Nguyễn Mộng Giác là nhà văn thành danh từ trong nước trước 1975. Định cư ở Mỹ, ông tiếp tục con đường văn chương, nổi bật trong vai trò chủ biên tạp chí Văn Học. Qua đời năm 2012 ở Westminster CA, Nguyễn Mộng Giác để lại một sự nghiệp đồ sộ. Sau đây, mời các bạn theo dõi bài viết của nhà văn Đỗ Quý Toàn để có một cái nhìn đầy đủ và chân xác về Nguyễn Mộng Giác. NGUYỄN & BẠN HỮU
Đỗ Quỹ Toàn
Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định. Dạy học tại Huế, Qui Nhơn và làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục tại Sài Gòn trước 75. Năm 1971 bắt đầu viết văn, từ 72 đến 75, đã có 5 tác phẩm: Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận), Bão rớt (truyện ngắn) và 3 tập truyện dài: Tiếng chim vườn cũ, Qua cầu gió bay và Đường một chiều. Vượt biển năm 1982. Định cư tại Hoa Kỳ. Từ 1985, Nguyễn Mộng Giác thay Võ Phiến chủ trương tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, 1986, đổi tên là Văn Học. Tại hải ngoại, ngoài tập trường thiên Mùa biển động gồm 5 cuốn: Những đợt sóng ngầm (1984), Bão nổi (1985), Mùa biển động (1986), Bèo giạt (1988) và Tha hương (1989); Nguyễn Mộng Giác còn cho in hai tập truyện ngắn: Ngựa nản chân bon, Xuôi dòng và bộ trường thiên Sông Côn mùa lũ viết ở trong nước từ 1977 đến 1981, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1991. Cuốn sách mới nhất là tập tiểu luận nhận định văn học tựa đề: Nghĩ về văn học hải ngoại do Văn Mới xuất bản.
Giữ địa vị chủ biên tạp chí Văn Học trong gần 20 năm, Nguyễn Mộng Giác đã khám phá, khuyến khích, nâng đỡ rất nhiều cây bút mới, nhiều tài năng trẻ đến chỗ thành danh, ít ai quên được công lao của người anh đầu đàn ấy.
…Hồi đó, một trong những niềm vui là mỗi tháng nhận được tạp chí Văn Học do Nguyễn Mộng Giác và một số anh em khác trông coi. Tôi được biết đến tờ báo sau khi nhà văn Võ Phiến đã nghỉ, chỉ còn mình Giác gánh lấy công việc nặng nhọc này. Một công việc vừa tốn thời giờ, công sức, vừa lo chạy tiền giấy, tiền in, tiền gửi, mà số tiền thu được nhờ bán báo không bao giờ đủ trang trải chi phí. Lúc đó cũng có tạp chí Văn do nhà văn Mai Thảo và sau là Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách, nhưng hai tờ báo văn nghệ có phong cách và mầu sắc khác nhau. Ngoài ra còn một số tạp chí địa phương khác.Tạp chí Hợp Lưu của Khánh Trường, Thế Kỷ 21 của nhật báo Người Việt do Lê Đình Điểu, Phạm Xuân Đài chủ trương, xuất hiện trễ hơn.

Nguyễn Mộng Giác
Anh Mai Thảo cũng như anh Nguyễn Mộng Giác luôn luôn nhắc nhở các bạn văn đóng góp cho Văn và Văn Học. Lối nhắc của hai người đều nhẹ nhàng, ngắn gọn. Anh Mai Thảo đã quen tôi từ hồi ở Việt Nam trước 1975 nên có khi anh còn nói chuyện riêng, gửi cho một đoạn thơ mới nhận được, của Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, có khi chỉ có hai câu, lén chuyển từ nhà tù “cải tạo” ra ngoài, rồi được gửi ra ngoại quốc. Những lá thư của Nguyễn Mộng Giác còn ngắn gọn hơn nữa, nhưng mỗi lần nhận được một lời nhắn, mình lại cảm thấy phạm tội, vì không đóng góp được gì cho một công việc chung.
Bởi vậy, tôi đã có bữa phải đặt bút viết những ý nghĩ vụn vặt của mình ra thành một bài, sau này là bài mở đầu tập Tìm Thơ Trong Tiếng Nói. Những ý nghĩ đó đã bật ra khi tôi đọc thơ hay đọc những bài, những sách viết về thơ. Đó là một nhu cầu riêng. Một thôi thúc từ bên trong không thể nào cưỡng được, trong hoàn cảnh tôi đang sống.
….
