Dương Nghiễm Mậu nổi tiếng với những tập truyện ngắn như Đôi Mắt Trên Trời, Tuổi Nước Độc, Cũng đành, Nhan sắc, Tiếng sáo người em út… Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài đọc sách của nhà văn Khuất Đẩu về truyện Tiếng Sáo Người Em Út nói lên những đặc sắc của truyện và văn tài Dương Nghiễm Mậu. NGUYỄN & BẠN HỮU

Khuất Đẩu

Dù là một nhà văn được nhóm Sáng Tạo phát hiện, nhưng Dương Nghiễm Mậu không viết như Mai Thảo, nghĩa là không cách tân lối viết, không quá chú trọng làm sao cho mỗi chữ gõ lên nghe leng keng.

Ông có vẻ như một “phu chữ” kiên nhẫn “gánh” những con chữ như cách Hữu Loan gánh từng tảng đá, để dựng nên ngôi nhà chữ nghĩa của mình. Ngôi nhà ấy, mới trông rất bình thường nếu không muốn nói là tầm thường.

Nhưng bước vào trong, cái vừa hấp dẫn vừa làm ta ngài ngại, chính là không khí trong mỗi truyện, một không khí hơi lành lạnh, hơi u uất, hơi giằng xé. Truyện nào cũng đau đau, buồn buồn, để lại hay làm bật lên trong lòng người đọc những suy nghĩ, những băn khoăn thực khó gọi tên, nhưng rất gần và rất thực.

Như truyện có thể gọi là rất mỏng và rất nhẹ của ông mà tôi sắp nói tới đây: truyện Tiếng sáo người em út.

Truyện không hơn 10 trang in, chỉ có 3 nhân vật. Người anh Cả, người em Út và người Cha vừa mới chết. Người anh Cả về thăm nhà không báo trước, nghe tiếng sáo của người em Út không còn thô mộc mà nay đã chín, cảm thấy rất vui. Người anh vào nhà, thấy cha đang nằm, để yên cho cha ngủ. Nói chuyện với người em đang xúc lúa từ cỗ áo quan, mới biết người em gái kế đã chết. Nói về ông Nội, về Mẹ. Sau cùng người em Út nhờ người anh Cả giúp mình khiêng cỗ áo quan lên nhà trên. Người anh nhíu mày: “Mang lên làm gì?”. “Cho Cha nằm”, người em nói. Người anh lặng đi đôi mắt mở lớn nhìn người em không chớp: “Cha chết rồi sao?”. “Cha đi tối hôm qua”. Người anh vụt bỏ chạy lên nhà trên, tiếng bước chân, tiếng cửa va đập rồi tiếng khóc oằn lên…

Những sự việc nêu trên tưởng là rất bình thường hóa ra rất kịch tính. Từng lớp, từng lớp như những cánh cửa gỗ trong một ngôi nhà cổ mở dần ra, để sau cùng dẫn người đọc tới cái nỗi đau òa vỡ của người anh Cả: sau bao nhiêu năm mới về thăm nhà thì cha đã chết! Chỉ ba chữ khóc oằn lên đã cho ta thấy được cái bất hạnh nghẹn ngào của đứa con tự kết tội mình.

Dương Nghiễm Mậu 

Nhưng nếu chỉ để kể lại một câu chuyện buồn như thế thì chắc tác giả cũng không muốn kể làm gì. Tác giả còn muốn hơn thế nữa. Muốn qua người em Út nói đến cách sống và cách nhìn đời của người cha. Một người, cả đời không làm gì quấy, không có gì phải hối hận… Cha nhẹ lòng khi nhắm mắt có con ở bên. Con hãy thổi sáo cho cha nghe. Và em đã thổi sáo từ đêm qua đến giờ…

Xem thêm:   Đi thăm gian hàng sách Da Màu

Người em Út mới đọc lướt qua, tưởng đó là một người vô tâm nếu không muốn nói là không giữ tròn chữ hiếu. Cha chết mà lại đi thổi sáo! Chẳng tẩm liệm, chẳng để cha mang theo một thứ gì ngoài những hạt thóc đựng trong ruột tượng của mẹ. Tự mình bồng cha lên đặt vào cỗ áo quan, để cha gối đầu lên đó. Cũng không ma chay, chỉ có bát cơm trắng mời cha cùng ăn với hai anh em. Cũng không trống kèn ỉ eo, chỉ có mỗi tiếng sáo đơn độc của mình!

