Nhà văn Hoàng Hải Thủy tên thật là Dương Trọng Hải qua đời ngày 6 tháng 12 năm rồi tại Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn. Hưởng thọ 88 tuổi. Ông là nhà báo, nhà văn viết mạnh nhất với nhiều thể loại trong gần 7 thập niên qua với nhiều bút hiệu khác nhau.

Ðược biết Hoàng Hải Thủy tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật từ những năm đầu thập niên 1950 tại Hà Nội. Di cư vào Nam năm 1951, ông từng trải qua các việc như phóng viên cho nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Ðội VNCH, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới. Ông còn là biên tập viên, chuyên về dịch thuật cho USIS (Sở Thông Tin Hoa Kỳ) ở Sài Gòn.

Năm 1952, ông được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn do nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Từ năm 1956, ông trở thành cây viết phóng sự nổi tiếng và tác giả nhiều bộ tiểu thuyết phóng tác bán chạy hàng đầu tại Miền Nam Việt Nam.

Các tác phẩm đã xuất bản trước 1975 là Vũ Nữ Sài Gòn, Tây Ðực Tây Cái, Chiếc Hôn Tử Biệt (tái bản với tên Ðêm Vĩnh Biệt), Nổ Như Tạc Ðạn, Yêu Lắm Cắn Ðau, Bạn và Vợ, Môi Thắm Nửa Ðời, Người Vợ Mất Trí, Ðịnh Mệnh Ðã An Bài, Kiều Giang (phóng tác từ tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Bronte), Gái Trọ, Ðỉnh Gió Hú (phóng tác từ Wuthering Heights), Như Chuyện Thần Tiên (Scoprion Reef), Ðiệp Viên 007 (phóng tác), Thầy Nô (phóng tác từ Dr. No), Máu Ðen Vàng Ðỏ (phóng tác)…

Năm 1977, ông bị CSVN bắt nhốt hai năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết ra nước ngoài. Tháng 5, 1984, ông bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù 6 năm.

Năm 1990, sau khi được thả, ông trở về Sài Gòn và năm 1994 sang Hoa Kỳ tị nạn, định cư ở Virginia.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Các tác phẩm của ông đã xuất bản sau 1975 là Công Ty Rửa Tiền (The Firm), Mang Xuống Tuyền Ðài (The Chamber), Báo Cáo Bồ Nông (The Pelican Brief), Tiếng Kêu Của Máu (The Red Dragon), Mùa Hạ Hai Mươi, Những Tên Biệt Kích Cầm Bút, Dữ Hơn Rắn Ðộc…

Các bài bình luận, phiếm luận được nhiều người đọc là Mai Sau… Nếu Có Bao Giờ, Nhắc Chi Ngày Xưa Ðó…, Chìm Trong Lãng Quên, Sài Gòn và Phụ Nữ Việt trong phim Người Mỹ Thầm Lặng, Ðọc Chùa Ðàn Xem Mê Thảo, Còn Gốc Mất Gốc, Mưa Cầm Gió Bắt, Thép Ðợi Gang Chờ…

Ðến nay, ông đã hoàn thành và xuất bản hơn 60 tác phẩm gồm nhiều thể loại. (theo ÐG. Báo Người Việt)

Tác phẩm nổi tiếng gần đây là thiên hồi ký Sống và Chết ở Sài Gòn. Ông viết tuỳ hứng, nhớ đâu ghi đó. Theo Nguyễn Ðình Toàn, đọc “Sống và Chết ở Sài Gòn” người ta được biết những chuyện liên quan tới một số văn nghệ sĩ, trí thức, như Vũ Hoàng Chương, Thượng toạ Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thanh Nam, Vũ Bằng, Duyên Anh, Thái Thủy, Mai Thảo, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Uyên Thao… về Trại Giam Phan Ðăng Lưu, nơi Hoàng Hải Thủy đã trải qua nhiều năm tù.

Chương Hoàng Hải Thủy kể lại những năm tù ở Trại Phan Ðăng Lưu với nhiều tù nhân khẳng khái được nhà văn Ðặng Trần Huân coi là một chương tuyệt tác.

Sau đây xin trích lời viết của Hoàng Hải Thủy về cuốn hồi ký của ông:

Gửi các bạn tôi

Sống, chết ở Sài Gòn…

* Rừng Phong, Hoa Kỳ 2002

Hoàng Hải Thủy

Ôi cố hương xa nửa địa cầu

Ngàn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau…

Ngày mới đến Hoa Kỳ tôi nói: “Tôi mang Sài Gòn trong trái tim tôi…” Tôi muốn nói tôi yêu Sài Gòn, tôi đã sống đến bốn mươi năm trong lòng thành phố Sài Gòn thương yêu, tôi đã vui buồn, đã đau khổ với Sài Gòn. Nay phải đi xa, tôi mang Sài Gòn theo tôi nên tôi sẽ không thấy nhớ Sài Gòn!