Nếu không có Nguyễn Mộng Giác hay Mai Thảo nhắc nhở thì chắc những giờ phút đọc, nghĩ ngợi rồi lẩm nhẩm một mình như thế sẽ đi qua, không để lại dấu vết nào cả. Không biết có một lần nào đó, nhận được báo Văn Học mới và thư của Giác, tôi tự bảo mình phải đáp lại tấm lòng của con người yêu văn chương này. Tiện nhất là viết một bài về thơ, đọc thơ, làm thơ, rút kinh nghiệm bản thân ra, mời mọi người cùng suy ngẫm thêm về chuyện này. Sau khi bài đầu tiên đăng trên Văn Học, Nguyễn Mộng Giác khuyến khích tôi viết tiếp, bởi vì anh thấy bài đã đăng có phong vị riêng, không giống các tác giả khác đã viết về thơ. Thực ra từ đầu tôi chỉ có ý định viết một bài, rồi thôi, nên lấy tựa là Nói Chuyện Thơ. Coi như chỉ có bấy nhiêu điều để nói, nói cho hết. Nhưng những lời khích lệ của Nguyễn Mộng Giác có hiệu quả. Lười đến mấy cũng phải cố gắng viết thêm. Không gì kích thích người viết bằng phản ứng của người đọc, nhất là một bạn văn. Đó là nguyên ủy việc tôi viết về thơ, và tiếp tục viết trên Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 về các kinh nghiệm riêng tư của mình. Cho tới khi chú Châu Văn Thọ, người chủ trương nhà xuất bản Thanh Văn hỏi: “Sao anh không in đi?”
Câu chuyện trên đây là mối chân tình khi tôi nghĩ đến Nguyễn Mộng Giác. Anh là một tác giả viết không mệt mỏi, anh đã đóng góp những tác phẩm được độc giả trong nước, ngoài nước yêu thích. Nhưng một công trình của anh tôi ngưỡng mộ nhất là việc chủ trương một tờ tạp chí văn chương, học thuật trong bao nhiêu năm, trong hoàn cảnh khó khăn của người Việt Nam tị nạn sống ở nước ngoài. Đó là một việc chắc chắn tôi không làm được. Tôi không có đức kiên nhẫn, hiền hòa và nghĩ đến người khác nhiều như anh.
Lúc đó chúng ta có độ bao nhiêu người? Có đến nửa triệu hay một triệu? Lại sống rải rác khắp bốn biển, năm châu. Và số người viết văn, làm thơ cũng không đông được bao nhiêu. Làm sao có thể làm một tạp chí văn chương rồi giữ nó sống được? Bây giờ nhìn cảnh các tiệm sách của người Việt Nam đóng cửa ở mọi thành phố khắp nơi càng thông cảm với những nỗi khó khăn mà Nguyễn Mộng Giác, Mai Thảo, Khánh Trường và Nguyễn Xuân Hoàng đã phải đương đầu.
Mà việc xây dựng những diễn đàn cho văn chương của người Việt tị nạn là một nhu cầu lớn. Sau năm 1975, quả thật chúng tôi không trông cậy gì vào các nhà văn miền Bắc trong việc phát triển văn chương của người Việt Nam cũng như các nhà văn còn ở lại Sài Gòn. Bởi vì các tác giả trong nước không được quyền tự do sáng tác, họ không thể nói hết các suy nghĩ và tâm tư, cũng không thể sáng tạo những phong cách mới theo tài năng của họ. Điều này chúng ta đã thấy rõ, khi sau này những nhà thơ, nhà văn có tài như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Chế Lan Viên từng nhìn lại các tác phẩm của họ và tiếc đã phí phạm chính năng lực sáng tạo của họ. Phải đến khi giới văn nghệ Việt Nam được cởi trói lần đầu, những người sống ở nước ngoài mới yên tâm là đã có cơ hội cho văn chương Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng của dân tộc.
Trong hoàn cảnh mười năm sau 1975, chỉ còn những người làm văn học sống ở nước ngoài được tự do tiếp tục công việc đẩy văn chương nước ta trên những bước đường mới. Biết như vậy, chúng ta mới thấy công của những người như Nguyễn Mộng Giác, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng và Khánh Trường, cùng Lê Đình Điểu, Phạm Xuân Đài trên tờ Thế Kỷ 21 rất đáng quý.
Những nhà văn trên làm việc theo cách khác nhau. Mai Thảo trông coi tạp chí Văn giống như một blog bây giờ; đó là nơi anh sống cuộc đời nhà văn của anh, tiếp xúc với thế giới bên ngoài cùng các bằng hữu. Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tay Mai Thảo cũng theo tinh thần đó. Khánh Trường, một blogger khác, dùng tạp chí Hợp Lưu múa kiếm, đánh côn để thỏa chí tang bồng không chịu đi theo những bước mòn của đa số. Trên Văn, chúng ta thấy Mai Thảo; trên Hợp Lưu, chúng ta thấy Khánh Trường; họ đóng vai chính, vừa là đạo diễn vừa làm diễn viên đáng chú ý nhất. Lê Đình Điểu, Phạm Xuân Đài góp công lập một diễn đàn chính trị cũng như văn hóa trên tờ Thế Kỷ 21, nhưng không chú trọng về văn chương.

Thăm nhà Nguyễn Tường Thiết (con trai của nhà văn Nhất Linh) ở Seattle, WA. Từ trái qua phải: Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Mộng Giác, Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà, và Nguyễn Tường Thiết (hình từ album riêng của Nguyễn Mộng Giác)
Nguyễn Mộng Giác chủ tâm chỉ làm văn nghệ, nhưng anh đóng vai chủ trương tờ báo Văn Học với vai trò một đạo diễn, một trọng tài, một người kéo màn hay một nhà nội trợ nấu nướng, chứ không cốt làm báo để tự mình nhận vai diễn viên số một. Anh đứng đằng sau tờ tạp chí, nhưng nhận một vai trò khiêm tốn. Đó là một điều đáng quý vì cá tính của anh. Nhiều người làm báo vì sở thích hoặc nhu cầu cá nhân, nếu không làm thì không chịu nổi. Nguyễn Mộng Giác xây dựng một tạp chí văn học vì nhu cầu chung, bao nhiêu người đang muốn bảo vệ tiếng nói Việt Nam, văn chương Việt Nam, tụ họp các tài năng sáng tạo của người Việt Nam. Chúng ta còn thấy các tác giả sống trong nước cũng gửi sáng tác cho đăng trên những tạp chí ở nước ngoài.
Quan trọng nhất là các tạp chí Văn Học, Văn đã kích thích bao nhiêu nhà văn, thi sĩ viết trở lại; bao nhiêu người trẻ sáng tác hăng hái. Thời gian hơn 20 năm trước, nhờ đọc tờ Văn Học chúng tôi mới được biết những bài thơ của Ngu Yên, Trần Mộng Tú, Nguyễn Thị Thanh Bình, Chân Phương, Đặng Hiền, Trân Sa, Thường Quán, Đỗ Quyên v.v. Những truyện ngắn của Miêng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Ngô Nguyên Dũng, Trần Vũ v.v. Chỉ kể một vài thí dụ trong số nhiều nhà văn nhà thơ trẻ đã gây nên một không khí sáng tác trong một cái làng văn nghệ trải rộng khắp thế giới.
Và nhờ không khí văn chương đó vui vẻ náo động, những người ở một chốn hẻo lánh xa xôi như chúng tôi tại thành phố Montréal mới có hứng ngồi xuống viết bằng tiếng Việt Nam, sau một ngày phải sống bằng tiếng ngoại quốc. Nếu không có tạp chí Văn Học thì chắc cũng không có tập sách tập nhỏ Tìm Thơ Trong Tiếng Nói. Nhờ cuốn sách viết vội trong những giờ nhàn rỗi, gọi là tiệp ký, tôi không ngờ đã bắt được những dây thông cảm với cả các thi sĩ và nhà văn sống trong nước. Thi sĩ Phùng Quán đã viết thư chép cho 4 câu thơ của ông mà tôi trích dẫn nhưng không nhớ đúng. Tôi ân hận không bao giờ còn cơ hội gặp ông, biết ơn lời bậc đàn anh gọi “qua nhà làm chén rượu.” Nhà biên khảo Lê Ngọc Trà đã gửi tặng một tác phẩm của ông về văn học, nhà thơ Hoàng Hưng đã gửi tặng tôi thơ của ông khi mới xuất bản. Cả hai vị tôi chưa bao giờ được gặp nhưng sẽ nhớ ơn mãi. Tất cả những giao tình này khiến lòng tôi ấm áp, biết rằng mình vẫn kết nối được với tiếng mẹ đẻ.
Nguyễn Mộng Giác đã giúp tôi trở về với chuyện thơ và tiếng Việt. Sau khi tập sách in rồi, tôi còn đăng mấy bài khác cũng Nói Chuyện Thơ trên tạp chí Văn Học; đó là những bài tôi thích nhất, nhờ chúng mà tôi có dịp gặp lại, trò chuyện với Thanh Tâm Tuyền để chia nhau những cảm xúc thi ca. Tôi sẽ còn nợ Nguyễn Mộng Giác và Thanh Tâm Tuyền, sẽ phải san nhuận lại để in tập Tìm Thơ Trong Tiếng Nói để tưởng nhớ hai anh lần nữa.
DQT – Tháng Tám 2012