Nhưng đó là một người con trai Út rất hiểu cha, yêu cha và biết nối chí cha, dù giặc giã, dù trâu không còn một con cũng cố bám lấy đất vì đất chung tình cho họ từng hạt lúa. Khi người em thổi cơm, từng hạt gạo rơi xuống gặp phải lửa thành bỏng gạo, người em nhặt lên bỏ vào miệng chứ không để cháy thành than. Và tuy người em Út bảo anh về thì em sẽ đi, nhưng cuối cùng: anh nghĩ em bỏ nơi này mà đi được sao? Ai cũng bỏ đi cả thì nơi này ai coi, ruộng ai cày và những người như anh lấy đâu nơi để trở về?

Người em Út qua những cử chỉ, lời nói có vẻ không còn là một người em nhỏ bé nữa. Anh ta sống bên cạnh cha từ nhỏ, chứng kiến bao nhiêu cái chết, bao nhiêu đổi thay chẳng những đã trưởng thành mà còn trở nên già dặn, sâu sắc. Ta có cảm tưởng người anh Cả đang nói chuyện với cha mình chứ không phải với người em Út. Hay nói cách khác, người em Út là hình bóng còn đọng lại của người cha.

Người anh Cả, thời gian và đường xa đã dạy cho anh những gì? Chị Bé đã chết, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu đổi thay, anh đâu có sống với những điều đó? người mà mỗi lần nhắc tới anh, cha tép miệng rồi mỉm cười: nó có còn sống thì cũng như đã chết.

Người anh trở về ít nhiều mang mặc cảm tội lỗi với gia đình. Nhưng đó không phải là một người phá gia chi tử, không đàn đúm ngược xuôi mà bỏ nhà đi vì một mộng tưởng nào đó, cho dù là lạc đường dại dột. Người cha với lòng thương con, đã bênh vực người anh Cả khi nói, anh đã sống thay cho cha.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Trong truyện Gia tài của mẹ, người mẹ chính là hình ảnh tượng trưng của một nước Việt Nam nội chiến từng ngày. Thì ở truyện này, tôi cũng thấy một nước Việt Nam qua hình ảnh của người cha nghèo dù trải qua bao đời vẫn bám giữ lấy đất và truyền lại ý nguyện đó cho thế hệ mai sau.

Truyện được viết tại Sài Gòn, 1974. Gần 40 năm sau, đọc lại mà giật mình. Những ruộng đồng Việt Nam, giờ rất thiếu đàn ông, chỉ có đàn bà và các người già là còn cố bám lấy đất.

Người anh Cả ấy, giả dụ như ra đi từ sau 75 liệu lúc này trở về có còn được nghe tiếng sáo của người em Út? Một tiếng sáo rất nhẹ nhàng nhưng là tiếng sáo nhẫn nhục của người ở lại. Tiếng sáo không than van, không oán trách, nhưng sao nghe rất bùi ngùi.

Tác phẩm Dương Nghiễm Mậu

Vì bỏ nơi này mà đi được sao, nên tác giả sau 75 không ngờ lại là “người em út”, người sống với bao nhiêu đổi thay, bao người đã chết, quyết trụ lại nơi này dù biết rằng ô nhục, tù đày vì nếu không thì những người như các anh lấy đâu nơi để trở về?

Trên tôi đã nói, những con chữ của tác giả rất thô mộc. Không kéo lê thê với những tính từ trùng lắp không cần thiết. Tôi có cảm giác những con chữ ấy là những hạt gạo trên sàng, nghĩa là tác giả đã lọc lựa rất kỹ, nhất là những hạt sạn. Người khác, có thể vì tiếng sáo mà kết thêm hoa lá cành để có thể là tiếng sáo của Trương Lương, hay của Trương Chi. Nhưng ở đây: tiếng sáo không còn thô mộc, non nớt, chập chững những bước đầu đời mà nay tiếng sáo đã chín. Từ thô mộc/non nớt/chập chững đến đã chín là cả một khoảng thời gian dài. Những lần tiếng sáo cất lên, đều vui tươi thanh thoát, chỉ sau cùng, khi chôn cha xong, mới bi thiết.

