Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long, là một nhà văn miền Nam Việt Nam, viết sách trước 1975.

Năm 1965 bà lên Sài Gòn dấn thân vào nghiệp viết văn, bên cạnh đó còn kiêm việc dạy tiếng Anh cho những cô gái bán bar hoặc lấy Mỹ.

Trong 10 năm từ 1965 đến 1975, Thụy Vũ đã xuất bản 10 tác phẩm gồm 3 tập truyện ngắn: Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông; và 7 tiểu thuyết: Ngọn pháo bông, Thú hoang, Khung rêu (Giải thưởng Văn học Toàn quốc năm 1971), Như thiên đường lạnh, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Cho trận gió kinh thiên. 4 cuốn đã được tái bản cuối năm 2016, 6 cuốn còn lại trong tháng 3 năm 2017.

nguyen-thi-thuy-vu

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ

Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có nhận định: Trong 5 nhà văn nữ nổi tiếng nhất của miền Nam thời kỳ trước 1975, có ba người gốc Huế: Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng. Người thứ tư gốc Bắc di cư: Trùng Dương. Chỉ có Nguyễn Thị Thụy Vũ là dân Nam bộ rặt. Văn chương của chị cũng đặc sệt chất Nam bộ, từ ngôn phong, từ ngữ chị dùng cho tới lời ăn tiếng nói, tính cách, hành vi của các nhân vật.

Sau 1975, Nguyễn Thị Thụy Vũ không thể tiếp tục cầm bút do tác phẩm bị quy là đồi trụy, bà phải bươn chải với những công việc khác để nuôi bốn đứa con, trong đó có một người sống đời thực vật. Bà từng buôn bán vặt, làm lơ xe đò, làm rẫy, chăn dê, trồng cà phê…, những công việc mà trước đó không ai hình dung nhà văn nữ này có thể kham được.

Hiện nay đời sống của bà tương đối ổn định khi bà về Bình Phước dựng nhà trên mảnh đất cha mẹ để lại. Ðó là sau khi bà nhận được sự giúp đỡ từ những bạn văn cũ qua một bài viết mô tả cuộc sống lây lất khốn khó của mấy mẹ con, vào đầu thập niên 2000. Bà đang sống với gia đình con trai, là một người tu tại gia chuyên việc hộ niệm, và cùng với họ là cô con gái út ngoài bốn mươi tuổi vẫn sống đời thực vật.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ vừa có cuộc hội ngộ với độc giả tại Ðường sách chiều 19-3 nhân dịp Sách Phương Nam vừa tái bản 6 quyển sách của bà.

Tất cả đều là sách đã in tại Sài Gòn trước 1975, tính cả 4 quyển in hồi cuối năm 2016, đến nay nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã có 10 cuốn sách tái bản, đây có thể xem là toàn bộ sự nghiệp văn chương của bà, đã được Công ty Sách Phương Nam mua tác quyền: Lao vào lửa, Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Mèo đêm, Chiều mênh mông, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên.

Buổi hội ngộ chiều 19-3-2017 cũng chính là lần trở lại đầu tiên của Nguyễn Thị Thụy Vũ trước đông đảo công chúng sau gần 50 năm.

Và trong niềm xúc động khi đối diện với một thế hệ độc giả mới nồng nhiệt đón nhận sự trở lại của tác phẩm Nguyễn Thị Thụy Vũ, bà nhẩn nha trả lời các câu hỏi về câu chuyện đời bà, về cái duyên đưa đến con đường viết văn…

“Tôi viết văn để nuôi 4 đứa con, trong đó có một đứa bị tàn tật”. Mọi người lặng đi khi nghe bà kể: Mỗi ngày tôi đi làm, viết feuilleton (chuyện dài kỳ) cho các báo, dạy tiếng Anh cho các cô gái có nhu cầu… Mấy đứa con được tôi giao đứa lớn trông đứa nhỏ, đến chiều về nhà, có hôm thấy đứa con bị tàn tật đói nằm trên vũng nước đái, thiệt tôi muốn chết cho rồi.”