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Sự thật không như tôi nói, không như tôi tưởng.

Trước hết, câu nói ấy có cái giọng của Sáu Keo: “Miền Nam trong trái tim tôi…”

Dù tôi có yêu thương Sài Gòn đến chừng nào đi nữa -là Công Tử Hà Ðông bên hông Hà Nội, Bắc kỳ chính cống Bà Lang Trọc nhưng tôi yêu Sài Gòn hơn tôi yêu Hà Nội – dù tôi có sống với Sài Gòn lâu đến chừng nào đi nữa, khi phải xa Sài Gòn tôi vẫn nhớ thương Sài Gòn. Nhớ thương vỡ tim, xé gan, cháy lòng, đứt ruột như nhớ thương người đàn bà mình yêu, người đàn bà đa tình yêu mình cực kỳ, cho mình hưởng tất cả, mình từng sống hạnh phúc bên nàng mà mình phải xa nàng.

Ðêm cuối năm, mưa rơi suốt đêm trên Rừng Phong.

Canh khuya trằn trọc nằm nghe tiếng mưa đập vào khung kính cửa sổ, tưởng như đang nằm nghe mưa rơi trên mái ngói xanh rêu trong căn nhà nhỏ ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ Sài Gòn.

Bồi hồi tưởng nhớ những cây mưa đầu mùa năm xưa ở quê nhà. “Cây mưa”! Ðúng là cây mưa. Những năm 1956, 1957 xanh xưa tôi còn trẻ, trong loạt bài gọi là phóng sự tiểu thuyết Vũ Nữ Sài Gòn, tác phẩm đầu tay của tôi, tôi viết: “Sài Gòn sau cơn mưa lớn sạch như người đàn bà đẹp vừa mới tắm xong…”

Hơn bốn mươi mùa mưa sau nhớ lại, thấm và thấy đúng biết chừng nào. Sài Gòn của tôi thuở 1956-1960 thanh bình sau những cơn mưa lớn, nhất là những cơn mưa đêm, sạch như người đàn bà đa tình yêu tôi, tôi yêu, khi nàng mới tắm xong.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Sáng nay mưa vẫn rơi trên Rừng Phong.

Người tha hương lúc nào cũng nhớ quê hương.

Tết đến. Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Tết đến, người tha hương nhớ thương quê hương hơn. Những lời thơ Thanh Nam ray rứt trong tim tôi:

Ôi cố hương xa nửa địa cầu

Ngàn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau.

Ðâu đây trong khói trầm thơm ngát

Hiện rõ trời xuân một thuở nào.

…..

Tỉnh cơn mê sảng âm thầm

Ngó ra đất khách mưa xuân hững hờ

Tháng Tư, cơn sốt đầu mùa

Gợi trong tiềm thức những giờ oan khiên

Ghé thân lữ thứ trăm miền

Nỗi buồn nào cũng mang tên Sài Gòn!

Tháng Chạp Tây, bánh xe lãng tử đưa tôi đi một vòng Cali. Ðêm cuối năm trong một thành phố nhỏ, tôi xem một phim video về Hà Nội do những người Hà Nội làm. Thành phố Hà Nội được người Hà Nội yêu thương quá cỡ. Hà Nội được yêu thương trước 1945, Hà Nội được yêu thương sau 1945. Có đến 50 bài thơ, bản nhạc được làm để ca tụng Hà Nội và diễn tả tình yêu Hà Nội. Trong khi đó thành phố Sài Gòn thương yêu của tôi có gì? Thành phố Sài Gòn của tôi được thương yêu, được ca tụng như thế nào? Bao nhiêu? Một bài Sài Gòn Ðẹp lắm Sài Gòn ơi của Y Vân, một bài Vĩnh biệt Sài Gòn của Nam Lộc. Còn gì nữa?

Tôi sẽ viết về thành phố Sài Gòn và tình yêu Sài Gòn.

….

Trên là phần mở đầu thiên hồi ký Sống và Chết ở Sài Gòn của Hoàng Hải Thủy, được cơ sở Tiếng Quế Hương của Uyên Thao ở Virginia xuất bản 2002. Mời các bạn tìm đọc cuộc đời và tâm cảm của một nhà văn, để tìm lại ảnh bóng và sắc hương của một thời.

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp