Trịnh Y Thư và ‘Theo dấu thư hương’

Trịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Theo gia đình di cư vào Nam rồi du học Hoa Kỳ 1970.

Từng giữ chức chủ biên tạp chí Văn Học thời kỳ sau Nguyễn Mộng Giác và Hoàng Khởi Phong tại California.

Viết văn, làm thơ, dịch sách.

Trịnh Y Thư thuộc thế hệ tiếp nối thế hệ dịch giả Phùng Thăng, Phùng Khánh, Vũ Kim Thư, Trần Thiện Đạo, Trần Phong Giao, Võ Lang… từng vun bồi tiểu thuyết dịch miền Nam, Trịnh Y Thư xem công việc dịch là một thao tác nhằm tái tạo cái “thần” của tác phẩm trong một tính thể khác.

Tác phẩm dịch đã xuất bản:

– Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học, 2002.

– Căn phòng riêng (A Room for One’s Own), tiểu luận văn học của nữ sĩ Virginia Woolf, Tri Thức, ấn bản thứ nhất 2009, ấn bản thứ hai 2016.

– Jane Eyre, tiểu thuyết của nữ sĩ Charlotte Bronte, Nhã Nam, 2016.

Sáng tác đã xuất bản:

– Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới, 2010.

– Chỉ là đồ chơi, tạp bút, tạp chí Hợp Lưu, 2012.

– Phế tích của ảo ảnh, thơ, VĂN HỌC Press, 2017.

– Tập sách Cái cười & Sự lãng quên. 2021

Gần đây nhất là Tập sách Cái cười & Sự lãng quên, tiểu thuyết của Milan Kundera, 2021- Và cuốn Tạp Luận ‘Theo Dấu Thư Hương’, 2022.  Nhà thơ Thận Nhiên đã có bài viết về tập sách này, mời các bạn theo dõi.

Xem thêm:   Rừng-Kinh Dương Vương. qua tranh và văn

 NGUYỄN & BẠN HỮU

Thận Nhiên

Trở về Mỹ, tôi nhận được hai cuốn sách của Trịnh Y Thư gởi tặng, tạp luận “theo dấu thư hương” và tiểu thuyết “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên” của nhà văn Milan Kundera do ông dịch. Trịnh Y Thư là người đa tài, và nặng nợ, trong lãnh vực chữ nghĩa. Ông là nhà thơ, nhà văn, dịch giả, từng là chủ bút của tạp chí Văn Học ở hải ngoại, hiện nay ông chủ trương nhà xuất bản Văn Học Press. Tôi để dành cuốn tiểu thuyết đọc sau, đọc cuốn tạp luận trước.

Tôi tò mò, và thú vị, với việc cuốn sách này được gọi là tạp luận khi dòng đầu tiên trong phần Lời ngỏ là “Cuốn sách này là những cảm nhận rời rạc của một người đọc sách.” Ông còn viết thêm sau đó, “Ðọc sách văn chương là để suy ngẫm, bởi đằng sau những câu chữ là ngôi nhà suy tưởng cho người đọc tha hồ bước vào tìm tòi, khám phá, diễn giải theo ý riêng. Và, sau khi nghĩ được điều gì mà mình cho rằng hay ho thì muốn chia sẻ. Ðó là vì sao có những bài cảm nhận mà tôi thu gom in thành tập này.

Việc đọc của tôi giới hạn lắm; tôi chẳng phải con mọt sách, cũng không tin tưởng tuyệt đối vào một hệ thống lý thuyết nào, nên những nhận định của tôi thuộc dạng cảm tính chủ quan nhiều hơn là phân tích phê bình khách quan. Ðiều này hiển nhiên bởi tôi không phải là nhà phê bình.”

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

À, thế là mình đang đọc sách của một người đọc sách luận về những cuốn sách mà ông ấy đã đọc. Luận, nhưng tác giả nói một cách khiêm tốn rằng đây là “những cảm nhận rời rạc”.

Hai chữ “thư hương” trong nhan đề của cuốn sách được diễn giải như sau:

“Xin nói đôi điều về từ “thư hương” trong nhan đề sách. “Thư hương,” theo từ điển Hán-Việt của cụ Ðào Duy Anh, được định nghĩa là “nền nếp nhà Nho.” Cụ Nguyễn Du sử dụng nó hai lần trong tác phẩm Truyện Kiều. Nhưng ngày nay nó là một từ không thấy xuất hiện rộng rãi, và hình như cũng không ghi trong các bộ từ điển tân thời.

Nếu hiểu “thư hương” là cốt cách nhà Nho thì cốt cách ấy là đọc sách, đọc để luyện chí, chứ không phải để thi đỗ làm quan. Ở điểm này, chí ít Flaubert và các nhà Nho đi cùng con đường, và có lẽ các cụ có gặp gỡ nhau, dù người trời Ðông người trời Tây.

“Theo dấu” các cụ, nói cho cùng, chẳng qua là sự bạo gan liều lĩnh của một cuồng tử mộng mơ.”

Trong cuốn sách này, ông viết về các tác giả và tác phẩm tôi kể sau đây theo thứ tự của mục lục, về văn và thơ, của những tác giả ngoại quốc và tác giả Việt Nam đương đại.

Trịnh Y Thư và ‘“Theo dấu thư hương”

– Charlotte Bronte:  Jane Eyre

– Virginia Woolf: Căn phòng riêng

– Milan Kundera: Cái cười cái nhẹ cái quên

– Jim Harrison: Huyền thoại mùa thu

– Albert Camus: Đọc lại La Peste

– Nguyễn Xuân Khánh: Chuyện ngõ nghèo

– Ngô Thế Vinh: Vòng đai xanh

– Ngô Thế Vinh: Chân dung VHNT & VH

– Cung Tích Biền: Xứ động vật

– Trần Vũ: Phép tính của một nho sĩ

– Thận Nhiên: Những ghi chép ở tầng thứ 14

– Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Gió mỗi ngày một chiều thổi

– Nguyễn Thị Khánh Minh: Bóng bay gió ơi

– Phan Thị Trọng Tuyến: Hồng đăng tại Amsterdam

– Đặng Mai Lan: Người lạ, người quen

– Nguyễn Thanh Việt: The Sympathizer

– Lại Thanhhà: Butterfly Yellow / Bướm vàng

– Nguyễn Thị Khánh Minh: Tản văn thi

– Nguyễn Lương Vị: Năm chữ ngàn câu

– Into The Gate of Imagination (về ba nhà thơ nữ Lưu Diệu Vân, Nhã Thuyên, Lưu Mê Lan)

– Giải Thơ Văn Việt 2020 (Về hai nhà thơ Nguyễn Viện và Hoàng Vũ Thuật)

Nói chuyện với nhà thơ Khế Iêm

– Phụ lục: Đối thoại với Trịnh Y Thư

Tôi đã đọc cuốn sách này một cách chậm rãi, với nhiều thú vị. Ðúng như Trịnh Y Thư nói, nó không phải là một cuốn phê bình văn học, cũng không phải là một cuốn tổng hợp những bài điểm sách, mà là, theo tôi nghĩ, với lòng lân tài của ông, những cảm nhận về văn chương được trình bày lại một cách tinh tế và thơ mộng.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Các bạn có thể liên lạc với tác giả để mua sách ở

e-mail: trinhythu2000@yahoo.com

hay ở Facebook: Van Hoc Press

TN

*Nguồn: Trang facebook Văn Học Press