Ấy vậy nhưng Nguyễn Thị Thụy Vũ vào thập niên 1960-1970 từng nổi lên như một trong năm nhà văn nữ hàng đầu của Sài Gòn. Trước đó nữa, vào năm 1969, nhà phê bình Nguyễn Ðình Tuyến cũng nhìn thấy ở văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ những giá trị có tính thời đại:

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

“Truyện của Nguyễn Thị Thụy Vũ thật là táo bạo. Ðọc xong truyện, tôi nghĩ đây mới thật là những truyện trình bày những sự kiện sống thực nhất của thời đại chúng ta. Thời đại này rồi sẽ đi qua. Những cái gì của thời này nếu không ghi kịp thì ngày mai sẽ mất”.

Ðó cũng là những lý do để Sách Phương Nam chọn mua tác quyền của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Và những bạn đọc hôm nay cũng đang quan tâm đến một mảng văn chương từng nổi đình đám tại miền Nam vừa trở lại sau một khoảng lặng dài.

nguyen-thi-thuy-vu1

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ

Cô NCS Hồ Khánh Vân đặt vấn đề về ý thức nữ quyền trong các tác phẩm của cô Thụy Vũ; một bạn đọc tỏ ra theo dõi rất kỹ các tác phẩm của bà, đã dẫn lại ý kiến của thiền sư Thích Nhất Hạnh về cái kết của truyện Lòng trần để hỏi cảm nghĩ của Thụy Vũ…

Trên là trích dẫn theo bài viết của Lam Ðiền – Tuổi Trẻ Online.

Nhà thơ Vũ Thành Sơn ghi lại cuộc gặp gỡ với Nguyễn Thị Thụy Vũ tháng 9. 2017:

“Tôi gặp nhà văn Thụy Vũ lần đầu tại nhà riêng của nhà thơ Ý Nhi nhân một dịp bà ghé qua Sài Gòn. Cuộc gặp mặt có nhiều người tham dự, có đồng nghiệp và có cả người là học trò của bà trước kia. Hôm ấy, khoảng tháng 9 năm 2017, bà nói nhiều chuyện, từ chuyện viết lách cho đến những giai thoại trong giới văn chương trước 1975 rồi dẫn đến cả những kỷ niệm đời sống riêng tư. Bà nói chuyện vui vẻ, hóm hỉnh cho dù trong tất cả những điều bà kể đều có bóng dáng những nỗi thất vọng, buồn bã, bất lực mà người nghe không khỏi cảm thấy ái ngại. Nghe bà kể bằng một giọng giễu cợt về những nỗi đau và số phận hẩm hiu của chính bà cứ như đang nghe bà nói về nỗi đau và số phận của một ai khác. Tôi nghĩ không dễ gì có thể tự trào được như vậy nếu bà không có một nghị lực phi thường để vượt qua nghịch cảnh và vượt qua cả chính mình. Sau cuộc gặp gỡ lần đó, bà phát hiện mình ung thư, bị cắt 2/3 dạ dày.”

Sau cuộc giao lưu này, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ lại trở về Lộc Ninh – Bình Phước, nơi bà đã cư ngụ từ những năm 1980 đến giờ. Nói về cuộc sống hiện nay, bà bảo công việc chính hàng ngày là chăm cho đứa con tàn tật và đọc báo Giác Ngộ.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Bản tin VietnamNet cũng ghi nhận:

“Tròn tám mươi, một ngày của Nguyễn Thị Thụy Vũ trôi qua thật bình dị. Bà dành thời gian chăm con tật nguyền và đọc sách Phật. 40 năm trôi nhanh như giấc mộng, thoáng cái bà đã ở tuổi gần đất xa trời, trí nhớ ngày một kém. Thỉnh thoảng, bà đọc lại tác phẩm mình viết mà cứ ngỡ như của ai. Ngồi trước đông đúc độc giả, thỉnh thoảng bà hồi hộp đến nỗi quên mất bà định nói gì. Song chỉ biết, bà thực sự hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của mình đã có dịp tái ngộ bạn đọc một lần nữa.”

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp