Với Nguyễn và bạn bè hiện có mặt ở đây, trên vùng đất này, thì Tạ Chí Đại Trường là khuôn mặt quý mến thân quen mặc dù có khi chỉ gặp nhau vài lần. Trước hết xin điểm qua phần tiểu sử của ông theo trang web DA MÀU.
Tạ Chí Đại Trường mất vào sáng ngày 24 tháng Ba 2016, tại tư gia của người anh ruột, là ông Tạ Chí Đông Hải ở Sài Gòn.
Tiểu sử
Tạ Chí Đại Trường sinh năm 1935 (nhưng trên giấy tờ ghi 21 tháng Sáu, 1938), tại Nha Trang (quê gốc ở Bình Định). Tên Đại Trường, được ghép từ hai địa danh của tỉnh Khánh Hòa là Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái). Ông là con trai Cử Nhân Hán Học Tạ Chương Phùng, một nhà cách mạng hoạt động trong phong trào toàn dân chống Pháp giành độc lập dân tộc thập niên 1940 – 50.
Tạ Chí Đại Trường theo học ở Bình Định, Nha Trang, Sài Gòn.
Cử nhân Văn khoa, Đại học Văn khoa Sài Gòn 1962,
Cao học Sử, Đại học Văn khoa Sài Gòn 1964,
Năm thứ nhất Tiến sĩ Chuyên khoa Sử học, Đại học Văn khoa Sài Gòn 1974.
Giải thưởng Văn chương Toàn quốc – Bộ môn Sử 1970.
Đi lính 1964-1974.
Tù cải tạo 1975-1981.
Qua Mỹ tháng 8-1994 ở Oklahoma City.
Định cư ở Westminster, California cho đến cuối năm 2015.

Tạ Chí Đại Trường
Tác phẩm
– Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb. Văn Sử học, Sài Gòn 1973. (Tái bản: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771-1802), Nxb. An Tiêm, Hoa Kỳ 1991; Tái bản: Việt Nam thời Tây Sơn – Lịch sử nội chiến 1771-1802, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội 2006.)
– Thần, Người và Đất Việt, Nxb. Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1989; Văn Học xb., Hoa Kỳ 2000, bản mới; Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2006, bản mới.
– Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài, Nxb. Thanh Văn, Hoa Kỳ 1993.
– Việt Nam nhìn từ bên trong và bên ngoài, bài viết riêng được gộp chung với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nxb. Văn Lang, Hoa Kỳ 1994.
– Những bài dã sử Việt, Nxb. Thanh Văn, Hoa Kỳ 1996.
– Những bài văn sử, Văn Học xb., Hoa Kỳ 1999.
– Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt: Một lối nhìn khác. Bài viết cho Williams Joiner Center (UMASS/Boston) 2002.
– Sử Việt đọc vài quyển, Văn Mới xb., Hoa Kỳ 2004.
– Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945), bản thảo 1975.
– Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam, bản thảo bắt đầu 2005.
Trước hết, với Đoàn Xuân Kiên, Tạ Chí Đại Trường là một nhân cách trí thức.
Đoàn Xuân Kiên trong một bài viết trên BBC, đưa ra nhận định: Nhớ về Tạ Chí Đại Trường là nhớ về một nhà nghiên cứu sử không chịu khuất phục trước những uy lực chính trị để được sống và viết một cách trung thực với mình.
