Hoạ sĩ, nhà văn Võ Đình sinh ngày 14 tháng 11-1933 tại huyện Hương Trà, Thừa Thiên.

Năm 50 du học ở Lyon và Paris, Pháp quốc. Năm 1961, triển lãm hoạ phẩm đầu đời ở New York City. Từ đó, hơn 40 triển lãm cá nhân và vô số triển lãm tập thể ở Âu Châu, Á Châu, Gia-Nã-Đại và Hoa Kỳ.

Năm 1970, hai văn phẩm đầu tiên được xuất bản: The Jade Song (Chelsea House, New York) và The Toad Is the Emperor Uncle’s (Doubleday&Co,. New York).

Năm 1992: Bằng hữu bốn phương bày tranh và sách Võ Đình ở Montreal, Canada. Năm 2000: triển lãm ở Pháp, kỷ niệm 50 năm về trước đặt chân đến Paris. Năm 1980: Xứ Sấm Sét (Lá Bối xuất bản). Năm 2002: Huyệt Tuyết (Văn Nghệ, California). Năm 2004: Mây Chó (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ). Năm 2007: Tuyển Tập Võ Đình (Văn Mới).

Võ Đình qua đời tại nhà, West Palm Beach, ngày 31 tháng 5, 2009.

Ông là cây bút có sắc thái riêng, sáng tạo và gợi cảm. Sau đây mời quý độc giả đi vào thế giới văn chương của Võ Đình qua trích đoạn một bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Nguyễn Mạnh Trinh

Tùy bút là một thể văn viết dễ mà khó. Viết về cái mình nghĩ, cái mình cảm, có lẽ dễ hơn là dùng trí tưởng tượng tái tạo lại những sự kiện thành một thế giới riêng. Nhưng, cái khó là viết được những điều mà người khác cũng cảm được, cũng chia sẻ cái nghĩ cùng mình.

Với Võ Ðình, qua gần nửa thế kỷ cầm bút và cầm cọ, từ 20 năm văn học miền Nam đến gần 30 năm văn học hải ngoại, ông đã tạo riêng một sắc thái nghệ thuật độc đáo.  Võ Ðình viết tùy bút bằng nghệ thuật của một người cầm cọ vẽ và tâm hồn lãng mạn của người làm thơ. Có thể , chỉ bắt nguồn từ một việc, một người, mà chữ nghĩa đã phiêu du đi thật xa, đến thế giới nửa hiện thực nửa huyền ảo. Hiện thực, vì nó mang hơi thở của cuộc sống. Huyền ảo, bởi những nét vờn sương khói của những cơn mơ, của những tưởng tượng bước sải đi trong không gian nhiều chiều đầy cảm giác .

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Ðọc Tuyển Tập Võ Ðình, thấy được sắc thái riêng biệt.Một điều rõ ràng, nét cẩn trọng trong suy tư cũng như  tài hoa trong ngôn ngữ chan chứa trong các đoản văn của ông.

Những truyện ngắn có phong thái khác lạ làm người đọc lạc vào một thế giới lãng đãng phân hai giữa thực và mộng , giữa đêm Liêu trai  phương Ðông, giữa ngày náo động vùn vụt của xã hội Tây phương.

Tuyển Tập Võ Ðình gồm 30 truyện ngắn trích trong những tập in trong khoảng gần 30 năm: Xứ Sấm Sét, Lầu Xép, Huyệt Tuyết, Mây Chó, Trời Ðất. Thật ra, nếu tuyển chọn rộng rãi một chút thì số lượng phải nhiều hơn. Bởi, qua những bài viết được đăng trên các tập san văn nghệ, truyện của ông  đã được nhiều khen ngợi nồng hậu.

Tuyển tập Võ Đình 

Tả cảnh, tả tình, kể chuyện, tất cả là một nghệ thuật được nâng cao với Võ Ðình. Như chỉ tả một con chim mà tạo được một không gian huyền ảo và gây được những kích động tâm lý người đọc trong truyện G. Phải là người yêu cái đẹp và khiếu thẩm mỹ cao độ mới có thể viết được những đoạn văn đẹp như những câu thơ văn xuôi óng ả. Không gian mù sương của một nơi chốn yên tĩnh đã tạo thành hình ảnh không phải là một con chim bình thường mà còn là ảo giác cũa những cảm xúc  tạo thành vẻ diễm lệ khó tìm được trong hiện thực. Từ nhìn ngắm cánh chim để suy nghĩ xa hơn, đến những điều tuy gần cận trong đời sống nhưng ít để ý, nay bỗng hiện ra trong cảm giác kỳ thú lạ lùng. Ðoạn kết của truyện ngắn G. thật lạ. Chỉ với một cái lông chim còn sót lại mà tạo thành một nỗi xúc cảm mạnh mẽ đến phát khóc:

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

“Tôi cúi nhặt một cái lông cánh, một cái lông dài màu lục mà tôi vẫn thường ví với ngọc thạch “tourmaline”. Tôi nhìn cái cánh chim hồi lâu rồi tôi dim mắt chìa cái lông ra theo hướng ánh sáng mặt trời. Rồi tôi xoay nó lại qua chiều khác, để nó ngược lại hướng ánh sáng mặt trời. Nhưng cái lông chim tuyệt đẹp chỉ còn lại một màu lục tầm thường, không phản ánh hỏa hoàng và huyết dụ nữa như tôi đã từng thấy khi nó còn dính liền nguyên vẹn với hình hài của G.

Sáng ấy, tôi đã nói, là ngày sinh nhật của tôi, giờ Tây Bán Cầu, trời rất đẹp, tôi đứng đó, một con người đã trưởng thành, một gã đàn ông xưa nay vẫn kiêu căng về cái “gươm đàn nửa gánh” của hắn, một đấng tu mi. Thế mà, tôi thấy rậm rựt, run run trong lòng. Một tí ti nữa, chỉ một tí ti nữa thôi, thì tôi đã đưa tay lên ôm mặt khóc, như một đứa trẻ con”

Chắc chắn Võ Ðình không phải người chỉ đơn thuần kể chuyện.  Bởi ngôn ngữ của ông chất đầy những liên cảm và những ý tưởng, những suy tư cứ bật ra và nối kết.

Võ Đình

….

Có người đọc truyện Marie Louise và nhận định đây là một chuyện đậm đặc dâm tính.  Nhưng có người lại cho rằng đó là một khám phá nội tâm con người qua chuyện sinh lý. Truyện là một người đàn ông có một người tình “bé bự” và tìm khoái lạc trong cách làm tình với đôi vú khổng lồ. Người đàn bà dâng hiến thật tình trong khi người đàn ông  thì lợi dụng thể xác một thời gian rồi cũng chán và không giao tiếp nữa. Truyện chỉ có thế nhưng qua lời kể của người đàn ông khi về già lại là những hồi ức về một xúc cảm đã có,  cũng như đi vào những trạng thái tâm lý tuy có vẻ bất thường nhưng thực ra bình thường với một con người. Những khám phá tâm sinh lý đã làm nổi bật lên phong cách riêng của lối sử dụng con chữ thật lãng mạn và chuyên chở được cảm xúc.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Truyện Án Mạng lại có không khí nửa quái đản nửa hiện thưc. Người đàn ông ghen giết vợ và tình địch  bằng một cây gậy gỗ. Mà tình địch lại là một chú rùa già đang sống ở hồ nước sau nhà. Truyện kể người đàn ông lúc nào cũng bên cạnh một hỏa diệm sơn bốc lửa của thân hình sexy và tâm tính lẳng lơ của người vợ nên lúc nào cũng ghen tuông và rình mò trong cái thèm muốn ẩn ức sinh lý. Lần đánh chết con rùa và người vợ, anh gặp một cảnh thật ướt át gợi tình, người vợ thủ dâm với bàn tay và cổ của chú rùa…

Truyện của Võ Ðình là tổng hợp của hiện thực và hư cấu huyền ảo. Không gian của ông thường bàng bạc trong màn sương nhàn nhạt, của những gam màu mà bóng tối nhạt nhòa giữa ánh sáng. Và, nhân vật của ông, dù đầy ắp chất nhân bản nhưng cũng  nhiều mặt trộn lẫn nhau. Những nhân vật ấy, sống nhiều với bản năng nhưng cũng suy tư và mơ mộng  như những người nghệ sĩ lãng mạn…

NMT