.

Ngày 10.10.2014, Nguyễn Viện đã phải ra làm việc lần thứ ba với cơ quan an ninh điều tra thành phố sau hai lần vào tuần trước, về việc ông phổ biến các tác phẩm của mình trên các phương tiện thông tin. Qua đó, cơ quan chuyên môn đã kết tội ông vi phạm điều 87 và 88, tội chống chính quyền. Trong một cuộc phỏng vấn với Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Viện cho biết, ông đã từng bị Công an mời làm việc nhiều lần, và bị buộc không được cộng tác với đài BBC. Ông cho là Công an đã làm áp lực với một số tờ báo buộc ông nghỉ việc.

Nguyễn Viện cũng phổ biến tác phẩm trên các tạp chí: Hợp Lưu (Hoa Kỳ), Văn Học (Hoa Kỳ), Văn (Hoa Kỳ), tienve.org (Úc), damau.org, talawas.org (Ðức), procontra.asia (Ðức), vanchuongviet.org, litviet.com, vandoanviet.blogspot.com…

Nhà văn Nguyễn Viện – tranh Bảo Huân  

Nguyễn Viện đã nhận được 2 giải thưởng của Văn Việt (Văn đoàn Ðộc Lập), một cho văn xuôi (2016) và một cho thơ (2019). Ông hiện sống và viết tại Sài Gòn.

Nguyễn Viện được xếp hạng vào những nhà văn trong văn học phản kháng, nổi bật qua yếu tố tính dục và chính trị trong nội dung. Ông cho viết về tính dục là một cách để tuyên dương sự tự do của mỗi cá nhân, phá vỡ các rào cản. Nguyễn Viện quan niệm, không nên tránh né tên một bộ phận cơ thể nào, cho đó là “một thái độ phong kiến, đạo đức giả và khước từ đối mặt với thực tế… một thái độ mặc cảm, nhu nhược.” Về các đề tài chính trị, ông cho biết là để “nói tiếng nói của lương tâm mình….Viết, để thấy mình còn thở được.” Theo ông, khuynh hướng Văn học Phản kháng nổi lên vì ý hướng cách tân, “nó đang làm cho nền văn học Việt khác đi với cách sử dụng ngôn ngữ cũng như bôi xóa các đường biên về thể loại. Phóng khoáng hơn. Giàu có hơn. Cũng nhiều ưu tư hơn. Ðặc biệt, nó mang lại niềm hưng phấn và thôi thúc cho sự sáng tạo đích thực.”

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Trên là ghi lại theo Wikipedia. Nguyễn Viện nổi tiếng từ hơn hai mươi năm nay. Gần đây, sau khi xuất bản Thảo Mai Trên Dốc GióÐĩ Thúi, tiếng tăm của Nguyễn Viện nổi lên như cồn. Các trang mạng bên này như Văn Việt và Da Màu đăng bài về ông hầu như mỗi ngày. Nguyễn biết tiếng ông từ lâu nhưng mãi tới năm 2009 mới gặp ông trong cuộc họp mặt ở nhà Hoàng Ðình Bình & Khánh Vy bên Phố Lầy (Foley) Alabama. Buổi họp mặt đông người nên không chuyện trò được gì nhiều, rồi chia tay. Tới bây giờ nghe Nguyễn Viện tiếng tăm lừng lẫy nên mình tìm hiểu xem để chia sẻ.

Nguyễn Đình Bổn khi viết trên Văn Việt về tác phẩm ‘Thảo Mai Trên Dốc Gió’ của Nguyễn Viện đã giới thiệu với chúng ta: Hãy nghe chính tác giả nói: “Khởi đầu một tác phẩm mới, bao giờ tôi cũng viết trong tâm trạng như viết tác phẩm cuối cùng, thậm chí trăng trối. Trước mặt tôi là hư vô, sau lưng tôi là hư vô, bên trái bên phải tôi cũng là hư vô. Tôi ở giữa sự trống không mênh mông cùng lúc với những nỗi niềm chất chứa. Và không thể không viết.”

Từ phải: Nguyễn Viện, tác giả trong cuộc họp mặt ở nhà Hoàng Đình Bình & Khánh Vy bên Phố Lầy (Foley) Alabama

Với một nhà văn, khi “không thể không viết”, bắt buộc mình khổ dâm cùng con chữ, đó chính là tư cách sống của chính ông ta. “Thảo mai trên dốc gió” theo giới thiệu là tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Viện vừa được NXB Mõm Vuông in và phát hành, cùng mạch văn hậu hiện đại của Ðĩ Thúi (từng được in riêng và nay in chung một tập).

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Với tư cách nhà văn, trong những tác phẩm sau này, Nguyễn Viện từ chối quyết liệt kiểm duyệt trong xuất bản cũng như hoàn toàn bỏ lại sau lưng cách hành văn cũ mà ông từng viết trong Trinh Nữ (tập truyện ngắn) hay Thời của những tiên tri giả (bị thu hồi). Từ bỏ cách hành văn cổ điển, từ bỏ cấu trúc xây dựng tác phẩm được xem như mẫu mực hàng trăm năm, đây chưa hẳn một chọn lựa đúng nếu hướng đến số đông độc giả, nhưng Nguyễn Viện chọn cho ‘Thảo Mai Trên Dốc Gió’ và ‘Ðĩ Thúi’ cũng như những tác phẩm khác của ông đi theo con đường đó, tất cả xoay quanh những nhân vật không tên, hoặc tên nhân vật hoàn toàn phiếm chỉ, không gian, thời gian trong tác phẩm bị xáo trộn một cách cố ý và phức tạp… như cách con người bị xóa bỏ bản sắc cá nhân trong một xã hội được định khuôn đồng dạng. Cũng chính điều này, cùng với một văn phong vừa bụi đời vừa nghiêm cẩn, Nguyễn Viện đã tạo ra một bản sắc độc đáo của riêng mình.

Nhận xét về cuốn Ðĩ Thúi của Nguyễn Viện, nhà báo Mạc Vấn viết trên Văn Việt: Nguyễn Viện cũng đem tâm tình nhưng không phải để soi chiếu cái thân phận sâu kiến của ông mà để nói đến một thời mà, theo Nguyễn Viện thì thúi hoắc như cái mùi trong l…của một con đĩ. (Tôi không can đảm như ông nên không dám dùng một từ mà ông thường dùng thoải mái)

Nguyễn Viện cùng bằng hữu trong bút nhóm đầu tiên năm 1964

Tôi cho rằng cách gọi “tân đoạn trường tân thanh” của cô Hoài là chưa nêu bật được cái thâm ý của Nguyễn Viện. Vì ở đây chẳng có tiếng kêu đứt ruột nào được làm mới lần nữa cả, mà chỉ có tiếng chửi. Trong một bài thơ đăng trên Tiền Vệ, ông viết:

“Tôi chửi thề mỗi khi viết / Cho dù đó là một câu thơ trong suốt…”

Vì sao một nhà văn lại cứ phải chửi thề như thế?

Ấy là vì cái mùi đĩ trong thời đại của ông, cũng là thời đại của chúng ta.

Sinh thời, nhà thơ Du Tử Lê nhận định về Nguyễn Viện như sau: Trên tất cả, với tôi, ông (Nguyễn Viện) là một nhà văn có sức thu hút đặc biệt, mạnh mẽ vì những diễn, cảm thông minh, mới mẻ, và cũng rất bất ngờ, vượt khỏi hai bờ thông tin giới hạn.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Nguyễn Viện, theo tôi, là hiện thân của một nhà văn, hiểu theo nghĩa, nếu không được cầm bút viết, ông sẽ không thể sống. Không thể tồn tại trong môi trường xã hội Việt Nam, hôm nay. Viết, dù thơ hay văn, với ông là dưỡng khí cần thiết cho buồng phổi của một nhà văn tha thiết với người và, với đời.”

Nguyễn Lệ Uyên viết trên trang Da Màu, đã nhận xét về tính chất phồn thực (việc giao phối giữa nam và nữ) trong Ðĩ Thúi của Nguyễn Viện. Nguyễn Viện đã mượn các nhân vật này của Nguyễn Du từ tay Nguyễn và hoá thân đúng theo chức năng của một ông “bầu sô”, kéo dắt họ (các nhân vật) ra trước ánh đèn màu, cho họ nhập đồng, lên vai trong tư thế đồng đẳng với thời đại. Ðó là thời đại tan tác, ươn sình mà người đọc chỉ có thể tìm thấy sự lừa lọc, lưu manh của loại hảo-hán-trí-thức-a-tu-la. Những phẩm hạnh và đạo đức làm người bị dục vọng thấp hèn thế chỗ. Thời đại đã dựng lên những con người như thế. Và những con người đó lại khoác lên mình dáng dấp như loại “chó nhà tang” (*) nhảy bàn độc, nắm thóp thời đại mà quay, mà ném, mà lia. Ðây là  chiếc chong chóng khổng lồ của một triều đại không được đặt tên bởi tính chất nhân bản không có chỗ đứng xứng hợp; chỉ có thể xem đây là “thế giới của ảo tượng văn chương” như Nguyễn Viện thừa nhận.

Từ thế giới đã được xác lập, ở Ðĩ thúi, sau khi khép lại những dòng cuối cùng, tôi không hề nghĩ ông viết theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo, hay “phản tiểu thuyết” như Phạm Thị Hoài nhận xét… mà ông đã sử dụng tính chất phồn thực (fertilité) tồn tại hàng ngàn năm nay trên thế gian này, lồng vào hiện thực thời đại để gửi đi nỗi bi phẫn và trách nhiệm nhà văn trước một xã hội đầy những mưu toan, bất trắc!

Giờ đây, có thể nói Nguyễn Viện đã đạt được danh hiệu nhà văn đích thực. Hơn ai hết, ông xứng đáng với danh hiệu đó. Bằng những tác phẩm đã viết. Qua bao khổ nhục, đe dọa, thách thức. Với ý chí kiên định, một đam mê cháy bỏng, một dũng khí ngất trời. Thích hoặc không thích tác phẩm ông, ta phải  trân trọng những gì ông đã thành tựu và để lại cho đời.

N&BH