Tạ Chí Đại Trường đã trở thành quen thuộc trong giới chữ nghĩa trong nước và hải ngoại từ lâu. Ở Sài Gòn trước 1975, tên tuổi ông đã nổi khi quyển sách đầu tay, Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam 1771-1802, được tặng Giải Thưởng Tổng Thống VNCH năm 1970 trước khi công chúng được đọc toàn văn khi sách được in 3 năm sau đó. Trước 1975, ông viết không nhiều. Ngoài quyển sách Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam 1771-1802, công chúng chỉ được đọc thêm 9 bài viết trên Tập San sử Địa (Sài Gòn) mà trong số đó đã có đến 4 bài trích từ trong sách Lịch Sử Nội Chiến. Nhớ về Tạ Chí Đại Trường là nhớ về một nhà nghiên cứu sử không chịu khuất phục trước những uy lực chính trị để được sống và viết một cách trung thực với mình
Biến cố 30/4 đã tác động nhiều đến đời sống riêng và con đường nghiên cứu của ông. Sau 6 năm tù cải tạo, ông bắt đầu những ngày khốn khó về đời sống, nhưng ông đã vượt thoát những vây khổn đời thường, dùng hết những thời gian trống trải này để suy ngẫm và viết những gì ông có thể nắm bắt trong tầm tay. Dần dà, những công trình kế tiếp đã hình thành. Đọc và viết đối với ông bây giờ là một thứ ghi chép của một người quan sát từ bên lề cuộc sống mới. Đầu tiên phải kể đến tác phẩm Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài. Ông dí dỏm gọi đây là những kinh nghiệm thực tế của một thứ “chuẩn công dân hạng nhì” trong lòng xã hội vừa đổi đời. Tập hồi ký ‘Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài’ được các bạn hữu của tác giả xuất bản thành sách lần đầu tại Hoa Kỳ năm 1993, khi ông còn ở trong nước. Sau này, tác giả đã có thời gian chỉnh đốn bản thảo. Công việc hiệu chỉnh này hoàn tất năm 2005. Gần đây, toàn văn bản thảo do tác giả hiệu chỉnh cũng được lưu trữ trên mạng thông tin toàn cầu.
Tập hồi ký của Tạ Chí Đại Trường giàu tính cách văn học cũng như tài liệu xã hội tươi nguyên của một thời trong lịch sử đất nước đang chuyển động từng ngày trước mắt. Con mắt sử gia đã bén nhạy ghi nhận những nhịp đập vui buồn của một thời thể hiện qua số phận một cá nhân. Nhưng tập hồi ký còn cho người đọc đôi nét khắc hoạ về con người nhạy cảm tinh tế của một nhà văn. Chúng ta trân trọng tập hồi ký vì tính cách sống động và chân thực của nó. Tập hồi ký này sẽ thêm vào kho hồ sơ lưu trữ xác thực về một thời kỳ lịch sử mà thế hệ trẻ Việt Nam rất cần được biết và nhớ. Vì một tương lai khác cho đất nước chúng ta.
Biến cố 30/4, như đã nói trên, có nhiều tác động đến đời sống riêng và con đường nghiên cứu của Tạ Chí Đại Trường. Kế đó là một loạt những bài viết ngắn nhằm chỉnh lại những điều cần phê phán, hoặc đưa ra những góc nhìn khác về những vấn đề sử học của giới nghiên cứu quan phương. Những bài viết này về sau đăng dần trên tập san Văn Học (USA) trước khi in thành nhiều tập tại hải ngoại. Đó là những tập Thần, Người và Đất Việt (1989), và Những bài dã sử Việt (1996). Tập Việt Nam nhìn từ bên trong: Những khuynh hướng chính trị tiên tri thời hiện tại ở Việt Nam (1992) đưa ra những giải mã độc đáo về những khuynh hướng chính trị mà ông gọi là những khuynh hướng tiên tri mang màu sắc huyền bí của tôn giáo hơn là bắt rễ từ thực tiễn. Những khuynh hướng hoang tưởng khác nhau ấy đã như một truyền thống bắt rễ sâu trong sinh hoạt chính trị. Hệ quả của những khuynh hướng tiên tri này là sự phiêu lưu hoang tưởng của xã hội vì vướng kẹt trong ngõ cùng của chính trị. Ông không phê phán để phê phán suông, mà để phấn đấu cho một cuộc đổi thay cần thiết và triệt để trong nghiên cứu sử. Thay đổi này không thể là cuộc thay đổi ngoài da mà phải là một thay máu cho văn hoá.
Khi sang định cư bên Hoa Kỳ (1994), Tạ Chí Đại Trường lại đóng góp thêm một số công trình khác cũng vẫn cùng ý hướng phê phán quan điểm sử học chính thống ở trong nước để tiến đến một quan điểm sử học trung thực. Lần lượt, các công trình Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt – Một lối nhìn khác (2002), Sử Việt, đọc vài quyển (2006). Tính cách phê phán của những công trình về sau này thật là dứt khoát. Trong tập Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt – Một lối nhìn khác (2002), ông phê phán những quan điểm sử học đương thời ở cả hai miền Nam Bắc trong thời phân chia và quan điểm sử của thời hiện đại, đều chỉ muốn áp đặt chính trị lên lịch sử, giải thích lịch sử theo chủ quan của chính trị.
Trong một bản tin, báo Thanh Niên ghi nhận: Tạ Chí Đại Trường Ra Đi: Mất Mát Lớn Cho Sử Học VN
Ngành sử học Việt Nam vừa có một mất mát lớn: Sử gia Tạ Chí Đại Trường đã từ trần tại Sài Gòn, theo tin từ gia đình và truyền thông trong nước.
Trong khi đó, bản tin BBC ghi lời giáo sư NGUYỄN HUỆ CHI qua điện thoại từ Hà Nội hôm 24-3-2016:
“Tôi bàng hoàng khi hay tin ông Đại Trường qua đời. Với tôi, ông ấy là người luôn ngẩng cao đầu, không chịu nghe mệnh lệnh của ai ngoài trái tim và con mắt nhìn sự thật”.
“Ông Đại Trường là nhà sử học có tầm vóc và có nhiều khám phá về phương diện lịch sử Việt Nam trong giai đoạn trung đại, cận đại và hiện đại”.
“Tiếc là có một quá trình dài từ năm 1975, giới khoa học xã hội miền Bắc nắm giữ tư thế bên thắng cuộc nên không trao đổi học thuật với một nhà sử học chân chính của miền Nam như ông Đại Trường”.
“Theo tôi, đấy là một thiệt thòi cho giới khoa học miền Bắc. Lẽ ra, nếu tiếp cận ông sớm, người ta đã nhận ra phải nhận thức lịch sử cho đúng và những gì phải thay đổi trong cách viết sử lâu nay”, giáo sư nói thêm.
Ông Huệ Chi cũng cho hay: “Những người như ông Đại Trường cần phải được đặt ở vị thế xứng đáng để ông nghiên cứu và những phát hiện của ông được trân trọng. Nhưng có thể vì nhạy cảm chính trị mà người ta né tránh một tinh hoa của miền Nam như ông”…”(ngưng trích)

Đại Úy Tạ Chí Đại Trường
Nhà văn PHAN TẤN HẢI kể rằng kỷ niệm gần nhất ông có với sử gia Tạ Chí Đại Trường là hình ảnh ông nói chuyện trong buổi lễ tưởng niệm nhà văn Nguyễn Mộng Giác năm 2012.
Khi đó, sử gia Tạ Chí Đạị Trường lên kể những kỷ niệm, rằng ông là bạn học của người anh của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, và xem “Giác và Diệu Chi như em.” Sử gia nói, đời sống chữ nghĩa của ông sau 1975 là nhờ Nguyễn Mộng Giác, vì những công trình biên khảo của học giả Miền Nam sau 1975 là bị đẩy vào bóng tối, “nhưng chỉ sau khi tập san Văn Học in các biên khảo của tôi, thì nhà xuất bản trong nước mới dám in sách của tôi…”
Đặc biệt, sử gia Tạ Chí Đại Trường trong lá thư đề ngày 4 tháng 5-2010 đã gửi thư lên Quốc Hội VN để yêu cầu:
“…công nhận Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hoà là Chứng tích Lịch sử Quốc gia…
Đây cũng là tưởng niệm duy nhất còn lại của một phía về những người lính, người Việt Nam, đã chết trong chiến tranh – tuy nhỏ nhoi, ít ỏi hơn những nghĩa trang liệt sĩ của phe thắng trận đang đứng chân hàng hàng lớp lớp trên đất nước Việt Nam.
Sự công nhận này là một hành động văn minh học được của thế giới ngày nay như khi công nhận, bảo trì Mỹ Sơn của người Chàm, khu phố Hội An gốc của người Hoa và người Nhật, cũng như trở lại giữ gìn thành trì lăng tẩm họ Nguyễn có lần đã bị bỏ luống, tàn phá, trở lại tiếp nối hành động văn minh của triều Nguyễn khi cho người coi sóc lăng tẩm các vua Lê…
Lời đề nghị có ngày tháng nên trước tiên là với Quốc hội CHXHCN Việt Nam hiện nay. Vì quan niệm chế độ nào rồi cũng qua, chỉ có đất nước là tồn tại nên lời ghi “Quốc hội Việt Nam” là để dành cho những lần mai sau liên tiếp một khi yêu cầu chưa được thoả mãn. (trích Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne)
Còn nhiều nhà nữa, cả trong và ngoài nước ca tụng sự đóng góp của tác giả Thần, Người, và Đất Việt. Gần đây nhà biên khảo Ngộ Không Phí Ngọc Hùng ở Houston đã thực hiện cả một trang web ghi công Tạ Chí Đại Trường.
N&BH