Tiếng sáo ấy tuy phát ra từ hơi thở của người con Út, nhưng thực sự là tiếng lòng của người cha. Vì thế, khi thổi xong, người em Út đã cắm chiếc sáo trên mộ cha. Cử chỉ này gợi nhớ đến người xưa trả kiếm bên mộ. Lòng hiếu thảo của người em Út thật khác người, bi tráng.

Tác giả cố ý không đặt tên cho các nhân vật. Chỉ nhắc đi nhắc lại, người Cha, người anh Cả, người em Út. Vậy nên, người nào cũng có thể là người Cha, người anh Cả và người em Út trong mỗi gia đình Việt Nam. Có nghĩa rằng ít nhiều người đọc bồi hồi thấy thấp thoáng hình bóng của mình trong đó.

Tiếng sáo nói lên được tiếng lòng của người cha, thì cỗ áo quan lại nói lên cả một khoảng thời gian dài từ ông nội với cái án xử bắn, với đứa con gái chết chùm một lúc bốn người không nhặt được xác để chôn, nó gợi nhớ đến một cuộc chiến tranh quá dài, dài đến nỗi không còn làm ai xúc động được nữa trước cái chết. Và tấm nhiễu đỏ, được chôn theo cha, phải chăng là máu và nước mắt từ nay hãy tan vào lòng đất để cho cây lúa lại mọc lên tươi tốt?

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Nhiều người thường nói tới cái hiện sinh mà Dương Nghiễm Mậu chịu ảnh hưởng của các trào lưu phương Tây. Tôi nghĩ, cũng chỉ là một chiếc áo mà chính họ cho là đẹp, là mới, muốn khoác lên tư tưởng Dương Nghiễm Mậu, thế thôi. Tư tưởng của ông rất Việt Nam, rất nhân hậu. Có ảnh hưởng chăng là cách viết, cách dùng câu chữ, cách dựng truyện của ông. Mỗi chi tiết đều phải thật cần thiết, phải sắp xếp sao cho thật khoa học. Từ chiếc sáo đến cỗ áo quan, cái ruột tượng của mẹ, bát cám lợn, bát cơm… đều được đặt đúng lúc đúng chỗ. Vì vậy, truyện không lan man mà chặt chẽ như một kịch bản phim. Trọng tâm của truyện là tâm hồn và nhân cách của người cha được bao quanh những lớp vỏ như một củ hành. Cái lõi cay nhất, nồng nhất nằm ở lớp vỏ tận cùng. Chỉ một cái ruột tượng của mẹ đựng đầy lúa để gối đầu cho cha, cũng đủ cho ta thấy ông yêu vợ đến thế nào. Và cũng chỉ có người con Út mới hiểu được tình yêu đó của ông.

Tôi thấy cách viết đó phảng phất như E. Hemingway viết Lão ngư ông và biển cả. Cái bộ xương cá bên cạnh chiếc thuyền tơi tả kia nếu tác giả không đưa vào truyện thì coi như đã không có một Lão ngư ông và biển cả làm xúc động cả thế giới.

Truyện cũng gợi nhớ đến Malentendu của A. Camus, ở đó người em gái Martha đã nguyền rủa người anh vắng mặt của mình với tất cả căm hận, vì thế mới đưa đến ngộ nhận đến nỗi người mẹ giết con. Ở đây, người em không kết án người anh, tuy có ít nhiều trách móc anh đã bỏ nhà đi. Vì vậy, toàn bộ câu chuyện tuy có vẻ buồn nhưng không đến nỗi trở thành bi kịch. Vẫn có chỗ cho tình anh em, tình cha con, có chỗ cho sự dung thứ. Và đó là cái khác biệt giữa một Âu châu đổ nát sau thế chiến thứ hai với một Việt Nam sau một cuộc chiến tương tàn quá dài.

Chỉ với một truyện ngắn này thôi, ta cũng đã nhìn ra được tầm vóc của một bậc thầy. Phải chăng vì vậy mà Vũ Hạnh đã dùng cái mã tấu “phản động” để “chặt” ông khi thấy tác phẩm này được tái bản?

KD – 06/12/2012