Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996) là một nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam đồng thời là một kỹ sư, nhà toán học. Ông sinh năm 1908, quê Yên Hồ, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà. Lớn lên ra Hà Nội học trung học ở trường Bưởi rồi chuyển sang học chuyên Toán ở Lycée Albert Sarraut. Năm 1928, Hoàng Xuân Hãn đỗ thủ khoa kỳ thi Tú Tài toàn phần và được nhận học bổng của chính phủ Ðông Dương sang Pháp học dự bị để thi vào các trường lớn. Năm 1930, Hoàng Xuân Hãn đỗ vào trường École Normale Supérieure và trường Bách Khoa Paris. Hoàng Xuân Hãn chọn học trường Bách Khoa. Trong thời gian này ông bắt đầu soạn cuốn Danh từ khoa học.

Năm 1932 – 1934, Hoàng Xuân Hãn vào học École Nationale des Ponts et Chaussées (Trường Kiều Lộ Paris). Năm 1934, Hoàng Xuân Hãn trở về Việt Nam, 4 tháng sau đó sang Pháp. Trên chuyến tàu, Hoàng Xuân Hãn gặp cô sinh viên Nguyễn Thị Bính sang Pháp học Dược khoa. Sau này hai người kết hôn với nhau.

Từ năm 1934 đến năm 1936 Hoàng Xuân Hãn trở lại Pháp, đậu cử nhân toán 1935 và thạc sĩ toán 1936 tại khoa Toán trường Ðại Học Sorbonne (Licence des Sciences Mathématiques Sorbonne). Sau đó, ông trở về Việt Nam dạy các lớp đệ nhất ban toán trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Trong thời gian này ông hoàn tất cuốn Danh từ Khoa học. Do chiến tranh trường Bưởi phải dời vào Thanh Hóa. Tại đây, ông tìm thấy những tài liệu lịch sử về La Sơn Phu Tử và vua Quang Trung và những tấm bia nói về sự nghiệp của Lý Thường Kiệt.

Xem thêm:   “Chân Dung Người Lính Thi Sĩ Miền Nam”

Năm 1942, Hoàng Xuân Hãn cho xuất bản quyển Danh Từ Khoa Học (Vocabulaire Scientifique).

Hoàng Xuân Hãn – nguồn wikipedia.org

Tháng 4 năm 1945, vua Bảo Ðại mời ông vào Huế để tham khảo ý kiến về việc thành lập chính phủ độc lập đầu tiên của Việt Nam. Hoàng Xuân Hãn tham dự nội các Trần Trọng Kim với chức vụ Bộ trưởng Giáo dục – Mỹ thuật. Với chức Bộ trưởng, ông đã thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ ở các trường học. Áp dụng việc học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức. Chính phủ Trần Trọng Kim tại chức được 4 tháng.

Sau ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ nhiệm, Hoàng Xuân Hãn trở về dạy và viết sách toán bằng tiếng Việt, cùng cứu vãn những sách cũ, sách cổ bị đưa bán làm giấy lộn khắp đường phố Hà Nội.

Từ 16 tháng 4 đến 12 tháng 5 năm 1946, Hoàng Xuân Hãn tham dự Hội nghị Ðà Lạt. Năm 1946 khi chiến tranh Pháp – Việt bùng nổ, ông bị kẹt ở Hà Nội.

Hoàng Xuân Hãn sang Paris năm 1951 và ở luôn bên Pháp. Ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, viết các bài gửi các báo Sử Ðịa (Sài Gòn, 1966-1974), tập san Khoa học – Xã hội (Paris, 1976-1987), Ðoàn Kết (Paris, 1976 – 1981), Diễn đàn (Paris 1991 – 1994).

Năm 1952, Hoàng Xuân Hãn xuất bản La Sơn Phu Tử. Năm 1953, xuất bản Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo.

Tại Paris, Hoàng Xuân Hãn đã hoàn tất công trình lớn về Ðoạn Trường Tân Thanh có tên “Nghiên cứu về Kiều” từ công trình nghiên cứu hơn 50 năm. Hoàng Xuân Hãn mất ngày 10 tháng 3 năm 1996 tại bệnh viện Orsay, Paris.

Xem thêm:   Google Doodle

Cả cuộc đời Hoàng Xuân Hãn là tấm gương về lẽ sống làm người, về phẩm chất của người trí thức chân chính. Có thể nói ông là nhà khoa học bách khoa đã cống hiến sáng tạo không biết mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực lịch sử, thiên văn, văn học và lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp rất có giá trị  nhờ sự kết hợp giữa tài liệu xác chứng và luận điểm mới mẻ nhưng điều quan trọng hơn là tác giả luôn mong muốn gửi gắm trong đó sự kết hợp nhuần nhị giữa khoa học và tình yêu Tổ quốc.

Giáo sư Dương Thiệu Tống viết:

Tôi ngưỡng mộ GS Hoàng Xuân Hãn vì tài năng trí tuệ lớn lao của ông cho nền giáo dục Việt Nam, tôi mến yêu ông vì tấm lòng yêu đất nước, yêu con người của ông, nhưng trên tất cả, tôi kính trọng ông về “khí tiết” của người trí thức Việt Nam mà ông đã tóm tắt trong lời nói đầu của cuốn La Sơn Phu Tử: “Trong cơn giông tố, gốc cây đại thụ đứng im; giữa dòng nước cuốn, cột đá chân cầu không chuyển; đó là đặc tính chắc rắn của gốc cây, cột đá. Chuyện La Sơn Phu Tử là chuyện một cá nhân đặc biệt, một cá tính đặc biệt mà thôi. Ðặc biệt vì khí tiết của cụ đã được thử thách trong những trường hợp éo le, nhiều khi mâu thuẫn cùng nhau, thế mà chung quy vẫn tròn khí tiết.

Kỳ tới, chúng ta sẽ bàn về La Sơn Phu Tử nha các bạn. La Sơn Phu Tử tác phẩm tâm huyết của Hoàng Xuân Hãn.

Xem thêm:   Điên-nặng-điện

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp