Nhà văn Linh Bảo đã ngưng viết từ lâu nhưng người đọc thuộc lớp cũ như Nguyễn này vẫn nhớ đến bà với những tác phẩm Tàu Ngựa Cũ, Gió Bấc, Mây Tần …
Linh Bảo tên thật Võ thị Diệu Viên, sinh 14 tháng 4, 1926 trong một gia đình quan lại triều đình Huế: Cha, Võ Chuẩn, nguyên Tổng đốc Quảng Nam; Mẹ, gốc hoàng tộc, Tôn Nữ Thị Lịch.
Năm 1951, Linh Bảo lập gia đình với một người Hoa mang quốc tịch Anh, và trở thành công dân Anh. Đến 1954 bà được tuyển làm nhân viên của Toà Lãnh sự Việt Nam tại Hương Cảng. Năm 1957 bà trở về nước, và chỉ sau 2 năm, 1959 Linh Bảo lại chọn một cuộc sống xa quê nhà.
Linh Bảo từng dạy Việt ngữ trường Sinh ngữ Quân đội, Monterey, California, Hoa Kỳ từ năm 1962 cho đến cuối năm 1976. Bà chuyển tới cư ngụ tại thành phố Westminster từ đó. Linh Bảo là nhà văn được trao giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc VNCH năm 1961 với truyện dài Tàu Ngựa Cũ.
Tác phẩm đã xuất bản gồm Gió Bấc (truyện dài, Phượng Giang 1953), Chiếc Áo Nhung Lam (sách Hồng, Đời Nay 1953), Tàu Ngựa Cũ (tập truyện ngắn, Đời Nay 1961), Những Đêm Mưa (truyện dài, Đời Nay 1961), Con Chồn Tinh Quái (truyện nhi đồng, Ngày Mới 1967), Những Cánh Diều (tập truyện ngắn, Trí Đăng 1971), Mây Tần (tuyển tập đoản văn, Việt Nam Hải ngoại 1981).
Nhà văn Linh Bảo từ trần ngày 22 tháng 04, 2024 tại tư gia ở Westminster, Nam California.
Con đường sáng tác văn học của Linh Bảo đi từ Gió Bấc đến Mây Tần.
Gió Bấc là tác phẩm đầu tay của Linh Bảo, hoàn thành ở Hương Cảng năm 1952. Hồi đó, tại Hương Cảng, Linh Bảo được dịp làm quen với hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Trương Bảo Sơn. Bản thảo Gió Bắc [chưa phải là Gió Bấc] như một tự truyện viết theo ngôi thứ nhất kể lại cuộc sống lưu lạc của cô sinh viên Linh Bảo, được trao cho chị Nguyễn Thị Vinh và sau đó tới tay nhà văn Nhất Linh.
Sau khi đọc bản thảo Gió Bắc, thấy được “cốt cách nhà văn – (chữ của Nhất Linh)” của tác giả, Nhất Linh đã viết thư khuyến khích Linh Bảo với hai gợi ý: viết lại cuốn tự truyện theo ngôi thứ ba và sửa nhan đề cuốn sách là Gió Bấc thay vì Gió Bắc. Linh Bảo đã làm theo lời khuyên của nhà văn Nhất Linh.
Gió Bấc là truyện một cô gái tên Trang sinh ra và lớn lên ở Huế, thể chất yếu đuối do từ nhỏ đã mắc phải căn bệnh suyễn kinh niên, và trở nặng theo mùa và mỗi lần gió bấc thổi về thì cơn hen suyễn lại nổi lên thê thảm; tuy vậy tinh thần cô gái thì mạnh mẽ. Do quan niệm xưa cũ, mẹ Trang không khuyến khích sự học của con gái nhưng Trang thì vẫn nuôi mơ ước được đi du học. Chiến tranh ly tán, Trang xa gia đình rất sớm, lưu lạc vào Sài Gòn, bị bắt và cả tù đày và rồi cơ hội tới, cô kiếm được một vé xuống tàu với một tên Trung Hoa và qua được Hương Cảng, rồi Nam Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Cô gái mảnh mai ấy đã sống sót qua những biến cố lịch sử: cách mạng ở Việt Nam, cách mạng ở Trung Hoa, trải qua những ngày đầy chiến tranh loạn lạc. Ở đâu thì cô cũng phải làm việc cật lực để mưu sinh. Rồi cô cũng vào được Đại học Tôn Trung Sơn Quảng Châu, chưa được bao lâu thì Hồng quân của Mao Trạch Đông toàn chiếm Hoa Lục, một lần nữa lại phải tị nạn sang Hương Cảng. Tại đây cô đã phải làm đủ nghề để kiếm sống cho đến khi gặp được một người đàn ông Hương Cảng gốc Hoa không tham vọng hiền lành tên Bình, tìm tới muốn chia sẻ cuộc sống với Trang.
