Chân Phương là bút danh của Phương Kiến Khánh. Sinh năm 1951 tại Nam Vang, Cambốt. Hồi hương về Việt Nam Tháng Bảy, 1970. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn (Licencié-ès-Lettres 1973) & Lesley University, Cambridge – USA (Master of Education 1992). Ông sống và dạy học ở Boston, tiểu bang Massachusetts, U.S.A.

Ngoài thơ, còn viết truyện ngắn, biên khảo văn học và dịch thuật – đặc biệt thi ca hiện đại Âu-Mỹ.

– Có thơ đăng trên các tạp chí nước ngoài: Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Việt, Diễn Đàn (Paris,) VietNam Forum (Đại học Yale,) Illuminations (Đại học Charleston,) Tribuna (Romania…)

Chân Phương từ giã cõi đời đến nay là đã ngoài hai năm, để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè người yêu thơ. Sau đây Trang Văn Học xin đăng lại bài viết của Trần Doãn Nho tưởng nhớ Chân Phương. Mời bạn đọc cùng chia sẻ và xin chân thành cảm ơn anh Trần Doãn Nho. NGUYỄN & BẠN HỮU

Trần Doãn Nho

Sáng sớm 6 Tháng Năm, 2020, đọc mấy dòng điện thư của Nguyễn Trọng Khôi báo tin chàng mất, tôi có cảm giác như đột nhiên bước hỏng chân nơi bậc thềm, ngã xuống, gượng đứng lên, bàng hoàng nhìn ánh nắng rơi bên ngoài cửa sổ hốt hoảng nhòe đi trong màn mưa. Biết sớm muộn, chàng cũng sẽ ra đi, nhưng sao mà vội thế. Buồn, buồn hết biết!

Chàng mang căn bệnh nan y cả 10 năm, ấy thế mà, chàng vẫn sống, vẫn vui chơi với bạn bè y như một người bình thường, rất bình thường. Ðến nỗi mãi đến vài năm trước đây, tôi mới biết chàng có bệnh.

Còn nhớ, khi nâng cốc bia hơi trong tửu quán John Harvard’s Brewery & Ale House, Cambridge (gần Ðại Học Harvard) nơi chúng tôi thường gặp gỡ hay tiếp đãi bạn bè từ xa đến, chàng nói, “Moi bị ung thư, đang chữa trị.” Tôi sửng sốt nhìn chàng, định hỏi thêm, nhưng chàng xua tay, lảng sang chuyện khác. Và từ đó về sau, không hề nghe chàng nói một lời nào về bệnh tật của mình. Chàng vẫn họp mặt cùng bạn bè, khi thì ở Worcester, khi thì Boston, khi thì Cambridge, khi thì Hull, khi thì Milton, vui vẻ, lạc quan.

Nhà thơ Chân Phương 

Hồi Tháng Mười Hai, 2019, họp mặt tại nhà Nguyễn Trọng Khôi, trời lạnh, chàng vẫn lái xe chở anh Nguyễn Huệ Chi đến và như thói thường, vẫn mang theo chai rượu ngon. Lúc này, chàng gần như mất tiếng, giọng nói khàn khàn. Suốt bữa tiệc, chàng nói ít, không hát và vẫn nâng ly cùng bạn bè. Cuối tiệc, chàng lấy điện thoại cầm tay ra, mở cho mọi người nghe lại bản nhạc “Thập Giá và Mạn Ðà La,” thơ của chàng, tôi phổ nhạc, Nguyễn Trọng Khôi đệm đàn và Nguyễn Ngọc Phong hát. Chia tay ra về, chàng còn hẹn gặp. Biết là chàng yếu lắm rồi, nhưng không ai ngờ đây là lần gặp cuối cùng của chàng với chúng tôi.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Khoảng hai tháng trước khi mất, tôi gửi cuốn sách mới (trong đó có bài tôi bình thơ chàng), chàng gọi điện thoại cho tôi, giọng vẫn khàn khàn, cám ơn tôi tặng sách và nhận xét tập sách trình bày đẹp, chỉ than phiền cái hình bìa hơi tối. Hỏi về sức khỏe, chàng bảo bác sĩ nói chàng bị nhiễm một loại virus làm khan giọng, nhưng rồi sẽ hết.

Năm ngày trước khi mất, tôi gửi chàng xem một bài tôi mới viết nhân ngày 30 Tháng Tư, chàng gửi email cho tôi, chỉ có mấy chữ: “Thanks. CP.” Ðây là email cuối cùng tôi nhận được từ chàng. Người con (trai) độc nhất của chàng, Mặc Trí, cho biết sức khỏe chàng đã suy yếu hẳn từ cuối Tháng Ba.

