Nhà thơ Du Tử Lê vừa chia tay chúng ta đi về cõi Chân Như
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông từng là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền Phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.
Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972.
Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ chống đối cộng sản quyết liệt. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, định cư ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết, từng cộng tác với đài tiếng nói Hoa Kỳ. Những năm gần đây ông thường xuyên viết tiểu luận văn học cho báo Người Việt và đứng chủ Trang Nhà Du Tử Lê.
Du Tử Lê qua đời tối ngày 7 tháng 10 tại nhà riêng ở Cali.
Du Tử Lê là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Miền Nam và ở hải ngoại.
Sinh thời, ông có cả trăm bài thơ được phổ nhạc giúp ông trở thành một trong những nhà thơ có sáng tác được phổ nhạc nhiều nhất và được nhiều thế hệ khán giả, độc giả yêu thích. Trong số đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, với “Ðêm nhớ trăng Sài Gòn”, “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”, “Quê hương là người đó” (“Xa nguồn yêu thương”), Trần Duy Ðức với “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời”, “Em hiểu vì đâu chim gọi nhau”, Nguyên Bích với “Hiến chương yêu”, Ðăng Khánh với “K. khúc của Lê”, Anh Bằng với “Khúc Thụy Du”, Phạm Duy với “Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau”, Hoàng Quốc Bảo với “Người về như bụi”, Từ Công Phụng với “Trên ngọn tình sầu”… Từ những ca khúc này, ông đã tuyển chọn để thực hiện 3 CD K Khúc của Lê năm 2001.
Ông từng có tác phẩm đăng trên Los Angeles Times (1983) và New York Times (1994). Thơ của ông được chọn dịch và phê bình trong cuốn Understanding Vietnam của giáo sư Neil L. Jamieson. Cuốn này được dùng để làm tài liệu giảng dạy tại nhiều đại học ở Mỹ và châu Âu. Ông cũng là một trong hai nhà thơ Việt Nam có thơ dịch và phê bình trong cuốn La Rage D’Etre Vietnamien của tác giả Jean Claude Pomonti (Nhà xuất bản Seuil de Paris, 1975).
Du Tử Lê còn là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ 20 có thơ được chọn in trong Tuyển tập thi ca thế giới – từ thời Thượng cổ đến hiện tại (World Poetry – An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time, NXB W.W. Norton, New York, Mỹ, tái bản 1998). Ông cũng có một số thơ, văn được chọn để giảng dạy tại vài đại học ở Mỹ và châu Âu từ năm 1981.
Những tác phẩm chính của ông gồm: Thơ Du Tử Lê (1964), Tình khúc Tháng Mười Một (1965), Tay gõ cửa đời (1967), Thơ Du Tử Lê (1967-1972), Ðời mãi ở Phương Ðông (1974), Thơ tình Du Tử Lê (1996), Ở chỗ nhân gian không thể hiểu (1985-1989), Ði với về cũng một nghĩa như nhau (1992), Chấm dứt luân hồi em bước ra (1993), Biệt khúc (2013)… Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi (thơ 1997), Chỗ Một Ðời Em Vẫn Ðể Dành, Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi, Chấm Dứt Luân Hồi Em Bước Ra (1993)
K.Khúc Của Lê, Em Hiểu Vì Ðâu Chim Gọi Nhau, Quê Hương Là Người Ðó, Vì em, tôi đã làm Sa Di (thơ 2001)…
Sau đây chúng tôi xin trích giới thiệu một vài bài thơ của Du Tử Lê để tưởng niệm người vừa ra đi.
N&BH
photo TRIẾT TRẦN
cõi tôi
cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua
cõi vui thân thể cỗi, già
cõi lang thang mượn mái nhà hư, không
cõi xanh, cõi lạnh, cõi cùng
cõi con, muốn bỏ, cõi chồng vợ, xa
cõi em muốn dạt chân về
cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên
cõi nào, cõi thật? tôi riêng?
cõi đêm máu chảy, cõi thương nhớ, trùng
cõi tôi, cõi mịt , cõi mùng
thôi em có ghé xin đừng nghỉ lâu
cõi đời đó, có chi đâu!
đêm nhớ trăng sài gòn
Ðêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây
Ngỡ hồn ta xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Ðêm về theo bánh xe qua
Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh
Nhớ em kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng trưa hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Ðêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ sầu em bến nào?
vì em tôi đã làm sa di
thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em
kinh kệ nghìn pho có một tên
viết hoa một chữ không ai hiểu
Phật bảo: kinh mà không phải kinh
thế giới vì em sẽ dịu hiền
biển đời phút chốc bỗng bình yên
cánh chim tịch mịch miền vô niệm
vô chấp, em ngồi như Quan Âm
ba nghìn thế giới quy về đây
vóc ốm em đi. Ngón cũng gầy
thấy trong Ðịa Tạng em và mẹ
Tam Bảo theo tôi: có dáng người
muông thú vì em ở với rừng
tôi vì em ở với Kim Cang
thấy nhau là một đâu còn ngã
thân chẳng riêng thì tâm nào riêng?
phá chấp. Như Lai ở dưới trần
hiện thân Bồ Tát cứu nhân gian
cây oan khuất vẫn nghìn tay vẫy
tôi vẫn nhìn em là chân kinh
xuống tóc. Theo em khép cửa đời
vào thiền để chỉ thấy viền môi
yêu nhau ai bảo tâm không trụ?
quên hết. Nhìn nhau. Nhất quán rồi.
vì em tôi biến thành sơn tự
mái đỏ tường rêu. Hoa hổ ngươi
tình tôi là thảm xin em bước
rất khẽ mà nghe đất nhớ trời
nước mắt em trên chánh điện tình
nở hoa siêu độ hoá tâm kinh
đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
và thấy trong kinh đủ bóng, hình
vì em tôi đã làm Sa Di
không đi nên ý vẫn quay về
bế quan toạ thị. Tôi và vách
em tụng kinh gì? Cho nghe đi
hôn em Bồ Tát. Chuông kinh hãi
rung hoảng vì tôi? hay cả em?