Trang cuối của Gió Bấc: “Và Bình bỗng nắm chặt tay Trang: Trang, Trang cho phép tôi … được săn sóc Trang suốt đời nhé?” Nàng đã không chống cự và xiêu lòng.
Gió Bấc viết xong tại Hương Cảng 1952 khi ấy Linh Bảo vừa mới 26 tuổi. (theo NGÔ THẾ VINH) và được Nhất Linh cho ấn hành năm 1953.
Từ Gió Bấc đến Mây Tần trải qua một đoạn đường dài.
Từ thời rất trẻ, Linh Bảo đã nuôi tham vọng được đi du học, rời xa gia đình sớm, sống lưu lạc qua nhiều quốc gia ngoài Việt Nam: Trung Hoa (Nam Kinh, Quảng Châu), Hương Cảng, Anh, Pháp, và Mỹ.
Mới xong năm thứ hai (1947-1949) Đại học Tôn Trung Sơn [do tôn kính người Hoa không gọi tên Tôn Dật Tiên / Sun Yat Sen University], thì Hồng quân của Mao Trạch Đông chiếm toàn Hoa Lục 1950, Linh Bảo một lần nữa từ Quảng Châu chạy tị nạn sang Hương Cảng. Tại đây, cô đã làm mọi việc để kiếm sống: từ phụ tá nha sĩ / dental tech tới lồng âm tiếng Việt cho các bộ phim Tàu đang thịnh hành thời bấy giờ. Năm 1951, Linh Bảo lập gia đình với một người Hoa mang quốc tịch Anh, và trở thành công dân Anh do cuộc hôn nhân này. Bút hiệu Linh Bảo, có nguồn gốc rất đơn giản, đó chỉ là tên người chồng Trần Linh Bảo / Ling Po Chan và bút hiệu ấy gắn mãi với văn nghiệp của chị trong văn học sử Việt Nam.
Đến 1954, khi Lãnh Sự Quán Việt Nam Cộng Hoà mới được thành lập, Linh Bảo là người Việt Nam hiếm hoi lúc đó biết tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại, tiếng Anh và dĩ nhiên cả tiếng Việt, cô được tuyển làm nhân viên của Toà Lãnh Sự Việt Nam tại Hương Cảng. Làm việc tới 1957, trở về nước và chỉ sau 2 năm, năm 1959 Linh Bảo lại chọn một cuộc sống xa quê nhà.
Như chúng ta đã biết, Linh Bảo hoàn thành Gió Bấc năm 1952 ở Hương Cảng. Từ Hương Cảng, qua Pháp rồi qua Anh một thời gian, cuối cùng Linh Bảo chọn định cư ở Mỹ sau khi được tuyển dụng vào giảng dạy môn Việt ngữ 14 năm [1962-1976] tại trường Sinh ngữ Quân đội Mỹ / Defense Language Institute, Monterey, California cho đến khi ngôi trường bị giải thể sau Chiến tranh Việt Nam.
Tại Mỹ, Linh Bảo sống trong một ngôi nhà nhỏ nơi Thị Trấn Giữa Đường / Midway City, có vườn cây trái phía sau, một hồ cá Koi. Cùng sống trong ngôi nhà ấy là 3 thế hệ cũng là 3 thế giới: Linh Bảo, con gái và một cháu ngoại nay cũng tới cái tuổi tam thập nhi lập…” (Ngô Thế Vinh, 2015)
Không hiểu vì sao thời gian ở Mỹ bà không sáng tác. Theo nhà văn Ngô Thế Vinh: “Sau 1975, Linh Bảo hầu như hoàn toàn không viết và chị cũng chẳng mấy quan tâm tới những tác phẩm đã tạo nên văn nghiệp của mình. Linh Bảo thì lúc nào cũng vẫn như Một Cánh Diều sống lưu lạc ngoài Việt Nam, nhưng lòng thì vẫn khắc khoải hướng về quê nhà. Linh Bảo ví thân phận những người Việt tha hương như những cánh diều, chỉ vì một cơn cuồng phong, cơn bão thời đại đã thổi bạt họ đi khắp mọi nơi trên thế giới”. Tác phẩm duy nhất của Linh Bảo khi ở Mỹ là Mây Tần.
Tập truyện Mây Tần của nhà văn Linh Bảo, dày 450 trang, có 27 truyện từ Tàu Ngựa Cũ đến Những Cái Tết Tha Hương. Trong đó có Tàu Ngựa Cũ, Những Cánh Diều…
Tác giả lấy tựa đề Mây Tần (Hồn quê theo ngọn Mây Tần xa xa. Nguyễn Du) ghi lại quãng đời lưu lạc: Tết Hong Kong năm 1946, Tết Nam Kinh, Tết Thượng Hải, Tết Quảng Châu, Tết Ba Lê, Tết Luân Đôn, Tết Mỹ, Lại Tết Mỹ.
Một đoạn trong Tết Mỹ, bà viết: “Tôi ăn Tết đầu tiên ở Mỹ với ‘bà cô các cháu’. Bà chị sang Mỹ từ lâu. Chồng chết, bà sống một mình trong tòa nhà hai tầng. Tầng trên đẹp đẽ sang trọng, tầng dưới – hay đúng hơn là nhà hầm, có một phòng tắm, chỗ để máy giặt máy sấy, một cái tủ lạnh thứ hai để đồ ăn tích trữ và một cái giường cũ.
Tôi phải tha hai con đến nhà bà trong bước đầu tiên để chờ thẻ di trú, và cũng để cho phải phép. Mình đến cũng chả ai hoan nghênh, nhưng nếu không đến trước thì sẽ bị giận suốt đời.
Sau bữa cơm Tết đúng nghi thức, bà lùa ba mẹ con xuống phòng dưới ngủ. Phòng sát mặt đất, sàn xi-măng, lại không có sưởi, nên lạnh buốt. Tôi không ngủ được, lên cầu thang định tìm nước nóng uống thì cửa cầu thang đã khóa trái lại bên trên. Định mở tủ lạnh xem có gì uống được không, thì vừa nhìn đến, tôi bỗng ngẩn người ra. Cái tủ lạnh, lúc chiều hai con bé tò mò mở ra xem, tôi nhìn thoáng thấy bên trong đầy một tủ đào. Có lẽ bà chị mua sỉ nguyên cả thùng nên để dưới này cho khỏi chật tủ trên. Bây giờ, tôi thấy một sợi dây xích to bằng ngón chân cái buộc quanh, lại có khóa xích lại ở cửa tủ cẩn thận.
Tôi không thể nhịn được cười, nghĩ thầm đến cuốn sách tên là “Một Nghìn Lẻ Một Cách Làm Nhục Kẻ Khác.” Nếu sách này tái bản, tôi xin ghi thêm cái mục xích khóa tủ lạnh khi có bà con đến thăm và ở lại.
Hai con bé ôm nhau nằm co quắp ngủ say. Tôi không biết làm gì cho bớt lạnh, dậy sắp hành lý để ngày mai tha con về miền Cali. Ngày mai, tôi sẽ từ giã bà chị cô đơn, từ giã mưa rét Seattle, từ giã cái tủ lạnh có sợi xích sắt to tổ bố. Tôi tự dặn mình sẽ tìm nơi có nắng ấm, ít nhất là dù có đói cũng không đến nỗi rét.”
Đoạn văn trên là ghi lại từ bài viết của VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG
Ghi thêm trích đoạn Lại Tết Mỹ.
“17 cái Tết ở đất Mỹ; 17 năm làm thân con kiến để có kết quả ngày nay: tấm ngân phiếu dưỡng lão. Cái phần thưởng suốt mấy chục năm làm ngày làm đêm, lao tâm khổ lực để sửa soạn cho tuổi già. Người con gái bướng bỉnh, gan lì bạt mạng ngày xưa, bây giờ ngồi chờ lãnh lương hưu! Tôi chỉ thành công ở một điểm: không phải là một gánh nặng cho gia đình hay xã hội…
Tết San Diego năm nay lại chỉ là một Tết tha hương cô đơn như tất cả những Tết tha hương cô đơn khác. Cô đơn một mình và càng cô đơn hơn trong những lúc ở chỗ đông người. Có khác chăng, là tôi không cần phải có, dù chỉ tấm màn mỏng để làm biên giới. Tôi chỉ ngước mắt nhìn ra xa, trong một thoáng giây, là tôi có thể lẫn vào vùng ảo ảnh tâm linh khác, cách biệt hẳn với tất cả mọi người; hồn tôi đã tách riêng ra ở bên kia thế giới vô hình.”
Vẫn theo Vương Trùng Dương: Có lẽ trong gần nửa thế kỷ qua, tập truyện Mây Tần của nhà văn Linh Bảo ấn hành năm 1981 rồi bà không còn xuất hiện trên văn đàn Việt Nam ở hải ngoại nên bị lãng quên… Với các tác phẩm trước năm 1975 đã được đề cập ở trên qua các bài viết sau này còn được nhắc đến.
Về việc xuất bản tác phẩm Mây Tần vào năm 1981, nhà xuất bản Việt Nam Hải Ngoại ghi:
Đối với độc giả Việt Nam khoảng mấy chục năm trở lại đây, lời giới thiệu nào về Linh Bảo cũng là thừa. Tác phẩm của Linh Bảo đã đi vào văn học sử, đã có mặt trong chương trình giáo khoa, đã chiếm giải thưởng quốc gia, đã được các cây bút phê bình văn học mổ xẻ quá đầy đủ. Tuy nhiên, Linh Bảo qua các tác phẩm đã xuất bản vẫn chưa thật sự là Linh Bảo, bởi vì thời thế trước đây đã buộc rằng có những tác phẩm bị cắt xén và có những tác phẩm bị bỏ xó, không thể nào chào đời. Ngày 30-4- 975 đã đưa Việt Nam sang một vận mệnh khác: quốc nội ngục tù nhưng quốc ngoại có tự do, nhất là có tự do tư tưởng, tự do sáng tác và xuất bản, hơn thế nữa, với khối người Việt Nam đông đảo từ bỏ ngục tù cộng sản ra đi, tản mác ra khắp thế giới, hải ngoại có hẳn một môi trường rộng lớn cho sinh hoạt văn học nghệ thuật ở ngoài tầm tay cộng sản.
Đây là cơ hội để Linh Bảo được sống trọn vẹn với ngòi bút của mình và chúng tôi hân hạnh giới thiệu “MÂY TẦN” với độc giả. Trong tuyển tập đoản văn này, ngoài những truyện ngắn đã in trong “Tàu Ngựa Cũ” (giải thưởng văn chương năm 1962) và “Những Cánh Diều” (xuất bản năm 1971) còn có một số truyện ngắn đã đăng rải rác trên các báo, các tạp chí ở Saigon, cộng thêm một số truyện bị gác lại vì thời thế và một số đoản văn đủ loại. Với “MÂY TẦN”, độc giả sẽ cùng chia sẻ tâm tình với “cánh diều” Linh Bảo qua hình ảnh các nhân vật thuộc đủ mọi quốc tịch, lưu vong, tha hương, cô đơn và luôn khắc khoải hướng về quê cũ.
Với “MÂY TẦN”, chúng ta sẽ thấy ngòi bút Linh Bảo vượt hẳn biên giới quốc gia để đi thật sâu vào tình người, tình đời qua những kiếp sống lỡ dở, muộn màng và nuối tiếc khôn nguôi của những cánh diều đứt dây. Với “MÂY TẦN”, người Việt lưu vong của thập niên 1980 sống lại những mảnh đời của những người Việt lưu vong – hay tha hương -của những thập niên 1970, 1960 và 1950 … Và những người Việt lưu vong của những thế hệ mai sau – nếu còn phải lưu vong – sẽ được sống lại cái kiếp “mây tần” của chúng ta ngày hôm nay. Bởi vì, những mảnh tâm tình trong “MÂY TẦN” như những lời tiên tri, mãi mãi còn nghiệm đúng, nếu vẫn còn những người Việt lưu vong vì lý do này hay lý do khác.
Với “MÂY TẦN”, những người Việt chưa hề xa xứ, những thế hệ Việt mai sau được giải thoát khỏi gông cùm cộng sản, sẽ có thêm một tài liệu văn học để hiểu chúng ta hơn, để cảm thông hơn những ray rứt xé lòng của chúng ta – những người Việt lưu vong- trong những năm tháng xa quê hương, lòng luôn hướng về “muôn dặm tử phần” của nguồn cội.
Tác giả Mây Tần đã vĩnh viễn từ biệt thế gian nhưng tác phẩm của bà còn lại mãi trong cuộc sống và tâm tư người Việt. Cầu mong nhà văn về nơi yên nghỉ.
N&BH