Những ngày tháng cuối cùng, biết mình không qua khỏi, nhưng chàng không chịu vào bệnh viện trong thời gian đang có dịch bệnh, chỉ muốn ở nhà, đọc sách, chấp nhận số phận. Phút cuối cùng, chỉ có đứa con trai bên cạnh chàng. Vợ chàng còn ở Việt Nam, mẹ và em chàng ở Pháp, trong cơn đại dịch, ai ở chỗ nấy, không đi đâu được. Mặc Trí cho biết, “Ba con đi bình an, trong khung cảnh và môi trường ông yêu cầu,” qua một “text message” cháu gửi cho tôi vào ngày 7 Tháng Năm khi cháu chuẩn bị để nhà quàn tới mang chàng đi.

Chàng mê sách. Nhà chàng là một thư viện nhỏ, gồm toàn những sách thuộc dạng “cao cấp,” nhất là về thi ca. Ðọc và suy gẫm nhiều nên chàng là một tay “connoisseur,” sành sỏi và hiểu tường tận rất nhiều vấn đề, từ hội họa, âm nhạc, thơ, văn, lịch sử cho đến chuyện du lịch, tình dục, rượu vang… Bất cứ đề tài nào, đã không nói thì thôi, hễ nói là nói tường tận, chi li, cụ thể. Tôi có cảm giác chàng là một thứ tự điển sống. Hỏi đến là chàng kể vanh vách chuyện này chuyện nọ với những dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Chàng mê rượu. Chàng chọn mua rượu ngon, cất trong kho, để dành năm này qua năm khác, hễ có dịp là mang ra đãi bạn, biếu bạn.

Chàng mê bạn, quý bạn. Chàng vẫn thường mời bạn về nhà chàng ngoài đảo, uống rượu, ngắm biển và bàn luận chuyện văn chương. Nhiều bạn đến từ rất xa, từ Việt Nam, Pháp, Canada, có khi ở lại chơi với chàng cả một, hai tuần. Những dịp như thế, chàng tự nấu nướng, phục vụ bạn bè từ đầu chí cuối theo một cung cách rất “Tây,” từ các món ăn, thức uống cho đến cách ăn và cách uống.

Chàng sáng tác nhạc. Và thích ca. Mỗi lần như thế, chàng vừa đàn guitar vừa hát, và đặc biệt, xen vào đó, chàng còn thổi harmonica phụ họa.

Nhà thơ Chân Phương – phác họa Nguyễn Trọng Khôi

Cầu mong thơ sẽ đưa hương linh chàng về cõi tịch lặng bình an!

Tưởng niệm Chân Phương, xin giới thiệu với quý độc giả hai bài thơ của chàng.

Một, “Bài Ca Ðất Khách,” cô đọng nỗi niềm của người di dân:

“mớ nhạc khí hư nát

rơi khắp nẻo ký ức

 

xuân hạ thu đông

bản giao hưởng lưu vong

 

giáng thăng

hai bàn tay trống

 

chỉ có trăng già

làm khán giả thủy chung

 

mỗi tháng một lần

diện trang phục mới

 

chờ nghe

khúc hát của trái tim bụi bặm”

Hai, “Thập Giá và Mạn Ðà La” làm theo thể thơ truyền thống, mô tả một cuộc tình đổ vỡ với ý thơ, tứ thơ, ngôn ngữ và khung cảnh rất lạ, hiếm khi tìm thấy ở bất cứ bài thơ nào cùng đề tài:

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

“từ ngày em ra đi

tôi về cưa khúc gỗ

đóng một cây thập giá

vác lên đồi săn chim

 

ngày lại rồi ngày qua

em ra đi biền biệt

tôi làm như không biết

mãi săn chim đồi xa

 

những đêm trời mưa bão

những sáng sớm mù sa

tôi đìu hiu trở giấc

hát nhỏ lời đơn ca

 

chim bay đi bay về

thu đông bao mùa qua

quay tròn vòng nhật nguyệt

buồn vui cũng phôi pha

 

hai bàn tay gỗ đá

hứng tro bụi nhạt nhòa

chim dần dà chết sạch

trên ngọn đồi tha ma

 

khi nào em trở lại

(ví dụ chơi ấy mà)

nếu em còn về lại

nhớ viếng mộ tình ta

 

đó là cây thập giá

treo vọng tưởng mù lòa

đó là cây thập giá

gãy giữa mạn đà la”

Chân Phương

TDN